Diamond Plaza
Số tầng: 22
Độ cao: 90m
Diện tích sử dụng: 56.900m2
Thiết kế: POS-A.C Company (Hàn Quốc)
Năm mở cửa: 1999
Khánh thành năm 1999, Diamond Plaza được ghi nhận là công trình đầu tiên tại Việt Nam sử dụng kết cấu thép (ngoài phần móng và hai tầng hầm, toàn bộ phần thân của tòa nhà sử dụng kết cấu thép). Tương tự Saigon Metropolitan, vị trí kế cận nhiều công trình văn hóa lịch sử của Diamond Plaza cũng đòi hỏi một thiết kế không quá lấn át với không gian lịch sử xung quanh mà vẫn thể hiện được xu thế kiến trúc hiện đại. Tổng thể dự án là sự kết hợp của các khối hình vuông, chữ nhật và khối cong hình số 8 mang lại cho công trình tính hiện đại mà vẫn mềm mại quyến rũ.
Diamond Plaza là một trong những trung tâm thương mại quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, và sau 20 năm hoạt động, Diamond Plaza vẫn giữ vững danh xưng “viên kim cương giữa lòng thành phố”.
Saigon Metropolitan Tower
Số tầng: 16
Độ cao: 60m
Diện tích sử dụng: 28.000m2
Thiết kế: Design International (Canada)
Năm mở cửa: 1998
Nằm ngay giao lộ Đồng Khởi và Nguyễn Du hướng trực diện về khuôn viên nhà thờ Đức Bà, Saigon Metropolitan Tower thừa hưởng nhiều khoảng không gian xanh quanh khu vực Dinh Thống Nhất và công viên 30.4. Vị trí đặc biệt của Saigon Metropolitan lại là một thách thức về mặt thiết kế khi phải kết hợp hài hòa giữa sự cổ điển gắn liền lịch sử thành phố và một không gian đô thị mới, đồng thời phải có tính liên kết với cảnh quan xung quanh.
Saigon Metropolitan với thiết kế mái vòm đầu tiên cho cao ốc văn phòng tại Việt Nam, kết hợp chất liệu đá granite ốp tường đã trở thành điểm nhấn ấn tượng của thành phố. Năm 2008, Saigon Metropolitan là một trong 20 công trình được trao giải thưởng “Công trình kiến trúc Việt Nam tiêu biểu”.
Năm 2017, Indochina Company Limited, một công ty đăng ký tại British Virgin Islands (Quần đảo Virgin thuộc Anh) và có trụ sở tại Hồng Kông, trở thành chủ sở hữu của tòa cao ốc này.
Vincom Center Đồng Khởi
Số tầng: 28
Độ cao: 115 m
Diện tích sử dụng: ước tính 101.600 m2(chưa bao gồm khu căn hộ)
Thiết kế: Site Asia (Pháp), Wimberly Allison Tong & Goo (Mỹ)
Năm mở cửa: 2010
Vincom Center Đồng Khởi là khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp này có hai mặt giáp với khu phố sầm uất Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn, đồng thời giáp vườn hoa Chi Lăng phía mặt đường Đồng Khởi. Tòa nhà nằm kế cận với nhiều công trình kiến trúc cổ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Nhà hát Thành phố,… đặt ra bài toán giải quyết sự hài hòa của một công trình hiện đại với cảnh quan lịch sử xung quanh.
Dù nhiều tập đoàn bán lẻ thất bại và rút khỏi Việt Nam trước sức ép cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhưng hệ thống trung tâm thương mại của Vincom liên tục mở rộng, chuyển đổi và thích nghi với cuộc chơi này, nổi bật nhất là Vincom Center Đồng Khởi. Đi vào hoạt động vào năm 2010, Vincom Center Đồng Khởi hiện có khoảng 100 thương hiệu thời trang và mỹ phẩm hiện đang chen chúc nhau mở cửa hàng trong trung tâm thương mại này. Nhiều nhãn hàng quốc tế chọn đây là điểm đến đầu tiên khi thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam đang trên đà tăng trưởng.
Saigon Times Square
Số tầng: 40
Độ cao: 165 m
Diện tích sử dụng: 90.000m2
Thiết kế: Arup Group Limited (Anh)
Năm mở cửa: 2012
Saigon Times Square tọa lạc tại một vị trí sang trọng, giữa hai con đường sầm uất và sang trọng bậc nhất của thành phố: phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Đồng Khởi. Tòa nhà vừa có vị trí đắc địa vừa có hướng nhìn rộng rãi phía sông Sài Gòn. Thiết kế hình chữ L giúp tòa nhà tận dụng được tối đa ưu điểm về mặt không gian. Saigon Times Square được các nhà thiết kế chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết bằng các nội thất sang trọng mang phong cách hoàng gia. Saigon Times Square cũng là nơi đặt khách sạn The Reverie Saigon - khách sạn duy nhất của Việt Nam là thành viên của Tổ chức các Khách sạn Hàng đầu Thế giới (Leading Hotels of the World).
Tòa nhà dường như đã trở thành một biểu tượng thượng lưu trong một đất nước có lượng triệu phú đô la thuộc hàng gia tăng nhanh nhất thế giới như Việt Nam. Đây cũng là một trong những cao ốc có bãi đáp trực thăng trên sân thượng tại TP.HCM.
Sun Wah Tower
Số tầng: 21
Độ cao: 92 m
Diện tích sử dụng: 20.800 m2
Thiết kế: Archeon Group (Mỹ)
Năm mở cửa: 1995
Khánh thành năm 1995, Sun Wah Tower - tòa nhà cao tầng đầu tiên ở TP.HCM, được công nhận là tòa nhà cao nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Được đầu tư bởi tập đoàn Sun Wah đến từ Hồng Kông và được thiết kế bởi một tập đoàn đến từ Mỹ, Sun Wah Tower tượng trưng cho sức mạnh hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào giai đoạn mở cửa.
Nằm trong khu phố tài chính quận 1 và trục đường trung tâm bậc nhất Nguyễn Huệ, Sun Wah Tower với bốn mặt tiền có lợi thế lớn về vị trí và thiết kế vững chắc mang âm hưởng phương Tây. Sau thời gian dài hoạt động 24 năm, tòa nhà văn phòng hạng A này vẫn là địa chỉ văn phòng của nhiều tập đoàn tài chính và ngân hàng lớn. Năm 2018, Sun Wah Tower vẫn là một tài sản đầu tư hấp dẫn khi Tập đoàn Nomura đến từ Nhật Bản mua lại 24% cổ phần của tòa cao ốc này.
Bitexco Financial Tower
Số tầng: 68
Độ cao: 262,5 m
Diện tích sử dụng: 119.000m2
Thiết kế: Carlos Zapata Studio (Mỹ), AREP (Pháp)
Năm mở cửa: 2010
Ngay sau khi Bitexco Financial Tower khánh thành và chào đón những vị khách đầu tiên, TP.HCM cũng đón chào một biểu tượng mới. Lấy cảm hứng từ hình ảnh búp sen, Bitexco được thiết kế mang đậm tính truyền thống, đồng thời với độ cao 262,5m - cao nhất Việt Nam tại thời điểm mở cửa, tòa nhà nổi bật và dễ dàng được nhận biết từ cự ly rất xa. Mặc dù kỷ lục về tòa tháp cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại được ghi nhận cho một cao ốc khác, nhưng Bitexco Financial Tower vẫn là một biểu tượng chưa thể thay thế. Năm 2013, CNN bình chọn Bitexco nằm trong danh sách 25 tòa nhà chọc trời có kiến trúc biểu tượng trên thế giới.
Mặc dù với điểm mạnh về thiết kế và vị trí đắc địa ngay giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ và Hàm Nghi, khu trung tâm thương mại ở khối đế của Bitexco hoạt động khá ảm đạm. Khu văn phòng của Bitexco cũng có tỉ lệ lấp đầy thấp hơn so với nhiều tòa nhà hạng A khác trong khu vực trung tâm thành phố, theo các công ty nghiên cứu thị trường.
Saigon Centre
Số tầng: 43
Độ cao: 193,7 m
Diện tích sử dụng: 92.000m2
Thiết kế: Denton Corker Marshall Studios (Hồng Kông), NBBJ (Mỹ)
Năm mở cửa: 2017
Saigon Centre nằm trên đại lộ Lê Lợi - trục đường chính trong khu vực trung tâm thành phố. Tòa nhà còn có hai mặt tiếp giáp với hai con đường sầm uất Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đúng như tên gọi, tòa nhà nằm ngay vị trí trung tâm quận 1, cách chợ Bến Thành vài bước chân.
Tòa tháp đầu tiên của Saigon Centre đi vào hoạt động cách đây 21 năm, trải qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế và bất động sản Việt Nam. Sau thời gian đóng cửa xây dựng giai đoạn tiếp theo, Saigon Centre trở lại ngoạn mục vào năm 2017 và kết nối tòa tháp mới với tòa tháp đầu tiên, tạo thành một trong những khu phức hợp lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố. Trở lại cùng Saigon Centre là sự góp mặt của tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Takashimaya bằng trung tâm thương mại đầu tiên của hãng tại Việt Nam. Thiết kế hiện đại kết hợp cùng sự đa dạng của các nhãn hàng, Saigon Centre sầm uất, có lượng khách tham quan mua sắm thuộc hàng tốp đầu tại TP.HCM.
Saigon Trade Center
Số tầng: 33
Độ cao: 145 m
Diện tích sử dụng: 55.790m2
Thiết kế: WMKY Architects Engineers Limited (Hồng Kông)
Năm mở cửa: 1997
Saigon Trade Center được biết đến nhiều hơn với tên gọi bình dân “tòa nhà 33 tầng”. Với số tầng đột phá và chiều cao đạt 145 m, vượt xa Sun Wah Tower (92 m), Saigon Trade Center trở thành biểu tượng mới của thành phố vào thời điểm đi vào hoạt động năm 1997. Bên cạnh độ cao kỷ lục, Saigon Trade Center được thiết kế với màu xanh đặc trưng và ba đường viền trắng chạy từ chân tòa nhà lên đến đỉnh giúp công trình trở nên nổi bật và dễ nhận biết.
Được đầu tư bởi tập đoàn Hong Kong Luks Group (Vietnam Holdings) Co. LTD. và một công ty con thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, Saigon Trade Center nắm giữ kỷ lục lâu nhất với 13 năm liền được ghi nhận là tòa nhà cao nhất Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2010. Năm 2001, Luks Group mua lại cổ phần từ đối tác Việt Nam và trở thành chủ sở hữu duy nhất của tòa nhà Saigon Trade Center.
The Landmark 81
Số tầng: 81
Độ cao: 461,3 m
Diện tích sử dụng: 241.000m2
Thiết kế: Atkins (Anh)
Năm mở cửa: 2018
Mở cửa năm 2018, The Landmark 81 vượt qua Keangnam Landmark 72 trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam, là biểu tượng mới trên đường chân trời của thành phố. Nhìn từ trên cao, tòa nhà vươn lên mạnh mẽ giữa một rừng cao ốc căn hộ trong khu đô thị nén Vinhomes Central Park bên bờ sông Sài Gòn. The Landmark 81 lấy cảm hứng hình ảnh bó tre với những đỉnh nhấp nhô tạo cảm giác về tòa nhà cao vút, biểu tượng cho sự gắn kết và khát vọng vươn lên.
Tổ hợp thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ này được đầu tư và xây dựng bởi hai doanh nghiệp trong nước: Vingroup và Coteccons. Tòa nhà hiện là địa điểm quan sát, ngắm nhìn toàn cảnh thành phố, trải nghiệm cuộc sống thượng lưu. The Landmark 81 hiện là tòa nhà cao thứ hai Đông Nam Á.
The Garden Mall
Số tầng: 33
Độ cao: 110 m
Diện tích sử dụng: 100.000m2
Thiết kế: H.W. Wai & Associates (Hồng Kông)
Năm mở cửa: 1999
The Garden Mall, hay Thuận Kiều Plaza trước đây, là dự án trung tâm thương mại kết hợp chung cư cao cấp quy mô đầu tiên tại TP.HCM được xây dựng vào cuối thập niên 1990. Tại thời điểm khánh thành, dự án “Thuận Kiều”, với ý nghĩa thuận buồm xuôi gió, từng là niềm hy vọng của các tiểu thương và người dân sinh sống, đặc biệt đối với người Hoa sống tập trung tại khu vực quận 5. Tuy nhiên, dự án với những điểm hạn chế trong quy hoạch và thiết kế đã dần bị lãng quên và không có sự sống.
Năm 2015, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại dự án, Thuận Kiều Plaza chính thức đổi tên thành The Garden Mall, khu vực trung tâm thương mại hiện đã được hồi sinh với lượng khách ổn định.
Tạp chí Nhà Quản Lý