Chuyển đổi số là yếu tố sống còn của các cơ quan báo chí trong bối cảnh xã hội 4.0

Mai Phương

15/10/2022 09:00

Sự bùng nổ thông tin trong thời đại 4.0 vừa tạo ra cơ hội vừa là thách thức với các cơ quan báo chí, đặc biệt với xu hướng hiện nay khi số lượng báo in truyền thống sụt giảm thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí là yếu tố sống còn.

Sáng ngày 14/10 đã diễn ra Hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện – xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Hội thảo nhằm mục tiêu tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu giữa các cơ quan truyền thông đại chúng, đề xuất sáng kiến, hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam trong thời đại mới, thời đại công nghệ số.

a1-1665761709.jpg

Hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện – xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Chủ trì Hội thảo, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban KH, CN&MT, Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại và ngành báo chí không đứng ngoài cuộc. Sự bùng nổ thông tin trong thời đại 4.0 vừa tạo ra cơ hội vừa là thách thức với các cơ quan báo chí, đặc biệt với xu hướng hiện nay khi số lượng báo in truyền thống sụt giảm thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí là yếu tố sống còn.

a2-1665761708.jpg

TS. Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban KH, CN&MT, Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tuy vậy, việc chuyển đổi số không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí – đó là quan điểm của nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển. Nhìn từ góc độ của người quản lý cơ quan báo chí, ông cho rằng không chỉ cơ quan báo chí mà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí cũng phải nâng cao trình độ, năng lực để đối diện với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, chuyển đổi số là quá trình không đơn giản, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tham luận tại hội thảo, nhà báo Đặng Đình Chấn – đại diện Tạp chí Việt Nam hội nhập đưa ra 3 giải pháp căn bản để báo chí thực hiện việc chuyển đổi số.

a3-1665761708.jpg

Nhà báo Đặng Đình Chấn – đại diện Tạp chí Việt Nam hội nhập tham luận tại Hội thảo.

Thứ nhất, cơ quan báo chí phải coi trọng nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc, chọn cho mình đối tượng công chúng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tòa soạn, tránh trùng lặp thông tin. Thứ hai, cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm xây dựng tiềm lực con người – đó là đội ngũ những người làm báo vừa có tâm, có tầm và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Thứ ba, cần đầu tư xây dựng tòa soạn theo hướng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, linh hoạt, thích ứng với xu hướng phát triển của ngành báo chí, truyền thông.

“Hơn hết, chuyển đổi số cũng cần phát triển ổn định, từ từ tăng dần theo quy luật tự nhiên, hài hòa cân đối nhiều yếu tố. Nếu cố tình đột phá thật nhanh không tính tới đủ những yếu tố liên đới thì quá trình chuyển đổi có thể còn chậm hơn là tiến hành mọi sự một cách hài hòa.” Nhà báo Phạm Bích San - Khoa Truyền thông đa phương tiện ĐH Thăng Long chia sẻ tại Hội thảo.

a4-1665761708.jpg

Nhà báo Phạm Bích San - Khoa Tryền thông đa phương tiện ĐH Thăng Long chia sẻ tại Hội thảo.

Kết luận lại, TS. Lê Công Lương ghi nhận những vấn đề cấp thiết hàng đầu đặt ra cho Liên hiệp hội trong quá trình chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện. Ông nhận định, báo chí có vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, Liên hiệp hội sẽ tổng hợp những ý kiến, thảo luận và tham mưu để có thể đặt ra được những định hướng đúng đắn, đảm bảo tính ổn định cho các cơ quan báo chí trong công cuộc chuyển đổi số./.

Mai Phương