“Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, câu nói nổi tiếng này bất ngờ đúng trong hiện tại khi Italy, quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7, quyết định gia nhập Vành đai - Con đường, một sáng kiến của Trung Quốc, bất chấp những quan điểm trái chiều từ chính châu Âu và Mỹ.
Sau năm năm (2014-2018) triển khai rầm rộ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã đạt được những thành công ngoại giao và chính trị quan trọng. Điều này được thể hiện một phần qua việc số quốc gia “tham gia vào BRI” ngày càng tăng. Ngày 17.8.2017, Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc cho biết có 106 quốc gia ký 124 văn bản hợp tác liên quan đến BRI với Trung Quốc, ngoài ra 29 tổ chức quốc tế cũng đã ký 26 văn bản khác
Mặc dù vậy, sự mở rộng của BRI dường như đang thiên lệch khi hầu hết những nước ký biên bản ghi nhớ (MOU) đều là các nước đang phát triển. Dẫu cho Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD và giành quyền kinh doanh cảng Piraeus từ năm 2016 nhưng đến tận tháng 8.2018 Hy Lạp mới ký MOU với Trung Quốc gia nhập BRI - đánh dấu việc cho đến năm 2018 mới có duy nhất một quốc gia tham gia BRI với tư cách là quốc gia châu Âu có mức phát triển cao. Vì vậy, việc Italy ký MOU với Trung Quốc về việc tham gia vào BRI ngày 23.3.2019 đã tạo ra một bất ngờ lớn và những quan điểm trái chiều từ chính Liên minh châu Âu (EU) lẫn Mỹ.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TRIỂN KHAI BRI NĂM NĂM QUA
Ban đầu, BRI chỉ được đề cập đến như một sáng kiến kết nối hạ tầng khổng lồ giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, nhưng trong những tuyên bố chính thức gần đây, sáng kiến này đã mở rộng những hoạt động hợp tác kinh tế của mình đến cả Bắc Cực và Mỹ La-tinh. Nhìn chung, sau năm năm triển khai, BRI đã thể hiện một số đặc điểm khá rõ nét.Đầu tiên, các hoạt động hợp tác BRI đều diễn ra theo dạng quan hệ song phương giữa Trung Quốc với quốc gia nhận vốn vay nhưng đều được Trung Quốc lồng ghép vào các sáng kiến hợp tác khu vực hoặc nâng tầm thành một dạng hợp tác của Trung Quốc với khu vực. Thứ hai, BRI nhằm vào các nước giàu tài nguyên hoặc các nước có vị trí chiến lược. Một đặc điểm quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng là chúng không chỉ phục vụ mục đích thương mại mà còn nhằm thuận lợi hoá hoạt động khai thác và kinh doanh của các khu mỏ và mang tính lưỡng dụng dân sự - quân sự.
Thứ ba, nguồn vốn do chính phủ Trung Quốc cấp thông qua các ngân hàng chính sách hoặc các ngân hàng thương mại lớn. Vì thế, tốc độ giải ngân nhanh hơn so với các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) khác. Thứ tư, BRI nhằm vào các nước có mức độ minh bạch thấp, tham nhũng lớn. Thứ năm, nhiều dự án BRI là các dự án “được đặt tên lại” (rebranded). Dường như không có tiêu chí cụ thể cho những gì đủ điều kiện để gọi là một dự án BRI, sáng kiến này đến nay đã phát triển thành một danh sách dài vô tận các hoạt động không liên quan.Cuối cùng, mặc dù BRI hay được nhắc tới như một siêu dự án về cơ sở hạ tầng, nhưng Trung Quốc cũng âm thầm triển khai kết nối công nghệ thông tin để hình thành con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR).
PHƯƠNG HƯỚNG TRIỂN KHAI BRI THỜI GIAN TỚI
Khi BRI vấp phải làn sóng xét lại (chủ yếu liên quan đến việc các khoản cho vay từ Trung Quốc đã vượt quá năng lực trả nợ của quốc gia đi vay) việc kỷ niệm năm năm BRI đã diễn ra tương đối lặng lẽ.
Sau khi Malaysia bắt đầu dừng các dự án BRI quan trọng để đàm phán lại điều khoản, trong buổi toạ đàm về năm năm triển khai công tác BRI ngày 27.8.2018 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “BRI là một sáng kiến hợp tác kinh tế chứ không phải xây dựng một liên minh địa - chính trị hay quân sự, và do đó sẽ không tạo ra một vòng tròn mang tính loại trừ hay một câu lạc bộ Trung Quốc”. Phát biểu này gần như là một sự thanh minh và trấn an rằng các dự án BRI không đi kèm với “âm mưu” làm nghèo các quốc gia và làm suy yếu các liên minh hiện thời. Nhưng cũng trong toạ đàm này, ông Tập Cận Bình đã phát biểu và đưa ra nhiều chỉ thị quan trọng để điều chỉnh cách thức tiến hành BRI trong thời gian tiếp theo.
Trước hết, phương châm tiến hành chung được Trung Quốc xác định về BRI là “tiến hành một cách sâu sắc hơn, thực tế hơn” để làm sao có thể xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”. Việc nhắc đến làm sao để BRI “sâu sắc hơn” ám chỉ thời gian 5 năm qua, mặc dù có thể nhiều nước đã ký MOU và nhiều dự án đã được ký kết nhưng mức độ tham gia của các nước đều chỉ dừng ở mức “biểu đạt ý chí” hơn là hợp tác thực chất. Nó cũng cho thấy sự tham gia của các nước đang phát triển nhiều hơn các nước phát triển, khiến Trung Quốc phải gồng mình trong các dự án cấp vốn. Việc nhắc đến thúc đẩy BRI “thực tế hơn” ám chỉ nhiều dự án BRI vừa qua đã nằm ngoài các phạm vi BRI mà Bắc Kinh mong muốn thúc đẩy và do đó trở nên mang tính hình thức, như các dự án casino ở Campuchia hay khu nghỉ dưỡng ở Australia.
Bên cạnh đó, BRI còn hướng tới cung cấp “phương án Trung Quốc” cung cấp các “mô hình Trung Quốc” để tạo ra một cách thức quản trị toàn cầu mới được hiểu là có lợi hơn cho Trung Quốc. Trong buổi toạ đàm tháng 8.2018, ông Tập Cận Bình đã nêu rõ cùng xây dựng Vành đai - Con đường không chỉ là hợp tác kinh tế, mà còn là con đường quan trọng để hoàn thiện mô hình phát triển toàn cầu và quản trị toàn cầu cũng như thúc đẩy toàn cầu hoá kinh tế phát triển một cách lành mạnh.Cuối cùng, có thể nhận thấy, BRI sẽ chú trọng nâng cấp chất lượng của các hoạt động được triển khai – mà việc Trung Quốc ký được MOU với Italia là một minh chứng. Việc thúc đẩy BRI phát triển theo hướng chất lượng cao được ông Tập Cận Bình xác định là “yêu cầu căn bản của công tác thúc đẩy cùng xây dựng Vành đai, Con đường trong giai đoạn tới”.
QUYẾT ĐỊNH CỦA ITALY VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI EU
Với phương hướng mới này, BRI đã đặt được chân vào nhóm G7. Tuy nhiên, MOU của Italia được giới nghiên cứu cho là đã “tạo ra một chi phí chính trị rất cao trong khi chỉ đem lại lợi ích kinh tế rất hạn chế”. Việc Chính phủ của thủ tướng Giuseppe Conte tham gia BRI được cho là để đáp ứng những nhu cầu kinh tế mang tính chất dân tuý của liên minh lãnh đạo Phong trào năm sao (M5S) và Liên minh phương Bắc (LN). Liên minh này đã đề ra chính sách “thân thiện với Trung Quốc” và nhận ra rằng trong bối cảnh các chính sách mới của Mỹ thì việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc có thể tạo ra các tác động địa - chính trị sâu rộng.
Là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong Khu vực đồng Euro (Eurozone), chỉ đạt 1,4% trong năm 2018 và 8,3% dân số Italy sống dưới mức nghèo khổ, thâm hụt thương mại Italy - Trung Quốc đạt mức 12 tỉ USD và đầu tư cơ sở hạ tầng của Italy vẫn chỉ phục hồi 60% so với trước khủng hoảng 2008 (so sánh với 100% của Đức, 90% của Pháp và 80% của khu vực Eurozone) nên BRI được kỳ vọng sẽ cải thiện bức tranh kinh tế ảm đạm - qua đó kiếm thêm phiếu bầu cho liên minh chính trị hiện thời của Italy.
NỖ LỰC THAM VỌNG
Tuy nhiên, những hệ lụy kinh tế và chính trị cũng có thể ập đến với Italy khi tham gia sâu vào sáng kiến của Trung Quốc. Trước hết, với nền kinh tế phục hồi chậm chạp và thiếu động lực, việc liên minh chính trị của Di Maio - Lãnh đạo M5S - từ bỏ chính sách thắt chặt chi tiêu chắc chắn sẽ khiến Italy càng ngập sâu trong nợ nần. Thứ hai, việc ký kết MOU và triển khai BRI không chắc sẽ đem lại sự đảm bảo là tạo ra cơ hội cho các tập đoàn của Italy trong các dự án liên quan đến BRI.
MOU được ký giữa hai nước không phải là một văn bản có tính ràng buộc pháp lý và không thể hiện được sự đảm bảo về mặt lợi ích kinh tế cho các công ty của Italy. Quan trọng hơn, Italy có thể đánh mất sự bình đẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Quan chức Trung Quốc đã xác nhận với đối tác phía Italy rằng tất cả các thoả thuận thương mại mà hai bên đã ký trong chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình sẽ bị huỷ bỏ nếu Italy không chịu ký MOU về BRI. Cuối cùng, thực tiễn triển khai BRI của các nước Đông - Trung Âu như Ba Lan, Hungary, Montenegro cũng cho thấy các chính phủ này bắt đầu phàn nàn về việc các cơ hội kinh tế (từ BRI) đã không được hiện thực hoá. Đây có thể là một cảnh báo đối với Italy.
Đối với EU, sự gia nhập của Italy vào nhóm các nước BRI đã gây nên nhiều phản ứng dữ dội. Ngay trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sang các nước châu Âu ngày 12.3.2019, EU đã ra một văn bản không chính thức có tên gọi “Chiến lược của EU đối với Trung Quốc” trong đó đã gọi quốc gia này là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Cũng trong văn bản này, EU kêu gọi các nước thành viên nỗ lực hơn nữa để đảm bảo dự án BRI phải tuân thủ các quy tắc của EU và thông qua đàm phán thương mại quốc tế để gây sức ép với Trung Quốc nhằm chấm dứt việc cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ và các cách làm không công bằng khác. Hai điểm mà EU có thể quan ngại nhất khi Italy gia nhập BRI bao gồm: ảnh hưởng các nguyên tắc chung của khối và đẩy mạnh sự cạnh tranh công nghệ của Trung Quốc ở châu Âu.
NGHIÊN CỨU TỪ VIỆN LOWY (2017) ĐÃ CHỈ RA RẰNG, TRUNG QUỐC ĐANG CÓ Ý ĐỊNH SỬ DỤNG BRI ĐỂ THIẾT LẬP CÁC TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ MÁY MÓC CỦA TRUNG QUỐC.
Đối với trường hợp các nước Đông - Trung Âu (nhóm tham gia cơ chế hợp tác 16 +1 của Trung Quốc), vào tháng 2.2017, EU đã mở một cuộc điều tra chính thức về dự án trị giá 2,45 tỉ euro - đường sắt cao tốc nối Belgrade và Budapest. Trong cuộc điều tra này, EU không chỉ nhấn mạnh quan ngại về tính khả thi tài chính của dự án mà còn chỉ ra rằng nó đã không tuân thủ theo các quy định triển khai công khai của EU. Hungary đã không đấu thầu công khai dự án này. Trung Quốc sau đó đã phải tìm cách đối thoại cấp cao để tháo gỡ tình hình nhưng EU luôn nhấn mạnh cơ chế đối thoại giữa EU và Trung Quốc cần được tiến hành thường xuyên để đảm bảo dự án BRI không phá vỡ các chuẩn mực về đầu tư cũng như các chuẩn mực pháp luật khác của khối.
Vào tháng 2.2019, Italy đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu về việc thông qua một cơ chế rà soát đầu tư trên phạm vi toàn châu Âu để đảm bảo an ninh cho các lĩnh vực chiến lược của EU. Hành động này khác biệt căn bản so với các chính phủ tiền nhiệm và do đó càng khiến giới quan sát lo lắng rằng khi tham gia sâu vào BRI, Italy sẽ “bỏ những lá phiếu có lợi cho Trung Quốc”, đe doạ sự hình thành và duy trì của những chuẩn mực chung cho toàn khối.
Một ảnh hưởng tiêu cực khác (từ góc độ cạnh tranh chiến lược) là khi tiếp cận được với Italy, Trung Quốc có thể dễ dàng hơn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật của mình ở các nước phát triển và đang phát triển. Bẫy nợ dễ nhận thấy, nhưng còn bẫy tiêu chuẩn nguy hại không kém thì dường như chưa được chú ý nhiều.
Nghiên cứu từ Viện Lowy (năm 2017) đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đang có ý định sử dụng BRI để thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ máy móc của Trung Quốc. Theo kế hoạch hành động năm 2017 về Tiêu chuẩn hóa Hành chính Trung Quốc, quốc gia này sẽ thúc đẩy việc thực hiện tiêu chuẩn thống nhất với mạng 5G và các thành phố thông minh tại các quốc gia dọc theo BRI: “Các tiêu chuẩn sẽ phục vụ (cho sáng kiến BRI) như là cầu nối giữa phát triển đổi mới với việc thị trường hóa và công nghiệp hóa của chính những đổi mới đó”.
Các công ty viễn thông như Huawei, China Mobile và ZTE đã gia tăng sự hiện diện của mình trong việc thiết lập nên các tiêu chuẩn quốc tế cho thiết bị và tổ chức vận hành mạng 5G. Hậu quả của việc rơi vào bẫy tiêu chuẩn là đảm bảo vị trí của Trung Quốc với tư cách là nhà xuất khẩu hàng hóa duy nhất tại các quốc gia BRI; mang lại cho Trung Quốc sức mạnh thương lượng vượt trội trong các cuộc đàm phán về giá đối với các sản phẩm “theo tiêu chuẩn của Trung Quốc” trong tương lai.
Và trong cuộc chiến chưa có hồi kết về 5G giữa Mỹ, các đồng minh và Trung Quốc thì việc các nước EU coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược một phần bắt nguồn từ việc cuối cùng các nước đều nhận ra rằng, nếu thiếu sự kiềm chế, Trung Quốc rất có thể sẽ giành thắng lợi trong việc tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn “kiểu Trung Quốc” trên phạm vi toàn cầu.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành nhận bằng tiến sĩ kinh tế học tại Học viện Kinh tế, Đại học Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc năm 2008. Ông hiện là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), tư vấn quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cung cấp các tư vấn kỹ thuật trong việc nghiên cứu về triển khai Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) ở Đông Nam Á. (Ảnh: Bảo Zoãn/Tạp chí Nhà Quản Lý)
<Bài viết: Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành
Ảnh: Bảo Zoãn, Shutterstock
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - Bước ngoặt mới của sáng kiến Vành đai - Con đường