Một nhóm nghiên cứu do Văn phòng Bình đẳng Giới do chính phủ Nhật Bản thành lập đã nêu bật những dấu hiệu cảnh báo trong một báo cáo khẩn cấp vào tháng 10 năm ngoái. Báo cáo cho biết đại dịch đang làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ như thiếu việc làm và bạo lực gia đình vốn có thể dẫn đến sự gia tăng các vụ tự tử ở phụ nữ.
“Tôi đã mất công việc bán thời gian vì đại dịch. Chồng tôi ngày nào cũng la mắng tôi là lười biếng. Nếu cuộc sống cứ tiếp diễn như thế này, tôi không biết mình sẽ ra sao. Tôi chỉ muốn biến khỏi cuộc đời này", báo cáo dẫn lời một phụ nữ nói.
Một bà mẹ đơn thân của một trẻ bị rối loạn phát triển đã tìm kiếm sự giúp đỡ sau khi dịch virus corona khiến cô buộc phải ở nhà, bị tách khỏi mạng lưới hỗ trợ mọi khi của mình. “Lúc bình thường nuôi một đứa trẻ như con tôi cũng đã đủ vất vả rồi. Bây giờ tôi còn không thể gặp gỡ với các mẹ cùng hoàn cảnh, và cũng không thể đi thăm gia đình tôi. Tôi không biết liệu tôi có thể một mình tiếp tục thế này hay không. Tôi chỉ muốn chết đi, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”, cô này nói.
Bài báo cũng cho biết, thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp đã có ảnh hưởng quá lớn đến phụ nữ, đặc biệt là những người không phải là nhân viên chính thức, vì các nhà hàng và khách sạn bị yêu cầu đóng cửa. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Nomura, trong đại dịch, có 29% phụ nữ làm công việc bán thời gian đã bị cắt giảm ca, số người bị cắt giảm hơn một nửa số giờ làm là 13%.
Ở một khía cạnh nào đó, do ảnh hưởng của đại dịch, nam giới Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng không rõ rệt so với phụ nữ. Khảo sát của Nomura xếp những người bị cắt giảm hơn một nửa số giờ làm việc trong đại dịch mà không có bất kỳ hình thức bồi thường nào là “thất nghiệp thực tế”. Theo đó, có hơn 1 triệu phụ nữ rơi vào nhóm này, trong khi đó, số nam giới là 434.000 người.
“Việc lúc này là cần cải thiện điều kiện làm việc cho phụ nữ những chính sách cụ thể cho phụ nữ, nếu chúng ta muốn hiện thực hóa một xã hội bền vững”, Takeda Kana, nhà tư vấn cấp cao của Nomura cho biết.
Vào tháng 2/2021, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một văn phòng mới nhằm giải quyết các vấn đề cô đơn và cô lập do đại dịch của người dân. Theo ông Sakamoto Tetsushi, người phụ trách công tác này cho biết, mục tiêu là để mọi người biết rằng họ không đơn độc.
“Số vụ tự tử ngày càng tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, có thể trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng nếu không được giải quyết. Chúng ta phải hiểu được những vấn đề mà người dân gặp phải và giúp đỡ họ”, ông nói.
(Nguồn: NHK, Nhật Bản)