Trong mười ngày cuối tháng Ba, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì COVID-19, số lượng lao động thất nghiệp của Mỹ tăng thêm gần mười triệu người, đưa tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng 0,9 điểm % so với tháng trước, lên mức 4,4%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1975, Cơ quan lao động của nước này bình luận. Đến giữa tháng tư, số người nộp đơn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp của nước này đã lên tới con số 22 triệu.
Thất nghiệp tăng cao đột biến trên phạm vi toàn thế giới, không chỉ ở nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Tổ chức lao động quốc tế (ILO) dự đoán dịch bệnh COVID-19 có thể khiến 25 triệu người mất việc làm.
Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, do vậy thất nghiệp giai đoạn này là bất thường và diễn ra trên diện rộng, khác với các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, tài chính trước đó, PGS.TS Giang Thanh Long - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét.
Theo ước tính của ILO, giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu ước tính con số này tương đương từ 860 tỉ USD đến 3.400 tỉ USD trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những người lao động cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”. ILO ước tính rằng sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người).
Những hệ luỵ xã hội liên quan đến tình trạng thất nghiệp tăng cao đột biến sẽ khó lường hơn cả những khoản chi của chính phủ hay các khoản thu mà chính quyền mất đi. Mỗi nền kinh tế đều có một tỉ lệ thất nghiệp nhất định, phản ánh việc lao động đang tìm cách dịch chuyển và tìm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, trong mỗi đợt khủng hoảng kinh tế, tài chính, khi nền kinh tế vận hành không hiệu quả, thiếu việc làm, xuất phát từ giảm sút nhu cầu, dẫn đến thất nghiệp nghiêm trọng.
COVID-19 đã tác động toàn diện đến mọi mặt trong vận hành nền kinh tế của các quốc gia. Lệnh giới nghiêm khiến người dân không thể hoặc khó có thể ra ngoài để làm việc, những đợt cấm biên, ngăn cấm người xuất nhập cảnh,... cũng tác động gián tiếp đến việc lưu thông hàng hoá.
Động thái đầu tiên của chính quyền các quốc gia trong đợt khủng hoảng này thường là giảm lãi suất cơ bản, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã liên tục giảm lãi suất chỉ trong vòng hai tuần - một động thái chưa từng có. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng giảm lãi suất điều hành trong tháng Ba vừa qua. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trong một cuộc họp cuối tháng Ba với 20 Ngân hàng thương mại chiếm 75% dư nợ cho vay của nền kinh tế, cho biết các ngân hàng này đã đồng thuận giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với trước đại dịch.
Tập đoàn Minh Phú, một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới đang đối mặt với việc các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của công ty bị đề nghị hoãn giao hàng do nhu cầu tiêu thụ giảm sút tại các nhà hàng, du thuyền, trường học. Kết quả 15.000 công nhân của tập đoàn hiện đang được giãn lao động, giảm giờ làm và học các kỹ năng mới, chờ thị trường phục hồi.
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp như Minh Phú, sa thải công nhân là điều không thể tránh khỏi. Ngoài lương cơ bản (vừa tăng vào đầu năm nay), các doanh nghiệp đang phải chịu các khoản bảo hiểm, phí công đoàn,... tương đương khoảng một phần tư số lương chi trả.
Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giầy và Hiệp hội Thuỷ sản - đại diện cho ba ngành xuất khẩu với kim ngạch gần 80 tỉ USD vừa ký chung một văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, đề xuất hỗ trợ trong giai đoạn này. Ba ngành này hiện đang có tổng cộng khoảng tám triệu lao động. Các kiến nghị được đưa ra đều xoay quanh các khoản bảo hiểm, chi phí, lương tối thiểu,... cho công nhân để vượt qua đại dịch.
Ông Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc giảm lãi suất tạo điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp là chưa cần thiết. Khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay bắt nguồn từ sức cầu yếu của nền kinh tế, và đứt gãy chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu do lệnh phong toả từ các quốc gia. Ngay cả khi cho vay, doanh nghiệp cũng khó có khả năng phục hồi sản xuất khi thiếu nguyên liệu và thiếu thị trường.
Ổn định xã hội, trong đó trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ lao động thất nghiệp và các đối tượng dễ bị tổn thương cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay, để các doanh nghiệp có thể tồn tại, vượt qua. Khi dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, các chuỗi cung ứng được nối lại, hàng hoá, nguyên vật liệu được lưu thông, việc giảm lãi suất mới thực sự mang lại tác động tích cực.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đặc trưng của đợt khủng hoảng kinh tế lần này là tốc độ phục hồi sẽ rất nhanh khi đại dịch qua đi. Chỉ cần người dân được tự do đi lại, làm việc, hàng hoá tự do lưu thông, nền kinh tế sẽ phục hồi.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam năm 2019 là 1,9%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của thế giới 4,9% - theo Ngân hàng Thế giới. Trong cấu thành GDP Việt Nam, hơn một phần tư là tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm cao của người dân khiến Việt Nam có lợi thế đáng kể để đối mặt với tình trạng thất nghiệp do dịch bệnh, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định. Ngân hàng thế giới cũng cho rằng Việt Nam nằm trong nhóm các quốcgiacóđầyđủcơsởđểphụchồinềnkinhtế sau dịch bệnh.
Tuy nhiên ông Giang Thanh Long cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp được tính toán của Việt Nam là ở khu vực chính thức, chưa thống kê được lực lượng lao động không chính thức chiếm khoảng 60% lực lượng lao động.
ILO trong báo cáo ra cuối tháng Tư cũng đánh giá dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động Việt Nam, trong đó lao động khu vực kinh tế phi chính thức sẽ nghiêm trọng hơn cả do họ không được tiếp cận với các mạng lưới bảo trợ xã hội do nhà nước chi trả.
Tốc độ phục hồi của nền kinh tế nhanh hay chậm phụ thuộc vào tốc độ các doanh nghiệp quay trở lại với sản xuất kinh doanh sớm hay muộn. Nếu giữ lại lực lượng lao động cũ nhờ các gói hỗ trợ, việc phục hồi sản xuất kinh doanh sẽ mau chóng hơn. Mỗi công nhân thông thường phải mất khoảng nửa năm đến một năm để thành thục với các thao tác trên máy móc tại các công đoạn và đạt năng suất lao động tối ưu. Nếu buộc phải sa thải công nhân trong giai đoạn khủng hoảng và tuyển mới khi kinh tế phục hồi, việc vận hành của doanh nghiệp sẽ có độ trễ nhất định.
Minh Thư