Đợt dịch thứ 4 bùng phát khiến hàng trăm ngàn người mắc Covid-19, hàng ngàn người tử vong. Cả nước lại bước vào “cuộc chiến đấu trong thời bình” - Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động là “Chống dịch như chống giặc”.
Đã nhiều tuần qua, Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành ở phía Nam phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam còn cấm người dân ra đường từ 18h cho đến 6 giờ sáng hôm nay. Tất cả nhằm để khống chế dịch bệnh.
Thế nhưng số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu giảm, số ca tử vong thì tăng lên mỗi ngày.
Đáng lo nhất là dù đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thế nhưng tại TPHCM và Hà Nội vẫn còn nhiều người tràn ra đường. Nhiều chợ tự phát mọc lên. Nhìn những hình ảnh đó trên báo chí, nhiều người phải thốt lên "Thế này sao dập dịch nổi? Chắc lại tiếp tục giãn cách, Chính phủ, thành phố, người dân lại khổ... Sao nhiều người ý thức chán thế không biết? Bao người ra sức dập dịch thì lại có một số người vẫn vì 'cái tôi' mà làm khổ xã hội và cộng đồng".
Có người thì nêu chính kiến: "Nếu nói chống dịch như chống giặc thì chính những người đang làm khổ xã hội đó là "giặc" chứ ai nữa".
Theo Tiến sĩ Hà Sơn Thái, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, do dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu, có tốc độ lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, mà còn khiến số người tử vong ngày càng cao; được coi là vấn đề cấp bách nhất hiện nay nên “Chống dịch như chống giặc” được hiểu là sự nguy hiểm của dịch bệnh tương đương với sự nguy hiểm của giặc ngoại xâm.
Đối với Việt Nam, “trong dịch có giặc”: Đó là những kẻ “nối giáo cho giặc”, là những người giấu bệnh, khai báo y tế không trung thực, chống và trốn cách ly, không chấp hành lệnh cấm tụ tập, tiếp xúc đông người… làm lây lan dịch bệnh.
Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, nâng giá, bắt chẹt người mua, sản xuất hàng giả buôn lậu hàng hóa y tế ra nước ngoài; lợi dụng dịch bệnh để phạm tội.
Đó là những kẻ lợi dụng dịch bệnh để phao tin đồn nhảm, làm rối lòng quân, gây hoang mang trong dân gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch của Việt Nam…
Theo TS Hà Sơn Thái, đối với những người “nối giáo cho giặc” cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.
Trong quản lý xã hội, thực hiện các chủ trương, bao giờ ý thức của con người cũng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả, tiến độ, thành công. Nhưng khi người thi hành thiếu ý thức thì phải xử lý bằng các biện pháp mạnh tay, tương xứng hành vi vi phạm, thái độ cầu thị hay ngoan cố. Phải siết chặt quản lý địa bàn mới ngăn chặn dịch thành công, nhất là những thời điểm có tính quan trọng để khống chế, kiểm soát dịch.
Chính phủ nêu rõ mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; còn các địa phương khác kiểm soát dịch trước 25/8.
Các bác sĩ và tuyến đầu chống dịch thật sự đã vất vả và quá mệt rồi. Còn rất nhiều công nhân, lao động tự do mất việc đang gắng gượng từng ngày. Thành phố đã phong tỏa nhiều tuần nhưng vẫn phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới.
Đối với người dân, nếu như mỗi chúng ta không cố gắng, không đồng lòng, mỗi người không chịu san sẻ một phần khó khăn thì không biết khi nào đại dịch mới hết.
Còn đối với chính quyền, khi đưa ra một biện pháp quản lý xã hội nào đó thì nên cân nhắc, đánh giá xem giải pháp đó có chống được "giặc" hay không ? Hay đó chính là "cơ hội" để "giặc" phát triển? Nếu giải pháp quản lý đó mà làm cho lực lượng của "giặc" thêm gia tăng thì tuyệt nhiên không nên áp dụng.
Trên chiến trường đại dịch, "giặc" vô hình đã khó chống, nếu có thêm nhiều kẻ "nối giáo cho giặc" nữa thì làm sao mà dẹp hết dịch.
Xin đừng biến mình thành "giặc" trong dịch.
Hoàng Thái (Quận 5, TPHCM)
21:43 12/08/2021
Ước gì mọi người dân ở Thành phố đều được đòi bài báo này để thức tỉnh hơn.
Trần Quốc Quỳnh (Bình Phước)
21:20 12/08/2021
Bài viết quá hay. Cảm ơn tác giả đã nói hộ lòng tôi.