Trong vòng mười năm qua, xu hướng lãi suất giảm khiến các khoản vay trở nên rẻ hơn. Theo đó, các công ty vay tiền để đầu tư, người dân có xu hướng vay tiền mua nhà, mua xe, các chính phủ vay tiền để đầu tư hạ tầng và thậm chí vay tiền để tung ra các gói cứu trợ nền kinh tế trong đại dịch toàn cầu.
Tăng trưởng dựa vào nợ vay
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính đến cuối năm 2019 dư nợ vay của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn cầu đạt 253 nghìn tỉ USD. Con số này gấp ba lần GDP toàn cầu (ước tính khoảng 84 nghìn tỉ USD).
Tại Việt Nam, dư nợ tín dụng ngân hàng được tổng hợp từ số liệu công bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước đến tháng 12.2019 là gần 8,2 triệu tỉ đồng. Dư nợ tín dụng ngân hàng đã tăng 2,5 lần so với cách đây năm năm, ở thời điểm cuối năm 2014 với con số hơn 3,3 triệu tỉ đồng.
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019, theo đại diện lãnh đạo NHNN, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng. Tín dụng trung dài hạn chiếm tỉ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ). Bên cạnh đó, 2019 cũng là năm bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng hơn 10% GDP. Điều đó cho thấy một đặc điểm quan trọng trong tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam trong vòng một thập kỷ vừa qua là dựa trên vay nợ.
Bên cạnh tín dụng ngân hàng, Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã tạo ra hành lang pháp lý rất thông thoáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng khiến các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường vay vốn thông qua phát hành trái phiếu. Đã có những cảnh báo về những rủi ro liên quan đến một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với lãi suất cao so với mặt bằng lãi suất thị trường trong năm 2019, đặc biệt đối với trái phiếu phát hành bởi các công ty kinh doanh bất động sản.
Nợ vay là rủi ro rất đáng chú ý trên toàn cầu
Trong lịch sử, vỡ nợ quốc gia là không phổ biến nhưng đã xảy ra, ví dụ các trường hợp của Li Băng năm 2020, Argentina năm 2001, và Nga năm 1998.
Rủi ro nợ vay đối với một số nền kinh tế đang phát triển được đánh giá là cao hơn. Một số quốc gia đang phát triển phát hành trái phiếu bằng đồng ngoại tệ khiến các quốc gia này bị hạn chế trong thu hút dòng vốn đầu tư khi nhà đầu tư yêu cầu lợi tức cao hơn. Đặc biệt với ảnh hưởng ảnh hưởng của đại dịch khiến cho nền kinh tế suy giảm, đồng tiền nội tệ mất giá, các quốc gia này gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ.
Tại châu Á, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã đánh giá trong báo cáo cuối năm 2019 cho rằng việc phát hành trái phiếu lãi cao của các doanh nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục và nguy cơ vỡ nợ sẽ tăng lên trong thời gian tới. Mặt khác, trái phiếu của các doanh nghiệp châu Á có rủi ro cao hơn khi đồng tiền nội tệ của các quốc gia trong khu vực đang giảm giá so với USD dưới tác động của đại dịch và ngân hàng trung ương hạ lãi suất. Các doanh nghiệp vay nợ bằng USD vì vậy gặp nhiều khó khăn khi trái phiếu đáo hạn.
Nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô của các chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu nguy cơ không trả được nợ trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp trong khu vực.
Chúng ta đang ở trong làn sóng nợ thứ tư?
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chúng ta đang ở trong “Làn sóng nợ thứ tư” kể từ năm 2010 đến nay, đặc biệt nhấn mạnh đối với nợ quốc gia. Cũng theo đánh giá này, thế giới đã trải qua ba làn sóng nợ và kết cục của nó không cho thấy những điểm tích cực.
Làn sóng nợ thứ nhất (1970 - 1989): Làn sóng vay nợ của các quốc gia Mỹ La tinh từ các ngân hàng thương mại Mỹ để phát triển kinh tế do lãi suất ở mức thấp. Nền kinh tế của các quốc gia này phát triển mạnh nhưng đi cùng là khối nợ khổng lồ. Năm 1970 dư nợ vay của các quốc gia Mỹ La tinh ước tính khoảng 29 tỉ USD, con số này đến năm 1978 là 159 tỉ USD, và tăng hơn gấp đôi chỉ bốn năm sau đó với dư nợ năm 1982 khoảng 327 tỉ USD.
Đến đầu những năm 1980, với tình hình lạm phát tăng cao, các quốc gia Mỹ La tinh buộc phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, và không may đi kèm với đó là sự suy thoái kinh tế. Cuộc khủng hoảng nợ đã bắt đầu. Năm 1982, Mexico tuyên bố không có khả năng trả nợ, sau đó khủng hoảng nợ lan rộng trong các nền kinh tế đang phát triển. Các quốc gia Mỹ La tinh buộc phải giảm giá đồng tiền nội tệ so với USD để hỗ trợ xuất khẩu. Argentina giảm giá đồng Peso 40% so với USD, còn với đồng nội tệ của Mexico là 33% và Brazil là 20%. 27 quốc gia trên toàn cầu buộc phải xin tái cơ cấu nợ, trong đó 16 quốc gia thuộc khối Mỹ La tinh.
Làn sóng nợ thứ hai (1990 - 2001): Khác với làn sóng nợ lần thứ nhất, dư nợ vay trong giai đoạn này tăng mạnh trong khối doanh nghiệp tư nhân. Đầu những năm 1990, các quốc gia phát triển đã nới lỏng các quy định trên thị trường tài chính tạo điều kiện tạo ra các “ngân hàng siêu lớn”. Các ngân hàng siêu lớn này hoạt động trên toàn cầu và lấn sân mạnh mẽ sang các nền kinh tế mới nổi. Lãi suất trên thị trường toàn cầu giảm và tốc độ tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn càng thúc đẩy dòng tiền chảy về các quốc gia đang phát triển. Các nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thailand ngày càng vay nợ nhiều hơn. GDP càng tăng thì vay nợ càng tăng, và phần lớn vay nợ nằm ẩn giấu trong khối doanh nghiệp tư nhân.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ của Mexico vào năm 1994 tạo ra nỗi lo sợ trên thị trường tài chính. Mỹ và IMF buộc phải thực hiện một gói cứu trợ trị giá 50 tỉ USD để cứu Mexico khỏi vỡ nợ, nhưng không giảm được sự lo sợ về tình trạng vỡ nợ bắt đầu lan ra các quốc gia khác. Năm 1997, dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi như Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, nơi phụ thuộc rất nhiều vào vay nợ đã tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, đặc biệt là Thái Lan. Kinh tế toàn cầu suy giảm, và vay nợ chính là cầu nối gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ tại Châu Á năm 1997.
Làn sóng nợ thứ ba (2002 - 2009): Mỹ nới lỏng các rào cản ngăn cách giữa Ngân hàng thương mại và Ngân hàng đầu tư. Liên minh châu Âu khuyến khích các ngân hàng tiếp cận khách vay ngoại quốc. Điều này tạo ra các ngân hàng siêu lớn toàn cầu, cung cấp dịch vụ toàn diện bao gồm cả dịch vụ của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Dư nợ vay trong khối tư nhân bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân tăng mạnh. Khi đó, thị trường ngân hàng đã tồn tại những chuyên viên không-bao-giờ- từ-chối cho vay, bất kể tình trạng điểm tín dụng của khách hàng như thế nào.
Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2007-2008 đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Năm 2009, Mỹ cho thấy con số sản lượng sản xuất thấp nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. Việc cho vay dễ dàng khiến vỡ nợ đã rơi vào tình trạng không thể kiểm soát toàn cầu, và khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng chính thức kết thúc “dòng tiền dễ” này.
Ở thời điểm hiện tại, WB đánh giá đặc điểm thị trường khá tương đồng với ba làn sóng nợ trước đây khi lãi suất thị trường thấp, cấu trúc nền kinh tế đang khuyến khích vay nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng “Làn sóng nợ thứ tư” này lớn nhất, rộng nhất, bao trùm toàn cầu và là nguy cơ đối với cả nợ quốc gia lẫn khối tư nhân, đặc biệt với ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu. Nợ vay là rủi ro đáng chú ý toàn cầu - WB đánh giá.
Long Phan
Giám đốc AFA Research & Education