Trong đợt khủng hoảng xuất khẩu trái cây do dịch bệnh COVID-19 vừa qua, thanh long ruột đỏ và dưa hấu là hai loại trái cây chịu tổn thất nặng nề hơn cả. Lý do là các loại trái cây này có thời gian bảo quản ngắn, chỉ khoảng 15-20 ngày trong container lạnh. Quá thời gian đó, thanh long và dưa hấu bị giảm phẩm cấp, thậm chí đổ bỏ, trong khi chi phí duy trì container lạnh ngày một tăng. Với thời gian bảo quản ngắn, thanh long và dưa hấu thường được vận chuyển đường bộ, từ các tỉnh phía Nam, vùng trồng chính lên vùng biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc, với thời gian khoảng hai ngày. Trong giai đoạn dịch bệnh, biên giới đường bộ bị kiểm soát nghiêm ngặt, thậm chí đóng cửa, khiến các xe container trái cây bị ùn ứ, buộc phải xả hàng trên tuyến đường, hoặc quay đầu trở về.
Với chuối, nhờ thời gian bảo quản lâu, có thể lên tới 45 ngày, các container chuối thường được vận chuyển theo đường biển, có giá rẻ hơn và cập bến tại các khu chế xuất Trung Quốc - vốn chịu ảnh hưởng ít hơn bởi dịch bệnh. Mùa Đông - Xuân là lúc khí hậu tỉnh Quảng Tây - tỉnh tiếp giáp với miền Bắc Việt Nam có nền nhiệt thấp, không thích hợp để trồng chuối. Đây là lý do khiến chuối Việt Nam, vốn được trồng ở các tỉnh phía Nam ấm áp, được xuất khẩu mạnh mẽ sang Trung Quốc trong thời gian này mà hầu như không chịu ảnh hưởng đáng kể nào từ dịch bệnh COVID-19.
Trong tốp 5 loại trái cây Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất năm 2018, theo Produce Report, có hai loại trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu là chuối và dưa hấu. Tuy nhiên, khối lượng dưa hấu nhập khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 4,5% tổng khối lượng trái cây nhập khẩu. Dưa hấu cũng không lọt tốp 5 loại trái cây nhập khẩu có giá trị cao nhất của Trung Quốc.
Chuối là một trong những loại trái cây phổ biến nhất trên thế giới, phù hợp với thói quen tiêu dùng của đại đa số tầng lớp từ bình dân đến trung lưu. Đó cũng là loại trái cây Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất mỗi năm, chiếm khoảng gần một phần ba khối lượng nhập khẩu. Về giá trị, năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 900 triệu USD chuối, tăng gấp rưỡi so với năm 2017.
Với riêng mảng trái cây, Việt Nam là nước đứng thứ tư về kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2019, theo báo cáo của Produce Report. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu trên 720 triệu USD trái cây sang Trung Quốc, đứng thứ tư sau Chile, Thái Lan và Philippines, theo Produce Report. Số liệu chi tiết năm 2019 chưa được công bố.
Khác với các quốc gia khác, Việt Nam và Trung Quốc chung đường biên giới dài gần 1.300 km trên đất liền, thị trường xuất khẩu tiểu ngạch nhờ đó phát triển mạnh mẽ, cải thiện đời sống người dân khu vực biên giới. Một số doanh nghiệp, thương lái lựa chọn hình thức xuất khẩu tiểu ngạch bằng cách thuê cư dân biên giới thực hiện việc mua bán, qua đó chịu mức thuế thấp hơn so với xuất khẩu chính ngạch.
Xuất khẩu chính ngạch là trao đổi xuất khẩu giữa doanh nghiệp hai quốc gia dựa trên hợp đồng được ký trước, được bảo đảm thanh toán bằng thông lệ quốc tế. Xuất khẩu tiểu ngạch là trao đổi giữa người cư dân biên giới hai quốc gia, tuân theo các cơ chế kiểm duyệt an toàn/an ninh giữa hai quốc gia.
So với xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu tiểu ngạch hầu như không có ràng buộc về hợp đồng, do vậy cũng dễ phát sinh rủi ro ép giá. Dù xuất khẩu chính ngạch hay tiểu ngạch, trái cây xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải chịu các quy định từ phía Trung Quốc về chủng loại trái cây.
Hiện nay, Trung Quốc chỉ chấp nhận chín loại trái cây từ Việt Nam bao gồm thanh long, dưa hấu, vải, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Các loại trái cây được cấp phép dựa trên đề xuất và trao đổi giữa hai bên. Đến nay nhiều loại trái cây Việt Nam có ưu thế như sầu riêng, chanh dây,… vẫn chưa nhận được giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc, buộc phải xuất khẩu qua quốc gia thứ ba, hoặc chế biến thành sản phẩm nước ép, đông lạnh,...thay vì xuất khẩu trái cây tươi, là loại sản phẩm có giá trị cao và được thị trường yêu thích nhất.
Thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định về trái cây nhập khẩu, yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, vùng trồng các loại trái cây. Các vùng trồng trái cây Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, thương lái chuyên thu mua để chuẩn bị cho các quy định mới từ phía Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 5.2019.
Với quy mô dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc là thị trường tiềm năng của mặt hàng trái cây tươi cũng như các nhu yếu phẩm khác. Lượng tiêu thụ trái cây Trung Quốc đạt khoảng 50kg/người/năm vào năm 2015 và dự kiến tăng lên mức 90kg/người/năm vào năm 2030 - theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO).
Minh Thư