Doanh nghiệp thịnh vượng đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Năm 2017, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tiếp tục nằm trong top 10 doanh nghiệp tư nhân trong ngành dược theo bảng xếp hạng thường niên 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn nhất do VIR thực hiện. Trong ngành mía đường, Hậu Giang được xem như thủ phủ của Đồng bằng sông Cửu Long. Là một trong những ngành nhiều năm nằm trong danh mục bảo hộ nhưng mía đường vật lộn với khó khăn triền miên, kể cả Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), vốn được xem như “anh hai” ở miền Tây Nam bộ. Những nhà sản xuất trong nước thường phàn nàn về tình trạng đường thẩm lậu vào nội địa, đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với đường lỏng nhập khẩu… hơn là công bố báo cáo thành tích xuất khẩu nông sản chế biến sâu này - một chỉ báo về năng lực cạnh tranh quốc tế. Cũng khó kỳ vọng vào tương lai ngọt ngào của ngành mía đường khi mà những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đã hoặc sẽ có hiệu lực trong ngắn và trung hạn.
Trụ sở chính của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) đặt tại Cần Thơ còn Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đóng trên địa bàn Hậu Giang từ 1.1.2004,kết quả của Nghị quyết của Quốc hội số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh mà trong đó Hậu Giang tách ra từ Cần Thơ. Đành rằng thực lực của doanh nghiệp là một quá trình nhưng việc Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc trung ương khiến địa phương này được ưu tiên phân bổ nguồn lực, đáp ứng các chỉ tiêu tương xứng đô thị loại đặc biệt, đóng vai trò thủ phủ Tây Nam bộ. Sau 15 năm thành lập, 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện của Hậu Giang vẫn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.
Hậu Giang không phải là địa phương duy nhất có xuất phát điểm thấp sau khi trung ương quyết định sắp xếp lại địa giới hành chính. Chia tách Sông Bé, phần lớn khu công nghiệp quan trọng nằm trong địa giới Bình Dương trở thành lợi thế ban đầu của đất Thủ so với người anh em Bình Phước. Ở khu vực phía Bắc chứng kiến sự bứt phá của Bắc Ninh so với Bắc Giang (tách tỉnh Hà Bắc), hay Vĩnh Phúc so với Phú Thọ (tách tỉnh Vĩnh Phú). Đây cũng là những địa phương nằm trong danh sách 13 tỉnh, thành tự chủ ngân sách, có tỷ lệ điều tiết về trung ương. Trùng hợp là những địa phương phát triển vừa nêu đều liền kề những trung tâm kinh tế ở hai đầu đất nước là TP.HCM và Hà Nội. Vị trí thuận lợi là một trọng số trong bài toán ra quyết định của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh nguồn lực của trung ương đổ vào hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, Hậu Giang nên tự bằng lòng với việc tận dụng hạ tầng sẵn có của người láng giềng Cần Thơ gồm sân bay quốc tế, cảng Cái Cui… khi tiếp cận bài toán phát triển nông nghiệp định hướng thị trường có tính đến nguồn lực và lợi thế so sánh.
Mặc dù vậy, Hậu Giang đã có một số doanh nghiệp ở khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực chế biến sâu, chẳng hạn như Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (ấp Mỹ Phú, huyện Phụng Hiệp) đầu tư công nghệ châu Âu, sản xuất nước trái cây xuất khẩu. Dẫu quy mô chưa lớn nhưng sự phát triển của doanh nghiệp này là một tín hiệu thị trường tích cực. Một liên kết thị trường khác cũng đáng lưu tâm là Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Phú ở huyện Phụng Hiệp được Công ty The Fruit Republic (Hà Lan) đóng trụ sở tại Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu mỗi năm hơn 300 tấn chanh không hạt xuất khẩu sang châu Âu.
Mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường là hướng tiếp cận mà Hậu Giang nên cân nhắc. Bán cái thị trường cần thay vì bán cái mình có. Thị trường ngày càng khắc nghiệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với phần còn lại của thế giới. Bù lại, thị trường thông minh, nên để thị trường dẫn dắt. Là nhà cái, đương nhiên chính quyền có quyền lựa chọn nhà đầu tư bằng việc sử dụng những công cụ khuyến khích, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư có nội lực, kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị định hướng thị trường quốc tế. Trở mình đúng hướng, đất khó sẽ vươn lên!
Tường Anh