Bộ Y tế: F0 sau khi được theo dõi tại bệnh viện, nếu không có triệu chứng sẽ cho về cách ly tại nhà.

Trung Kiên (t/h)

13/07/2021 14:06

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trưa 13/7 cho biết sẽ sớm ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà ở TP HCM. Theo đó F0 sau khi được theo dõi tại bệnh viện khoảng 10-14 ngày, nếu không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà.

cach-ly-f1-tai-nha-o-binh-duong-1626158537.jpg

Một điểm cách ly F1 tại nhà ở Bình Dương

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn,  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện 10 ngày nếu không có triệu chứng có thể cho về nhà. Vì vậy, Bộ Y tế dự kiến, F0 sau khi được theo dõi tại bệnh viện khoảng 10-14 ngày, nếu không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà.

Vnexpress dẫn lời Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ban đầu sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe. Nhóm này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai thời gian qua.

"Đặc biệt, F0 cách ly tại nhà phải có hệ thống y tế kết nối trực tiếp và phản ứng hết sức linh hoạt khi có những triệu chứng báo động y tế, phải được cấp cứu đưa ngay đến các cơ sở y tế theo đúng kế hoạch đã phân công", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ trưa 13/7 với báo chí. Ông Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết phương án cách ly F0 sẽ tổ chức thí điểm tại TP HCM.

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đề xuất sau khi xem xét cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc thì  cần phân loại F0 thành các nhóm.

"F0 triệu chứng nặng hoặc người già, có bệnh nền mới cần điều trị tại cơ sở y tế. Nhóm triệu chứng nhẹ như chỉ sốt, ho, đau họng, mất khứu giác nhưng vẫn ăn uống bình thường, chụp X-quang phổi không bị tổn thương... thì cách ly tại nhà", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất.

Theo ông Nhung, nếu vẫn duy trì biện pháp bắt buộc tất cả F0 cách ly, điều trị tại bệnh viện sẽ gây tốn kém nguồn lực và "không cần thiết". Vì việc điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện đòi hỏi phải có giường bệnh đạt tiêu chuẩn về khoảng cách, cách ly. Ngoài các nhân viên y tế, điều dưỡng chăm sóc về chuyên môn, bệnh viện cần đảm bảo nhu cầu sinh hoạt như ăn uống cho F0. Nguồn lực về con người và kinh tế cho việc này rất lớn.

Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Văn Nhung cho rằng F0 được cách ly tại nhà cần đảm bảo 6 điều kiện cũng như tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cụ thể là:

1.  Bộ Y tế quy định cụ thể về việc khám sàng lọc, phân loại F0 được cách ly tại nhà, trường hợp nào phải điều trị trong bệnh viện.

2.  F0 cần đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng, nhà ở, cơ sở vật chất. Cụ thể, các hộ gia đình phải có phòng riêng, khép kín. Các phòng có thể trong khu chung cư hoặc nhà riêng. Chung cư có điều hòa trung tâm thì không nên dùng làm nơi cách ly F0, bởi dễ lây lan dịch bệnh từ đây.

3. F0 cần được gắn máy đo nồng độ oxy, hướng dẫn cụ thể cách theo dõi sức khỏe hằng ngày, cách sinh hoạt, tự cách ly tại nhà. Cán bộ y tế phải tư vấn cụ thể để F0 thường xuyên tự cập nhật và thông báo về tình hình sức khỏe như nhiệt độ, mạch đập, độ bão hòa oxy; khi có diễn biến nặng kịp thời đưa đến bệnh viện.

4. Các thành viên còn lại trong gia đình được coi là F1, cũng cần tự cách ly tại nhà. Vì vậy, việc mua đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cần có người hỗ trợ. Việc này có thể giao cho các tổ Covid-19 cộng đồng, đoàn thể địa phương và hướng dẫn cụ thể cách đảm bảo an toàn.

5. Cần quy định cụ thể việc giám sát F0 tại nhà. "Giám sát F0 tại nhà khác với F1, bởi đây là những ca dương tính, có thể lây nhiễm cho người khác nên cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn", ông Nhung lưu ý. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cần có quy trình cụ thể để nhân viên y tế địa phương vận dụng, khi nào đưa F0 đến bệnh viện; quá trình vận chuyển như thế nào... Cần tính đến phương án phải cấp cứu F0 nếu tình hình sức khỏe diễn tiến nặng nhanh.

6. Xây dựng quy trình, số lần lấy mẫu xét nghiệm cho F0 tại nhà. Nhân viên y tế có thể mặc đồ bảo hộ hai lớp, khi đến nhà F0 sẽ bỏ lớp ngoài, để không bị lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho cộng đồng.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Nhung đây là những vấn đề kỹ thuật chuyên sâu, cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn cụ thể. F0 và gia đình phải ký cam kết tuân thủ quy định khi ở nhà. Thậm chí người vi phạm sẽ xử lý hình sự. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến sáng nay 13-7, tỉ lệ F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế nhưng không có triệu chứng lâm sàng là 55,1%, số có triệu chứng nhẹ là 36,1%, 3,3% ở mức trung bình. Số còn lại có biểu hiện lâm sàng nặng, một số là nguy kịch.

 

Trung Kiên (t/h)