Tuần đầu tiên của năm 2019 bắt đầu bằng một sự kiện đặc biệt tại khách sạn Atlanta Marriott Marquis (Atlanta, Mỹ). Đây là lần hiếm hoi người ta chứng kiến sự hiện diện của 3 gương mặt ảnh hưởng nhất đối với nền tài chính toàn cầu trong suốt hơn một thập kỷ qua. Điểm chung của họ là đều đã từng đảm nhận vị trí cao nhất tại ngân hàng trung ương quyền lực số một thế giới - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông Jay Powell, Chủ tịch Fed và 2 người tiền nhiệm - bà Janet Yellen và ông Ben Bernanke cùng ngồi cạnh trên sân khấu, theo lời mời của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (American Economic Association).
Buổi trò chuyện diễn ra vào thời điểm Fed đang đối mặt với sự việc chưa từng có tiền lệ. Hai tuần trước đó, truyền thông Mỹ đồng loạt đăng tải thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sa thải Chủ tịch Fed. Tổ chức điều hành chính sách tiền tệ này đã liên tục nâng lãi suất trong năm 2018. Đối với Fed, nâng lãi suất là việc làm cần thiết để bình thường hóa trở lại các chính sách tiền tệ, sau một thập kỷ liên tục theo đuổi các biện pháp “phi chuẩn” giúp nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Nhưng ông Trump phản ứng gay gắt, cho rằng điều này không tốt cho thị trường chứng khoán và kinh tế Mỹ trong thời điểm hiện tại.
“Nếu ngài Tổng thống yêu cầu, ông sẽ từ chức chứ?”, phóng viên kỳ cựu của tờ The New York Times, Neil Irwin, đặt câu hỏi cho người đứng đầu Fed. Đáp lại ngắn gọn và đầy chắc chắn, ông Powell nói: “Không”. Trái ngược với vẻ mặt nghiêm nghị của Chủ tịch Fed, xen lẫn câu trả lời là những tiếng cười từ phía dưới sân khấu, ngay sau khi câu hỏi trên được đặt ra. Nhưng khán giả đã không cười một cách vô cớ.
Những xung đột trên không chỉ là vấn đề của riêng Fed. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít những cơn gió ngược tương tự, với những bập bềnh của năm 2018 sẽ tiếp tục vắt sang năm 2019.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHẬM LẠI
Ngay những ngày đầu tiên của năm 2019, như thường lệ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu đầu tiên cho năm mới. Tựa đề được lựa chọn cho bản báo cáo năm nay là “Những vùng trời đang tối dần” (Darkening Skies). Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019 trở nên u ám. WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm nhẹ từ 3% năm 2018 xuống 2,9% năm 2019. Thương mại quốc tế và đầu tư suy yếu, trong bối cảnh những căng thẳng thương mại vẫn tiếp tục leo thang.
Với nhiều thách thức phía trước, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển được dự báo sẽ đi ngang trong năm 2019, với mức tăng trưởng trung bình 4,2%, theo WB. Những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Kể từ năm ngoái, nhiều nền kinh tế mới nổi đã chịu đựng áp lực về tài chính. Trong một chương trình cuối năm, kênh truyền hình Bloomberg đã tổng kết 3 rủi ro chính đối với nhóm này trong năm 2019 sẽ đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) và Mỹ nâng lãi suất.
Hai nguyên nhân chủ yếu, theo WB, đến từ căng
thẳng thương mại leo thang và việc các ngân hàng trung
ương sẽ tiếp tục gỡ bỏ những chính sách nới lỏng tiền
tệ đã liên tục thi hành trong 10 năm qua để đưa kinh tế
thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Fed chính là ngân hàng
trung ương đi đầu trong xu hướng thắt chặt điều kiện tài
chính. Fed dường như đã tạm biệt hoàn toàn “Nới lỏng
định lượng” (Quantitative Easing), để bước sang thời
kỳ mới mang tên “Thắt chặt định lượng” (Quantitative
Tightening). Trong vòng 1 năm qua, Fed đã tiến hành
nâng lãi suất tới 4 lần. “Sẽ có nhiều công ty có thể tuyên
bố kết quả kinh doanh giảm sút”, Rainer Michael Preiss,
Giám đốc điều hành Taurus Wealth Advisors, chia sẻ với
Tạp chí Nhà Quản Lý.
Không khó để dự đoán kịch bản tăng trưởng kém lạc
quan. “Nền kinh tế toàn cầu đã đồng loạt chạy hết công
suất vào thời điểm đầu năm 2018, nhưng lại đánh mất đi
tốc độ trong năm và chuyến đi thậm chí sẽ còn gập ghềnh
hơn trong năm tới”, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám
đốc WB, nhận định qua một thông cáo báo chí.
BÙNG NỔ NỢ
Không chỉ đối mặt với giảm tốc trong tăng trưởng, nợ
cũng là mối lo lớn, đặc biệt ở các nền kinh tế có thu nhập thấp. Trong nhiều năm trở lại đây, nhóm này đã tiếp cận
nguồn tài chính đa dạng hơn chứ không còn giới hạn ở
các nước chủ nợ chính trong Câu lạc bộ Paris. WB cho
rằng điều này đã khiến cho tỉ lệ nợ chính phủ trên GDP
của nhóm này đã tăng từ 30% lên 50% trong vòng 4 năm
qua. Áp lực trả nợ ngày càng căng thẳng trong bối cảnh
điều kiện tài chính thắt chặt và lãi suất tăng dần theo kỳ
vọng. Theo WB, các quốc gia thu nhập thấp có thể chứng
kiến hiện tượng rút vốn và gặp khó trong trả nợ và tái cơ
cấu nợ.
THÁCH THỨC DUY TRÌ LẠM PHÁT THẤP
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ghi nhận thành công trong kiểm soát lạm phát, từ mức 2 con số trong những năm 1970 xuống chỉ còn khoảng 3,5% năm 2018. Tuy nhiên, theo WB, thành tích trong quá khứ không đảm bảo rằng lạm phát sẽ có thể được duy trì ổn định ở mức thấp, bởi tồn tại nhiều yếu tố thúc đẩy lạm phát cao hơn trong những năm sắp tới.
“Khi những cơn gió ngược về kinh tế và tài chính gia tăng đối với các nước mới nổi và đang phát triển, tiến bộ chung của thế giới trong việc giảm nạn nghèo đói cùng cực có thể bị đe dọa. Để duy trì động lực, các quốc gia cần đầu tư cho con người, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và xây dựng xã hội vững chắc”, bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh.
Đến nay đã tròn một thập kỷ trôi qua kể từ ngày
Lehman Brothers phá sản, đánh dấu cho sự kiện khủng
hoảng tài chính toàn cầu. Trong 10 năm qua, các nền
kinh tế lớn đã kịp hồi phục, nhưng đồng thời cũng là lúc,
lo lắng về cuộc khủng hoảng kế tiếp theo tính chu kỳ bắt
đầu xuất hiện. Câu hỏi mầm mống là gì, vẫn còn là chủ
đề gây tranh cãi, nhưng chắc chắn 2019 sẽ là năm của
những bất thường và điều cần làm ngay bây giờ là chuẩn
bị thật kỹ cho một môi trường ngày càng bất định.
Tâm Vũ