Sáu làn xe trên đại lộ Bình Dương vẫn tỏ ra chật chội dù không phải giờ cao điểm. Hàng dài xe ùn ứ, những chiếc xe tải tiến từng chút một trên cả hai chiều đến trung tâm thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) lẫn về thành phố Hồ Chí Minh.
“Chưa bao giờ đi vào cuối tuần mà kẹt xe như thế này”, một vị giám đốc công ty than phiền trên đường thăm nhà máy đặt ở Bình Dương vào sáng thứ Bảy.
Con đường huyết mạch giao thông Bắc-Nam, đóng vai trò trung chuyển hàng hoá giữa các khu công nghiệp Bình Dương đến bến cảng lớn tại TP.HCM như Cát Lái, Hiệp Phước, trở nên đông đúc hơn khi Việt Nam đang nổi lên là nơi trú ẩn an toàn của các công ty nước ngoài nhằm tránh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Nghiên cứu công bố đầu tháng sáu của Tập đoàn Nhật Bản Nomura khẳng định Việt Nam là “người thắng lớn nhất” trong chiến tranh thương mại nhờ sự dịch chuyển đơn hàng từ Mỹ và Trung Quốc sang quốc gia thứ ba. Trong quý đầu tiên của năm 2019, tổng giá trị hàng hoá mà Mỹ và Trung Quốc đặt hàng thay thế từ Việt Nam tương đương 7,9% GDP theo ước tính của ba chuyên gia kinh tế Rob Subbaraman, Sonal Varma và Michael Loo từ Nomura. Cùng với đó, làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam khiến thị trường bất động sản công nghiệp diễn ra sôi động.
Thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, Việt Nam đã nổi lên thành lựa chọn thay thế cho các nhà máy tại Trung Quốc. Ngay cả trước khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lên đỉnh điểm, một số nhà sản xuất lớn như Nike và Adidas đã kịp dịch chuyển một nửa sản lượng toàn cầu đến Việt Nam.
“Chiến tranh thương mại làm thúc đẩy quá trình ra quyết định”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nói với Nhà Quản Lý trong một buổi trò chuyện tại văn phòng đầu tháng sáu. “12 tháng qua, chúng tôi nhận thấy làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc tới Việt Nam có phần cấp bách hơn”.
“Thông thường thời gian tiến hành một dự án dịch chuyển sản xuất cần 12-18 tháng. Chiến tranh thương mại thúc đẩy quá trình đó rút ngắn xuống chỉ còn 3-4 tháng”, ông Lê Trọng Hiếu - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn và Quản lý Kinh doanh Khu công nghiệp và Văn phòng cho thuê, CBRE Việt Nam trao đổi với Nhà Quản Lý.
Cách đây một năm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế, CBRE nhận được các yêu cầu từ khách hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam tăng đột biến 30-40%. “Thời điểm đó, người ta đi chốt deal (giao dịch) rất nhanh”, ông Hiếu nhớ lại.
“Các nhà đầu tư và các công ty đang phải tìm kiếm xa hơn ở phía bắc Bình Dương và các tỉnh khác như Đồng Nai, Long An,…”, ông Hiếu cho biết. Một số khu công nghiệp hiện hữu đã lên kế hoạch mở rộng sang giai đoạn 2, giai đoạn 3… để đón làn sóng dịch chuyển nhà máy và chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tuy nhiên, nắm bắt xu thế không phải bao giờ cũng dễ dàng, ngay cả khi cơ hội đã được nhận diện từ trước. Công ty Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, dù đã đón một lượng lớn khách đến tham quan, tìm hiểu đầu tư nhưng không kịp hoàn thiện thủ tục pháp lý cho khu công nghiệp mở rộng giai đoạn 2. Lỡ nhịp thu hút đầu tư, công ty này buộc phải đặt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 giảm hơn 70% so với kết quả năm 2018.
Việc bị đẩy đến những khu vực xa khiến bài toán nhân công trở nên khó khăn hơn khi khó tìm được người phù hợp và chi phí cũng gia tăng. “Nếu thoạt nhìn chi phí lao động của Việt Nam có vẻ tương đối cạnh tranh với các quốc gia cùng khu vực, nhưng trên thực tế để giữ chân người lao động, các công ty phải trả thêm quyền lợi, điều đó có rủi ro làm gia tăng chi phí”.
“Việt Nam có lẽ chưa sẵn sàng cho cuộc dịch chuyển này. Vì nhu cầu đến vô cùng mạnh mẽ, đã bắt đầu gây áp lực lên các hệ thống về cơ sở hạ tầng, đất đai và chi phí lao động”, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.
Trong vòng năm năm qua, Việt Nam nổi lên là quốc gia đón nhận nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này đã làm tăng chi phí thuê đất, nhà xưởng và nhân công.
Hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc dựng lên thúc đẩy xu hướng trên ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn và nền xuất khẩu quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài, sự dịch chuyển này không hẳn là một tin tốt.
“Một tác động tiêu cực đối với Việt Nam là sự phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu (chiếm trên 70%), đẩy nền kinh tế vào những rủi ro bất định”, Tiến sĩ Lâm Thanh Hà viết trong một báo cáo về đầu tư FDI Trung Quốc tại Việt Nam cho Viện ISEAS-Yusof Ishak hồi tháng 4. Bên cạnh đó, điểm trừ khác của hoạt động đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam đến từ những lo lắng về môi trường.
Trong những năm gần đây, đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam đã dịch chuyển từ ngành công nghiệp nhẹ và hàng hoá tiêu dùng sang các lĩnh vực xây dựng và sản xuất - chế tạo. Theo Tiến sĩ Lâm Thanh Hà, “Việt Nam chịu rủi ro trở thành bãi rác thải công nghệ của Trung Quốc” do nhiều dự án FDI Trung Quốc sử dụng công nghệ thấp hoặc lỗi thời.
Cũng bởi lý do trên Việt Nam cần sàng lọc, và trên thực tế đã có những chủ đầu tư nước ngoài lựa chọn kỹ càng hơn hơn đối với khách thuê và cả ngành nghề hoạt động, ông Hiếu cho biết.
Bất chấp mối quan tâm rõ rệt của các công ty nước ngoài với Việt Nam thì “xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc hiện vẫn là ngắn hạn”. Vì vậy, khách thuê thường ưa thích sản phẩm như nhà xưởng xây sẵn hơn là thuê đất, ông Hiếu tiết lộ. Những giao dịch mà CBRE ghi nhận hoàn tất nhanh chóng trong vòng 3-4 tháng thường là thuê nhà xưởng. Và quan sát này cũng dẫn đến một lo lắng khác cho Giám đốc Bộ Phận Tư Vấn & Giao Dịch - Dịch Vụ Văn Phòng tại CBRE: “Cách Trung Quốc cam kết nhanh, nhưng ngưng cũng nhanh”.
Khu công nghiệp đón đầu làn sóng đầu tư
Làn sóng các dự án FDI đang đổ về các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước.
Trong chín tháng đầu năm, các khu công nghiệp đã thu hút gần 400 dự án với tổng vốn đăng ký trên 10 tỉ USD - theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việt Nam hiện có 327 khu công nghiệp với gần 3,7 triệu lao động - tương đương 6,6% lực lượng lao động cả nước.
Chiến tranh thương mại cùng những bất ổn của nền kinh tế thế giới khiến các hãng tìm địa điểm sản xuất mới, trong đó Việt Nam là một lựa chọn với lợi thế tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, lực lượng lao động dồi dào…
Mới đây, một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản, Sumitomo vừa quyết định chi 117 triệu USD để mở rộng hai trong ba khu công nghiệp tại Việt Nam mà công ty đang vận hành. 90% các doanh nghiệp có mặt tại ba khu công nghiệp này là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, theo Nikkei Asia Review.
Chính phủ Việt Nam từ đầu năm 2018 đã phê duyệt quyết định đầu tư gần 1 tỉ USD cho hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.
Bài viết: Minh Tâm
Ảnh: Bảo Zoãn, Shuttersock