ESG và tài chính xanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Lan Ngọc

28/07/2024 14:12

Không chỉ những doanh nghiệp lớn mà ESG đang dần trở thành mục tiêu của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng và thị trường, mà còn giúp doanh nghiệp kiểm soát những rủi ro, góp phần tối ưu hóa chi phí...

1716202743371-697861709esg-1722150520.jpeg
Không chỉ những doanh nghiệp lớn mà ESG đang dần trở thành mục tiêu của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Đại dịch Covid 19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế xã hội của cả thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, việc phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hiện nay, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị doanh nghiệp yếu kém đòi hỏi phải có sự chuyển đổi nhanh chóng để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chỉ số ESG đã trở thành công cụ quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm của một doanh nghiệp.

Theo số liệu từ nhiều báo cáo uy tín gần đây, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững nói chung và cụ thể là bộ tiêu chuẩn ESG, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức; dẫn đến kết quả thực hiện ESG vẫn chưa cao.

Trong đó, thực trạng hiện nay tại Việt Nam cho thấy rằng việc tiên phong áp dụng ESG diễn ra hầu hết là doanh nghiệp lớn như FDI, doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu… Trong khi chỉ có 25% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chủ động triển khai ESG và 21% không cân nhắc triển khai ESG trong 2 đến 4 năm tới.

6l0a640920240726163806-8712-1722150275.jpeg
Các chuyên gia tại hội thảo "Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững".

Tại hội thảo "Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững", do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phối hợp Liên chi Hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) tổ chức mới đây, ông Phạm Minh Tuấn - Giám đốc kỹ thuật về ESG, Công ty Tư vấn và đào tạo SMP, nhấn mạnh nếu thực hành ESG, doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội kinh doanh mới, góp phần cực kỳ quan trọng trong sự phát triển bền vững.

Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn cung cấp chi tiết hành lang pháp lý tại Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động thực hành ESG. Việt Nam đã có những cam kết quan trọng về việc ứng phó với biến đổi khí hậu, như năm 2030 sẽ giảm phát thải khí nhà kính từ 9% (thông qua các nguồn lực trong nước) đến 27% (với sự hỗ trợ của quốc tế); Chấm dứt nạn phá rừng vào 2030; Loại bỏ dần nhiệt điện than vào 2024; Đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào 2050.

Ông đề cập về các điểm tích cực trong báo cáo ESG, gồm thúc đẩy tiêu chuẩn ESG; Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình; Tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Ở chiều ngược lại, các ‘mặt tối’ cũng được nhận diện, gồm những góc khuất trong kiểm kê khí nhà kính, trong báo cáo lộ trình NetZero hay trong báo cáo ESG tổng thể.

6l0a588020240726164047-1722150209.jpeg
Ths. Đặng Bùi Khuê - Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây, báo cáo phát triển bền vững ESG được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, ông Đặng Bùi Khuê - Giám đốc phát triển bền vững TUV Nord Việt Nam lại cho răng, nhiều doanh nghiệp đang tự công bố báo cáo phát triển bền vững nhưng lại sơ sài, thiếu sự chuẩn bị bài bản. Việc "dựng" số liệu, thiếu dữ liệu hoặc không có kế hoạch hành động cụ thể khiến tác dụng ngược. Báo cáo ESG không chân thực sẽ làm giảm niềm tin của khách hàng, hậu quả về lâu về dài vô cùng nguy hiểm.

Để có báo cáo ESG chất lượng, doanh nghiệp cần triển khai theo kế hoạch bài bản, xây dựng hệ thống quản lý, thu thập dữ liệu, đào tạo nhân viên... Qua đó, doanh nghiệp có thể xây dựng và đạt được các tiêu chuẩn ESG chất lượng.

Nhiều chuyên gia tại hội thảo đồng quan điểm, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu cho mọi doanh nghiệp. ESG đánh giá các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị của một tổ chức, đo lường khả năng của nó trong việc đáp ứng các yêu cầu bền vững và xã hội. Chính vì vậy, ESG ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản trị doanh nghiệp.

Không chỉ những doanh nghiệp lớn mà ESG đang dần trở thành mục tiêu của nhiều doanh nghiệp. Việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng và thị trường, mà còn giúp doanh nghiệp kiểm soát những rủi ro, góp phần tối ưu hóa chi phí...        

Nhiều khảo sát cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể là, Báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của UOB đã thực hiện khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp ASEAN và Trung Quốc cho thấy 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững.

Không chỉ dừng lại ở đó, mặc dù gặp phải nhiều rào cản và ESG mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã dần cam kết và thực hiện ESG.

Ông Nguyễn Võ Trường An – Phó TGĐ Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Khu công nghiệp (KCN), dù đóng góp lớn cho kinh tế, cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang hướng tới xây dựng các KCN xanh, bắt đầu từ mô hình KCN sinh thái như đã quy định trong pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp trong KCN phải nâng cao năng lực, đặc biệt là trong việc đo lường và báo cáo lượng khí nhà kính thải ra. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ tình hình hiện tại và xây dựng kế hoạch giảm phát thải một cách hiệu quả, góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.

Theo ông An, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như phát triển giao thông công cộng và giao thông thông minh, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, đồng thời xử lý chất thải hiệu quả và giảm thiểu lượng chất thải. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Lan Ngọc