Dịch COVID-19 ảnh hưởng bán lẻ online như thế nào?

caodung

28/03/2020 20:37

Trước mắt, các mặt hàng nhu yếu phẩm đang đem về lợi nhuận doanh thu lớn. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ lo lắng dịch bệnh sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu năm 2020.

Dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng khắp toàn cầu, và các nhà bán lẻ đang tự hỏi: “Dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh online như thế nào?”. Các sự kiện như Shoptalk, Adobe Summit & Magento Imagine và South by Southwest đã bị hoãn hoặc hủy. Doanh thu online tăng đột biến ở các sản phẩm liên quan đến bệnh cúm như dung dịch tẩy rửa và các sản phẩm y tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết dịch virus Corona sẽ tác động như thế nào về lâu dài, và nhiều nhà bán lẻ đang hạ dự đoán doanh thu năm nay. Các nhà bán lẻ có hàng hóa được sản xuất hoặc cung cấp từ Trung Quốc không chắc dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng ra sao, và tác động như thế nào đến nhu cầu các sản phẩm mình cung cấp.

47% trong số 304 nhà bán lẻ tin rằng doanh thu sẽ giảm phần nào do dịch bệnh, theo một khảo sát do Digital Commerce 360 thực hiện vào tháng Ba 2020. 33% nói rằng còn quá sớm để dự đoán. Tuy nhiên, phần lớn nhà bán lẻ, 58% nói rằng dịch virus sẽ tác động đến niềm tin của người tiêu dùng, và 22% nói rằng đây sẽ là tác động rất lớn vì đó là chỉ số thường được dùng để đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng về nền kinh tế.

Doanh thu tăng đột biến ở các sản phẩm sức khỏe

Doanh thu online đã tăng 52% so với cùng kỳ năm trước, và số lượng người mua online đã tăng 8,8% kể từ khi dịch bệnhbùng phát, theo Quantum Metric, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây. Công ty này đã phân tích 5,5 tỉ lượt truy cập vô danh của người Mỹ đến các website bán lẻ trên giao diện máy tính và điện thoại di động từ ngày 1.1 đến 29.2.

Nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm Bloomreach cũng nhận thấy lượng tăng tương tự đối với các website của trên 250 khách hàng là nhà bán lẻ của mình, chẳng hạn như chuỗi cửa hàng bách hóa Albertsons Cos. Cụ thể, doanh thu online tăng trong tuần từ 22 đến 29.2 so với tuần trước đó như sau:

Tăng doanh thu các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh
Tăng doanh thu các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh
Nhà bán lẻ khẩu trang Debrief Me có thể chứng thực cho sự tăng đột biến doanh thu kể từ khi khắp nơi đều có tin tức về dịch bệnh. Debrief Me bán khẩu trang nhiều màu sắc và kiểu dáng để người tiêu dùng sử dụng như biện pháp chống ô nhiễm và ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh. Họ cho biết khẩu trang của mình được thiết kế để ngăn chặn 99% chất bụi bẩn và chất độc hại trong không khí.

89 sản phẩm khẩu trang của họ được bán trên trang DebriefMe.com và Amazon.com. Công ty hoàn tất dịch vụ đơn hàng từ một nhà kho ở Georgia sau khi nhà sản xuất Trung Quốc giao sản phẩm đến Mỹ. Mặt khác, Amazon Fulfillment By Amazon, dịch vụ hỗ trợ lưu kho và chuyển hàng cho nhà bán lẻ trên Amazon, thì tự lo hoàn tất đơn hàng mình đăng bán. Nhà bán lẻ này đã từ chối cung cấp chi tiết doanh thu khẩu trang trên trang của mình so với trên trang Amazon.

Debrief Me nói rằng doanh thu của mình đã tăng gấp 10 lần kể từ khi virus Corona trở thành mối đe dọa cộng đồng. Họ cũng kịp chuyển các sản phẩm đến kho vận ở Georgia trước khi các xí nghiệp bắt đầu đóng cửa ở Trung Quốc. “Chúng tôi đã đi trước một bước, nhờ liên hệ với xưởng sản xuất và kịp xuất sản phẩm ra khỏi Trung Quốc trước Tết âm lịch và trước lệnh phong tỏa”, người sáng lập và CEO của Debrief Me, ông Matt E Silver cho biết.

Hiện công xưởng của Debrief Me ở Trung Quốc đã tiếp tục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, họ gặp vấn đề thiếu công nhân nên vẫn chưa thể sản xuất hết công xuất. Silver cho biết: “Chúng tôi đang cố xuất sản phẩm sang từ từ, bằng đường hàng không, và nguồn hàng ngày càng ít lại”.

Tuần tới, Debrief Me sẽ bắt đầu sản xuất sản phẩm khẩu trang đầu tiên ở Brooklyn, cơ sở sản xuất của họ tại New York. “Chúng tôi sẽ có thể may được khẩu trang ở ngay Brooklyn và sẽ nhanh chóng có thêm cơ sở sản xuất ở các vùng khác trên nước Mỹ”, Silver nói thêm: “Chúng tôi đang đảm bảo nguồn cung của mình ở Mỹ để chuẩn bị cho nhu cầu tăng đột biến. Và chúng tôi đang chuyển hướng để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài.”

Debrief Me đã thực hiện từ 200 đến 300 tin nhắn dịch vụ khách hàng mỗi ngày chỉ với 11 nhân sự, bán ở Trung Quốc một “lượng khổng lồ” khẩu trang, và cháy hàng ở Nhật Bản chỉ trong một ngày, Silver cho biết. Hãng bán lẻ này thông báo vào ngày 10.3, khẩu trang đã hết hàng, và triển khai nhận đơn đặt trước theo tiêu chí ai đặt trước được mua trước khi có hàng trở lại. Đến ngày 11.3, hơn 800 người đã đăng ký trong danh sách chờ.

Debrief Me cũng đang tìm kiếm cơ hội phát triển thêm 10 sản phẩm, và phát triển kế hoạch bán ở các cửa hàng bán lẻ lớn, nhưng Silver từ chối cho biết thêm chi tiết. “Chúng tôi nhận được lời mời bán từ các cửa hàng bán lẻ và đang thương thảo với hầu hết các cửa hàng lớn”, Silver nói. “Chúng tôi đang quyết liệt mở rộng thị trường ra thế giới.”

Tác động của dịch bệnh lên bán lẻ

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà bán lẻ đều tăng doanh thu. Do dịch COVID-19, chuỗi cung ứng gặp ảnh hưởng và dự đoán sẽ có ít khách đến cửa hàng hơn vì lo ngại lây nhiễm. Theo báo cáo Global Port Tracker do Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) và Hackett Associates công bố mới đây, dịch bệnh đã làm giảm lượng hàng nhập khẩu bằng container tại các cảng ở Mỹ do nhà máy đóng cửa và hạn chế đi lại ở Trung Quốc làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và hoàn tất đơn hàng.

“Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết nên chưa thể xác định đầy đủ tác động của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng”, ông Jonathan Gold, phó chủ tịch NRF phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách thuế quan cho biết. “Vì các nhà máy ở Trung Quốc đã tiếp tục trở lại hoạt động, nên giờ nguồn cung đã chảy trở lại. Nhưng vẫn còn vấn đề với vận chuyển kiện hàng, bao gồm việc thiếu tài xế chở hàng đến đầu cảng Trung Quốc. Các nhà bán lẻ đang làm việc với cả nhà cung cấp và hãng vận tải để tìm cách giảm đến mức thấp nhất gián đoạn cung ứng.”

44% các nhà bán lẻ cho rằng hàng sẽ bị chuyển đến chậm do dịch bệnh và 40% tin là sẽ xảy ra thiếu hàng lưu kho, theo khảo sát của Digital Commerce 360.

Thêm vào đó, nhiều nhà bán lẻ đã thay đổi dự báo kết quả kinh doanh năm 2020 từ tích cực sang tiêu cực, vì cho rằng doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. 36% nhà bán lẻ được khảo sát trong tháng Ba cho rằng doanh thu bán hàng online sẽ giảm do dịch bệnh trong khi chỉ có 26% nói rằng họ sẽ đạt doanh thu như dự báo.

Chẳng hạn, thị trường trực tuyến Etsy Inc, cho biết họ phụ thuộc rất ít vào nguồn cung và thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc, nên vẫn chưa ảnh hưởng gì lớn đến các nhà bán lẻ của Etsy. Etsy đứng số 18 trong danh sách mới công bố về các Thị trường Trực tuyến của Digital Commerce 360.

Urban Outfitter, đứng thứ 45 trong Top 1.000 nhà bán lẻ năm 2019 của Digital Commerce 360, đang theo dõi tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nhu cầu cho sản phẩm của mình. “Tóm lại là COVID-19 đang khiến chuỗi cung ứng bất định và nhu cầu người tiêu dùng khó nắm bắt”, CEO Dick Hayne cho biết.

CEO Erik Nordstrom cũng đề cập đến dịch virus Corona và tác động của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng của công ty bán lẻ Nordstrom trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh Quý 4 năm 2019.

“Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, với ưu tiên hàng đầu là sức khỏe của khách hàng và nhân viên”. Ông nói: “Chúng tôi có một đội chuyên theo dõi, lên kế hoạch, và ứng phó với bất kỳ tác động nào virus có thể gây ra cho việc kinh doanh. Doanh thu bán lẻ nhãn hàng riêng chiếm khoảng 10% tổng doanh thu, với chưa đến 30% sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Chúng tôi đang trao đổi với các nhà cung cấp và đối tác thương hiệu vì việc này liên quan đến công tác mua hàng. Chúng tôi đang xem xét ảnh hưởng của dịch bệnh trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và lập kế hoạch phù hợp.

CEO Brian Cornell của nhà bán lẻ Target (đứng thứ 16 trong danh sách các nhà bán lẻ hàng đầu) nói rằng nhu cầu cho các sản phẩm vệ sinh, thuốc men và thực phẩm khô đang lên cao, đồng thời lưu ý khách hàng giới hạn số sản phẩm được phép mua mỗi lần, để nhiều khách hàng có được thứ mình cần. Nhà bán lẻ cũng phải tăng nhân viên để hỗ trợ các dịch vụ đa kênh của mình, chẳng hạn mua online nhận hàng tại cửa hàng và giao nhận ngay bên lề đường. Và để đề phòng, Target sẽ vệ sinh các bề mặt như lối ra quầy tính tiền và màn hình cảm ứng 30 phút một lần ở các cửa hàng.“Trong tương lai gần và trong vài tháng tới, việc giảm lượng khách ghé các cửa hàng là mối lo lắng lớn đối với các thương hiệu. Nhưng câu hỏi lớn hơn là làm sao để trấn an nỗi sợ hãi của người tiêu dùng”, ông Tom Buiocchi, CEO của công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây - ServiceChannel nói. “Có một cách đó là đảm bảo người tiêu dùng biết rằng chúng ta rất coi trọng vấn đề sức khỏe và an toàn, bằng cách tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng cửa hàng hoặc tăng số lần dọn dẹp vệ sinh. Đây không chỉ là một vấn đề thẩm mỹ nữa; mà là một bước trong việc xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng.”

Theo Digital Commerce 360

caodung