Dưới bóng Quang Minh Sơn Tự

vutuan

15/06/2019 16:54

Trong một không gian đô thị ngày một trở nên chật chội, đời sống tâm linh, văn hóa thờ cúng tổ tiên của cộng đồng người Hoa ở Singapore đang có nhiều biến đổi to lớn.

Dưới bóng Quang Minh Sơn Tự

Trong một không gian đô thị ngày một trở nên chật chội, đời sống tâm linh, văn hóa thờ cúng tổ tiên của cộng đồng người Hoa ở Singapore đang có nhiều biến đổi to lớn.
Tác giả: Thiện Ngộ

* Tác giả Thiện Ngộ là một nhà sư đang học và tu tại Singapore.

Một buổi chiều cuối tháng Hai âm lịch, Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự (Kong Meng San Phor Kark See Monastery), một ngôi chùa Phật giáo Bắc tông đóng ở khu Bishan, chuẩn bị lễ cúng giỗ cho một gia đình người Hoa sống trong vùng. Người quá cố mất nhiều năm trước, có tro cốt được đặt tại chùa và từ khi qua đời đến nay, tất cả các nghi lễ từ đám tang, cúng thất, cúng thất tuần đến giỗ hằng năm đều do nhà chùa tổ chức.

Lễ cúng được Ban nghi lễ của ngôi chùa 99 năm tuổi chuẩn bị theo đúng hợp đồng đã ký giữa hai bên. Một thầy tì kheo chủ trì buổi lễ với mâm lễ cúng và giấy vàng mã để sau đó đốt cho người dưới cõi âm. Trong tiếng kinh âm trầm, người thân vái lạy hương hồn người đã khuất. Đám giỗ gọn nhẹ của thời hiện đại chỉ có vài người trong gia đình tham dự và kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Tan đi như sương khói

Hiện có chừng 5,7 triệu dân sống trên diện tích 777,5 km2 của đảo quốc Singapore. Khoảng 75% trong số này là dân gốc Hoa, vốn rất coi trọng truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên. Người ta thường tổ chức đám tang rất lớn cho người quá cố, sau đó mỗi tuần lại cúng một lần, gọi là cúng thất, cho đến 49 ngày. Hằng năm, ngày giỗ là một sự kiện tại gia rất quan trọng, là ngày họp mặt bà con, bạn bè để cùng tưởng nhớ về người đã khuất. Bên cạnh đó, các ngày lễ tết khác như Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung thu… cũng là những dịp lễ truyền thống, tâm linh quan trọng. Nhưng đấy là câu chuyện của quá khứ, cách đây vài chục năm, khi dân số Singapore chưa đông đúc như bây giờ. Đời sống đô thị hiện đại đã làm thay đổi hầu hết các sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Hoa.

Vào năm 1965, khi tách ra khỏi Malaysia, dân số đảo quốc sư tử chỉ tầm 1,9 triệu người sống trên diện tích 581,5 km2. Sau 54 năm, Singapore lấn biển, diện tích đất tăng thêm 1,3 lần nhưng trong cùng thời gian đó, dân số tăng thêm hơn ba lần. Dân số tăng nhanh tạo nên áp lực lớn về chỗ ở và các không gian cho hoạt động kinh tế và sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là đời sống tâm linh. Đời sống hiện đại khiến hầu hết các gia đình Singapore không còn giữ được mô hình tam hay tứ đại đồng đường truyền thống. Đa phần các cặp vợ chồng trẻ đều tách ra ở riêng trong các căn hộ chung cư. Mặc dù nhiều khu chung cư ngày nay có các cơ sở chức năng dành cho hoạt động tâm linh truyền thống, chẳng hạn mỗi nơi đều có lò đốt vàng mã, nhưng phong tục thờ cúng ông bà, lập bàn thờ tại nhà cho người đã khuất đang dần phai nhạt giữa một không gian đô thị chật chội. Trong cộng đồng người Hoa tại Singapore ngày nay, ngày càng ít đi cảnh khói hương nghi ngút tại nhà trong những dịp cúng giỗ hoặc lễ tết. Hoạt động tâm linh gia đình giờ đang được chuyển vào các ngôi chùa Phật giáo. Các chùa lớn như Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự có một hệ thống quản trị dịch vụ tâm linh cực kỳ chuyên nghiệp. Ngôi chùa lớn nhất Singapore này thậm chí còn sáng chế ra máy đốt vàng mã không khói, thân thiện với môi trường để phục vụ nhu cầu của người dân, cũng là khách hàng của họ. Cuộc dịch chuyển âm thầm lặng lẽ nhưng lại triệt để đến không ngờ. Có lẽ sau một, hai thế hệ nữa, phong tục thờ cúng tại gia sẽ tan biến như làn khói hương trên đồi Quang Minh này.

Dưới ba thước đất

Khái niệm “nơi an nghỉ vĩnh hằng” có lẽ cần được định nghĩa lại trong không gian chật chội của đảo quốc Singapore. Nhu cầu về đất ở và không gian sinh hoạt của người sống đã làm gia tăng áp lực lên nơi an nghỉ của người đã khuất. Hầu hết các nghĩa trang lớn đều nằm trong diện quy hoạch giải tỏa. Sau nhiều năm tranh cãi, cuối cùng chính quyền đã quyết định giải tỏa một phần nghĩa trang Bukit Brown để mở đường cao tốc, khiến cho diện tích nơi đây bị cắt xuống một nửa vào năm 2012. Kế hoạch chính thức là vào năm 2030, nơi đây sẽ là một khu nhà ở. Cũng xuất phát từ thực trạng eo hẹp về đất đai, chính sách chôn cất tại Singapore quy định người dân chỉ được thuê đất làm mộ phần nhiều nhất là 15 năm. Sau đó sẽ được cải táng để chôn cất với một diện tích nhỏ hơn hoặc hỏa táng. Xuất phát từ chính sách này, ngày càng có nhiều người dân Singapore chọn hỏa táng khi chết, để đỡ phải cảnh phiền phức cải táng sau 15 năm nữa. Một khảo sát vào năm 2011 cho thấy 80% người chết chọn được hỏa táng thay vì chôn cất trong lòng đất. Chỉ một số tôn giáo hoặc sắc dân, chẳng hạn cộng đồng Hồi giáo, không chấp nhận hỏa táng thì vẫn duy trì việc chôn cất nhưng vẫn phải tuân thủ thời hạn 15 năm.

Sau khi được hỏa táng, gia đình người đã khuất có thể chọn lưu trữ tro cốt tại nhà hoặc tại một nhà để hài cốt, hoặc rải trên vùng biển cách khoảng 1,5 hải lý (2,8 km) phía nam đảo Pulau Semakau.

Ở Singapore hiện có ba nhà hỏa táng. Nhà hỏa táng Mandai là cơ sở chính phủ duy nhất, hiện được điều hành bởi Cục Môi trường Quốc gia. Hai nhà hỏa táng còn lại thuộc về hai ngôi chùa Phật Giáo nằm cạnh nhau: Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự tại đường Bright Hill và Tự Độ Am tại đường Sin Ming. Chính phủ Singapore điều hành ba nhà để hài cốt (Mandai, Yishun và Choa Chu Kang) và 57 nơi còn lại thuộc về tư nhân, trong đó phần lớn thuộc về các ngôi chùa Phật giáo.

Do sự quá tải tại các cơ sở thuộc chính phủ, hơn nữa đa số người gốc Hoa theo Phật giáo Bắc tông, Đạo giáo hay các tín ngưỡng truyền thống người Hoa khác, vốn chia sẻ nhiều giá trị chung nên việc hỏa táng và gửi hài cốt được thực hiện chính ở các ngôi chùa. Ngoài ra người ta có thể gửi hài cốt tại nhà thờ Công giáo Church of Saint Mary of the Angels ở Bukit Batok hoặc tại cơ sở thuộc Hiệp hội Phật giáo Soka Singapore, một trường phái Phật giáo xuất phát từ hệ phái Nichiren của Nhật Bản.

Các vị trí để hài cốt có thời hạn hợp đồng hoảng 40 – 60 năm và được gia hạn sau khi hết hạn. Một vị trí thông thường trong nhà để hài cốt của chính phủ có giá khoảng dưới 900 đô la Singapore, trong khi một vị trí như vậy tại Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự có giá trung bình khoảng 4.500 đô la, thậm chí có nhiều vị trí trên 15.000 đô la.

Dịch vụ chuyên nghiệp

Đã từ rất lâu nhiều người Singapore thay vì đến nghĩa trang để viếng người thân thì họ lại đến chùa để thực hiện các nghi lễ tâm linh. Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự là nơi điều hành nhà hỏa táng lớn nhất Singapore với bốn lò hỏa thiêu chạy gằng khí đốt được nhập từ Anh với giá hơn một triệu đô la Singapore mỗi máy. Sau khi được hỏa thiêu với giá khoảng 300 đô la, tro cốt sẽ được hút hết các tạp chất bằng máy hút chuyên dụng, chỉ còn để lại các mảnh xương người đã khuất. Số xương này sẽ được đưa vào hỏa thiêu một lần nữa trong khoảng 10 phút để biến thành tro.

Người thân sau đó có thể chọn một trong ba giải pháp: hoặc là mang về nhà, hoặc mang đi rải trên biển, hoặc sẽ gửi tại chùa. Nếu chọn gửi tại chùa, một ban nghi lễ bao gồm sáu vị sư sẽ thực hành những nghi lễ theo truyền thống Phật giáo để nhập cốt vào một trong hai nhà để hài cốt tại chùa. Trong 49 ngày kể từ khi hỏa táng, cứ mỗi tuần chùa sẽ tổ chức cúng thất một lần. Do số lượng người hỏa táng quá lớn nên hầu như ngày nào tại Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự cũng đều có lễ cúng. Hiện tại chùa đang lưu giữ 100.000 hũ cốt và số lượng đang không ngừng mở rộng.

Khi bước vào một nhà để hài cốt tại Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự, người ta sẽ có cảm giác như lạc vào một thư viện khổng lồ với các dãy kệ kế tiếp nhau. Tất nhiên những chiếc kệ ở đây không dùng để kê sách mà để đặt hài cốt. Bước qua giữa những kệ hài cốt, hơi máy lạnh thổi vào khiến cho người thân đến viếng cảm thấy dễ chịu phần nào. Các nhà để hài cốt ở Singapore hầu hết đều rất hiện đại và chuyên nghiệp.

Một vị trí để hài cốt tại Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự có giá trung bình khoảng 4.500 đô la Singapore cho 40 năm hợp đồng. Giá cả cao hay thấp là tùy nhà để hài cốt loại thường hay loại có máy lạnh, cũng như tùy vị trí cao hay thấp, thuận tiện hay không thuận tiện. Mức giá lưu giữ hài cốt cao nhất ở đây lên tới 30.000 đô la (một người) với hợp đồng vĩnh viễn hay 45.000 đô la cho cặp vợ chồng với hợp đồng 40 năm. Sau khi hết hợp đồng, người thân có nghĩa vụ gia hạn hợp đồng hoặc chọn phương án khác. Tất cả giá cả đều được niêm yết công khai và phải đóng thuế cho chính phủ. Giá các nghi lễ như cúng thất, đám giỗ cũng được niêm yết rõ ràng và người dân có thể đặt qua mạng hoặc tới làm việc trực tiếp với nhà chùa.

Để giải tỏa áp lực cho các cơ sở công, hiện Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự đang có kế hoạch xây thêm một nhà để hài cốt nữa với sự hỗ trợ từ chính phủ.

Vào các dịp lễ lớn, nhất là các dịp lễ Thanh Minh, Vu Lan Báo Hiếu hoặc Thủy Lục Pháp Hội hằng năm, hàng triệu người đổ đến các ngôi chùa như lớn Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền Tự hoặc Tự Độ Am vừa để tham gia các nghi lễ Phật giáo, cũng vừa để viếng người đã khuất. Các nghi lễ truyền thống cũng được cải biến đôi chút cho phù hợp khi mà không gian hiện đại không còn đủ để phục vụ các nghi thức cổ truyền như tảo mộ vào dịp Thanh Minh nữa.

vutuan
Bạn đang đọc bài viết "Dưới bóng Quang Minh Sơn Tự" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.