Gần bốn thế kỷ trước, triết gia người Pháp René Descartes từng phát biểu:
Tôi tư duy tức là tôi tồn tại (Je pense, donc je suis).
Còn trong thế giới ngày nay, đôi khi con người cũng nên ngừng tư duy để tiếp tục tồn tại.
người cùng nhảy múa tự do trong mùi hoa oải hương thoang thoảng tại một căn phòng nhỏ. Họ xếp thành vòng tròn, rồi lao thẳng vào nhau cho đến khi gần va chạm mới dừng lại. Họ nhắm mắt và bước đi chậm rãi trong tiếng nhạc, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng trống, tiếng người hát từ một bộ lạc nào đó trên thế giới bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ. Tất cả những gì họ cần làm là bước đi trong sự lắng nghe, cảm nhận từng rung động và không phán xét về những thanh âm không mấy quen thuộc.
Sau khoảng 10 phút, tiếng nhạc nhỏ dần rồi tắt hẳn. Mọi người dừng lại và ngồi xuống, mắt vẫn nhắm nghiền để bước vào bài tập thiền trong tĩnh lặng. Người hướng dẫn Ojas Oneness gọi đó “thiền động”, một trong những bài tập trong khoá học “Nghệ thuật chuyển hoá” (Transforming Art), được tổ chức cho các lãnh đạo và một số đối tác của Lavifood, công ty chế biến rau củ quả lớn nhất Việt Nam. Ngồi giữa vòng tròn, Ojas nói: “Khoá học bảy ngày này không nhằm đem đến cho bạn những bài học hay kỹ năng mới, mà là về sự buông bỏ”. “Nỗi buồn, lo âu, sợ hãi,…” là những thứ mà bạn sẽ bỏ đi, Ojas giải thích. Đó là bảy ngày trở về với từng hơi thở, tập trung vào cơ thể và quan sát tâm trí của chính mình. Không mang tính tôn giáo, mục đích của khoá học là đưa con người trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân, bằng cách đưa họ trở về như chính họ đã từng là… một đứa trẻ. Trở về như một đứa trẻ là làm mọi điều một cách ngẫu hứng, làm điều mới mỗi ngày hoặc làm việc cũ theo cách mới. Hành động tự nhiên, ít suy tính và lo âu có thể mang tới những nguồn năng lượng tích cực, giúp giải phóng năng suất làm việc và nhiều góc cạnh khác trong cuộc sống, như cải thiện những mối quan hệ, hồi phục sức khoẻ tinh thần và cả thể chất.
Ojas yêu cầu mọi người phải bỏ điện thoại di động ra xa trước khi bước vào buổi học. Yêu cầu này của người hướng dẫn thực sự là một thách thức bởi khoá học diễn ra vào tất cả các buổi sáng trong tuần. Thay vì làm việc và đưa ra những quyết định quan trọng như thường ngày, ban lãnh đạo công ty lại hát, nhảy, vẽ và thiền. Phần lớn họ đều thừa nhận, không ngờ việc tập trung vào thiền định trong vài chục phút đồng hồ lại khó đến thế. “Anh tưởng như mình đã ngủ mất rồi”, anh Đỗ Hùng nói sau buổi học thiền động đầu tiên.
Chúng ta đang sống trong thế giới siêu kết nối với sự thống trị của internet, điện thoại di động và các thiết bị thông minh. Trong 3,9 tỉ người dùng điện thoại di động trên thế giới, có khoảng 2 tỉ người dùng điện thoại thông minh (smartphone) để truy cập internet trong năm 2019, theo ước tính mới công bố gần đây của World Advertising Research Center.
Cùng các thiết bị và công nghệ siêu kết nối, “Always on” – luôn luôn online, luôn luôn sẵn sàng, đang trở thành văn hoá “ngầm” điều khiển hành vi và cảm xúc của con người trong đời sống cá nhân và công việc hằng ngày. Chúng ta gửi email hay để lại tin nhắn trên Viber, Whatsapp, Facebook Messenger thay vì một cuộc điện thoại trực tiếp, một mặt cho thấy tính không mấy cấp bách của vấn đề, nhưng đôi khi cũng đi kèm kỳ vọng (mà nhiều khi là yêu cầu) được tiếp nhận phản hồi nhanh nhất có thể, do smartphone dần trở thành vật bất ly thân và luôn kết nối internet. Sự đột phá của công nghệ khiến cuộc sống trở nên tiện lợi hơn, nhưng mặt trái của nó cũng khiến cho khối thời gian của con người trở nên vỡ vụn, làm chúng ta ngày càng khó tập trung trong một khoảng thời gian dài không gián đoạn. Tại lớp “Transforming Art”, một bài tập tưởng như đơn giản nhưng hoá ra lại rất khó, đó là không suy nghĩ trong vòng 10 phút, không quá khứ, không tương lai, chỉ tập trung vào từng hơi thở đi vào, đi ra khỏi lồng ngực trong khoảnh khắc hiện tại. Công việc, áp lực cuộc sống và văn hoá “always on” ngấu nghiến thời gian và không gian riêng tư của chúng ta, và rồi để lại rất ít khoảng thời gian và tâm trí cho bản thân, để... không làm gì cả.
Bằng dẫn chứng từ nhiều nghiên cứu thực nghiệm, một bài báo trên tạp chí The Economist năm 2012 đã chỉ ra rằng, đôi khi suy nghĩ là ý tưởng tồi. Trái lại, không suy nghĩ gì có thể mang lại tác dụng tốt.
“Suy nghĩ quá nhiều có thể giết chết không chỉ hiệu quả thể chất, mà cả cảm hứng tinh thần”, The Economist kết luận. Tạp chí này dẫn lại trận bán kết lịch sử trong giải quần vợt Mỹ mở rộng năm 2011, tay vợt trẻ đang lên Novak Djokovic đã chiến thắng trước huyền thoại quần vợt Roger Federer nhờ những cú đánh như thể điểm quyết định trận đấu (match point). “Làm sao bạn có thể chơi như thể đó là điểm trận?”, Federer tự đặt câu hỏi trong trả lời báo chí sau trận đấu. Djokovic thừa nhận: “Đúng vậy, tôi đã chủ định chơi như đang ở những điểm trận. Điều đó tỏ ra khá hiệu quả đấy chứ”.
The Economist cho rằng, Federer đã suy nghĩ quá nhiều về kết quả của trận đấu: hoặc giành chiến thắng, hoặc rơi khỏi đỉnh cao của sự nghiệp quần vợt khi nhiều người cho rằng, tay vợt 30 tuổi người Thụy Sỹ đã bắt đầu có dấu hiện “già đi” trong môn thể thao yêu cầu nhiều thể lực. Ngược lại, Djokovic không toan tính quá nhiều. Cuối cùng, tay vợt trở người Serbia đã giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Federer ở bán kết, trước khi đánh bại một huyền thoại khác Rafael Nadal để lên ngôi vô dịch mùa giải năm đó. Bởi suy nghĩ quá nhiều, các vận động viên thể thao đã mất đi sự uyển chuyển về mặt thể chất - yếu tố vô cùng cần thiết để chiến thắng. Nhà tâm lý học Gerd Gigerenzer lập luận rằng, để đưa ra những quyết định đúng trong một thế giới phức tạp như hiện nay, bạn cần có kỹ năng quên đi các thông tin. Đó là kiểu hành vi được thực hiện dựa trên một quy luật mang tính triết học, được gọi là “heuristics”, khi việc quyết định hành động được đưa ra một cách nhanh chóng dựa trên kinh nghiệm và trực giác, thay vì quá phụ thuộc vào những phương pháp tối ưu, logic, hoàn hảo hoặc duy lý.
Thiền sư Ojas Oneness, nhà sáng lập Diviners - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tổ chức các khóa học thiền định, yoga miễn phí và các khóa học về Nghệ thuật chuyển hóa (Transforming Art).
Nhưng làm cách nào để không suy nghĩ? Theo Ojas, điều đó đòi hỏi cả một quá trình luyện tập. Nhà hướng dẫn “nghệ thuật chuyển hoá” tin rằng điều trước tiên để không suy nghĩ là ngừng phán xét bản thân, cũng như người khác. Vì vậy, Ojas thường khuyến khích người tham gia khóa học thực hiện công khai những hành động “kỳ quặc” càng nhiều càng tốt. Người học được tự do nhảy, vẽ và ca hát. Mục đích đằng sau những bài tập này là khiến cho bộ não ngừng suy nghĩ quá nhiều. Thách thức lớn nhất của việc ngừng suy nghĩ nằm ở chỗ, con người càng già đi và thông minh hơn, đó chính là điều ngăn cản chúng ta khỏi việc không suy nghĩ. Sống trong thế giới của việc liên tục tự suy ngẫm, chúng ta dùng phân tích để đánh giá mọi góc độ trong công việc, liên tục đưa ra các bình luận, tìm kiếm lời khuyên về cuộc sống qua vô vàn các ý kiến và bài viết trên mạng.
Nghệ thuật chuyển hoá, hay đơn giản là sự thay đổi một cách chủ động, hoàn toàn khả thi. Hơn 10 năm trước, khoa học về não bộ đã ghi nhận bước tiến lớn với sự ra đời của cuốn sách “The Brain That Changes Itself” (tạm dịch: Não bộ tự thay đổi). Tác giả, Tiến sĩ y khoa Norman Doidge đã phản bác quan niệm vốn tồn tại nhiều thế kỷ cho rằng não bộ con người không biến đổi. Ngược lại, Doidge mở ra cánh cửa khoa học mới về não bộ xoay quanh khái niệm về tính “có thể thay đổi” của não bộ - “neuroplasticity”. Tính “có thể thay đổi” không chỉ khiến cho não bộ con người trở nên tháo vát hơn nhờ việc tiếp thu và học hỏi, mà đồng thời cũng trở nên dễ tổn thương bởi những tác động từ ngoại cảnh. Đây là hiện tượng mà tác giả Doidge gọi là “the plastic paradox” - nghịch lý của sự linh hoạt. Hiểu được những tác động tích cực và tiêu cực của tính “có thể thay đổi”, theo Doidge, sẽ mở ra khả năng khám phá xa hơn về năng lực của não bộ và con người. Và riêng đối với những người thường suy nghĩ quá nhiều, dành thời gian để ngừng suy nghĩ có thể xem như một thay đổi đáng kể rồi.
Bài viết: Như Mai
Ảnh: Shutterstock, Bão Zoãn
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - Ngừng suy nghĩ
* Ảnh cover: Bức tượng "Người suy tư" (The Thinker/Le Penseur) của nghệ sĩ người Pháp Auguste Rodin