Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore ký hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Liên minh Châu Âu (EU) vào ngày 30.6.2019. Hiệp định được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội thương mại cho Việt Nam với 28 quốc gia thành viên EU. Cùng ngày, Việt Nam cũng ký với EU Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).
Theo thỏa thuận, EVFTA sẽ loại bỏ 99% thuế hải quan giữa hai bên. Trong đó, 65% thuế hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam được dỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại giảm theo lộ trình 10 năm. Đồng thời 71% thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ phần còn lại giảm dần theo lộ trình bảy năm. Là hiệp định thế hệ mới, EVFTA bao gồm cả những điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững.
Với kim ngạch xuất khẩu gấp gần năm lần so với 15 năm trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế: giai đoạn của quan hệ lâu dài, toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi xây dựng trên cơ sở các quy tắc minh bạch và thông thoáng của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại lễ ký kết ngày 30.6.
Các chuyên gia cho rằng EVFTA sẽ tạo nên sức bật cho nền kinh tế trong nước. “Chúng tôi kỳ vọng Hiệp định sẽ gia tăng trung bình 0,1% (dao động trong khoảng 0,3%) GDP của Việt Nam trên thưc tế mỗi năm chỉ nhờ vào các tác động thương mại thuần túy”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định.
Những cam kết mở cửa mạnh mẽ trong Hiệp định sẽ giúp mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu cho Việt ồ gỗ. Theo các nhà phân tích của HSBC, các ngành như may mặc và da giày của Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định.
Đại diện HSBC Việt Nam cũng nhận định, Việt Nam cần phải xây dựng một ngành công nghiệp sản xuất có yếu tố nội địa nhiều hơn để có thể tận dụng được hết những lợi ích này, đặc biệt trong ngành dệt may. Chuyên gia của HSBC Việt Nam nhận định, yêu cầu rất nghiêm khắc về xuất xứ hàng hóa đối với các sản phẩm may mặc nhập khẩu vào châu Âu có thể làm giảm các lợi ích đối với Việt Nam khi phần lớn các nguyên liệu chính đều được nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Hiện tại, chỉ có các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có khả năng đáp ứng được tỉ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu tuân thủ quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Bên cạnh việc doanh nghiệp cần tự phát triển nội tại, những quy định hướng dẫn và hoạt động của Chính phủ giúp cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về Hiệp định.
“Đây không chỉ là cơ hội với ngành tôm, mà còn với cả ngành thủy hải sản nói chung”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, cho biết.
EVFTA cho đến hiện tại đã được ký ở cấp Hội đồng Bộ trưởng. Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn, còn về phía EU thì sẽ cần trình lên Nghị viện Châu Âu để thông qua. Từ năm 1993, Việt Nam đã bắt đầu ký hợp tác với ASEAN và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1.2019. Tính đến nay, Việt Nam tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do.
“Rào cản cuối cùng sẽ là một cuộc bỏ phiếu quan trọng trong Nghị viện châu Âu. Vì vậy, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng tôi sẽ nỗ lực gấp đôi để làm nổi bật những lợi ích của thỏa thuận này và đảm bảo rằng nó được phê chuẩn và thực hiện càng sớm càng tốt,” ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chia sẻ nhận định trong một thông cáo báo chí.
Ông Audier cho biết thêm: “Lợi ích kinh tế của EVFTA là không cần bàn cãi. Hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư, loại bỏ thuế quan và mở ra những cơ hội mới lớn cho các công ty và người tiêu dùng ở cả hai bên. Hiệp định đồng thời sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn và nhanh hơn về các vấn đề như quyền lao động và tăng cường bảo vệ môi trường”.
Các hiệp định ký kết trong suốt thời gian qua đều cho thấy, Việt Nam rất chào đón nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những tiến trình phi hạt nhân hóa, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc vẫn chưa có hồi kết khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn hơn và tạo ra rủi ro cho các quốc gia có độ mở nền kinh tế lên tới 200% GDP. Đối với Việt Nam, tình trạng nhân công giá rẻ nhưng thiếu kỹ năng và thiếu sự chuẩn bị của cơ sở hạ tầng là những thách thức với các nhà đầu tư nước ngoài sau khi hiệp định EVFTA ký kết.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore, với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa ở mức 49,3 tỉ EUR và thương mại dịch vụ ở mức trên 3 tỉ EUR. Không thể phủ nhận dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong giao thương giữa hai bên sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam sang EU trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường cũng sẽ khiến các ngành sản xuất nội tại đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các quốc gia EU.
Trong một bài viết trên trên The Diplomat, nhà nghiên cứu Stuart Brown đến từ Viện nghiên cứu Châu Âu thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London cho rằng, thỏa thuận với Việt Nam là một yếu tố củng cố sức mạnh của EU tại Đông Nam Á trong vai trò ủng hộ thương mại tự do và hợp tác quốc gia, trong bối cảnh khuynh hướng bảo hộ của Tổng thống Trump và mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang dẫn dắt trục kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Anh rời khỏi EU (Brexit) cùng với căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tạo động lực cho EU thiết lập những quan hệ đối tác mới. Do vậy, sự sắp xếp lại nền kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy các công ty của Châu Âu hướng đến các thị trường châu Á. Stuart Brown dự đoán, chiến lược lâu dài của EU tại khu vực Đông Nam Á sẽ thúc đẩy các hợp tác thương mại tự do song phương với từng nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Dâng Phạm