Khi giành được độc lập vào năm 1965, Singapore là quốc gia có thu nhập thấp với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng căn bản, vốn đầu tư và cả việc làm.
Vài thập kỷ sau, Singapore vẽ nên bức tranh không thể khác biệt hơn, trở thành một trong những quốc gia giàu nhất Châu Á, phần lớn là nhờ sự trỗi dậy của vai trò là trung logistics có hiệu suất cao nhất trong khu vực. Singapore luôn là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ năm toàn cầu năm 2016, thứ bảy toàn cầu năm 2018.
Các con số tự nói lên tất cả. Ngày nay, quốc gia với diện tích chỉ bằng một thành phố này là nơi có cảng container trung chuyển lớn nhất thế giới, liên kết với hơn 600 cảng trên toàn thế giới. Sân bay Changi của Singapore được bình chọn là sân bay tốt nhất trên thế giới và phục vụ được khoảng 6.800 chuyến bay hàng tuần đến 330 thành phố. Cuối cùng, quốc đảo nhỏ bé này vận chuyển được giá trị thương mại gấp 3,5 lần GDP của mình.
Thành tích của Singapore không phải may mắn mà có. Chúng là kết quả của sự kết hợp giữa chính sách công có tầm nhìn xa và sự tham gia sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh nghiệm này có thể làm bài học cho các quốc gia đang phát triển trên con đường cải thiện mạng lưới logistics. Có ba yếu tố chính làm nên thành công của Singapore.
Xây dựng khả năng kết nối cao
So với các đầu mối giao thông lớn khác, thị trường địa phương của Singapore tương đối nhỏ. Mạng lưới giao thông tần suất cao đến hàng trăm địa điểm trên toàn cầu không phải tự nhiên có được, mà là kết quả của chính sách chủ động mở rộng kết nối giao thông.
Là một phần trong nỗ lực mở rộng kết nối, Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore ký kết Thỏa thuận Dịch vụ Hàng không (ASA) với 130 Quốc gia và Lãnh thổ khác nhằm tăng số lượng kết nối các đường bay. Tương tự như vậy, cảng Singapore hợp tác chặt chẽ với các hãng tàu để xây dựng một trong những mạng lưới giao thông hàng hải dày đặc nhất thế giới. Singapore có một hệ thống lớn các Hiệp định thương mại tự do với hơn 30 đối tác nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường lớn. Điều này khuyến khích các công ty trong chuỗi logistics toàn cầu hoạt động từ Singapore, vì họ biết rằng có thể tin tưởng vào hệ thống giao thông tần suất cao và đáng tin cậy để tiếp cận thị trường toàn cầu một cách nhanh chóng. Trên thực tế, hệ thống giao thông hiệu quả đôi khi giúp việc chuyển hàng hóa thông qua Singapore còn nhanh hơn so với chuyển hàng trực tiếp.
Cơ sở hạ tầng và quy trình đổi mới
Theo thời gian, Singapore đã xây dựng được cơ sở hạ tầng và quy trình logistics đẳng cấp thế giới. Quốc gia này luôn suy tính đường hướng đi trước thời đại, đến sáng kiến tương lai cho từng phần của chuỗi logistics.
Sau khi hoàn thành chương trình Cảng Thế hệ Tiếp nối 2030, Singapore sẽ có năng lực xử lý tương đương 65 triệu container vận tải tiêu chuẩn, trở thành cảng vận tải tích hợp lớn nhất trên thế giới. Singapore đang khám phá các phương tiện tự động không người lái, tận dụng các cảm biến thông minh để phát hiện các bất thường trong quá trình vận chuyển như vấn đề cướp biển và phân tích dữ liệu để dự đoán các điểm tắc nghẽn.
Trong lĩnh vực hàng không, Singapore có kế hoạch tăng gấp đôi công suất sân bay. Vận chuyển hàng bằng máy bay được khuyến khích nhờ cơ sở hạ tầng và quy trình vận tải chuyên dụng. Có một Khu vực Logistics Sân bay dành riêng cho những lô hàng cần vận chuyển đúng thời điểm, kho lạnh cho hàng dễ hỏng và các cơ sở chuyển phát nhanh trong khu vực nhằm thích ứng với hoạt động thương mại điện tử đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nhân viên cũng được đào tạo thường xuyên để đảm bảo theo kịp các công nghệ mới và có các kỹ năng phù hợp để xử lý các loại hàng hóa khác nhau. Ví dụ, một trong những kho lạnh sân bay ở Singapore là trung tâm đầu tiên trên thế giới được trao Chứng nhận Dược phẩm IATA CEIV vì hiệu quả xử lý hàng hóa dược phẩm.
Để tạo thuận lợi cho thương mại, Singapore đã ra mắt hệ thống Một cửa Quốc gia đầu tiên trên thế giới vào năm 1989, trong đó, quy trình phê duyệt giấy phép thương mại được số hóa và sắp xếp hợp lý. Với hơn 35 cơ quan thuộc chính phủ trên cùng hệ thống, toàn bộ chính phủ phải thay đổi cách nghĩ của mình từ kiểm soát thương mại, tạo điều kiện cho thương mại. Ngày nay, một giấy phép có thể được phê duyệt chỉ trong vòng vài phút bằng cách sử dụng tài liệu điện tử. Tuy nhiên, mỗi lô hàng có thể liên quan đến nhiều bên và cần nhiều giấy tờ trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất đến các công ty logistics, công ty tài chính thương mại và người tiêu dùng. Hệ thống Một cửa Quốc gia vẫn tiếp tục được cải tiến, để tích hợp càng nhiều giao dịch giữa Doanh nghiệp với Doanh nghiệp càng tốt vào cùng một nền tảng kỹ thuật số duy nhất.
Khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân
Chính phủ nhận ra tầm quan trọng của việc khu vực tư nhân đóng góp vào các quyết định chính sách. Dần dần, các cơ quan vận hành cảng và sân bay được tư hữu hóa, để đảm bảo thích ứng nhu cầu của ngành vận tải. Kể từ khi tư hữu hóa, khối lượng hàng hóa của nhà vận hành cảng PSA đã tăng lên gấp nhiều lần và công ty đầu tư vào khoảng 40 bến cảng trên toàn thế giới. Sự cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực tư nhân đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành trở nên nhanh lẹ về mặt thương mại và giúp ngành logistics Singapore hoạt động hiệu quả hơn.
Chính phủ cũng thu hút các nhà đầu tư đến Singapore bằng cách đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi và phát triển các chính sách ưu đãi phù hợp khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Ngày nay, 20 trong số 25 công ty logistics hàng đầu thế giới, có trụ sở hoạt động tại Singapore. Càng có nhiều doanh nghiệp năng lực cao đến hoạt động, các công ty địa phương càng phấn đấu theo kịp tiêu chuẩn quốc tế.
Chính phủ cũng khuyến khích tham vấn rộng rãi khu vực tư nhân trước khi phê duyệt đầu tư công, để đảm bảo cơ sở hạ tầng được đầu tư đáp ứng đúng nhu cầu kinh doanh thực tế. Hơn nữa, chính phủ còn khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng phụ trợ. Ví dụ, các doanh nghiệp tư nhân như SATS và FedEx đầu tư vào các cơ sở vận tải hàng không như chuỗi kho lạnh và các công ty vận giao hàng nhanh trong khu vực, với sự giúp đỡ của chính phủ trong kế hoạch kinh doanh khi bỏ ra các khoản đầu tư đó. Các thách thức được giải quyết cùng nhau, để đầu tư mang về lợi nhuận cho khu vực tư nhân. Quan hệ đối tác mạnh mẽ của khu vực tư nhân đảm bảo các sáng kiến bền vững về giá trị kinh doanh trong dài hạn và không trở thành gánh nặng cho quỹ công.
Chính ba yếu tố: mạng lưới vận chuyển kết nối cao độ, cơ sở hạ tầng và quy trình đổi mới, và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, đã tạo nên một hệ sinh thái tích hợp tạo thuận lợi cho logistics của Singapore phát triển mạnh mẽ. Thành công của quốc đảo cho thấy, với tầm nhìn xa và quyết tâm cao, một quốc gia đang phát triển với ít nguồn lực cũng có thể trở thành trung tâm logistics hàng đầu.
Bài viết nằm trong chuyên đề "Từ TP.HCM đến Đông Nam Á"