6 tháng cuối năm 2023, kinh tế trong nước sẽ diễn biến ra sao?

Hồng Vũ

19/07/2023 06:11

Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%. Tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các tỉnh thành diễn ra vào ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cuối năm 2023 để đạt được mức tăng trưởng 6-6,5%.

Theo đó, kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, Bộ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng quý III phải đạt 6,8% và quý IV đạt 9%. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8%.

Còn ở kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5% thì mức tăng trưởng quý III phải đạt 7,4% và quý IV đạt 10,3%. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng phải đạt 8,9% thì mới hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 và  đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 với các trường hợp sau đây:

Do các chính sách, cơ chế  và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thủ tục hành chính … có độ trễ nhất định khi đi vào thực tế cuộc sống nên chưa phát huy hết hiệu quả trong 6 tháng cuối năm. Nếu 6 tháng cuối năm không tạo ra được các chuyển biến đột phá thì nhiều khả năng tăng trưởng GDP năm 2023 sẽ ở mức khoảng 5,0% (thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao 1.5 điểm %); CPI bình quân khoảng 3,5% đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay của Quốc hội.

Tuy nhiên, nếu 6 tháng cuối năm 2023 kinh tế thế giới hồi phục tốt, không phát sinh quá nhiều biến động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các chính sách tài khoá, tiền tệ, đầu tư… tháo gỡ được các khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phát huy được hiệu quả ngay thì tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam có thể đạt khoảng 5,5-6% (Dự báo tích cực, gần đạt mục tiêu của Quốc hội đặt ra cho năm 2023) và CPI khoảng 3.9 -4.3 % (vẫn đạt mục tiêu đề ra của Quốc hội đặt ra cho năm 2023).

263515922-620865352589211-8679431323550858908-n-copy-1689720697.jpeg
Nền kinh tế có trải qua nhiều khó khăn và thách thức trong 6 tháng cuối năm 2023.

Những tháng cuối năm nhiều thách thức

Theo nhận định chung của Chính phủ, 6 tháng cuối năm 2023 nền kinh tế sẽ còn nhiều thách thức, khó khăn và sức ép cho công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Cần nhìn thẳng vào sự thật là để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản,thị trường trái phiếu, môi trường kinh doanh … không phải một sáng một chiều mà phải cần thời gian lộ trình trung dài hạn Khó khăn của kinh tế thế giới.

Đặc biệt, các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, các nước khu vực Châu Âu và Trung Quốc làm  suy giảm nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo kéo dài đến 2024 - đầu 2025 mới phục hồi. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tăng trưởng xuất khẩu và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam.

Đối với thị trường BĐS, thì còn nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, vốn đầu tư trung dài hạn, ách tắc phát hành trái phiếu và chu kỳ suy giảm sẽ kéo dài, rất khó phục hồi trong năm 2023 và 2024.

Một kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, ở Việt Nam khó khăn của ngành bất động sản sẽ ảnh hưởng đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như: Xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...

Theo kết quả báo cáo "Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp" tháng 5/2023 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp: Có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát.

Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực. Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô đến cuối tháng 6 năm 2023 về lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát đã cho thấy dư địa chính sách còn khá lớn để Chính phủ tiếp tục tăng cường chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng phù hợp với thực tế thị trường và thực trạng nền kinh tế Việt Nam.

Đủ nắng hoa sẽ nở

Theo VNDIRECT, kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2023 với dự báo tăng trưởng của 6 tháng cuối năm nay đạt 7,1% svck, qua đó nâng mức tăng trưởng GDP cả năm 2023 lên 5,5% svck. Đà phục hồi trong nửa cuối năm nay được thúc đẩy chủ yếu bởi chính sách tài khóa mở rộng và môi trường lãi suất thấp hơn. Đồng thời, kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, VNDIRECT nhận thấy một số yếu tố có thể gia tăng áp lực lên tỷ giá VND trong 2H23, bao gồm (1) Lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, (2) Lạm phát trong nước có thể quay đầu tăng trở lại từ cuối quý 3/2023.

VNDIRECT cũng cho rằng, giai đoạn sóng gió của nền kinh tế đang dần qua đi, thay vào đó là những tia nắng đầu tiên của chu kỳ phục hồi. Kỳ vọng những giải pháp hỗ trợ từ cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam quay trở lại đúng quỹ đạo, bắt đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. 

Về thị trường chứng khoán, nhận thấy dòng tiền vào thị trường bắt đầu có sự hồi phục, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường dần đang được cải thiện. Do đó, tin rằng đây là thời điểm “thích hợp” đề nhà đầu tư quay trở lại thị trường và xây dựng danh mục đầu tư để đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới. "Đủ nắng hoa sẽ nở", với kỳ vọng lãi suất huy động duy trì xu hướng giảm trong những tháng tới và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi từ quý 3/2023 trở đi, thị trường chứng khoán Việt Nam xứng đáng được trả mức định giá cao hơn.

kttc1-1-1689720778.jpeg
Ảnh minh hoạ.

“Mặc dù EPS của một số DN niêm yết tăng trưởng âm trong 6T23 nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh của các DN này sẽ phục hồi trong giai đoạn 2023-2024 nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng lần lượt là 10,4% và 19,3% cho năm 2023 và 2024. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm trong 6 tháng cuối năm 2023, tương đương với P/E năm 2023 là 13,3 lần (tương ứng với mức -1 độ lệch chuẩn của P/E trung bình 10 năm). Rủi ro giảm giá bao gồm: Dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra trong bối cảnh Fed duy trì chính sách lãi suất cao và (2) suy thoái kinh tế Mỹ và châu Âu mạnh hơn dự kiến”, VNDIRECT cho hay.

Bên cạnh đó, VNDIRECT đưa ra hai luận điểm đầu tư chính cho 6 tháng cuối năm 2023. Đầu tiên là lãi suất thấp hơn sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có nợ ròng cao như xây dựng - vật liệu xây dựng và bất động sản. Ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi lãi suất huy động thường giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến ngành chứng khoán khi đây là ngành được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu margin (vay ký quỹ) tăng khi mặt bằng lãi suất giảm. Thứ hai, đầu tư công như một phần của chính sách tài khóa mở rộng vẫn là câu chuyện đầy hứa hẹn trong nửa cuối năm 2023.

Hồng Vũ