Hãng điện tử Samsung tại Việt Nam - khi dịch bệnh COVID-19 vào cuối tháng 2.2020 - ở giai đoạn bùng phát mạnh tại Trung Quốc đối mặt với nguy cơ không có nguyên liệu đầu vào sản xuất. Việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này được nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Lạng Sơn, theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).
Hiện nay, phần lớn thiết bị, nguyên vật liệu Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc được sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu, gồm cả xuất khẩu sang Hàn Quốc. Cụ thể, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỉ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỉ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỉ USD (chiếm 4,2%).
Việc gián đoạn nguồn cung linh phụ kiện nhập khẩu dự kiến sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp điện tử lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam. Việc tìm nguồn cung dự phòng trong thời gian ngắn là không khả thi do phải mất từ 6-12 tháng để các nhà sản xuất đánh giá và chấp nhận nhà cung cấp mới.
Không chỉ là vấn đề của nguồn cung, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn với đầu ra của ngành này. Các sản phẩm (trong đó bao gồm điện thoại và tivi) là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ 18,95 lên 35,45 tỉ USD với gần 90% kim ngạch xuất khẩu là từ khu vực FDI, đạt mức tăng trưởng bình quân 23,48%/năm. Đây là một trong số ít mặt hàng vừa có kim ngạch xuất khẩu lớn, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên hai con số (năm 2016 tăng 21,46%, năm 2017 tăng 37,02%, năm 2018 tăng 12,9%; năm 2019 tăng 22,61%), cho thấy tiềm năng xuất khẩu lớn ở nhóm hàng này. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc (26,58%), tiếp theo là, Mỹ, EU, Hồng Kông, Hàn Quốc.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mức độ tập trung sản phẩm xuất khẩu rất cao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của năm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất chiếm tới 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu và có xu hướng tăng. Xuất khẩu của mười mặt hàng lớn nhất chiếm 71-75% tổng kim ngạch xuất khẩu tất cả hàng hóa Việt Nam, cũng trong xu hướng tương tự.
Tuy nhiên, không chỉ là vấn đề tập trung theo sản phẩm, mức độ tập trung theo thị trường cũng đang là dấu hỏi lớn.
Một số sản phẩm có sự phụ thuộc rất lớn vào một thị trường, như dệt may (45% kim ngạch xuất khẩu là vào Mỹ); gỗ và các sản phẩm gỗ (45-50% xuất khẩu vào Mỹ); Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (53-55% vào Trung Quốc); xơ, sợi dệt (55-60% vào Trung Quốc); rau quả (70-75% vào Trung Quốc)…
Sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường mang nhiều rủi ro, khả năng chuyển hướng xuất khẩu khi các thị trường này biến động mạnh trở nên khó khăn hơn. Năm 2019, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 chỉ tăng 0,12% so với năm trước, nhưng sau mười năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này gấp 8,5 lần thời điểm năm 2009. Hiện nay có trên 11 sản phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD trong năm 2019. Nếu nhìn ở cơ cấu xuất khẩu theo thị trường, Trung Quốc luôn là một trong năm thị trường lớn nhất của hàng xuất khẩu. Phụ thuộc cả cung và cầu về xuất khẩu với Trung quốc và có xu hướng gia tăng luôn là thách thức lớn với Việt Nam khi muốn đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro như trường hợp dịch COVID-19 vừa qua.
Trong tương lai gần, xu hướng tiếp tục phụ thuộc vào thương mại với Trung quốc là khó tránh khỏi. Số liệu thống kê hai tháng đầu năm 2020 cho thấy, mặc dù Trung Quốc là nước chịu ảnh hưởng nặng nề và sớm nhất bởi dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn đạt 5,5 tỉ USD và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, chúng tôi phân loại thành bốn nhóm dựa theo quy mô và khả năng mở rộng xuất khẩu. Hầu hết ở các nhóm hàng đều có sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Có bốn nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất là hàng hóa có năng lực xuất khẩu cao.
Nhóm thứ hai có năng lực xuất khẩu cao.
Nhóm thứ ba là các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu thấp nhưng có thể tăng nhanh kim ngạch do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao. Trong giai đoạn 2016-2019, có khá nhiều mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm này, như sản phẩm từ chất dẻo, kim loại thường và sản phẩm, hóa chất, sản phẩm mây, tre và cói, đá quý, kim loại quý và sản phẩm, xơ, sợi dệt các loại, rau quả…
Các mặt hàng xơ, sợi dệt các loại và mặt hàng rau quả được xếp vào nhóm mặt hàng xuất khẩu có rủi ro cao. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu của xơ, sợi dệt Việt Nam, chiếm 56% trong tổng lượng và chiếm 57,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2019, Trung Quốc chủ động ép giá xuất khẩu sợi từ Việt Nam để giảm bớt thiệt hại từ biến động tỉ giá giữa đồng USD với đồng Nhân dân tệ, do đó, mặc dù sản lượng xuất khẩu xơ, sợi dệt sang Trung Quốc tăng hơn 22%, nhưng giá trị xuất khẩu chỉ tăng 8%.
Với mặt hàng rau quả có 70% kim ngạch xuất khẩu là sang thị trường Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu rau quả gặp nhiều khó khăn. Một phần do việc thực hiện kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc và chất lượng hàng rau quả, phần khác do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm tới 12,7%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả giảm 1,5%.
Nhóm thứ tư là các hàng hóa xuất khẩu khó khăn, các hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu thấp và chậm cải thiện, trong đó, đáng lưu ý là nhóm các sản phẩm nông sản, như: cà phê, tiêu, điều, gạo… Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 64% do nước này thay đổi cơ chế nhập khẩu và tìm được những thị trường mới. Nhóm các mặt hàng nông sản đứng trước nhiều khó khăn do cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc.
Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hóa trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia. Mối liên hệ Việt Nam và Trung Quốc càng nhiều ràng buộc hơn trong tương lai. Sau dịch bệnh, các hoạt động sản xuất dần nối lại nhưng cũng đặt ra các dấu hỏi về sự phụ thuộc trong chuỗi cung ứng.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mặc dù đã đạt được một số thỏa thuận, nhưng dự báo vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2020. Điều này cũng sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng do nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với cả hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian của Việt Nam giảm.
TS Trần Toàn Thắng