Việt Nam bắt đầu ghi danh trong thành tích nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2019, khi đứng thứ ba về sản lượng chuối xuất khẩu sang người láng giềng khổng lồ, sau Philippines và Ecuador, hai quốc gia có truyền thống sản xuất và xuất khẩu chuối lâu đời.
Với khối lượng 278 nghìn tấn, tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm 2018, các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tìm ra hướng đi mới cho thị trường đầy tiềm năng này. Khối lượng xuất khẩu chuối thực tế từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể còn cao hơn con số thống kê, do những giao dịch biên mậu ít khi được các cơ quan thống kê thu thập đầy đủ.
Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu gần 2 triệu tấn chuối, tăng 26% so với năm 2018, chiếm 28% tổng sản lượng trái cây nhập khẩu của nước này, theo Produce Report. Nhiều năm trở lại đây, chuối luôn đứng đầu danh sách trái cây nhập khẩu của Trung Quốc, đưa quốc gia này lọt tốp 15 các nước nhập khẩu chuối lớn nhất thế giới.
Khối lượng chuối nhập khẩu tại Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức hai con số trong vài năm trở lại đây, theo các báo cáo mới nhất từ Produce Report. Đầu năm 2020, khi rơi vào khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu thụ chuối của Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi được hỏi, đều cho rằng đây là giai đoạn thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao do thời tiết Trung Quốc không thuận lợi để trồng và thu hoạch chuối.
Với Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HAGL Agrico), doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có quỹ đất lớn nhất Đông Dương, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính cho loại trái cây nhiệt đới phổ biến này.
HAGL Agrico bắt đầu dịch chuyển sang mảng trồng cây ăn trái thay thế cho các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su và cọ dầu từ đầu năm 2016, với cây chanh dây được trồng ở cao nguyên Paksong (Lào). Chiến lược trồng cây ăn trái của HAGL Agrico thay đổi liên tục hàng năm với các loại cây chiến lược khác nhau. Từ chanh dây, đến nay, chuối mới là loại trái cây mang lại phần lớn doanh thu cho công ty. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico từng tuyên bố sẽ mở một chuỗi cửa hàng bán trái cây của công ty khi dự án trồng cây ăn trái vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, về sau ý định này không còn được nhắc đến.
Tính đến cuối năm 2019, HAGL Agrico trồng tổng cộng gần 8.400 héc-ta chuối và khai thác quá nửa diện tích trồng, trên địa phận ba nước Đông Dương, theo số liệu công ty công bố.
Bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc HAGL Agrico cho biết năm 2019 công ty đã xuất khẩu gần 118 nghìn tấn chuối sang Trung Quốc, tăng 10% so với năm 2018, thu về gần 1.200 tỉ đồng. Hầu hết chuối của HAGL Agrico đang được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong thời gian dịch bệnh, việc xuất khẩu chuối qua đường bộ gặp nhiều khó khăn khi biên giới bị phong toả, hiện toàn bộ chuối của công ty đang được xuất khẩu theo đường biển cho khoảng 15 khách hàng Trung Quốc.
Việc xuất khẩu đường biển cũng gặp khó khăn chút ít khi các cảng biển Trung Quốc chậm bốc dỡ hàng do thiếu nhân công và phải tuân thủ việc khử trùng các container nhập cảng. Tuy nhiên, “việc ùn ứ là không có, họ vẫn ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn như HAGL” - Bà Hạnh nói.
Hand & Hand, doanh nghiệp sở hữu vùng trồng chỉ 30 héc-ta, cũng đang tìm kiếm cơ hội tại thị trường tiềm năng này. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Hand & Hand cho biết công ty hiện đang thu mua chuối từ các vùng trồng khác để xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Là một doanh nghiệp nhỏ, Hand & Hand tham dự các buổi triển lãm nông nghiệp và tự giới thiệu sản phẩm. Với chuối, các nhà nhập khẩu “không coi trọng các tiêu chuẩn GAP” (VietGap, GlobalGap - ND) - ông Thiện cho biết. Các đối tác thường sang tìm hiểu và nhập thử một số container, nếu thấy ổn sẽ tiếp tục hợp tác.
Cuối năm 2019 đến nay, chuối Philippines, nguồn cung chuối chính của khu vực châu Á và Trung Quốc nói riêng đang đối mặt với bệnh vàng lá. Vẫn chiếm quá một nửa sản lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc, mức tăng sản lượng của Philippines năm 2019 chỉ đạt 2% trong khi sản lượng chuối từ Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi.
“Về mặt hình thức, chuối Philippines đẹp hơn chuối Việt Nam. Tuy nhiên người tiêu dùng đang dần yêu thích chuối Việt Nam hơn do vị ngọt hơn. Người Trung Quốc nhìn chung thích ngọt” - ông Thiện nhận xét.
Chuối chỉ đứng sau cà chua, loại quả vẫn đôi khi được xếp vào nhóm rau, về mức độ phổ biến trên toàn thế giới. Theo World Atlas, sản lượng chuối được tiêu thụ trên toàn thế giới là 114 triệu tấn. Là loại trái cây được trồng lâu đời, từ thế kỷ XIV, chuối đã bắt đầu được giao dịch quốc tế. Cùng với sự phát triển của ngành đường sắt và những tiến bộ công nghệ trong việc giữ lạnh, chuối được giao dịch ngày càng rộng rãi. Ngoài giá trị dinh dưỡng, hương vị và cách chế biến đa dạng, chuối còn được ưa thích nhờ lớp vỏ dày cứng cáp, dễ bóc bỏ, có thể dễ dàng cầm tay lúc ăn. Giá chuối thế giới nhìn chung tăng trưởng ổn định suốt hàng thập kỷ khiến thương mại chuối ngày càng được mở rộng bền vững.
Thực ra không phải chuối ngon là trở nên phổ biến. Chuối Cavendish (còn được gọi là chuối già Nam Mỹ) đã thắng thế hoàn toàn so với các loại chuối địa phương khác để trở thành loại chuối thương phẩm chiếm tỉ lệ tới 99%. So với các loại chuối của Việt Nam như chuối cau, chuối ngự, chuối Cavendish có phần nhạt hơn và không thơm bằng. Tuy nhiên, trong khi chuối Cavendish được khoác lên mình các thương hiệu quốc tế như Dole, Fohla,... để đàng hoàng có mặt trên bàn ăn khắp thế giới, thì chuối cau, chuối ngự chỉ có thể tiêu thụ nội địa, thậm chí trong một vùng rất nhỏ.
Chuối từ khi thu hoạch tại vườn, được đóng gói và chín dần trên các chuyến đi biển dài ngày. Trước khi được các nhà bán lẻ bày bán, chuối được ủ chín vàng đều. Tổng thời gian hành trình của một trái chuối từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng cuối cùng là khoảng 45 ngày. Thời gian lưu giữ lâu giúp chuối trở nên thuận tiện trong lưu thông, đặc biệt khi so với các loại trái cây dễ hỏng như thanh long, dưa hấu mà Việt Nam cũng đang có lợi thế đáng kể.
Cách thức đóng gói và ủ chín chuối được đúc kết qua hàng trăm năm, khiến khó có loại chuối nào có thể thay thế chuối Cavendish để trở thành chuối thương phẩm toàn cầu, cho dù căn bệnh vàng lá phổ biến trên cây đến giờ vẫn chưa có giải pháp tối ưu, triệt để.
Tại Pháp, người ta vừa cho ra mắt giống chuối mới với đặc điểm chống lại căn bệnh vàng lá, và có vị thơm ngọt hơn so với chuối Cavendish. Bước đầu, loại chuối Pointe d’Or đã được trồng thử nghiệm trên 30 héc-ta sau 20 năm nghiên cứu. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen tiêu dùng, cung cách đóng gói (chuối Pointe d’Or mềm hơn chuối Cavendish) và vận chuyển cần một thời gian có thể lâu hơn thế.
Minh Thư