Hamlet, Othello, Lão Hà tiện, Karl Moor, Juliet, Desdemona, Ophelia, Cậu Vanya, Phồn Y là những vai diễn trong những vở diễn kinh điển mà bất kỳ nền sân khấu nào cũng phải có. Mỗi nền sân khấu bản địa lại có thêm những vở diễn kinh điển bằng ngôn ngữ riêng của mình: Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng Trúc, Vũ Như Tô,... hay Tin ở hoa hồng là những vở diễn ít ỏi mang tính kinh điển của sân khấu Việt Nam. Thể hiện được tài năng của mình trong các công trình nghệ thuật ấy, Anh Tú đã trở thành một nghệ sỹ lớn.
Cùng với ông là không ít tên tuổi rực rỡ buổi ban đầu: Trọng Trinh, Chí Trung, Đức Hải, Hoàng Dũng, Phạm Cường, Thành Lộc, Thành Hội, Công Ninh, Hoàng Cúc, Minh Trang, Minh Hòa, Minh Hằng, Lê Khanh, Lan Hương... thắp sáng sàn diễn hằng đêm từ nam chí bắc.
Không thể không thừa nhận một thực tế hiển hiện: dù có nền sân khấu dân tộc đặc sắc với cải lương, tuồng, chèo... cộng thêm với chất liệu dân gian từ bài chòi, ví dặm, quan họ... nền sân khấu Việt Nam chỉ thực sự tồn tại như một ngành nghệ thuật biểu diễn từ khi có kịch nói. Và kịch nói, để sống mỗi đêm, cần sáng đèn bằng những vở diễn mới, có thể rất nóng, rất thời sự, thậm chí rất “chợ búa”. Nhưng để trở thành “thánh đường” như nó từng là, suốt hơn một ngàn năm ở châu Âu và hơn nửa thế kỷ ở Việt Nam, mãi mãi cần những vở kinh điển với những vai kinh điển.
Từ mùa đông năm 1929, khi những người Pháp đi khai phá và cai trị thuộc địa nhớ cố hương bằng cách bê nguyên cả bản sao Nhà hát lớn Paris lẫn dàn diễn viên chính quốc sang diễn “Lão hà tiện” của Molière, Hà Nội, thành phố bé nhỏ phía Bắc Đông dương thuộc Pháp, cùng với Nhà hát Lớn của nó (khởi công từ 1896) chính thức trở thành “kinh đô” của sân khấu kịch. Các vở diễn được bán vé trước cả năm, chỉ diễn ra vào mùa đông khi các ông Tây bà đầm mẫu quốc sang trốn rét. Kịch cứ như vậy tồn tại qua Thế chiến thứ II, qua hai cuộc chiến tranh, qua bom đạn, nghèo khó và những đổi thay chính trị, để đạt đến thời hoàng kim những năm 70-80 của thế kỷ trước. Đã có thời, cùng lúc hai đoàn kịch Hà Nội và Hải Phòng cùng dựng Âm mưu và tình yêu của Friedrich Schiller, hai nghệ sỹ nam gạo cội Ngọc Thủy và Quốc Toàn cùng đua tài hằng đêm trong vai Ferdinand, và hai tài nữ “mười phân vẹn mười” Thanh Tú và Ngọc Hiền không ai chịu kém ai một tràng vỗ tay trong thân phận Milford.
Đó cũng là thời mà đạo diễn Đình Quang mang cả Người tốt thành Tứ Xuyên lẫn Vòng phấn Kavkaz của nhà viêt kịch Berthol Brek một kịch tác gia theo phương pháp gián cách còn tương đối lạ lẫm với chính khán giả châu Âu về dàn dựng trên cả sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ lẫn Nhà hát cải lương Trung ương.
Dù tỉ lệ sinh viên đại học trên đầu người thấp hơn hiện tại rất nhiều, dù số lượng người biết ngoại ngữ và tiếp cận với sách báo phim ảnh nước ngoài cũng ít hơn, kịch kinh điển vẫn được dựng, được diễn, được đón chào nồng nhiệt và là một thước đo quan trọng nhất để đánh giá tầm cỡ của một nhà hát, một đạo diễn, một diễn viên. Cũng vì thế, khi Trọng Trinh rẽ ngang đi làm minh tinh màn bạc rồi làm đạo diễn truyền hình, Đức Hải học đạo diễn sân khấu rồi quay sang đi dạy, khi Hoàng Dũng vừa làm quản lý vừa chuyên tâm đóng phim truyền hình nhiều tập, khi Chí Trung chuyển hẳn từ Romeo đẹp trai hào hoa sang những vai hài trong các tiểu phẩm cả truyền hình lẫn sân khấu, thì một Anh Tú vẫn sừng sững hằng đêm mỗi khi nhà hát đỏ đèn, từ Macbeth đến Othello, từ Âm mưu và tình yêu đến con chim xanh, từ Vũ Như Tô đến Rừng trúc, từ Tin ở hoa hồng đến Kiều Loan... bằng những vai diễn chính kịch bền bỉ và sâu sắc, như một luồng ánh sáng ấm áp trong thánh đường nghệ thuật, giữ cho rất nhiều thế hệ nghệ sỹ có chốn quay về, giữ cho khán giả một nơi tìm đến.
BAO GIỜ LẠI CÓ NGƯỜI BAY?
Là một “kép chính” thuộc loại đẹp nhất của sân khấu kịch, Anh Tú có thể sánh với Thế Anh, Hà Văn Trọng, Đức Trung, Trần Vân về ngoại hình, về diễn xuất. Và ông kết hợp được gần như hoàn hảo cả ngoại hình lẫn diễn xuất, để bền bỉ gần 40 năm trong nghề với Othello, Romeo, Macbeth, Trần Cảnh, Vũ Như Tô…Vai diễn lớn nhất của Anh Tú là Macbeth nhưng vì nó có số buổi diễn quá ít nên không phải người hâm mộ nào cũng được nhìn ông bằng xương bằng thịt trên sân khấu.
Vì vậy, vai diễn hoàn hảo nhất của Anh Tú chính là Vũ Như Tô - bi kịch lịch sử lớn nhất của Nguyễn Huy Tưởng và cũng là của sân khấu Việt Nam. Cửu Trùng đài, công trình kiến trúc vĩ đại nhất của người Việt được Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận, kiến trúc sư của nó là Vũ Như Tô. Cửu Trùng đài vĩnh viễn không bao giờ hoàn thành. Những bàn tay của thợ đá, thợ hồ thợ mộc từ hàng trăm làng quê nghèo được huy động lên Kinh thành xây tòa lâu đài này, cũng chính là những bàn tay phá hủy nó. Những con người cùng khổ ấy cho rằng vì Cửu Trùng đài mà họ phải xa vợ xa con, cha già mẹ héo không được báo hiếu, vì Cửu Trùng đài mà sưu cao càng cao, thuế nặng càng nặng.
Họ đập phá Cửu Trùng đài và giết Vũ Như Tô, người vẽ lên nó, vì không thể giết kẻ chủ mưu - vua Lê Tương Dực. Vũ Như Tô chết, trong nỗi đau đớn và sự cô đơn cùng cực: Tại sao mọi người lại căm hận tôi đến thế? Khi tôi chỉ muốn để lại cho đời một công trình đẹp đẽ?
Anh Tú là lựa chọn đầu tiên và duy nhất cho Vũ Như Tô của đạo diễn Phạm Thị Thành. Bà cho biết “đã say mê Vũ Như Tô từ lần đầu đọc kịch bản lúc còn nhỏ, đã ấp ủ sẽ có lúc dàn dựng nó trên sân khấu khi vừa tốt nghiệp đạo diễn sân khấu ở Nga, và tự dựng nó trong đầu mười mấy năm, đợi cơ hội chín muồi”. Năm 1995, cơ hội ấy đã đến khi bà làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và dàn diễn viên ngôi sao của bà như Anh Tú, Lê Khanh... thực sự “chín” để hiểu được Vũ Như Tô. Rất khó tìm được một nam diễn viên hiện đại có khả năng độc thoại như Anh Tú. Giọng ấm, nhưng vang, những khi cần ghìm xuống, giọng nói ấy không để mất một âm sắc nào.
Vũ Như Tô có ba lần độc thoại dài sau đối thoại: với Lê Tương Dực, với vợ, với Đan Thiềm. Sau đối thoại với vua là sự lo lắng vì những dọa dẫm của bạo chúa đến tính mạng người thân, sau đối thoại với vợ là nỗi chán nản lẫn cảm giác có lỗi, sau đối thoại với Đan Thiềm là nỗi vui mừng vì tìm được tri kỷ, đồng thời là sự tuyệt vọng mơ hồ vì tri kỷ ấy cũng bất lực như mình. Sân khấu Vũ Như Tô sau những màn hoạt náo của Lê Tương Dực và đám đông nổi loạn thì sự trầm lắng chiếm phần lớn thời gian, trầm lắng nhưng không tẻ nhạt, không có thời gian chết, đó là nhờ khả năng độc diễn của Anh Tú. Độc thoại bằng giọng tuyệt đẹp, nhấn chữ và nhả âm rất cao thủ, cao thủ đến mức tự nhiên. Và độc diễn bằng từng cơ mặt, từng ánh mắt, từng cái nhíu mày, từng góc miệng cười rất tiết chế. Khả năng chiếm lĩnh sân khấu cực kỳ mạnh của ông khiến người xem hoàn toàn quên thời gian, quên sự tĩnh lặng, quên hết mảng miếng sân khấu, toàn tâm toàn ý trôi theo dòng suy nghĩ đầy bất an, dằn vặt, khổ sở của Vũ Như Tô, trôi theo giấc mơ phù vân của ông về một Cửu Trùng đài nguy nga tráng lệ, niềm tự hào của những người Việt tài hoa. Để đến khi Vũ Như Tô gục xuống, cùng với sự sụp đổ của Cửu Trùng đài dang dở, dưới bàn tay của chính những người thợ mà ông phát hiện và vun xới, người xem cay đắng nhận ra rằng cái đẹp nhiều khi mong manh và vô nghĩa đến thế nào, trước một thực tại nghiệt ngã đến vậy.
Lê Khanh, người bạn diễn tuyệt vời của Anh Tú, nói rằng giờ này, có lẽ ở thế giới bên kia, cũng như Vũ Như Tô, Anh Tú lại đang xây một Cửu Trùng đài nào đó. Ông đi lại giữa chúng ta 56 năm, rồi vụt tắt. Anh Tú không bị bỏ quên, nhưng người ta hay quên mất ông là ngôi sao sáng nhất, quên mất tầm vóc thực sự của ông trong nghệ thuật kịch nói. Ông giống như một ngôi sao sáng nhất tỏa sáng trong một bầu trời bị quên lãng, hay tại chúng ta đã mất đi thói quen ngước mắt lên bầu trời.
Đỗ Thu Hà