Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng số lượng triệu phú cao nhất thế giới, khoảng 28% trong giai đoạn 2018 - 2023, theo ước tính được công bố trong báo cáo về tài sản toàn cầu lần thứ 13 của tổ chức Knight Frank (The Wealth Report 2019). Phần lớn các cá nhân, gia đình có khối tài sản triệu đô trở lên, khi được hỏi, đều cho biết họ rót tiền vào các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án cao cấp tại khu vực trung tâm Hà Nội, TP.HCM. Ngoài các kênh này, các lựa chọn đầu tư bất động sản cùng với định cư tại nước ngoài cũng được nhiều người cân nhắc.
Không nhiều người lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng, hay thuê các tổ chức tài chính quản lý tài sản của mình.
Theo một chuyên gia ngân hàng, mặc dù tỉ lệ người giàu tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng hiện tại vẫn chưa đến thời điểm phù hợp để các ngân hàng trong nước tham gia mảng này. Có hai nguyên nhân chính. Một là người Việt Nam, nhất là những doanh nhân giàu có chưa có thói quen đưa tài sản, tiền bạc của mình cho một bên khác quản lý. Hai là các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn bị hạn chế bởi các quy định về đầu tư từ Ngân hàng Nhà nước. Giữ tiền của khách hàng và đầu tư vào các tài sản, đặc biệt là vàng, cổ phiếu,… buộc phải báo cáo tương đối phức tạp, chuyên gia này nhận định.
Dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking) là nghiệp vụ đã trở nên thông dụng của ngành ngân hàng thế giới từ lâu. Loại hình này cung cấp cho giới nhà giàu các dịch vụ quản lý tài sản và mọi nhu cầu liên quan đến tài chính cá nhân các khách hàng như đầu tư, kế hoạch thừa kế, thủ tục cư trú, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, hay thậm chí mua một chiếc du thuyền, hay một bức tranh của các danh hoạ nổi tiếng…
Tại Việt Nam đến nay, private banking vẫn là dịch vụ hoàn toàn mới mẻ. Hầu hết giám đốc truyền thông các ngân hàng khi được hỏi về dịch vụ này, đều cho rằng ngân hàng họ chưa có định hướng cụ thể. Các ngân hàng vẫn thường nhầm lẫn dịch vụ private banking với dịch vụ khách hàng VIP, nơi các khách hàng được hưởng các đặc ân khác với các khách hàng phổ thông khác như lãi suất tiền gửi cao hơn, có nhân viên chăm sóc riêng, giao nhận tiền tại nhà…
Tham khảo các dịch vụ dành cho người giàu tại các ngân hàng, nhìn chung mức lãi suất tiền gửi được đưa ra cho nhóm này cao hơn nhóm khách hàng phổ thông khoảng từ 0,15% đến 0,2% mỗi năm. Có nghĩa là với số tiền khoảng 1 triệu USD gửi tiết kiệm, nếu theo chính sách khách hàng VIP, số tiền chênh lệch so với chính sách thông thường ở vào khoảng 45 triệu đồng/năm. Số tiền này không đủ kích thích những người có khối tài sản triệu đô gửi tiền vào.
Ngoài lãi suất ưu đãi, một số ngân hàng cũng đề xuất các lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cao hơn. Các doanh nghiệp được ngân hàng lựa chọn thường có mối liên hệ mật thiết với ngân hàng về sở hữu, hoặc có các hợp đồng phân phối/môi giới/bảo lãnh trái phiếu. Tuy nhiên, thực ra chính sách mua trái phiếu không phải là đặc ân dành cho khách hàng VIP, chỉ cần có vài trăm triệu đồng, một khách hàng hoàn toàn có thể đầu tư trái phiếu doanh nghiệp qua các ngân hàng.
Quản lý đầu tư tài sản của khách hàng, điều làm nên khác biệt giữa private banking và dịch vụ khách hàng VIP, thông thường được các ngân hàng tách bạch ra như một dịch vụ môi giới, tư vấn riêng. Ví dụ khi khách hàng có tài sản tại nước ngoài cần bán, hoặc cần mua tài sản tại nước ngoài, cần đầu tư ra nước ngoài,… chuyên viên chăm sóc khách hàng sẽ đóng vai trò tư vấn và nhận phí môi giới.
Cuối tháng Hai vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân đội MB ra mắt dịch vụ private banking tại chi nhánh TP.HCM với tên gọi MB Private. MB với tuyên bố là ngân hàng nội địa đầu tiên triển khai dịch vụ này, đã liên kết với Bordier & Cie, ngân hàng tư nhân Thuỵ Sĩ với tuổi đời 174 năm, nổi tiếng với các dịch vụ quản lý tài sản cho giới nhà giàu. Bordier & Cie sau hơn 1,5 thế kỷ hoạt động, vẫn giữ nguyên mô hình là một ngân hàng gia đình, với rất ít thông tin được công bố ra ngoài. Một trong số các thông tin ít ỏi đó, là ngân hàng này đang quản lý khối lượng tài sản trên 20 tỉ USD, với quy mô hoạt động sáu quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Việt Nam chưa nằm trong danh sách đó.
Tại Việt Nam, Bordier & Cie chưa có trụ sở. “Các dịch vụ liên quan đến đầu tư hay mua bán tài sản tại nước ngoài sẽ do Bordier & Cie tư vấn, còn MB Private sẽ phụ trách việc đầu tư thị trường trong nước” - một chuyên viên tư vấn của MB cho biết.
Khi trao đổi với các chuyên viên tư vấn của MB Private, sản phẩm được giới thiệu không quá khác biệt với các dịch vụ khách hàng VIP tại các ngân hàng khác, với mức ưu đãi 0,2% về lãi suất, cùng với dịch vụ mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Trần Trọng Tài, Giám đốc Ban đầu tư - Công ty Chứng khoán MBS (thành viên của MB) cho biết điểm khác biệt giữa private banking so với các dịch vụ khách hàng VIP là dịch vụ private banking sẽ đảm bảo việc toàn bộ các giao dịch tài chính của khách hàng sẽ được ngân hàng cung cấp. Do vậy, các ngân hàng buộc phải có công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, để thực hiện các nghiệp vụ tài chính liên quan. “Một mình ngân hàng không thể thực hiện được các nghiệp vụ tài chính, đầu tư của khách hàng. Một khách hàng private banking của một ngân hàng cũng sẽ đồng thời là khách hàng của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thuộc ngân hàng đó, đảm bảo nguồn tiền của khách hàng sẽ có khả năng sinh lời tối ưu” - ông Tài cho biết.
Mục đích của private banking là giữ lại tối đa tài sản của khách hàng tại ngân hàng. Trong tình hình lãi suất huy động đang giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh, huy động thêm một nguồn tiền mới và nhàn rỗi là cách giúp các ngân hàng mở rộng hoạt động, tăng lợi nhuận. Quý I.2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng Việt Nam chỉ tăng 0,51% so với cùng kỳ, rất thấp so với mức tăng 1,71% của quý I.2019.
Vietcombank đang là một trong số các ngân hàng có dịch vụ ưu đãi riêng biệt dành cho các cá nhân giàu có. Với tài sản trên 10 tỉ đồng, khách hàng của dịch vụ VCBF Premier thuộc Liên doanh Quản lý Quỹ Vietcombank (Vietcombank sở hữu 51% cổ phần) sẽ cung cấp các gói đầu tư được cá thể hoá tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của mỗi khách hàng. Đại diện VCBF cho biết số lượng khách hàng của dịch vụ VCBF Premier tăng trưởng, tuy nhiên với tốc độ hạn chế. Tại Việt Nam, đầu tư vào bất động sản vẫn đang là kênh kiếm được lợi nhuận cao đột biến, do đó phần lớn người giàu thường rót tiền vào kênh này. Giới người giàu trên thế giới sở dĩ ưa thích các dịch vụ quản lý tài sản vì thị trường bất động sản ở các nước phát triển nhìn chung không mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù - đại diện VCBF nhận xét.
HSBC, một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới vừa công bố báo cáo tài chính quý I.2020 với việc sụt giảm doanh thu tất cả các mảng hoạt động, trừ dịch vụ private banking.
Mặc dù chiếm một tỉ trọng khiêm tốn trong lợi nhuận của HSBC (121 triệu USD trên tổng lợi nhuận trước thuế hơn 3 tỉ USD trong quý I.2020), private banking là mảng duy nhất ghi nhận tăng trưởng 24% so với cùng kỳ. Tan Siew Meng - giám đốc phụ trách mảng PB khu vực châu Á nói với Bloomberg hồi giữa tháng Ba, rằng HSBC kỳ vọng vào mức tăng trưởng dịch vụ private banking trên cơ sở tin rằng số lượng tỉ phú tại Trung Quốc sẽ tăng gấp ba trong ba năm tới. Châu Á đang là thị trường tiềm năng của dịch vụ private banking với số lượng khách hàng chiếm tới 60% toàn cầu, bà Tan cho biết.
Giới nhà giàu đang nắm giữ quá nửa giá trị tài sản toàn cầu. Châu Á tiếp tục nổi bật với tổng tài sản người giàu ước đạt 58 nghìn tỉ USD trong năm năm tới, với mức tăng trưởng khoảng 9,4% mỗi năm.
Báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu và tư vấn Boston (BCG) cho rằng đến năm 2023, tỉ trọng tài sản có thể đầu tư trên toàn thế giới sẽ tăng lên mức 61% tổng tài sản, tăng 2 điểm % từ mức 59% năm 2018. Riêng châu Á, tỉ trọng có thể lên tới 81% vào năm 2023. BCG cũng dự đoán rằng, năm 2023, dịch vụ ngân hàng cá nhân châu Á sẽ quản lý khoảng 24 nghìn tỉ USD tài sản của giới nhà giàu, tương đương quy mô GDP của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2019.
Báo cáo ra hồi tháng Hai của Euromoney về private banking nhận định năm 2020, các ngân hàng có xu hướng đầu tư bền vững (đầu tư vào các ngành sản xuất/dịch vụ bền vững, là xu hướng trong tương lai) hơn là các sản phẩm trái phiếu, cổ phiếu thông dụng như trước, do lợi tức các sản phẩm này đang có xu hướng giảm. 2020 cũng là năm doanh thu private banking đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây, Euromoney dự đoán.
Với cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, biên lợi nhuận mảng bán lẻ cho các khách hàng thông thường ngày càng bị bào mòn bởi chi phí vận hành, và các quy định về an toàn vốn của các cơ quan chức năng, để tránh những đổ vỡ mang tính hệ thống. Ngành ngân hàng có xu hướng quay lại với khách hàng thuở ban đầu, là những người giàu có, với những dịch vụ được nâng cấp hơn hẳn so với thuở sơ khai.
Khoản tiền khổng lồ đến từ một nhóm khách hàng giới hạn hấp dẫn tất cả các tổ chức quản lý tài sản, không chỉ ngân hàng. Với ngân hàng, việc quản lý số tiền của nhóm khách hàng này không chỉ mang lại nguồn tiền hoạt động dồi dào, mà còn nâng cao chất lượng nguồn vốn ngân hàng, vốn đang bị siết chặt bởi các quy định Basel - mà Việt Nam đang thực hiện mức Basel II. Gửi tiền nhiều hơn là vay tiền, nhóm người giàu giúp các ngân hàng có khoản tiền ổn định, mà không cần phải trích lập dự phòng theo các quy định của Basel, qua đó có thể đẩy mạnh cho vay các khách hàng khác, tăng lợi nhuận hoạt động.
Minh Thư