Sau hai năm thương chiến, Trung Quốc đã nâng thuế quan trung bình đối với hàng xuất khẩu từ Mỹ từ mức 8% (ngày 1.1.2018) lên 20,3% (sau ngày 15.1.2020). Ở chiều ngược lại, thuế quan trung bình Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 3,1% (mức thuế tối huệ quốc MFN năm 2018 trước thương chiến) lên 19,3% trong cùng các thời điểm tương ứng như Trung Quốc. Mức thuế quan này đã làm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2019 giảm 17,5%, xuất khẩu giảm 11,5% còn nhập khẩu giảm 16,5%.
Nhưng đại dịch toàn cầu COVID-19 đã tạo ra một tác động lớn hơn cả mức thuế quan do thương chiến gây ra.
Vào tháng 2.2020, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc đạt 22,8 tỉ USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi đại dịch chưa có dấu hiệu được kiểm soát và các nền kinh tế lớn đều đã tự phong tỏa mình, thế giới đã chứng kiến một quá trình đình trệ toàn phần chứ không chỉ là cục bộ.
Điều này liệu có thay đổi tương lai quan hệ thương mại và kinh tế Mỹ - Trung khi mà Trung Quốc đang nắm những phần rất quan trọng về nguồn cung sản xuất của các công ty Mỹ - chẳng hạn ngành dược phẩm và trang thiết bị bảo vệ y tế? Hay COVID-19 sẽ làm cho vết nứt vừa được trám vào ngày 15.1 trở thành hố sâu ngăn cách giữa hai nước?
Tôi cho rằng COVID-19 sẽ làm quan hệ Mỹ - Trung về tổng thể trở nên tiêu cực hơn, và điều này làm Việt Nam gặp nhiều khó khăn về chiến lược, nhưng có thêm động lực để thực hiện các thay đổi chính sách kinh tế.
Những khuynh hướng lớn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và thế giới
Là quốc gia có quan hệ thương mại và kinh tế mật thiết với cả Mỹ và Trung Quốc, định dạng quan hệ Mỹ - Trung hậu COVID-19 sẽ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và cả nền kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng, bốn xu hướng sau sẽ cần được theo dõi chặt chẽ.
Thứ nhất, COVID-19 không làm giảm sức ép lên thực thi thỏa thuận thương mại cũng như không giúp giảm căng thẳng giữa hai nước. Để phán đoán điều này, có thể thấy (i) những cam kết của giai đoạn một không có tính khả thi; (ii) gần đến ngày bầu cử tháng 11.2020 nước Mỹ càng cần có một đối thủ chính trị. Khi theo dõi kết quả thỏa thuận giai đoạn một, có thể thấy mức cam kết mua thêm 200 – 210 tỉ USD hàng hóa Mỹ là một cam kết lớn so với quy mô nhập khẩu của Trung Quốc hiện nay. Hơn nữa, trong trường hợp Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu, có ít dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất Mỹ có thể đáp ứng đủ quy mô xuất khẩu cần thiết cho đối tác. Việc Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Mỹ (nếu thực hiện theo cam kết) cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể sẽ phải giảm nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Sẽ có thêm một đợt gây áp lực lên Trung Quốc về thực hiện các cam kết thương mại cũng như tiến tới đàm phán giai đoạn hai vào trước bầu cử tháng 11.2020. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng lo ngại rằng vì tập trung vào chống dịch nên Bắc Kinh sẽ lùi ngày bắt đầu đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn hai và có thể không thực hiện được cam kết giai đoạn một.
Thứ hai, quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng khu vực sẽ được đẩy nhanh. Trung Quốc đóng góp 7% vào giá trị gia tăng toàn cầu ngành chế tạo, tại châu Á, sự đóng góp này là 13% với Hàn Quốc và 17% với vùng lãnh thổ Đài Loan. Vì vậy, sự gián đoạn sản xuất trong suốt hai tháng 2 và 3 sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của nhiều ngành kinh tế và quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Trong số này, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất khi 92% các nhà cung cấp cấp một nằm trong vùng dịch ở Trung Quốc.
“Thiên nga đen” đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu và cả Nhật Bản. Tháng 4.2009, Nhật Bản tuyên bố đã dành 2,2 tỉ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh virus Corona phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn. Công nghệ cũng giúp ích việc thay đổi chuỗi cung ứng diễn ra nhanh hơn khi các ngành như in 3D, tự động hóa và chi phí logistics đều có thay đổi quan trọng. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi càng khả thi hơn khi tại nhiều ngành trên thực tế đã xuất hiện các thị trường thay thế dù quy mô và tốc độ sẽ rất khác biệt. Chẳng hạn với Ấn Độ, nguyên liệu ngành dược và sản xuất dược phẩm hoàn toàn có thể cạnh tranh và thay thế nguồn cung của Trung Quốc cho Mỹ. 80% các thành phần cơ bản được sử dụng trong các loại thuốc của Mỹ, được gọi là các thành phần dược phẩm hoạt động (API), là nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ cung cấp tới 40% thuốc kê đơn và thuốc dùng phổ biến tại Mỹ.
Thứ ba, vai trò của các định chế đa phương cũ (như WTO) sẽ càng mờ nhạt. Sau mỗi một lần khủng hoảng lớn về kinh tế và chính trị, chủ nghĩa dân tộc sẽ càng phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ. Chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc dân túy trong điều hành chính sách của các nước hiện nay càng khiến cho việc đi đến đồng thuận tại các tổ chức đa phương siêu quy mô trở nên bất khả thi. Không chỉ Mỹ gạt bỏ vai trò của các định chế này, Trung Quốc và EU cũng bắt đầu tham gia theo cách chơi mới. Cuối tháng 1.2020, 15 nước gồm Trung Quốc và một số nước EU đã nhất trí về một cơ chế xử lý tranh chấp đa phương mà không phải là cơ chế WTO.
Thứ tư, nhưng rất quan trọng với kinh tế Việt Nam, đó là những rủi ro địa chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam đang gia tăng trong giai đoạn này. Kịch bản xấu nhất là những va chạm về lợi ích địa chính trị sẽ chuyển hóa thành các gián đoạn kinh tế như năm 2014 - khi làn sóng phản đối các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc tại các khu công nghiệp bùng nổ. Các doanh nghiệp Việt Nam không thể xem nhẹ các rủi ro chính trị - giống như nhiều chính phủ đã xem nhẹ rủi ro của dịch bệnh toàn cầu.
Việt Nam có thể làm gì?
Đại dịch COVID-19 sẽ qua đi, theo cách nào thì chúng ta cũng chưa rõ. Không ai biết nó sẽ biến mất hay sẽ trở đi trở lại. Ẩn số đó buộc các chính phủ từ bây giờ sẽ phải nghĩ cách quay trở lại với “cuộc sống bình thường”. Nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi là chúng ta sẽ lựa chọn phần “bình thường nào” để quay lại trước? Thay đổi tư duy về chuỗi cung ứng, các văn bản luật liên quan đến kinh tế chia sẻ để tận dụng lợi thế dân số trẻ và sự phát triển của khoa học công nghệ toàn cầu có thể là những lĩnh vực “bình thường” cần nhận được nhiều sự ưu tiên sau đại dịch này.
Thứ nhất, ở cấp độ doanh nghiệp, cần xây dựng một kế hoạch đảm bảo nguồn cung trong dài hạn. Trước mắt, doanh nghiệp có thể cần tập trung vào các giải pháp như phát triển quy trình đánh giá dựa trên rủi ro giúp xác định và liên tục theo dõi nhiều loại rủi ro có thể ảnh hưởng đến năng suất của chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Hoàn thành đánh giá các nhà cung cấp để đảm bảo các nhà cung cấp sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp của mình, chọn ra các nhà cung ứng tốt và ngừng làm việc với các nhà cung ứng kém uy tín. Hoặc có thể xem xét việc tìm nguồn cung ứng kép cho các thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của mình.
Thứ hai, ở cấp độ quốc gia, cần có một chiến lược nâng cấp vị trí trong nguồn cung khu vực. Bản chất của chuỗi cung ứng là sự phân công lao động dựa trên lợi thế của mỗi nước. Phải mất nhiều thập kỷ để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hiện tại, với lực lượng lao động khổng lồ và cơ sở hạ tầng vượt trội như Trung Quốc. Nên không quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn hoặc chóng vánh trong khả năng ấy. Nhưng đối với Việt Nam, việc tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ là một giải pháp quan trọng giúp nâng cao vị trí của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Và cơ hội đang mở ra từ trước COVID-19 khi một loạt các đối tác sản xuất linh kiện cho Apple đã có mặt ở Việt Nam.
Thứ ba, tận dụng khoa học công nghệ để cải thiện sự phụ thuộc nguồn cung. Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tiếp tới người tiêu dùng cuối (B2C) ngày càng xuất hiện nhiều và đó là một trong những cách hiệu quả để tận dụng các giải pháp thông minh nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng cũng như giảm chi phí. Thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đã tạo ra những dịch chuyển căn bản của xu hướng này.
Vì vậy, giải pháp tiếp theo là cần mạnh dạn thay đổi tư duy và vượt qua rào cản của các nhóm lợi ích để biến kinh tế nền tảng, kinh tế số trở thành hiện thực mới của đời sống kinh tế thời hậu COVID-19.
Việt Nam có hơn 95 triệu dân, 64% dân số sử dụng internet, 88% dân số trong độ tuổi từ (25 - 59) tham gia lực lượng lao động, hơn 35% dân số tập trung hơn các thành phố lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế chia sẻ khi điều kiện kết nối, khoảng cách, nhu cầu sử dụng và chia sẻ nguồn lực, tài nguyên trở lên lớn hơn.
Ngày 27.09.2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Văn bản quan trọng này cho thấy cơ hội mới trong việc thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế nền tảng. Nhưng Việt Nam cần bắt đầu, trước hết từ việc thay đổi khuôn khổ pháp lý liên quan đến toàn bộ mọi phương diện của kinh tế nền tảng.