Tạp chí Nhà Quản Lý: Năm 2020 đánh dấu hơn một thập kỷ trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông đánh giá chính sách tiền tệ tại Việt Nam đã có những thay đổi và tác động đáng kể nào trong vòng mười năm qua?
Ông Phạm Hồng Hải, Thành viên Hội đồng thành viên, cựu Tổng Giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam: Chính sách tiền tệ từ giai đoạn trước năm 2012 theo đuổi đa mục tiêu - kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không có mục tiêu nào được chọn là mục tiêu quan trọng nhất, nên chúng ta đã gặp nhiều khó khăn khi phải đánh đổi giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Điều này thể hiện qua tình hình lạm phát cao và kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn đặc biệt sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008.
Từ năm 2012, chính sách tiền tệ vẫn theo đuổi đa mục tiêu nhưng chọn ổn định kinh tế vĩ mô làm mục tiêu quan trọng nhất. Đây chính là một nguyên nhân giúp cho kinh tế vĩ mô, lạm phát và tỉ giá ổn định, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước mặc dù thị trường khu vực và thế giới có nhiều biến động. Lạm phát cơ bản ổn định dưới mức 2% và lạm phát bình quân dưới 4% theo đúng mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Ổn định kinh tế vĩ mô cũng chính là yếu tố rất quan trọng khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các năm vừa qua. Dòng vốn FDI tập trung vào khu vực sản xuất giúp Việt Nam chuyển dịch từ khu vực sản xuất thâm dụng nhiều lao động sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn như lĩnh vực điện tử, điện thoại di động.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất dần được hạ xuống cũng giúp giảm chi phí vay vốn và giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh. Thị trường vàng được kiểm soát tốt tránh những biến động do đầu cơ, tạo niềm tin vào đồng Việt Nam. Tín dụng được hướng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tín dụng có tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Chính sách tiền tệ cũng được phối hợp nhịp nhàng hơn với chính sách tài khóa giúp Bộ Tài Chính phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài với lãi suất ngày càng giảm.
Trong giai đoạn từ 2012 đến nay, nền kinh tế Việt Nam cũng có những giai đoạn rơi vào thời điểm khó khăn trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và việc lựa chọn giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên bàn cân. Tuy nhiên, chính sự kiên định và nhất quán của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp cho Việt Nam phát triển bền vững trong những năm vừa qua.
Gia nhập HSBC từ năm 1995, ông đã trải qua đến hai cuộc khủng hoảng (khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008). Xin ông cho biết đâu là những bài học rút ra từ kinh nghiệm làm việc và điều hành ngân hàng để vượt qua những khoảng thời gian khó khăn này?
Mọi cuộc khủng hoảng đều mang lại những bài học hết sức quý giá. Có thể nói, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 không gây nhiều tác động đến thị trường Việt Nam do nền kinh tế của chúng ta vào thời điểm đó độ mở còn thấp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009 gây tác động rất lớn lên nền kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng vì Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006 và một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đổ vào nền kinh tế Việt Nam trong thời gian ngắn. Dưới đây là một số bài học quý giá đối với tôi trong việc điều hành ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng.
Do độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, tất cả các biến động trên thị trường thế giới sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên nền kinh tế Việt Nam. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với bất kỳ biến động nào của thị trường thế giới.
Chúng ta thường lặp lại những sai lầm trong quá khứ như đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chấp nhận rủi ro lớn khi thị trường đang phát triển nóng. Thay vào đó, khi thị trường phát triển nóng, chúng ta nên đẩy mạnh quản trị rủi ro và tập trung vào phát triển bền vững.
Thanh khoản là yếu tố sống còn của ngân hàng. Các ngân hàng và doanh nghiệp thường sụp đổ nhanh chóng do gặp vấn đề về thanh khoản hơn là không tạo ra lợi nhuận. Do đó, việc duy trì tỉ lệ thanh khoản lành mạnh hết sức quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng.
Một yếu tố cũng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo ngân hàng phát triển bền vững là quản trị rủi ro. Nền tảng để quản trị rủi ro tốt chính là hệ thống ngân hàng lõi (core banking) tốt và con người phải chuẩn mực và tuân thủ chặt chẽ các quy trình. Văn hóa tuân thủ và làm điều đúng hết sức quan trọng và ban lãnh đạo sẽ phải làm gương. Nếu hệ thống ngân hàng lõi tốt nhưng mọi người đều tìm cách “lách” luật thì sẽ rất khó để định vị và đo lường được rủi ro.
Để đối phó với khủng hoảng, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, bằng các công cụ phi chuẩn (non-conventional), như nới lỏng định lượng (QE), lãi suất âm,… Ông đánh giá như thế nào về khả năng bình thường hoá trở lại sau chu kỳ siêu nới lỏng tiền tệ lịch sử này? Liệu có tồn tại rủi ro và thách thức lớn hay không, đối với chính sách tiền tệ tại châu Á và các nền kinh tế đang phát triển nếu quá trình “bình thường hoá” diễn ra nhanh chóng tại các nền kinh tế phát triển?
Hiện chúng ta vẫn chưa hiểu hết được những tác động tạo ra bởi chính sách tiền tệ với các công cụ phi truyền thống như nới lỏng định lượng hoặc lãi suất âm. Tuy nhiên, nếu các công cụ phi truyền thống không được sử dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, nền kinh tế thế giới có lẽ vẫn sẽ chưa vượt qua được khủng hoảng. Thực tế cho thấy, khi ngân hàng trung ương (NHTW) các nước không còn nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất, họ buộc phải sử dụng các công cụ phi truyền thống và đây có lẽ sẽ là chuẩn mực mới (new norm) chúng ta phải chấp nhận.
NHTW các nước hiện đang bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng việc giảm dần nới lỏng định lượng và nâng dần mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, điều này có vẻ sẽ vẫn chưa thực hiện được trong thời gian tới khi kinh tế thế giới mặc dù đã bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng nhưng vẫn chưa quay lại chu kỳ tăng trưởng kinh tế trước khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lạm phát hiện cũng ở mức thấp nên dư địa để nâng mặt bằng lãi suất lên sẽ rất khó. Các nhà kinh tế học vẫn đang đau đầu để tìm hiểu tại sao tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống rất thấp tại các nước phát triển nhưng mặt bằng lương vẫn không tăng mạnh và lạm phát vẫn ở mức thấp. Tác động của công nghệ và sự già hóa dân số có thể là một trong những nguyên nhân của tình trạng hiện nay.
Thực tế cho thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau khi nâng lãi suất trong năm 2018 đã phải ngay lập tức quay lại chu kỳ giảm lãi suất trong năm 2019 do kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. NHTW thường phải cắt giảm lãi suất 500 điểm khi có khủng hoảng xảy ra. Nếu khủng hoảng xảy ra ở thời điểm hiện nay, NHTW các nước phát triển hầu như không có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ thị trường. Chính sách tài khóa sẽ cần được sử dụng để đỡ gánh nặng cho chính sách tiền tệ trong giai đoạn khủng hoảng.
Nếu NHTW các nước phát triển đồng loạt bình thường hóa lại chính sách tiền tệ, thị trường tài chính châu Á và thế giới sẽ gặp cú sốc rất lớn do tỉ lệ vay nợ/GDP tại thị trường châu Á thực tế đã tăng rất mạnh sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 do chi phí vay vốn các đồng tiền mạnh đã giảm rất nhanh. Ở thời điểm hiện nay, mặc dù tỉ lệ nợ/GDP đã giảm trong vài năm vừa qua, tỉ lệ này vẫn còn cao hơn so với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Do đó, nếu chính sách tiền tệ được bình thường hóa lại, lãi suất các đồng tiền mạnh sẽ tăng mạnh trở lại và các đồng tiền trong khu vực châu Á sẽ chịu áp lực phá giá rất mạnh. Chi phí vay vốn bằng ngoại tệ và biến động tỉ giá sẽ tạo áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp.
Nhưng thực tế là NHTW các nước phát triển hiện vẫn đang chật vật để tìm cách bình thường hóa lại chính sách tiền tệ và có vẻ khả năng này vẫn chưa khả thi trong thời gian tới. Mặc dù khả năng bình thường hóa chính sách tiền tệ của các thị trường đã phát triển chưa cao, các nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn hiện nay nên tập trung nâng cao năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngoại tệ, phát triển thị trường vốn trong nước và giảm dần dư nợ vay/ GDP để có thể phát triển bền vững.
Khác với hầu hết các nước trên thế giới, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn theo đuổi đa mục tiêu: đảm bảo sự phát triển của hệ thống tiền tệ - ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng,… Chính sách hỗn hợp (Policy mix) - sự phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác nhằm đảm bảo vĩ mô thận trọng (Macroprudential) - đã được áp dụng.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải đối mặt với thách thức như thế nào khi tiếp tục theo đuổi định hướng trên và có nên hay không từ bỏ một số mục tiêu không phải là cốt lõi của một ngân hàng trung ương truyền thống?
Theo lý thuyết, NHTW các nước cần độc lập khỏi Chính phủ và theo đuổi một mục tiêu là duy trì sự ổn định của giá cả, chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu. Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, vai trò của một số NHTW đã được xem xét lại do nền kinh tế của nhiều nước tăng trưởng hết sức chậm chạp. Một số NHTW có thêm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoặc tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế.
Do đặc thù của Việt Nam, Thống đốc NHNN Việt Nam cũng là một thành viên quan trọng của Chính phủ. Do đó, NHNN không độc lập và cũng đảm nhiệm nhiều mục tiêu của Chính phủ như ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Do đa mục tiêu, NHNN có lúc gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu này đặc biệt trong giai đoạn các mục tiêu này có khả năng đối nghịch nhau. Tuy nhiên, NHNN đã thực hiện rất tốt các mục tiêu này kể từ 2012 cho đến nay khi xác định ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là yếu tố quan trọng nhất khi các mục tiêu đối nghịch nhau.
Theo đuổi một mục tiêu hiện vẫn chưa khả thi cho NHNN trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế và hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình cải cách. Khi nền kinh tế hoạt động hiệu quả và ổn định trong trung hạn, NHNN có thể xem xét theo đuổi một mục tiêu duy nhất là mục tiêu lạm phát và dỡ bỏ dần các quy định hành chính quản lý thị trường.
Chất lượng tín dụng của Việt Nam là câu hỏi lớn đối với chính sách tiền tệ. Trung bình trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần 1,01 đồng tín dụng để tạo ra 1 đồng GDP, nhưng đến giai đoạn 2016-2019 thì cần tới 1,30 đồng, tăng 28%. Làm thế nào để cải thiện hiệu quả của tín dụng?
Tín dụng luôn là yêu cầu rất lớn của các doanh nghiệp khi Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của phát triển và các doanh nghiệp cần vốn để có thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước đây hiệu quả và chất lượng tín dụng của Việt Nam thường gặp nhiều vấn đề do tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, chuẩn mực hoạt động của hệ thống ngân hàng không đồng nhất, số lượng các ngân hàng nhiều và chất lượng hoạt động của các ngân hàng cũng rất khác nhau dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng.
Trong vài năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng được giảm dần trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ở mức cao. Điều này được thực hiện do chuẩn mực hệ thống ngân hàng đang ngày càng được nâng cao (ví dụ việc áp dụng Basel II vào đầu năm nay), việc xử lý các ngân hàng hoạt động yếu kém được thực hiện quyết liệt, vốn tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tín dụng vào các khu vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh chứng khoán hay bất động sản được kiểm soát chặt. Bản thân các ngân hàng cũng đã rút ra được nhiều bài học xử lý nó sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Các ngân hàng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tăng thu nhập từ lĩnh vực phi dịch vụ và đa dạng hóa các sản phẩn dịch vụ ngân hàng. Cuối cùng, tính tuân thủ pháp luật cũng đã từng bước được cải thiện.
HSBC từng thu xếp nhiều giao dịch vốn lớn (chẳng hạn như năm 2018 cho tập đoàn Vingroup và công ty con Vinfast để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô). Từ thế mạnh và kinh nghiệm về thu xếp nguồn vốn, ông có cho rằng đang có sự chuyển dịch trong nền kinh tế Việt Nam từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành thâm dụng vốn?
Đúng là đang có sự chuyển dịch trong nền kinh tế Việt Nam từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành thâm dụng vốn. Chi phí lao động của Việt Nam tăng đều mỗi năm và chúng ta hiện nay không còn là nền kinh tế có chi phí nhân công giá rẻ nữa. Ngoài ra, với một lượng lớn các doanh nghiệp được thành lập (đặc biệt các doanh nghiệp FDI lớn), chúng ta bắt đầu thấy hiện tượng thiếu lao động tại một số thành phố lớn. Do đó, để tồn tại, các doanh nghiệp (đặc biệt các doanh nghiệp lớn có quy mô vốn lớn) ngày càng tập trung đầu tư vào công nghệ để giải quyết bài toán thiếu lao động và chi phí lao động tăng cao. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp lớn khi các doanh nghiệp này có khả năng tiếp cận được vốn lớn và sẵn sàng đầu tư bài bản để phát triển. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và vốn nên chưa thể đầu tư mạnh về công nghệ.
Giữa tháng 1 vừa qua, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã chính thức kết nạp NHNN Việt Nam làm hội viên. Sự kiện này có ý nghĩa như sự công nhận đối với Việt Nam về quy mô phát triển kinh tế, trình độ quản trị của ngân hàng trung ương về chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng.
Ông nhận xét như thế nào về độ tín nhiệm (credibility) của NHNN Việt Nam trong những năm qua - yếu tố quan trọng để cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ hiệu quả?
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình hội nhập của Việt Nam và hệ thống ngân hàng Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Việc NHNN được mời làm thành viên của BIS cho thấy những thành quả của Chính phủ, NHNN và nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua được ghi nhận xứng đáng. Việc tham gia BIS sẽ giúp cho NHNN tiếp cận được các chuẩn mực cao nhất của hệ thống tài chính toàn cầu và từ đó giúp nâng cao chuẩn mực hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
NHNN đã đạt được rất nhiều thành tựu trong những năm vừa qua như ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát, ổn định và quản lý tốt thị trường vàng, cải cách hệ thống ngân hàng mặc dù nguồn lực còn hạn chế và phải theo đuổi nhiều mục tiêu. Niềm tin của thị trường về NHNN cũng đã tăng rõ rệt khi các thông điệp chủ động của NHNN trong giai đoạn biến động thị trường đã giúp cho thị trường ổn định tâm lý. Theo tôi, cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ của NHNN ngày càng hiệu quả do NHNN thực hiện quyết liệt cải cách hệ thống ngân hàng, nâng chuẩn mực hoạt động của hệ thống ngân hàng và làm tốt công tác truyền thông về chính sách tiền tệ.
Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi này !
Ông Phạm Hồng Hải là người Việt đầu tiên giữ vị trí cao nhất tại một ngân hàng quốc tế tại Việt Nam. Trước khi trở thành Tổng Giám đốc của ngân hàng HSBC Việt Nam vào cuối năm 2014, ông Phạm Hồng Hải từng giữ vị trí nhiều lãnh đạo khác tại ngân hàng này như Giám đốc phòng kinh doanh vốn và ngoại hối, Giám đốc khối dịch vụ tài chính toàn cầu, thị trường vốn và ngoại hối.
Kể từ giữa tháng 9 năm ngoái, sau hơn bốn năm rưỡi trong cương vị Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải đảm nhận vai trò mới - Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế tại ngân hàng HSBC Canada.