Canifa - hãng thời trang gia đình đang có trên 100 cửa hàng. Hãng thời trang công sở Ivy Moda có gần 80 cửa hàng, Format có gần 20 cửa hàng…
Chưa một nhãn thời trang nước ngoài nào có được quy mô tương tự cho dù thị trường 95 triệu dân đang có sức hấp dẫn đặc biệt trong lĩnh vực thời trang. Hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới như Uniqlo, Zara, H&M,... đều đã lần lượt có mặt tại các con phố lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) - nhưng số lượng mới chỉ một vài cửa hàng.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, CEO Hoàng Phúc, doanh nghiệp kinh doanh độc quyền các thương hiệu thời trang quốc tế tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam không phải là quốc gia nghĩ ra xu hướng, mà là quốc gia theo sau. Các xu hướng thời trang quốc tế, được khởi nguồn từ các hãng thời trang lớn, các buổi trình diễn thời trang quốc tế… khi về Việt Nam sẽ có độ trễ nhất định. Việt Nam đang không làm chủ chuỗi cung ứng, dù tham gia sâu vào chuỗi, bởi gần như toàn bộ nguyên liệu cho khâu sản xuất đều phải nhập khẩu, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc.
Sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng tổng hợp như Hoàng Phúc, hay sự đổ bộ trực tiếp của các hãng thời trang quốc tế, đang là cơ hội để các doanh nghiệp thời trang trong nước nhìn lại chính mình.
Người Việt chi gần 6,4% ngân sách tiêu dùng cho các sản phẩm may mặc (bao gồm quần áo, mũ nón, giày dép) - theo thống kê rổ hàng hoá của Tổng cục Thống kê. Tạm tính trên GDP năm 2019, chi tiêu cho mảng này của người Việt đạt gần 17 tỉ USD.
Các thương hiệu thời trang trong nước, theo ông Tuấn, vẫn có cơ hội để vươn lên cho dù trong giai đoạn hiện nay người tiêu dùng thế hệ Y, thế hệ Z ngày càng am hiểu thời trang và yêu thích các thương hiệu ngoại.
Các thương hiệu thời trang nội địa cũng có hiểu biết hơn về cách thức giao hàng trong kinh doanh online. Logistics Việt Nam có đặc thù mà các quốc gia khác không thể có, là nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới vận hành bằng xe máy. “Giao hàng trong 2h” là khái niệm hoàn toàn lạ lẫm với các doanh nghiệp châu Âu nói chung, trong khi đó các thành phố tại Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Am hiểu thị trường trong nước và thích ứng với các xu hướng thời trang thế giới một cách nhanh nhất, là cách mà các hãng thời trang Việt cần làm để có thể trụ vững trong giai đoạn này, ông Tuấn nhận định.
Rất khó để Việt Nam có được một thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu - điều mà ngay cả Trung Quốc, quốc gia chiếm quá nửa thị phần xuất khẩu dệt may thế giới cũng chưa thể làm được, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Vinatex nhận xét.
Theo ông Trường, Trung Quốc hơn Việt Nam ở thị trường nội địa khổng lồ, lên tới 1,4 tỉ dân. Tuy nhiên, quốc gia này không có được niềm tự hào về sản phẩm được sản xuất tại nước mình. Chẳng hạn người ta tin rằng Nhật Bản, Hàn Quốc không ủng hộ việc ăn cắp bản quyền, nhưng không tin rằng Trung Quốc như vậy. Định kiến về một quốc gia phải mất nhiều năm mới có thể thay đổi. Những năm 70 thế kỷ trước, người ta nghĩ về ô tô Hàn Quốc như vậy, nhưng thể chế nước này đã giúp các thương hiệu như Daewoo, Hyundai nổi danh toàn cầu.
Để nuôi dưỡng các thương hiệu nội địa lớn lên trước khi bị các thương hiệu quốc tế xâm nhập, cạnh tranh, theo ông Trường, phải bắt đầu từ việc hạn chế nhập khẩu, thường là bằng thuế quan. Tuy nhiên, công cụ đó đến nay đã lỗi thời khi Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các quốc gia trên thế giới, gần nhất là CPTPP và EVFTA, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Đầu tư vào thiết kế là việc mà các thương hiệu lớn đang làm. Zara có khoảng 300 người thiết kế làm việc tại trung tâm thiết kế, theo Business Insider. Đây là việc mà các thương hiệu thời trang trong nước chưa làm được. Ông Trường thừa nhận, Vinatex hiện không có trung tâm thiết kế của riêng mình. Thay vào đó các công ty thành viên thường có một phòng ban chịu trách nhiệm về mẫu mã sản phẩm.