Khi COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, công xưởng sản xuất lớn của toàn thế giới lâm vào cảnh ngưng trệ đồng loạt, một phần do các lệnh phong tỏa và kiểm soát dịch bệnh hà khắc, một phần do tâm lý lo sợ bị nhiễm bệnh của người lao động. Nhu cầu nhiên liệu và năng lượng cho sản xuất giảm rõ rệt. Theo dự báo của IHS Markit, nhu cầu dầu mỏ Quý I năm 2020 của thế giới sẽ giảm 3,8 triệu thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tháng Ba 2020, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đề xuất thỏa thuận giới hạn sản lượng để phù hợp với tình hình nhu cầu giảm. Tuy nhiên, Nga - một trong nhà sản xuất lớn của thế giới ngoài OPEC, đã thẳng thừng từ chối. Để trả đũa, Arab Saudi dự kiến tăng sản lượng dầu mỏ lên khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày kể từ đầu tháng Tư, động thái được cho là để làm giảm giá dầu và trừng phạt Nga. Hành động tuyên chiến này gây ra cú trượt giá tồi tệ nhất từ năm 2002 tới nay: giá dầu thô từ khoảng 50 USD tháng Hai giảm đến dưới 20 USD/ thùng cuối tháng Ba.
Với việc OPEC và Nga từ chối đóng vai trò bình ổn giá dầu, nhu cầu dầu mỏ giảm sẽ dẫn đến hậu quả nhiều doanh nghiệp khai thác dầu mỏ trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ, lâm vào cảnh phá sản, vì chi phí sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ hiện nay cao hơn ở Arab Saudi và Nga.
Càng lún sâu vào trận chiến giảm giá dầu, tất cả các bên tham gia đều nhận lấy kết cục thua thiệt. Tuy nhiên, cuộc chiến dự kiến sẽ còn kéo dài theo quan sát rút ra từ lịch sử. Cuộc chiến đầu tiên bắt đầu năm 1985 kéo dài 13 tháng, lần thứ hai năm 1997 dài 17 tháng và lần thứ ba năm 2014 dài 22 tháng.
Trong các cuộc chiến trước, giá giảm từ từ trong nhiều tháng. Lần này, với chiến thuật mới của OPEC gây sốc mạnh, cuộc chiến gây thiệt hại lớn ngay từ đầu, với giá dầu lao dốc hơn 35% chỉ trong vài ngày. Tổn thất quá nhanh, quá lớn có thể thúc đẩy các bên nhanh chóng quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, giá dầu chỉ có thể ổn định trở lại khi nhu cầu về dầu mỏ được phục hồi, điều vô cùng bất định và khó dự đoán trong diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch COVID-19.
Tạp chí Nhà Quản Lý