Việt Nam là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 32 thế giới với sản lượng 301.850 thùng/ ngày, theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA), năm 2019. Việt Nam hiện là nước có lượng dầu thô dự trữ lớn nhất ở Châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Việt Nam chấp nhận trạng thái “bình thường mới” sống chung với đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói vào cuối tháng Tư. Bình thường mới này cũng áp dụng tương tự với thị trường dầu thế giới và tác động của giá dầu lên tăng trưởng toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam được dự đoán chậm lại ở mức 4,8% do sự lây lan của COVID-19, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngân hàng Standard Chartered dự đoán mức tăng trưởng chỉ 3,3% và một số nhà kinh tế độc lập thậm chí chỉ dự đoán mức tăng trưởng 0% cho kinh tế Việt Nam năm nay.
Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên là nước sản xuất dầu mỏ và khí ga tự nhiên quan trọng ở Đông Nam Á. Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động khai thác, cho phép các công ty lớn ở nước ngoài đầu tư và hợp tác trong ngành dầu mỏ và khí đốt, và bắt đầu các cải cách thị trường tự do có định hướng để hỗ trợ ngành năng lượng quốc gia.
Giá dầu trong vài phiên trao đổi vừa qua có khôi phục được một chút nhưng vẫn còn ở mức rất thấp so với hồi đầu năm. Thị trường dầu đang thoi thóp sau khi bị tác động bởi các cú sốc ở cả hai chiều cung và cầu.
Kể từ khi COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, thị trường dầu thế giới phải trải qua cú sốc cầu quá lớn khi nhu cầu nhiên liệu vận tải giảm trầm trọng do các lệnh phong tỏa lan rộng khắp Châu Á, Mỹ và nhiều nơi khác.
COVID-19 phá tan nhu cầu sử dụng dầu mỏ, khi khiến phần lớn hoạt động của Trung Quốc, nền kinh tế chiếm 35% tăng trưởng GDP toàn cầu, ngừng hoạt động, và buộc hoạt động hàng không khựng lại, giảm lượng giao thông đường bộ lên đến 50% ở nhiều thị trường và nền kinh tế khắp thế giới.
Cùng lúc đó, Ả Rập Saudi và Nga tham gia vào cuộc chiến giá dầu để dành thị phần, dẫn đến cú sốc cung mạnh. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và các nước sản xuất dầu khác, một nhóm gọi là OPEC+ đã đạt được thỏa thuận chưa từng có, giảm khoảng 10% nguồn cung dầu toàn cầu, mặc dù thỏa thuận này có vẻ quá ít ỏi, quá muộn màng.
Nhu cầu dầu mỏ còn có thể giảm xuống 30%, và thế giới chỉ còn vài tuần nữa là hết chỗ để dự trữ lượng dầu dư thừa (tính từ cuối tháng 4.2020 - NQL). Khi giá dầu xuống đến mức âm, các nhà sản xuất thực sự là đang trả tiền cho người mua để họ lấy dầu khỏi kho.
Trong thị trường hàng hóa vật chất, việc cung vượt cầu luôn quan trọng hơn những câu nói ấn tượng và tuyên bố của quan chức chính phủ tìm cách đẩy giá lên. Lời nói chẳng đáng giá gì trong thị trường hàng hóa như dầu mỏ.
Khi các thùng dự trữ đầy ắp, không còn chỗ để chứa dầu, dẫn đến tình cảnh nghịch lý khi giá cả của thứ cần thiết trong mọi mặt đời sống của chúng ta, xuống dưới mức 0 đồng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu khi giao đến đạt mức “xả hàng” ở giá 0 đồng. Mức giá thậm chí còn âm trong tuần cuối tháng Tư, báo hiệu không còn chỗ để chứa tất cả số dầu thô thế giới đang được sản xuất ra mà không dùng đến.
Đây là khủng hoảng dầu mỏ chưa từng có, và khi mọi việc xấu đi, khía cạnh không hay ho của địa chính trị có thể sẽ nổi lên sau cuộc tranh cãi gần đây giữa Thái tử Ả Rập Saudi Mohammad bin Salman Al Saud và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hơn bất cứ quốc gia nào khác, Nga đối mặt với cơn sốc giá dầu toàn cầu ở vị thế kẻ mạnh, nhưng bài kiểm tra sẽ là niềm tin của người dân vào khung vĩ mô được thiết lập kể từ năm 2014.
Theo dữ liệu của EIA Mỹ, Nga hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Ả Rập Saudi. Theo dữ liệu của Moody, các nhà sản xuất dầu mỏ ở vị thế dễ tổn thương nhất về mặt tín dụng là các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) Oman và Bahrain.
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ sụt giảm kỷ lục xuống còn 9.3 triệu thùng/ ngày năm 2020, xóa tan một thập kỷ tăng trưởng tiêu thụ liên tục, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết kinh tế toàn cầu dự đoán sẽ thu hẹp khoảng 3% trong năm nay. Nền kinh tế của các đối tác thương mại lớn nhất Châu Á dự kiến sẽ thu hẹp sâu: Mỹ được dự báo thu hẹp khoảng 5,9% trong khi khu vực đồng tiền chung euro được dự báo thu hẹp 7,5%.
Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế có thể tăng trưởng năm 2020, theo dự báo của IMF. Nhưng mức tăng trưởng dự báo cho quốc gia này chỉ là 1,2%, sụt giảm mạnh so với mức tăng trưởng kinh tế vượt trội những năm trước đó. Trong khi tăng trưởng ở các nước phương tây ở mức 0% được coi là suy thoái kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu suy thoái ở mức tăng trưởng 3%. Và bất kỳ mức tăng trưởng dưới 6% nào cũng sẽ nảy sinh bất ổn xã hội ở Trung Quốc, nên ông Tập Cận Bình phải thiết lập giám sát toàn quốc trước khi nền kinh tế đi vào suy thoái.
Do vậy, bất chấp OPEC+ có hành động gì thêm nữa, thế giới cũng đang tiến vào thị trường cung vượt cầu quá lớn và một thời kỳ giá dầu giảm sâu. Sự hồi phục của giá dầu nhanh đến đâu phần lớn là nhờ khả năng kiểm soát virus và các biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch.
Cơn sốc cầu về dầu mỏ chưa từng có và sự sụp đổ giá dầu kèm theo hiện nay sau cùng có thể tạo ra cơn sốc cung lớn và một sự tăng giá dầu nhanh chóng. Biến động dữ dội của quá trình này, sẽ vĩnh viễn thay đổi ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu và địa chính trị của thế giới, tạo ra các áp lực lạm phát khi hoạt động kinh tế diễn ra trở lại sau thời kỳ phong tỏa do COVID-19 và thay đổi cuộc tranh luận xung quanh thay đổi khí hậu.
Với viễn cảnh toàn cầu ngừng hoạt động do COVID-19 còn cực kỳ bất định, không có gì rõ ràng cho viễn cảnh giá dầu. Bài học lớn từ thị trường giá dầu là thị trường này có một cấu thành thực thể. Dầu mỏ không giống như thị trường chứng khoán, không phải thị trường của niềm tin.
Để mô tả cấu thành thực thể này, chúng ta hãy sự thay đổi giá giữa hai loại dầu mỏ Brent và WTI (West Texas Intermediate - còn biết đến là loại dầu ngọt nhẹ Texas), từ đó nhìn nhận cấu trúc dự trữ dầu mỏ.
Dầu thô Brent được định giá ở trung tâm Biển Bắc, nơi bể chứa dầu dung tích lớn và dễ tiếp cận, trong khi nơi trữ dầu WTI ở Mỹ dung tích hạn chế và ở trong đất liền, khiến việc vận chuyển tương đối khó khăn. Do đó, dầu Brent ít chịu ảnh hưởng sốc cầu trong khi giá dầu WTI nhạy cảm hơn nhiều, khi nhu cầu giảm, hết chỗ chứa dầu thì giá giảm ngay lập tức.
Giá dầu âm lần đầu tiên trong lịch sử ngày 20.4 sẽ khiến các nhà sản xuất dầu mỏ phải ngừng khai thác. Các nhà sản xuất dầu cần cầu vượt cung để giảm lượng hàng tồn và giá cả phục hồi trở lại.
Theo IEA, tổng chi phí sản xuất một thùng dầu mỏ, bao gồm chi phí tìm kiếm, thăm dò, vốn đầu tư, các chi phí xã hội như thuế, vào khoảng 50 đến 60 USD một thùng. Ngành công nghiệp dầu mỏ phải sớm dừng việc sản xuất ra thứ sản phẩm có giá trị thấp hơn chi phí vốn, nếu không sẽ phải tự thanh lý, và thực tế, việc bán dầu với giá thấp chính là đang tự thanh lý.
Như vậy, cách chữa bệnh cho giá dầu thấp chính là giá dầu thấp. Tuy nhiên, cùng lúc đó, có ít khả năng nhu cầu năng lượng sẽ phục hồi theo dạng hình chữ V, đặc biệt khi dự đoán phục hồi kinh tế toàn cầu có dạng chữ L. Giá thấp hơn nữa trong thời gian dài sẽ là bình thường mới đối với dầu mỏ và do đó, Việt Nam, một trong những quốc gia sản xuất dầu ở Châu Á, cần chuẩn bị sẵn sàng thích ứng.
Rainer Michael Preiss - Chiến lược gia của Golden Equator Wealth
(viết cho Tạp chí Nhà Quản Lý)