Điện thoại vẫn là ngành dẫn dắt hoạt động xuất khẩu, đạt gần 20 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm nay nhưng tốc độ tăng trưởng chững lại ở mức 2,2%. Trong khi đó, các ngành khác chứng kiến mức tăng trưởng xuất khẩu cao như gỗ, máy vi tính, giày dép, hàng dệt may, hàng nông sản với mức tăng hai chữ số.
Việt Nam là cứ điểm sản xuất của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, nhập khẩu các linh kiện, thiết bị hay nguyên phụ liệu, sau đó xuất khẩu các sản phẩm điện tử, hàng hóa dệt may, giày dép...
Kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 10,6%, đạt hơn 101 tỉ USD trong năm tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 70% xuất khẩu và 57% nhập khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp này. Hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đang chứng kiến mức tăng trưởng cao trong thời gian qua, trong đó hoạt động sản xuất thu hút lượng vốn lớn nhất.
Các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu như Samsung, Intel, LG, Panasonic... đã dịch chuyển dần dần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Singapore, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Malaysia, theo số liệu của ngân hàng Singapore DBS.