Đầu tháng 4.2020, chuỗi cà phê thương hiệu Luckin đã thừa nhận khai khống doanh thu gần 40% trong Quý III và Quý IV năm 2019. Ban lãnh đạo Luckin đã đổ lỗi cho Giám đốc vận hành (COO) đã “thổi” số liệu. Niêm yết tháng 5.2019 trên sàn Nasdaq (Mỹ), Luckin là chuỗi cafe với hơn 4.500 cửa hàng chỉ mới được thành lập năm 2018 với các cửa hàng nhỏ len lỏi khắp ngóc ngách. Tốc độ tăng trưởng cửa hàng thần tốc của Luckin là thách thức lớn nhất đối với gã khổng lồ Starbucks tại Trung Quốc.
Ngày 2.4.2020, Muddy Waters Research (MW), một Quỹ chuyên bán khống, đã tuyên bố bán khống cổ phiếu LK của Luckin, đồng thời công bố một báo cáo 89 trang (không ghi danh tác giả) điều tra về việc Luckin đã khai khống số liệu doanh thu, nâng khống số liệu lượng khách vào cửa hàng bình quân trong hai quý cuối năm 2019.
“Khi Luckin niêm yết trên sàn Nasdaq vào tháng 5.2019, công ty đã thể hiện một mô hình phá vỡ những quy tắc kinh doanh căn bản khi cố gắng đưa văn hoá uống cà phê vào cộng đồng người dân Trung Quốc thông qua giảm giá sốc và miễn phí cà phê mang đi. Ngay sau đợt IPO trị giá 645 triệu USD, công ty đã bắt đầu “thổi” số liệu tài chính từ Quý 3.2019. Công ty đã công bố các số liệu tài chính cho thấy sự tăng trưởng kinh doanh không tưởng và khiến giá cổ phiếu tăng 160% chỉ trong vòng hai tháng. Và không ngạc nhiên, công ty đã không bỏ phí chút thời gian nào để huy động ngay 1,1 tỉ USD trong tháng 1.2020, sau hơn nửa năm IPO. Luckin biết rất rõ nhà đầu tư cần thông tin gì, và biết làm cách nào để tự định vị vào dạng Cổ phiếu tăng trưởng với những câu chuyện cực kỳ thú vị, cũng như biết các chỉ số chính cần thao túng để đẩy mạnh niềm tin của nhà đầu tư”. Tóm tắt báo cáo điều tra của Muddy Waters Research đã nêu như vậy. Giá mỗi cổ phiếu LK từng đạt $50, giờ đây dưới tác động của dịch bệnh cũng như sự kiện gian lận bị bại lộ, đã giảm còn hơn $6.
Trong giai đoạn trước đó, các lãnh đạo của Luckin đã bán ra 49% số cổ phiếu họ nắm giữ, tương đương 24% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành. Jim Chanos, Sáng lập và là Chủ tịch Quỹ đầu cơ Kynikos Associates nói rằng Luckin Coffee là đại diện cho những công ty đã tăng trưởng “cực kì hung hăng” bằng cách sử dụng những biện pháp dối trá nhằm che đậy chi phí, ví dụ như trả lương nhân viên bằng cổ phiếu công ty. Sẽ còn bao nhiêu lần nhà đầu tư bị đánh lừa bởi các công ty như thế này nữa? Kết quả kinh doanh được báo cáo quá tốt để đến mức siêu thực (too good to be true). Tăng tưởng 40- 50% một năm, đầy rẫy những giao dịch đáng ngờ với các công ty liên kết, có hàng loạt công ty con ở thiên đường thuế như Cayman Islands.
Giá dầu giảm mạnh làm "lộ chân tướng"
Sau vụ việc của Luckin không lâu, ngày 19.4.2020, truyền thông đồng loạt đưa tin Hin Leong Trading Pte, một trong những hãng chuyên giao dịch dầu mỏ lớn nhất Châu Á, đã che dấu khoản lỗ từ giao dịch hợp đồng tương lai dầu lên đến 800 triệu USD. Đồng thời, Hin Leong bị công khai những khoản nợ lên đến 3,85 tỉ USD từ hơn 20 ngân hàng lớn và thâm hụt tài sản khiến vốn chủ âm hơn 3 tỉ USD.
Hin Leong được hình thành từ năm 1963, sau khi ông Lim Oon Kuin, chủ tịch của công ty, hay còn được biết đến với cái tên nổi tiếng Lim O.K, đã bắt đầu cung cấp dầu diesel từ chỉ một con tàu nhỏ. Tên của công ty, Hin Leong, có ý nghĩa là “sự thịnh vượng” trong tiếng Trung Quốc và công ty đã phát triển rực rỡ sau đó và trở thành một trong những công ty giao dịch dầu độc lập lớn nhất tại châu Á với trụ sở chính tại Singapore.
Do đại dịch COVID-19, giá dầu liên tục sụt giảm mạnh khi nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới đi xuống cùng với sự ngưng trệ của kinh tế toàn cầu. Hin Leong đã đặt cược vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch có thể là chất xúc tác khiến giá dầu tăng trở lại mà không áp dụng bất kỳ biện pháp phòng hộ nào khi thực hiện giao dịch các hợp đồng dầu tương lai.
Nhưng thực tế sau đó dịch bệnh lan rộng toàn cầu đã khiến cho Hin Leong phá sản với kế hoạch đầy rủi ro này. Sức ép tài chính lớn từ thua lỗ giao dịch dầu khiến các ngân hàng bắt đầu cắt giảm hạn mức tín dụng cho hãng giao dịch dầu khổng lồ này, và những con số rất xấu được che dấu dần lộ ra.
Hin Leong buộc phải công bố con số lỗ 800 triệu USD đã bị Lim O.K chỉ đạo bộ phận kế toán bỏ khỏi báo cáo tài chính. Tổng nợ của Hin Leong
là 4,05 tỉ USD, trong đó vay hơn 20 ngân hàng là 3,85 tỉ USD, trong khi tổng tài sản được công bố chỉ 714 triệu USD, như vậy vốn chủ sở hữu bị âm 3,34 tỉ USD. Tổng nợ và vốn được trình bày trên báo cáo tài chính được kiểm toán ngày 31.10.2019 là 4,56 tỉ USD và lợi nhuận thuần 78 triệu USD. Con số hàng tồn kho trên cùng báo cáo là 1,28 tỉ USD, trong khi con số thật được báo cáo ở thời điểm tháng 4.2020 này chỉ là 141 triệu USD.
Hin Leong, đã buộc phải nộp đơn xin bảo vệ khỏi các chủ nợ lên tòa án theo Điều 211B, Luật Công ty của Singapore và đàm phán với 23 chủ nợ về việc gia hạn thời hạn trả nợ, trong đó có các ngân hàng “siêu lớn” dẫn đầu bởi HSBC, Societe Generale, Bank of China. Hai ngân hàng ABN Amro và Societe Generale đã nộp đơn yêu cầu điều tra liên quan đến vi phạm luật kế toán của Hin Leong, và cảnh sát đã phải vào cuộc.
"Cây kim trong bọc lâu ngày..."
Thực tế cho thấy rằng hành vi khai khống, làm đẹp báo cáo tài chính của những công ty như Luckin đã có mục đích rõ ràng trong việc trục lợi từ thị trường tài chính khi công ty tranh thủ giá cổ phiếu bị đẩy cao với những con số tăng trưởng thần kỳ nhưng không thật để phát hành cổ phiếu mới hút vốn, trong khi lãnh đạo công ty bán ra lượng cổ phiếu mới ở giá cao để thu lợi nhuận cho cá nhân. Đây là hành vi có chủ đích.
Trong khi với Hin Leong, việc che giấu các khoản lỗ được được nhà sáng lập công ty thừa nhận là đã diễn ra trong một thời gian dài trước khi bị phanh phui.
Nhìn lại các dữ kiện lịch sử trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sau khi Lehman Brothers, một ngân hàng đầu tư lớn bậc nhất Phố Wall, bị buộc phải tuyên bố phá sản vào tháng 9.2008, các cơ quan chức năng đã điều tra ra rằng Lehman đã gian lận kế toán che giấu các khoản nợ lớn để làm đẹp thanh khoản đồng thời khai khống doanh thu. Lehman Brothers đã lợi dụng kẽ hở của các chuẩn mực kế toán để thực hiện nghiệp vụ bán tái mua tài sản tài chính có tên gọi Repo 105 trong một thời gian dài nhằm “xào nấu” số liệu, che giấu tình trạng tài chính tồi tệ của mình.
Với các sự kiện này, chúng ta có thể nhận thấy rằng khi kinh tế khó khăn, thị trường tài chính sụt giảm đã có thể khiến một số công ty như Hin Leong, Luckin hay Lehman Brothers đã không còn đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục che giấu các khoản lỗ khổng lồ cũng như tình trạng tài chính xấu. Khi đó các gian lận kế toán dần được phơi bày trước sức ép thực sự từ thị trường tài chính, từ phía các bên có quyền lợi liên quan như ngân hàng, cơ quan giám sát, từ cổ đông, hay từ những “người thổi còi” như Muddy Waters Research trong trường hợp của Luckin.
Những thông tin bị phơi bày cho thấy “những cây kim đã ở trong bọc” một thời gian dài chứ không hẳn mới phát sinh khi nền kinh tế trì trệ.
Như thế, những sự kiện gian lận báo cáo tài chính bị phát giác cũng có thể, ngược lại, là dấu hiệu cảnh báo cho sự đi xuống của các nền kinh tế cũng như thị trường tài chính. Đó là một hồi chuông cho thị trường tài chính nói chung, là dấu hiệu cần chú ý đối với giới đầu tư cũng như các cơ quan quản lý và giám sát thị trường. Theo đó, việc hoàn thiện các quy định có liên quan trong việc giám sát các công ty có lợi ích công chúng như cơ chế quản trị công ty và công bố thông tin, các chuẩn mực kế toán, nâng cao trách nhiệm giám sát chủ động của các bên độc lập sẽ có nhiều ý nghĩa giúp ngăn ngừa những cuộc “sụp đổ” gây tổn hại lớn của các công ty gian dối.