Những biến động như sự kiện virus Corona từ Vũ Hán (Trung Quốc) có tính lan truyền mạnh. Đến hiện tại, thật khó để xác định liệu thị trường tài chính đang tỏ ra tự mãn hay kiên nhẫn.
Do virus Corona, dữ liệu kinh tế sẽ chậm phản ánh thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những ngân hàng lớn như JPMorgan đã cắt giảm dự báo GDP toàn cầu cho nửa đầu năm 2020 xuống còn 1,3% - mức tăng trưởng năm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Các chuyên gia kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm còn 1% trong quý đầu tiên của năm 2020 so với mức 6,3% trước đó.
Chỉ số S&P 500 và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ có thể giảm mạnh trong năm 2020 trước nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay, vì sự kiện virus Corona có thể là “thiên nga đen” làm chất xúc tác cho những động thái định giá lại đối với những tài sản có rủi ro cao.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu hiện đạt giá trị 88 ngàn tỉ USD, mức cao nhất từng có trong lịch sử – tương đương 100% GDP thế giới.
Thị trường chứng khoán Mỹ gần như quay về mức đỉnh cách đây hai năm, với mức độ cao nhất về định giá, lòng tin của nhà đầu tư, khả năng thanh khoản và tâm lý ưa thích rủi ro trong suốt quá trình kéo dài một thập niên của thị trường có xu hướng đi lên.
Giá cổ phiếu Mỹ có đợt hồi phục mạnh vào năm 2019 sau đợt bán tháo cổ phiếu vào quý IV.2018. Điều này diễn ra dù tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong nhóm S&P 500 chững lại và cuối cùng xuống mức âm vào cuối năm 2019, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đợt phục hồi gần đây có thật sự bền vững. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ba lần giảm lãi suất trong năm ngoái và điều này góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Các thị trường đã lạc nhịp với các nguyên tắc cơ bản, trong đó những người tham gia ở khắp thế giới gần như đặt cược vào một bước ngoặt trong tăng trưởng toàn cầu – điều trên thực tế đã không xảy ra.
Sự thật là cổ phiếu không giảm giá trong quá khứ, thì sẽ giảm giá trong tương lai. Dù đôi khi có nhiều xáo động khi các cổ phiếu không phản ánh tăng trưởng hay giảm sút về lợi nhuận, nhưng cổ phiếu sẽ nhanh chóng thay đổi lộ trình để phản ánh các yếu tố cơ bản. Đợt hồi phục năm ngoái rõ ràng ngụ ý một sự hồi sinh lớn trong tăng trưởng lợi nhuận cùng kỳ hằng năm trong vòng vài tháng tới, dao động trong khoảng 0%-30%.
Một lý do cho thấy sự việc này có thể chỉ là một cơn xáo động thay cho một tín hiệu, đó là việc những chỉ dấu hàng đầu như diễn biến của đồng USD, giá dầu và lãi suất cho thấy lợi nhuận thật ra sẽ giảm trong năm nay, dù không có virus Corona chăng nữa.
Lợi nhuận các doanh nghiệp S&P 500 trong quý IV dự kiến giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vốn đánh dấu sự suy giảm quý thứ hai liên tiếp, hay còn gọi là suy thoái lợi nhuận, lần cuối cùng xảy ra vào năm 2015-2016. Tuy nhiên, lợi nhuận lại đang tăng khoảng 10% trong năm 2020, và giới phân tích cho biết tăng trưởng là cần thiết để duy trì sự phục hồi của Phố Wall.
Tháng 12 vừa qua là giai đoạn thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc thu hút nhiều chú ý. Sự kiện này tạo ra một đợt phục hồi mạnh mẽ tương xứng với việc thị trường dồn tiền mua cổ phiếu của những hãng công nghệ lớn đã không chịu tăng chậm lại hoặc giảm giá, bất chấp việc bị kéo xa khỏi đường xu hướng giá trong dài hạn.
Những kỳ vọng phi thực tế có thể tạo ra biến động ở mức độ cao hơn giữa lúc cuộc bầu cử tại Mỹ bắt đầu, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra. Lợi nhuận của những doanh nghiệp niêm yết trên MSCI được dự báo tăng 20% trong năm nay sau khi giảm trong năm 2019, theo dữ liệu thống kê bởi Bloomberg.
Nếu những chỉ dấu hàng đầu của nền kinh tế được chứng minh là đúng còn giá cổ phiếu thì sai, điều này sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn đằng sau các chỉ số. Phố Wall đạt mức cao kỷ lục trong tháng vừa qua, một phần phản ánh hy vọng đang gia tăng cho một giải pháp của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc (một thoả thuận thương mại giai đoạn I vừa được ký kết giữa tháng 1.2020). Tuy nhiên, các bên tham gia thị trường đang dự báo về những con số lợi nhuận mà thế giới kinh doanh không thể đáp ứng.
Tuy thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao chưa từng có, nhưng dựa trên các yếu tố cơ bản thì đó vẫn là một thị trường giá xuống (bear market). Cổ phiếu của những công ty Mỹ lỗ trong năm qua đã tăng lên 40%, mức cao nhất kể từ khi bong bóng dotcom “nổ” vào cuối những năm 1990, và các thị trường vẫn chưa bắt đầu tính đến những rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu dịch virus Corona tiếp tục lây lan.
Rainer Michael Preiss - Chiến lược gia Quỹ Taurus Family Office (viết cho Tạp chí Nhà Quản Lý tháng 2.2020)