Trước thực trạng này dư luận rất quan tâm, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Bài học đắt giá của nhà đầu tư
Mới đây, tại trụ sở Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền (14 Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) xảy ra sự việc nhiều người dân căng băng rôn đòi quyền lợi.
Theo các nhà đầu tư cho hay, ông Đỗ Quốc Huy (là Giám đốc Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền) đã kêu gọi vốn đầu tư kinh doanh nhưng không thực hiện. Đáng chú ý, sau nhiều năm dự án kinh doanh không được triển khai, công ty này lại bất ngờ đóng cửa khiến nhiều người dân vô cùng hoang mang, ôm đơn đi cầu cứu khắp nơi.
Bà Hồ Thị Ngọc Tr (58 tuổi, thường trú đường Lê Đức Thọ, P.14, Q. Gò Vấp, TP. HCM) là một trong những nạn nhân của sự việc nêu trên chia sẻ, bản thân là một giáo viên đã về hưu, thấy Huy luôn tỏ ra là người kinh doanh giỏi nên bà tin tưởng vào lời mời gọi đầu tư mang lại lợi nhuận cao của Huy đưa ra với hy vọng số tiền tích góp bao năm làm việc đem đi đầu tư sinh lời để hưởng tuổi hưu. Bà Tr cho biết, tổng số tiền đưa cho ông Huy là 2 tỷ đồng, đây là toàn bộ tài sản gia đình tích góp được qua bao năm lao động.
“Giờ tuổi hưu lại phải gồng gánh nuôi con đang bệnh, chính bản thân cũng bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống lưng bác sĩ có yêu cầu phải mổ nhưng đến hiện tại thì tôi không có tiền để chữa bệnh. Giờ gia đình hoàn toàn bế tắc, cùng cực khi có nguy cơ mất hết tài sản vì không thể liên lạc được cho Huy”- bà Tr ngậm ngùi.
Giống như bà Tr, nhiều nhà đầu tư khác trong sự việc nêu trên cũng cho biết đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì tin tưởng vào lời mời gọi đầu tư sinh lời cao này. Để có thông tin khách quan đa chiều, chúng tôi đã đến trụ sở Công ty TNHH Eternal Properties Thảo Điền (14 Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), tuy nhiên tại địa chỉ căn nhà đã đóng kín cửa không thấy người ra vào.
Cần làm gì để tránh sập “bẫy” huy động vốn
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tín (Đoàn Luật sư Tp.HCM), điểm chung của các nạn nhân sập bẫy hình thức này là thiếu hiểu biết pháp luật lĩnh vực góp vốn, đầu tư. Sau khi ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng đầu tư các đối tượng sẽ lấy tiền của người sau trả cho người trước trong thời gian đầu, nhưng một thời gian sau thì không trả mà viện nhiều lý do khác nhau. Có nạn nhân được các đối tượng dẫn đi xem cơ sở kinh doanh, các dự án đầu tư. Nhưng do thiếu hiểu biết, nhiều người không nhận diện được tính pháp lý của cơ sở kinh doanh và các dự án này, thực tế đó có thể chỉ là các cơ sở kinh doanh do người khác sở hữu mà đối tượng “thuê tạm”, sau đó nói đây là cơ sở do mình sở hữu để tạo lòng tin cho các nạn nhân, các dự án thì chỉ trên giấy tờ khống, giấy tờ giả…Chuỗi hành vi trên nhằm tạo vỏ bọc và tạo sự tin tưởng từ phía nạn nhân để các nạn nhân “xuống tiền” đầu tư”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân, việc góp vốn đầu tư vào bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyền lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên để tránh mắc vào những "cạm bẫy” đã giăng sẵn, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào. Trong nhiều ý kiến của chuyên gia, chúng tôi tổng hợp lại một số giải pháp như:
Trước khi tham gia góp vốn đầu tư người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,...nhờ chuyên gia kiểm tra pháp lý, đánh giá những rủi ro để quyết định đầu tư.
Cần phải kiểm chứng thông tin công ty quảng cáo và đặc biệt cảnh giác trước mọi lời cam kết trả lợi nhuận “siêu cao”, trả thưởng “khủng” so với thị trường. Bên cạnh đó, có những biện pháp theo dõi, giám sát, kiểm chứng mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn…