Trong những ngày tháng đặc biệt này, toàn thế giới cũng như giới đầu tư đang hướng hết sự tập trung về những con số nhảy nhót từng giờ. Nhưng đó không phải là chỉ số giá của các kênh tài sản như thường ngày mà là số người lây nhiễm virus Corona chủng mới, COVID 19, đang tăng bùng nổ khắp toàn cầu. Toàn cầu hóa đã mang lại thịnh vượng cho Trung Quốc và thế giới giờ lại làm cầu nối đưa virus theo các chuyến bay nhanh chóng lây lan và bùng phát khắp nơi.
Các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới, từng thành phố, từng tòa nhà và thậm chí mỗi gia đình đều đóng cửa với bên ngoài. Tất cả mọi hoạt động xã hội ngưng trệ, đường phố không bóng người. Những điều chúng ta tưởng chỉ gặp trong phim kinh dị giờ đang ở ngay trước mắt.
Sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng cũng đột nhiên ngưng trệ. Chuỗi sản xuất toàn cầu đứt gãy. Các doanh nghiệp phải đối mặt với một tình huống mà chưa ai từng có kinh nghiệm hay chuẩn bị trước. Rủi ro ban đầu tập trung vào nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp là du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ… Nhưng khi tất cả mọi người cùng dừng mọi hoạt động và tự cách ly trong nhà thì không còn một ngành nghề nào không bị ảnh hưởng.
Trung Quốc là ví dụ đi trước rất tốt để chúng ta cùng đánh giá những gì có thể xảy ra. Nhu cầu đi lại, mua sắm nhà cửa, ô tô… giảm 80% trong tháng 2 khi cả nước cùng thực hiện cách ly. Hoạt động sản xuất của các nhà máy giảm trên 50% do thiếu công nhân và hoạt động logistics không thông suốt. Nhiều tính toán được đưa ra cho rằng GDP Trung Quốc sẽ giảm mạnh chưa từng có trong quý 1 và quý 2.
Thị trường hoảng loạn
Các nhà kinh tế và nhà đầu tư toàn cầu chung quan điểm rằng thế giới đang đi vào một giai đoạn khủng hoảng chưa có tiền lệ. Nền kinh tế Mỹ và thế giới gần như chắc chắn sẽ suy thoái trong năm 2020. Khủng hoảng và suy thoái kết thúc khi nào phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ngăn chặn ảnh hưởng của virus COVID-19 trên toàn cầu. Mọi dự báo vào lúc này đều là quá sớm…
Điều đáng sợ nhất luôn là phải đối mặt với một rủi ro mà ta chưa hiểu rõ. Khi đó hành động đồng thuận luôn là bán tháo tất cả để tìm về với tài sản an toàn nhất - tiền mặt. Trong những phiên bản hoảng loạn như vậy, ngay cả những tài sản được cho là nơi trú ẩn an toàn như vàng, trái phiếu hạng AAA cũng bị bán tháo. Các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm không phanh với biên độ kỷ lục 25-40% chỉ trong 3 tuần, mức giảm chỉ thấy trong các cuộc đại khủng hoảng 1929, 2008 và giai đoạn đen tối của 1987. Thị trường tài chính rơi sâu vào trạng thái hoảng loạn.
Các nhà đầu tư nước ngoài châm ngòi cho đợt bán tháo cổ phiếu Việt Nam kéo dài 6 tuần không dứt với tổng lượng bán ròng tính từ đầu năm lên tới mức cao nhất trong 10 năm qua. Đồng điệu với chứng khoán thế giới, VNIndex giảm 27% từ sau Tết và 40% tính từ đỉnh 1200 của 4/2018, đưa mức định giá P/E 2020 về 11.x – ngang với giai đoạn khủng hoảng 2008 và 2011. Dưới nỗi sợ hãi bao trùm của đại dịch, cả thị trường như chìm trong đêm tối vô tận.
Cùng nhìn về những điều tích cực:
Nhưng hãy cùng nhìn về phía những điều tích cực. Virus bắt nguồn từ Vũ Hán nhưng Trung Quốc đang là một điểm sáng trong công cuộc khống chế và chiến thắng bệnh dịch khi số ca nhiễm mới giảm nhanh mỗi ngày. Chỉ sau 1 tháng cách ly tuyệt đối Vũ Hán và 2 tuần cách ly nghiêm ngặt trên toàn quốc, Trung Quốc đã dần kiểm soát được số ca lây nhiễm mới vốn bùng nổ như không gì cản nổi trước đó. Tới giữa tháng 3 này, đất nước 1,4 tỷ dân này chỉ còn dưới 30 ca lây nhiễm mới mỗi ngày và hơn 10 tỉnh và nhiều thành phố lớn đã hoàn toàn sạch bóng virus COVID 19.
Hàn Quốc dù bị bùng phát dịch sau Trung Quốc một tháng cũng là một ví dụ thành công tiếp theo khi kiểm soát được đà tăng sau 10 ngày cách ly các vùng tâm dịch. Một số nước Đông Á khác như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông,Thái Lan và Việt Nam cũng là những ví dụ thành công của việc kiểm soát đà lây nhiễm của virus. Điểm chung của tất cả các quốc gia này là với kinh nghiệm chống lại dịch SARS 2003, chính phủ và người dân rất nghiêm túc trong việc giảm thiểu các hoạt động giao tiếp, chú ý những nguyên tắc vệ sinh như rửa tay và đeo khẩu trang. Việc cách ly chủ động các vùng dịch lớn và cách ly tự nguyện của các cá nhân trong xã hội đã giúp giảm mạnh tốc độ lây nhiễm của COVID 19.
Châu Âu và Mỹ là những khu vực bùng phát dịch muộn hơn và đáng lo ngại hơn cả. Các chính sách đối phó của các chính phủ được các chuyên gia dịch bệnh đánh giá là quá hời hợt và quá chậm trong khi ý thức tự bảo vệ của người dân cũng rất thấp. Tuy vậy mọi việc đang thay đổi sau khi virus bùng phát tại Italia, giết chết hơn 1.400 người với hơn 21.000 người nhiễm bệnh chỉ sau hơn 2 tuần bùng phát. Chính phủ cũng như người dân các nước EU và Mỹ đang nhanh chóng áp dụng bài học từ các nước Đông Á là lựa chọn hy sinh các hoạt động kinh tế ngắn hạn để ưu tiên kiểm soát và dập tắt đại dịch.
Tại Việt Nam, sự thận trọng của Chính phủ trong chiến lược đối phó với đại dịch ngay từ những ngày đầu tiên và ý thức tự cách ly, phòng dịch cao của người dân là yếu tố quyết định cho những kết quả tích cực. Nhờ tấm lá chắn phòng vệ vững chắc ấy, Việt Nam vẫn đang trụ vững và kiểm soát được khả năng bùng phát đại dịch trong nước dù có nền kinh tế mở và các đối tác giao thương lớn nhất chính là các tâm dịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU…
Thế giới có thể sẽ phải sống chung với COVID-19 một thời gian dài. Nhưng với sự cảnh giác và kinh nghiệm thế giới đã có, dịch bệnh sẽ được kiểm soát mức độ lây lan. Trong thời gian đó, các nhà khoa học có thêm thời gian tìm ra thuốc đặc trị, vaccine phòng, và xã hội dần hình thành miễn dịch cộng đồng đủ lớn mà không gây quá tải cho hệ thống y tế. Khi chúng ta hiểu rõ hơn về COVID-19 và cách thức kiềm chế nó, nỗi sợ hãi cũng sẽ dần biến mất.
Nhân loại đã từng trải qua nhiều thảm họa, chiến tranh, dịch bệnh trong lịch sử phát triển của mình nhưng con người luôn có khả năng thích nghi để có thể sống chung và vượt qua nghịch cảnh.
Trung Quốc là ví dụ đi trước, lệnh phong tỏa đã được gỡ bở ở hầu hết các thành phố lớn. Người Trung Quốc bắt đầu lái xe ra đường đi làm. Hơn 90% các nhà máy đã hoạt động trở lại. Quán xá, trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa… Thậm chí các công ty lữ hành Trung Quốc bắt đầu ghi nhận sự gia tăng trở lại nhu cầu du lịch cho kỳ nghỉ hè tới. Với hơn 1.4 tỷ dân Trung Quốc, thảm họa đang dần đi qua và cuộc sống đang dần quay trở lại.
Sẽ mất thêm vài tuần nữa để kiểm chứng liệu EU và Mỹ có làm được những gì Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm với COVID-19. Sau khi thế giới kiềm chế thành công dịch bệnh, có thể kỳ vọng vào một đợt phục hồi mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu, đặt biệt với các ngành sản xuất. Tuy vậy khi chưa có thuốc đặc trị và rủi ro lây nhiễm mới chưa hoàn toàn biến mất thì người tiêu dùng vẫn sẽ duy trì sự thận trọng. Điều này có thể là một trở ngại cho tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế, đặc biệt là đối với khối dịch vụ, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong GDP của các nước phát triển.
Ở một góc độ khác, Chính phủ và các Ngân hàng Ttrung ương trên toàn cầu đang nhanh chóng có những hành động để giảm ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Mặt bằng lãi suất liên tục được hạ dần về mức thấp nhất trong lịch sử, các gói giải cứu dưới dạng nới lỏng định lượng (QE) quy mô lớn được tung ra nhằm tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Các chính phủ cũng nhanh chóng đưa ra các gói kích thích và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Giá đã rất rẻ
Lịch sử các lần suy thoái trong 80 năm qua ở Mỹ ghi nhận mức giảm trung bình 30% của chỉ số S&P500 cho các lần suy thoái. Lần này thị trường chứng khoán đi trước rất xa, nó đã nhanh chóng chiết khấu rủi ro suy thoái kinh tế trong mức giảm 30% của chỉ số S&P500 chỉ trong 3 tuần giảm điểm từ đỉnh cao lịch sử. Thị trường Việt Nam đã trải qua nhiều tuần hoàn toàn chuyển động theo nhịp thở của thịtrường thế giới và chìm sâu vào mức định giá thời khủng hoảng. Nhiều cổ phiếu của những doanh nghiệp hàng đầu đã có mức định giá mới với P/E và P/B thấp nhất lịch sử. Không khó để tìm ra những cổ phiếu cho cổ tức tiền mặt trên thị giá 8-12%/năm. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành có lợi nhuận bền vững với hiệu quả ROE trên 15% bị thị trường trả về định giá dưới giá trị sổ sách, P/B <1.
Trong một môi trường lãi suất thấp nhất lịch sử, tỷ giá cũng như các cân bằng vĩ mô tốt nhất nhiều năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá ở mức rất thấp. Mức định giá này đang tạo nên một cơ hội đầu tư hấp dẫn nhất kể từ 2012.
Các nền kinh tế, bao gồm Việt Nam rồi sẽ vượt qua đại dịch để quay trở lại nhịp điệu kinh tế bình thường. Khi dịch bệnh được kiểm soát và dần qua đi, thị trường chứng khoán một lần nữa sẽ lại đi trước để phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế.
Trong giai đoạn này, việc của mỗi người là nghiêm túc cách ly chủ động để tiếp sức Chính phủ kiểm soát lây lan. Còn việc của mỗi nhà đầu tư là chuẩn bị tiền và chọn cho mình những cổ phiếu tốt trong một cơ hội lớn mà COVID-19 đang mang lại.
Lê Chí Phúc, Giám đốc quỹ đầu tư SGI