Sầu riêng đứng đầu danh sách trái cây theo thứ tự ưu tiên đàm phán mở đường xuất khẩu sang Trung Quốc, theo thông tin từ Bộ Công Thương. Đó cũng là loại trái cây đứng đầu về giá trị trái cây nhập khẩu của Trung Quốc năm 2019, đạt 1,6 tỉ USD, tăng 47% so với năm 2019, báo cáo của Produce Report nhận định.
Sau một thời gian dài thử nghiệm các phương pháp trồng, ươm giống, chăm sóc và bảo quản, hiện sầu riêng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu và có thể cạnh tranh với Thái Lan, nước đang giữ vị thế gần như độc quyền sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc.
Trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu sầu riêng cho biết phía đối tác từ Trung Quốc thông báo đến tháng Tư năm nay, thị trường nước này sẽ mở cửa thử nghiệm xuất khẩu chính ngạch cho sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh đã trì hoãn tất cả các thủ tục đàm phán giữa hai bên, và việc trì hoãn có thể lên đến sáu tháng. “Những thông tin về thị trường Trung Quốc, chúng tôi vẫn phải nhận từ các đối tác nước ngoài, và thường sớm hơn so với các cơ quan chức năng Việt Nam” - giám đốc doanh nghiệp này cho biết.
Trung Quốc là thị trường lớn chiếm tới hơn 70% kim ngạch rau củ quả Việt Nam, nhưng từ trước đến nay việc đàm phán chưa thực sự được chú trọng, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhận định. Hiện tại mới chỉ có chín loại trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó tám loại là do phía Trung Quốc chủ động mở cửa theo diện mặt hàng trao đổi truyền thống giữa cư dân biên giới (dưa hấu, thanh long, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, xoài, vải thiều). Riêng măng cụt, phải mất bốn năm đàm phán mới nhận được nghị định thư mở cửa.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang triển khai các thủ tục để mở cửa thị trường cho bảy loại trái cây Việt Nam theo thứ tự ưu tiên gồm sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và các loại nông sản khác bao gồm tổ yến, khoai lang và thạch đen. Trong cuộc gặp giữa tháng Tư giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam - Hùng Ba, người đứng đầu Bộ NN&PTNT bày tỏ mong muốn phía Trung Quốc thúc đẩy các thủ tục hành chính để có thêm các sản phẩm nông sản Việt Nam được vào thị trường nước này.
Người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam đã chuẩn bị kỹ càng cho việc mở cửa thị trường Trung Quốc.
Chưa nhận được sự chấp thuận từ phía Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam từ trước đến nay vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc bằng nhiều hình thức nhưng tương đối rủi ro. Thông thường, các doanh nghiệp phải phối hợp mua mã CO (nguồn gốc xuất xứ) từ sầu riêng Thái Lan. Tuy nhiên gần đây, Thái Lan nhận thấy việc đó tổn hại tới lợi ích lâu dài của sầu riêng nước này, và kiểm soát rất chặt chẽ. Các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng gắt gao hơn trong việc truy soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhập khẩu. Chi phí với doanh nghiệp Việt Nam vì thế được tăng lên gấp nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thu mua từ nông dân (khi giá đầu ra không đổi vì phải cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan). “Trung Quốc không ép giá, đơn giản là sầu riêng Việt Nam chưa được phép xuất khẩu” - vị giám đốc giấu tên cho biết.
Việt Nam hiện có nhiều giống sầu riêng ngon, năng suất cao như Ri6, sầu riêng Chuồng Bò, Monthong (nguồn gốc Thái Lan)... Hiện cây giống sầu riêng đang được bán với mức giá từ 150 - 200 nghìn đồng mỗi cây, bà Hoàng Oanh, chuyên gia cây ăn trái tại một vườn cây giống tỉnh Tiền Giang cho biết. So với năm ngoái, giá cây giống năm nay tăng do hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khiến chi phí nước tưới cho cây giống tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu cây sầu riêng giống cũng đang tăng lên.
Một cây sầu riêng mất khoảng bảy đến tám năm để phát triển và cho trái ổn định. Các vườn ươm cây rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây bằng cách ghép các giống cây chất lượng cao vào gốc cây sầu riêng bản địa, khoẻ, nhưng năng suất và chất lượng hạn chế. Thời gian cây giống cho ra trái ổn định từ khi trồng khoảng bốn năm rưỡi đến năm năm.
Mỗi gốc cây thực sinh giống bản địa, vườn ươm ươm từ hạt và chăm sóc hai năm, sau đó ghép cành từ mối ghép cách gốc khoảng 40 cm, bà Oanh hướng dẫn. Hạt sầu riêng được các vườn ươm thu gom, có khi mức giá lên tới 80.000 đồng/kg do nhu cầu trồng sầu riêng lên cao. Năm 2018, thậm chí các cửa hàng trái cây ven đường bán sầu riêng chín với giá chỉ 15.000 đồng/kg, với điều kiện người mua phải ăn tại chỗ và trả lại hạt.
Trung Quốc là một trong những thị trường đầu tiên dành cho hàng hoá Việt Nam mức thuế quan 0% đối với đa phần các mặt hàng nông sản kể từ năm 2006 theo cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Chương trình thu hoạch sớm (EHP).
Để một loại trái cây được cấp phép, các vùng trồng tại Việt Nam phải chuẩn bị hồ sơ chứng minh chất lượng, sản lượng và quy trình quản lý. Nhận được hồ sơ, phía Trung Quốc thông thường sẽ cử đoàn đến kiểm tra trực tiếp và đàm phán. Nhưng dịch bệnh đang khiến công việc trở nên ách tắc.
Trong khi đó, từ tháng 9.2019, Malaysia đã chính thức nhận được giấy phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Trước Malaysia, Thái Lan gần như thống lĩnh toàn bộ thị trường sầu riêng nhập khẩu Trung Quốc, đưa nước này đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trái cây nói chung sang Trung Quốc năm 2019, vượt qua vị thế của Chile năm trước đó.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi loại trái cây nhiệt đới này chưa nhận được giấy phép thông hành. Tuy nhiên, một lợi thế của các doanh nghiệp này trong thời gian tới, khi thị trường mở cửa, là lượng khách hàng sẵn có của họ từ bên kia biên giới.
Sầu riêng Việt Nam trước mắt vẫn phải chờ đợi.
Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được ký từ năm 2002, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2006. ACFTA là một hiệp định thương mại tự do (FTA), với lộ trình tiến tới cắt giảm hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Đến năm 2015, Trung Quốc có 7.845 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm tỉ lệ 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.
Chương trình thu hoạch sớm (EHP) là một nhánh danh mục hàng hoá được quy định trong ACFTA, gồm hầu hết các mặt hàng nông sản và thuỷ sản. Theo hiệp định khung, đến năm 2008, tất cả thuế dành cho nhóm EHP đều được đưa về 0%.
Minh Thư