Chu kỳ thị trường nào cũng chứng kiến những điển hình cho thất bại của doanh nghiệp sừng sỏ. Bong bóng công nghệ Nasdaq năm 2000 từng vỡ tung cùng những cái tên Enron, WorldCom và Pets.com.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến Lehman Brothers và Bear Stears phá sản, còn Citibank sống sót trong gang tấc.
WeWork có thể là ví dụ điển hình cho “mọi thứ đều là bong bóng” (everything bubble*) được bắt nguồn từ nợ.
WeWork được tạo ra từ một ý tưởng kinh doanh thông minh, nhưng công ty này phụ thuộc quá nhiều vào nợ và có khả năng vào lý thuyết ngớ ngẩn của các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity) khi phân bổ sai nguồn vốn, sau quá nhiều những chương trình nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nợ đã bùng nổ trên toàn cầu. Số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy vào cuối năm 2019, nợ toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục với hơn 255 nghìn tỉ USD. Theo ước tính vào hôm thứ 6 vừa qua (ngày 6.12.2019), trung bình mỗi người - trong tổng số 7,7 tỉ người trên hành tinh - đang nợ 32.500 USD.
Không có gì là mãi mãi, thậm chí là nợ. Cuối cùng, tất cả những người đi vay đều phải trả lại những gì họ nợ hoặc vỡ nợ. Người cho vay có thể có hoặc không có tiền thu hồi. Nhưng bằng cách này hay cách khác, nợ sẽ biến mất.
Bởi vì các nhà đầu tư có rất nhiều tiền để đầu tư và bởi những câu chuyện thành công trong quá khứ về cổ phiếu của các công ty công nghệ mang tính cách mạng, nên giờ đây, hơn lúc nào hết (kể từ bong bóng dot-com những năm 2000), có nhiều công ty không phải tạo lợi nhuận hay thậm chí, không phải vạch ra con đường rõ ràng để có được lợi nhuận. Vì thay vào đó, họ có thể bán giấc mơ của mình cho những nhà đầu tư đang nhiều tiền và vay mượn từ họ.
Hiện nay, có rất nhiều tiền muốn mua những giấc mơ như vậy đến nỗi: trong một vài trường hợp, các nhà đầu tư mạo hiểm (venture capital) đang đưa tiền cho các công ty khởi nghiệp (startup) ngay cả khi các công ty này không muốn có nhiều tiền hơn (vì họ đã có quá đủ tiền). Tuy nhiên, các nhà đầu tư đe dọa các công ty này bằng cách nói rằng: sẽ quay sang hỗ trợ nhiệt tình cho đối thủ cạnh tranh của chính các startup này nếu họ không chịu cầm lấy tiền.
Sự thất bại của WeWork là chất xúc tác để các nhà đầu tư thức tỉnh và giờ đây, mọi người bắt đầu nhìn thấy bức tranh thật của vị hoàng đế. Bằng chứng đầu tiên là thất bại trong việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của những công ty “kỳ lân” như WeWork. Những nhà đầu tư sớm vào WeWork ban đầu cho rằng, họ có thể bán cổ phần của mình cho những người mua trong đợt IPO dự kiến.
Về thuật ngữ “Everything Bubble”:
Trong lời giới thiệu trên đây, tác giả Rainer Michael Preiss sử dụng cụm từ “everything bubble” – được xuất phát từ cuốn sách cùng tên “The Everything Bubble” của Graham Summers.
Qua tác phẩm này, Summers nhìn lại sự hình thành và phát triển của hệ thống tài chính Mỹ, từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thành lập năm 1913, cho đến hàng loạt bong bóng tài chính, như bong bóng công nghệ trong những năm 1990, bong bóng nhà ở vào đầu những năm 2000 và bong bóng hiện tại (thời điểm cuốn sách ra đời) của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Theo tác giả, bởi những trái phiếu này là nền tảng của hệ thống tài chính, nên một khi chúng ở trong tình trạng bong bóng, thì mọi tài sản rủi ro khác (gần như tất cả) cũng lâm vào tình trạng bong bóng.
Thương vụ IPO của WeWork thực sự có thể biến đồng tiền “thông minh” trở thành đồng tiền “ngu xuẩn”. Nhưng nhờ IPO bị hoãn lại mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã được bảo vệ.
Sau khi huỷ kế hoạch IPO và nhận gói cứu trợ của nhà đầu tư lớn nhất SoftBank, công ty kỳ lân công nghệ gần đây được định giá chỉ còn 8 tỉ USD. Có nghĩa là gần 40 tỉ USD đã biến mất.
SoftBank đã thực hiện write-off 9,2 tỉ USD (xoá khoản cho vay của WeWork khỏi sổ sách kế toán), sau khi đã đầu tư 10,3 tỉ USD vào công ty này thông qua mua cổ phần phổ thông và ưu đãi.
Nhưng cổ đông không phải là những người duy nhất bị tổn thương vì sự hoài nghi của thị trường, đã khiến cho kế hoạch IPO của WeWork buộc phải hoãn lại. Bất cứ ai đang nắm giữ trái phiếu của công ty này đều có khả năng phải đối mặt với một thời gian dài ngụp lặn.
Khi WeWork đạt mức định giá 47 tỉ USD, người hoài nghi đã tự hỏi startup này được xây dựng trên nền tảng nào. Xét cho cùng, International Workplace Group (IWG) - đối thủ nặng ký nhất của Wework trong thị trường văn phòng chia sẻ - hiện có giá trị thị trường vào khoảng 4,5 tỉ USD. IWG ghi nhận doanh thu năm khoảng 3,4 tỉ USD từ hơn 3.000 địa điểm và đang làm ra lợi nhuận (trên 100 triệu USD trong năm ngoái).
Trong khi đó, WeWork đã lỗ hàng tỉ USD tại 600 địa điểm với mức định giá, mà ít nhất trong quá khứ không quá xa xôi, đã cao gấp 10 lần đối thủ cạnh tranh.
Mức định giá 47 tỉ USD mà WeWork có được hồi đầu năm nay đang suy giảm nghiêm trọng.
Toàn bộ thất bại mang đến cho các nhà đầu tư một câu chuyện cảnh báo về những gì có thể xảy ra trong một môi trường của tiền tệ nới lỏng và nới lỏng định lượng (QE), khi tăng trưởng doanh thu của một công ty là vấn đề và lợi nhuận là điều có thể được trì hoãn cho đến một ngày khác trên thế giới gần 17 nghìn tỉ USD nợ đang giao dịch ở mức lãi suất âm.
Nhưng thời của tài chính tiền tệ nới lỏng có thể sắp kết thúc vào năm 2020, và cú ngã của WeWork, nếu không có gì khác, có thể để lại điều gì đó là bài học cho các nhà đầu tư về giá trị và lý thuyết ngớ ngẩn.
Hiểu rõ khủng hoảng và sự thất bại là cơ sở để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Mong rằng độc giả sẽ đọc Báo cáo đặc biệt này của MIU với tinh thần như vậy!
Rainer Michael Preiss (viết cho The Manager Intelligence Unit)
Lược trích từ Báo cáo đặc biệt "Bài học từ cú ngã của kỳ lân" - Xem thêm tại đây >>>