Tính đến năm 2018 là vừa tròn 10 năm kể từ khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26) đi vào thực hiện. Trước dấu mốc này, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã đồng chủ trì hội nghị và triển lãm quốc gia mang tên Vietnam Agriculture Symposium 2018 vào những ngày cuối tháng 11. Nhiều con số ấn tượng được công bố tại sự kiện mang tính tổng kết về hành trình 10 năm của ngành nông nghiệp.
“Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm; quy mô GDP ngành năm 2017 gấp 1,25 lần, giá trị sản xuất ngành gấp 1,37 lần năm 2008 (tính theo giá cố định năm 2010)”. Những số liệu trên được ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, đồng thời là thành viên thường trực Ban tổ chức sự kiện, nhắc lại trong buổi phỏng vấn độc quyền với Tạp chí Nhà Quản Lý diễn ra hai tuần sau đó.
Ngành nông nghiệp đã thay đổi nhiều so với 10 năm trước, khi chúng ta bắt đầu hội nhập WTO. Nền nông nghiệp đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Điều này thể hiện qua giá trị xuất khẩu nông sản tăng nhanh. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt trên 36 tỉ USD, gấp 2,2 lần so với năm 2008. Nền nông nghiệp đã phát huy được lợi thế so sánh, để sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Nội bộ ngành đã chuyển mạnh sang sản xuất thủy sản, lâm nghiệp và rau quả, là những ngành mà trong những năm vừa qua đã phát triển khá nhanh, ông Tiến khẳng định.
Bức tranh nông nghiệp Việt Nam đã sáng hơn rất nhiều sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - được đánh giá là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất và đạt được nhiều thành tích lớn trong 10 năm vừa qua trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ông Tiến cho rằng, có ba yếu tố tạo nên sự thành công trên. “Bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra đó là phải có chủ trương đúng, được sự đồng thuận của người dân. Thứ hai, sự tổ chức quyết liệt của chính quyền các cấp. Thứ ba, sự vào cuộc của người dân, nông thôn và toàn xã hội”.
Tính đến tháng 7.2018, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu xem nông nghiệp là một ngành tiềm năng cho tương lai và đầu tư hàng nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực này. Có thể kể đến các tên tuổi như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Thaco, FLC, Pan Group...
Bên cạnh các doanh nghiệp, mô hình hợp tác xã tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Thống kê của Ban tổ chức Vietnam Agriculture Symposium 2018 cho biết năm 2017 cả nước có 11.688 hợp tác xã nông nghiệp, 1.154 hợp tác xã phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân với 4,4 triệu thành viên, 1,58 triệu lao động, với tổng tài sản trên 51 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả tăng từ mức 10% năm 2012 lên 33% năm 2017. Các hình thức liên kết đang trở nên ngày càng đa dạng.
90 là số lượng các gian hàng tham dự triển lãm nông nghiệp được tổ chức các ngày 26 và 27.11.2018 tại Hà Nội. Các gian hàng trưng bày đặc sản của địa phương, vùng miền, các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Triển lãm diễn ra sống động với lượng khách tham quan tương đối đông đảo. Đến cuối ngày triển lãm thứ hai, lượng khách vẫn tiếp tục tham quan và mua sản phẩm tại các gian hàng của các địa phương, doanh nghiệp.
Nếu như tỉnh Hậu Giang mang đến các loại trái cây đặc sản như cam, bưởi, dứa,... thì gian hàng của tỉnh Lâm Đồng rực rỡ với các loại hoa đến từ vùng đất cao nguyên. Những thành tựu nông nghiệp Việt Nam được tái hiện tương đối đầy đủ tại triển lãm lần này.
Ông Lâm cho biết, tuy không kiểm soát được các điều kiện về khí hậu nói chung, hệ thống tưới của NaanDanJain, công ty Israel có hơn 80 năm kinh nghiệm về công nghệ tưới có thể khắc phục được phần lớn vấn đề về chăm sóc cây. Không chỉ là đại lý cho NaaDanJain, công ty ca cao của Đinh Hải Lâm cũng ứng dụng công nghệ này để trồng ca cao tại vùng Ea Súp, vùng có khí hậu khó khăn với hai mùa rõ rệt: mùa mưa úng nước và mùa khô khắc nghiệt. “Cây ca cao đang phát triển tốt”, ông Lâm khẳng định.
Lavifood, doanh nghiệp vận hành nhà máy chế biến rau quả lớn nhất Việt Nam Tanifood, cũng tham gia với các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Ông Võ Mai Anh Huy, Giám đốc phụ trách vùng trồng của Lavifood, cho biết 6 công nghệ chế biến rau củ quả hàng đầu thế giới được áp dụng tại nhà máy Tanifood trong những lô hàng đầu tiên vào cuối năm 2018, trong đó có công nghệ chần trụng của Mỹ và công nghệ sản xuất trái cây tươi HPP lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Công nghệ tiên tiến trong chế biến rau củ quả giúp sản phẩm giữ được độ tươi ngon, bổ dưỡng thuần khiết nhất. Sản phẩm nước ép của Lavifood sử dụng “công nghệ thanh trùng bằng áp suất, giữ nguyên hương vị của rau củ quả, nguyên liệu, với hàm lượng các loại vitamin cô đặc. “Không có một giọt nước hay chất bảo quản cũng như phụ gia nào khác trong sản phẩm nước ép của chúng tôi”, ông Huy khẳng định. Lavifood dự kiến sẽ đăng ký bản quyền công thức các loại nước ép hỗn hợp rau củ quả, bởi công nghệ có thể được mua và chuyển giao, nhưng công thức sản phẩm là thành quả nghiên cứu của riêng doanh nghiệp. Thành tựu nông nghiệp không chỉ đến từ những sản phẩm chế biến, nguyên liệu, mà còn từ những tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt, chăn nuôi.
Với công nghệ tưới nhỏ giọt tiết kiệm tối đa nước và phân bón, người nông dân vùng đất khô cằn thuộc tỉnh Hà Tĩnh đang tính chuyện trồng 3 hécta thanh long xuất khẩu, một việc từ trước đến nay người ta cho là bất khả. Công nghệ này được ông Đinh Hải Lâm, người có một thời gian học tập và làm việc tại Israel, đưa về từ đất nước có hơn 60% diện tích đất là sa mạc.
Ông Lâm cho biết, tuy không kiểm soát được các điều kiện về khí hậu nói chung, hệ thống tưới của NaanDanJain, công ty Israel có hơn 80 năm kinh nghiệm về công nghệ tưới có thể khắc phục được phần lớn vấn đề về chăm sóc cây. Không chỉ là đại lý cho NaaDanJain, công ty ca cao của Đinh Hải Lâm cũng ứng dụng công nghệ này để trồng ca cao tại Ea Súp, vùng có khí hậu khó khăn với hai mùa rõ rệt: mùa mưa úng nước và mùa khô khắc nghiệt. "Cây ca cao đang phát triển tốt, ông Lâm khẳng định.
Kỹ sư Phạm Văn Bình, người chuyên lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho NaaDanJain, giải thích công nghệ tưới này có thể lọc cặn bẩn và không bị phân bón và các chất dinh dưỡng làm tắc. Ở mỗi điểm tưới nhỏ giọt là một công cụ nhỏ giọt là một công cụ nhỏ như một vi mạch điện tử với nhiệm vụ giúp các chất dinh dưỡng chảy một chiều từ hệ thống tưới vào rễ cây. "Đây là công nghệ mà các hãng khác chưa bắt chước được" - kỹ sư Bình khẳng định.
Tuy nhiên, cũng tại triển lãm, có thể thấy những điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam. “Xin phép hội nghị tôi nói nhiều hơn về những mặt còn hạn chế, để chúng ta biết và khắc phục trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở đầu diễn văn tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra những con số như: gần một nửa dân số Việt Nam là nông dân, nhưng đóng góp của lĩnh vực này trong GDP còn quá khiêm tốn, số vốn đầu tư vào nông nghiệp cũng mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ một nửa số hộ nông thôn tiếp cận vốn qua kênh ngân hàng chính thức, phần còn lại vẫn là mảnh đất hoạt động của các tổ chức tín dụng đen với rất nhiều hệ lụy... Đặc biệt là tình trạng “chưa hiểu thị trường trước khi gieo hạt xuống đất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Những điểm yếu được thủ tướng đề cập thể hiện phần nào qua những gian hàng tại triển lãm vừa qua. Rất nhiều sản phẩm như muối ngâm chân, snack da cá, hương trầm, hạt điều.... hầu như chỉ được bán tại các địa phương và các tỉnh phụ cận. “Chúng tôi đang tìm cách đưa sản phẩm vào siêu thị” là câu trả lời của hầu hết các doanh nghiệp khi được hỏi về tương lai của sản phẩm. Ngay cả việc xây dựng một website giới thiệu sản phẩm, với nhiều doanh nghiệp cũng đang là việc làm “xa xỉ”. Tất nhiên, không phải sản phẩm nào của địa phương cũng có chất lượng cao và làm hài lòng người tiêu dùng. Do quy mô sản xuất nhỏ, mang tính thủ công, chất lượng sản phẩm không thực sự đồng đều. Mua trứng vịt muối của một doanh nghiệp địa phương, có thể thấy chất lượng khác biệt giữa các quả trứng trong cùng một hộp bốn quả. Hay sản phẩm trà quế của một địa phương khác, được chỉ dẫn có vị quế đậm, cũng không đủ làm hài lòng người tiêu dùng. Chất lượng là điểm đầu tiên cần cải tiến ở các sản phẩm mang đặc tính vùng miền. Đó cũng là nguyên nhân phần lớn các sản phẩm này chưa thể bước chân vào các siêu thị toàn quốc, hay thậm chí là sang các tỉnh lân cận.
Về công nghệ chế biến, ông Hiroshi Matsuura, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhận định việc liên kết giữa các hộ dân/hộ kinh doanh cá thể giúp các đối tượng này có đủ nguồn lực để đầu tư máy móc thiết bị, kho lưu trữ, qua đó được hưởng phần lợi nhuận này, thay vì rơi vào tay các trung gian khác. Ông Matsuura cho biết ở Nhật Bản, nhờ công nghệ trữ lạnh tiên tiến, người dân nước này có táo ăn quanh năm, trong khi mùa thu hoạch táo chỉ từ tháng 9 đến tháng 11. “Nếu quả vải của Việt Nam cũng giữ trái mùa được như vậy, giá bán sẽ rất cao”, ông Matsuura khuyến nghị.
Từ phía quản lý nhà nước, ông Tiến cũng thừa nhận hiện giá trị đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp là khoảng 30%, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ khoa học công nghệ. “Dù đã có nhiều cố gắng nhưng chúng ta vẫn còn một khoảng cách so với các nước trong khu vực, nhất là với Singapore. Trong khi chiến lược chấn hưng nông thôn của Trung Quốc đề ra đến 2022, tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ lên đến 61,5%. Như vậy, đối với Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2030, để theo kịp các nước trong khu vực châu Á, Việt Nam cần phải có giải pháp và định hướng đâu tư khoa học công nghệ tốt hơn”, ông Tiến nhận định.
Bên cạnh công nghệ, ngành nông nghiệp cũng cần cách làm bài bản, mang tính quy mô và hệ thống. Ông Tiến cho rằng, chuỗi giá trị là một xu thế phát triển bền vững trong cả nền kinh tế và nền nông nghiệp. Trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ và thiếu liên kết hiện nay, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, chuỗi giá trị là lõi của liên kết và đảm bảo cho liên kết giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp bền vững. Thứ hai, trên nền tảng của chuỗi giá trị, vốn đầu tư vào khoa học công nghệ và công tác quản lý sẽ hoàn thiện hơn, nông nghiệp sẽ có cơ hội phát triển bền vững, tránh câu chuyện được mùa mất giá và thất thu trong ngành.
Công nghệ cao và chuỗi giá trị là những gợi ý cho hướng đi của nền nông nghiệp Việt Nam trong những năm tới. “Tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào Top 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào Top 10 thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp diễn ra tại Đà Lạt cuối tháng 7.2018. Trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Agriculture Symposium 2018, một lần nữa lời phát biểu này được trình bày trang trọng tại gian hàng của Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và CTCP Lavifood. Ngành nông nghiệp đã ngay lập tức đáp ứng “đơn đặt hàng” đặc biệt này của Thủ tướng. Số liệu công bố cuối tháng 12 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt mức kỷ lục 40 tỉ USD. Với kết quả này, xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam đã đứng Top 15 trên thế giới.
Không phủ nhận thành công bước đầu, nhưng mục tiêu đối với ngành nông nghiệp không đơn thuần là đạt giá trị xuất khẩu cao, mà còn nằm ở nhiều tiêu chí như chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư lớn,... Đó là nhiệm vụ lớn đặt ra cho toàn ngành nông nghiệp trong 10 năm tới.
Tường Minh