Việt Nam đang nổi lên như một thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất Đông Nam Á trong năm nay, đạt mức tăng 12% đối với chỉ số VN-Index chuẩn trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Theo dữ liệu của Bloomberg,
Việt Nam là thị trường đạt hiệu quả tốt thứ ba trên toàn cầu trong năm năm qua. Mặc dù các nhà đầu tư sẽ thấy rằng hầu hết các ngân hàng tư nhân và các nhà quản lý tài sản quốc tế vẫn không thể mua hoặc bán cổ phiếu Việt Nam trực tiếp, nhưng mặt tích cực nằm ở chỗ thị trường vẫn chưa nằm trong tầm ngắm của hầu hết các nhà đầu tư nhưng các tín hiệu cho thấy tương lai đó sẽ sớm đến.
Việt Nam dường như là câu chuyện vĩ mô và trường hợp đầu tư thú vị nhất châu Á trong năm nay. Những cải cách kinh tế đang diễn ra tại đây kết hợp với những phát triển địa chính trị chắc chắn đã thúc đẩy triển vọng của cả đất nước. Ngân hàng Thế giới kỳ vọng Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm nay, với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,6%. Hai sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam có vẻ đã sẵn sàng hưởng lợi nhiều hơn từ triển vọng được thêm vào chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Việc nâng hạng lên thành thị trường mới nổi có vẻ sẽ trở thành hiện thực vào năm 2020, theo Mark Mobius, nhà đầu tư kỳ cựu được mệnh danh là “Cha đẻ của các thị trường mới nổi”.
Nhiều người quên rằng Việt Nam đã tiến xa đến mức nào kể từ chính sách “Đổi mới” năm 1986. Sáng kiến chính trị và kinh tế đưa ra chỉ hơn hai thập kỷ trước nhằm mục đích tạo điều kiện để đất nước chuyển mình từ một nền kinh tế tập trung sang “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. “Đổi mới” có nghĩa là kết hợp sự hoạch định của Chính phủ với các động lực từ thị trường tự do.
Vào đầu những năm 90, thu nhập bình quân đầu người của Singapore cao gấp 125 lần Việt Nam, còn bây giờ là 24 lần,” Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc nói với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) hồi năm ngoái tại Hà Nội. “Thái Lan từng có thu nhập cao gấp 16 lần Việt Nam, hiện con số này là 2,5 lần. So với Nhật Bản, con số này giảm từ 267 lần xuống 16 lần, hay so với Mỹ, con số này giảm từ 252 lần xuống còn 25 lần”.
Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, thu nhập của Việt Nam tăng 210% từ năm 2007 đến 2017 và hơn 200 công dân Việt Nam hiện có tài sản đầu tư trị giá ít nhất 30 triệu USD. Mở rộng thêm 320% từ năm 2000 đến năm 2016, tầng lớp siêu giàu ở Việt Nam đang phát triển nhanh hơn so với Ấn Độ (290%) và Trung Quốc (281%). Nếu xu hướng này tiếp diễn, nó sẽ tăng thêm 170% nữa, từ 14.300 lên 38.600 triệu phú vào năm 2026.
Nhiều người cho rằng Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Việt Nam dự kiến sẽ thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất do các công ty tìm cách xây dựng chiến lược nguồn cung “Trung Quốc+1” để giảm thiểu rủi ro tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về thị trường chứng khoán, những người hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất từ xu hướng này bao gồm các nhà khai thác khu công nghiệp, nhà khai thác cảng và logistics, và các công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không.
Mặc dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều gần đây tại Hà Nội có thể gây thất vọng về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng đó là một lợi ích cho nước chủ nhà. Hội nghị Thượng đỉnh đã giúp nâng cao nhận thức về “thương hiệu Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu, đồng thời tái khẳng định quan điểm rằng Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế chỉ huy, khép kín sang nền kinh tế định hướng thương mại. Các hãng hàng không nội địa đã chứng minh thực tế đó khi ký các đơn đặt hàng và hợp đồng dịch vụ trị giá hơn 21 tỉ USD với các công ty Mỹ bên lề hội nghị.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến lễ ký kết mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways.
Sự tham gia của Việt Nam vào một trong những chỉ số cố phiếu có ảnh hưởng nhất thế giới sẽ mang lại sự thúc đẩy xứng đáng về mặt lợi ích từ các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nội địa. Theo đánh giá thường niên của FTSE Russell công bố vào tháng chín năm ngoái, Việt Nam hiện vẫn được phân loại là thị trường cận biên (frontier market), nhưng đã được thêm vào danh sách theo dõi để có thể được nâng hạng thành thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market). Hiện tại, trong cùng xếp hạng có các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines và Nga.
Việt Nam cũng có thể được xếp là thị trường mới nổi của MSCI vào năm tới nếu tỉ lệ free-loat (tỉ lệ khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường) và cơ sở hạ tầng thị trường được điều chỉnh để phù hợp hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết các mối quan tâm do MSCI chỉ ra về nâng hạng thị trường Việt Nam liên quan đến thủ tục và có thể được giải quyết bằng các quy định mới. Có lẽ trở ngại lớn nhất cần vượt qua sẽ là sự sẵn lòng của các chủ doanh nghiệp Việt Nam trong việc chào đón đầu tư nước ngoài. Sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất về Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư, bên cạnh phân hạng thị trường mới nổi chính thức từ MSCI.
Các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ ý định loại bỏ các hạn chế đối với quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty nhà nước và niêm yết vào cuối năm 2019. Chính phủ mong muốn mở cửa nền kinh tế hơn nữa để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Bộ Tài chính hiện đang soạn thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, đây là điều chỉnh lớn đầu tiên kể từ năm 2010.
Để chuẩn bị cho thị trường tham gia vào chỉ số MSCI EM Index và tăng cường thanh khoản, các hợp đồng tương lai VN30 đã được giới thiệu vào năm ngoái và hiện tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đang tìm kiếm sự chấp thuận của Bộ Tài chính để bắt đầu giao dịch chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) trong quý III.2019. Tài sản cơ sở cho chứng quyền sẽ là các cổ phiếu đáp ứng một số điều kiện nhất định như: thuộc chỉ số VN30 hoặc chỉ số HNX30; có tỉ lệ free-loat trên 20%; mức vốn hóa thị trường trung bình ngày trong sáu tháng gần nhất đạt ít nhất năm nghìn tỉ đồng (tương đương 215 triệu USD). Việt Nam cũng đang nghiên cứu các hợp đồng tương lai, phái sinh từ chỉ số mới như VNX200 hoặc VNX100 bên cạnh hợp đồng tương lai hiện xây dựng trên chỉ số VN30. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng đang hướng tới việc ra mắt hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ trong quý III.2019.
Bài viết: Rainer Michael Preiss, Chiến lược gia Quỹ Taurus Family Office (Singapore)
Ảnh: Bamboo Airways