Một bài học cho tất cả startup về tầm quan trọng của sự chính trực (intergrity). Không có điều này, mọi công thức tăng trưởng thật nhanh để thành công tại thung lũng Silicon đều trở nên vô nghĩa.
Theranos là một trong những startup đình đám trong lĩnh vực y tế ở thung lũng Silicon. Cùng hứa hẹn mang lại sự thay đổi lớn cho ngành y tế với phát minh ra thiết bị phân tích máu chỉ cần một lượng nhỏ mẫu và cho kết quả nhanh, công ty này đã được định giá lên tới gần 10 tỉ USD. Nhờ đó, nhà sáng lập của Theranos từng được Tạp chí Forbes vinh danh là nữ tỉ phú tự thân giàu có nhất nước Mỹ. Nhưng trên thực tế, Theranos chỉ như một màn diễn ngoạn mục đầy dối trá trong suốt hơn một thập kỷ cho đến ngày John Carreyrou – phóng viên của tờ Wall Street Journal phanh phui sự việc qua loạt phóng sự điều tra vào năm 2015.
Cuốn sách “Bad Blood - Secrets and Lies in a Silicon Valley Startup” (tạm dịch: Máu bẩn - Bí mật và dối trá của một startup ở thung lũng Silicon) của nhà báo John Carreyrou được xuất bản tháng 5.2018, đã miêu tả quá trình hình thành, phát triển và lụi tàn của Theranos.
Theo nhận xét của Bill Gates, những chi tiết được chia sẻ trong Bad Blood thực sự “điên rồ”. Không quá để nói như vậy khi mà cách nhà lãnh đạo của Theranos thuyết trình, chào mời các nhà đầu tư triển vọng thực chất chỉ là một màn nói dối hết lần này qua lần khác, lần nào cũng như nhau, nhưng lần nào cũng trót lọt. Trong vòng bảy năm (2003-2010), kể từ khi thành lập cho đến khi Theranos bắt đầu tiếp cận được chuỗi nhà thuốc Walgreens và sau đó là chuỗi siêu thị Safeway nhằm chuẩn bị đưa thiết bị thử máu ra bán đại trà, không có gì chứng minh được công nghệ hay thiết bị xét nghiệm máu của công ty này thực sự hoạt động và cho kết quả như hứa hẹn.
Thiết bị thử máu của Theranos được thiết kế để chỉ cần trích lấy một giọt máu với lượng cực nhỏ. Mẫu máu sau đó chạy thẳng qua các cảm biến và bộ phận phân tích trên thiết bị cho kết quả tại chỗ. Nhưng trên thực tế, khi biểu diễn trước mặt các nhà đầu tư, thiết bị của Theranos chưa bao giờ cho ra kết quả xét nghiệm máu ngay tức thì. Các kỹ sư và nhân viên cấp cao của Theranos thường xuyên phải vá lỗi thiết bị trước mỗi lần thuyết trình trước nhà đầu tư để thiết bị hiển thị kết quả thật chậm thay vì báo lỗi. Cuối cùng, đế rút ngắn thời gian, Theranos luôn rời khỏi mỗi cuộc họp hay đàm phán với lời hứa từ vị CEO trẻ tuổi rằng, sẽ thông báo lại kết quả thử máu. Theo những chi tiết từ Bad Blood, toàn bộ các mẫu máu lấy từ khách hàng tiềm năng sau đó đều được rút ra khỏi thiết bị của Theranos và phân tích trên các máy phân tích máu thông thường như trong các phòng thí nghiệm. Không có gì đột phá hay khác biệt cả. Nếu có, thì điểm khác biệt duy nhất là không một ai hay biết gì về lỗi của các thiết bị do Theranos nghiên cứu và sản xuất, ngoại trừ CEO của công ty – Elizabeth Holmes và những kỹ sư trực tiếp tham gia các chuyến công tác hay phát triển sản phẩm.
Điều đáng nói về startup này là công ty được thành lập bởi Elizabeth Holmes – một cô gái 19 tuổi bỏ học giữa chừng khi còn là sinh viên ngành kỹ thuật hóa học trường đại học Stanford. Chứng sợ kim tiêm của Holmes khiến cô nghĩ ra công nghệ đột phá giúp xét nghiệm máu trở nên thuận tiện hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với cách thử máu và lấy kết quả truyền thống từ các phòng xét nghiệm. Sáng kiến và ý tưởng của Holmes nhanh chóng chiếm được lòng tin của nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả Channing Robertson – chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật thuộc trường đại học Stanford. Theranos thậm chí còn nhận được nhiều ưu ái và đầu tư từ những nhân vật nổi tiếng như gia đình Walton sở hữu tập đoàn Walmart, tỉ phú truyền thông Rupert Murdoch của Fox, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng William Perry và gần nhất là Jame Mattis – cựu Bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Với khả năng thuyết phục tuyệt vời và thứ năng lượng được cho là đầy nhiệt huyết muốn thay đổi thế giới, Elizabeth Holmes được đánh giá cao về năng lực và tầm nhìn dưới con mắt của những người thuộc hàng lão làng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc bỏ học đột ngột giữa chừng và tham vọng của một cô gái trẻ tuổi lại vô tình khiến Elizabeth trở thành một lãnh đạo thiếu hiểu biết và ngoan cố, không hiểu cả những điều cơ bản nhất về sản phẩm của mình. Như Kevin Hunter – người được Walgreens cử đi đàm phán thương vụ với Theranos nhận định và nghi ngờ, Holmes có vẻ còn không có hiểu biết vững chắc về sự khác nhau giữa các loại xét nghiệm máu. Hunter đồng thời là người đứng đầu Colaborate – công ty tư vấn các vấn đề liên quan đến phòng thí nghiệm cho khách hàng từ các bệnh viện cho đến các quỹ đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Nếu có điều gì các công ty khởi nghiệp có thể học được từ vụ bê bối Theranos, thì đó chính là cách quản trị doanh nghiệp. Theranos không thất bại vì được thành lập và điều hành dưới tay của một nữ CEO trẻ tuổi dám nghĩ dám làm – điều không dễ thấy ở nơi mà hầu hết những nhân vật thành công đều là nam giới - mà vì các lý do khác.
1
Thứ nhất, Theranos xuống dốc thê thảm bởi sự ngoan cố của Elizabeth Holmes khi nhất định theo đuổi ý tưởng cá nhân đến cùng và tìm mọi cách lý tưởng hóa sáng kiến của mình thay vì lắng nghe những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm và có chuyên môn. Đến cuối cùng, Holmes vận hành công ty theo hướng Theranos có thể trở thành, thay vì dựa trên thực tế để điều chỉnh hoạt động và sản phẩm của công ty.
2
Thứ hai, Theranos không có hội đồng quản trị và cố vấn đủ chuyên môn để nhìn ra những sai lầm trong quá trình phát triển sản phẩm và điều hành công ty từ sớm. Bất chấp ban bệ quy tụ những nhân vật có máu mặt trong giới ngoại giao, quân sự và đầu tư, không ai trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Theranos có kiến thức đủ sâu về chẩn đoán và phân tích máu. Theranos vì vậy mà vật lộn suốt hơn một thập kỷ với những sai lầm nối tiếp sai lầm trong việc minh bạch phát minh của mình.
3
Thứ ba, cung cách quản lý độc tài, thiếu trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động của công ty chính là một trong những quả tạ kéo chìm Theranos. Trong suốt 15 năm tồn tại, Theranos chứng kiến các nhân viên cấp cao và trưởng nhóm các bộ phận quan trọng lần lượt bị sa thải hoặc từ chức. Lý do không phải vì trình độ nhân lực của Theranos yếu kém. Bởi Elizabeth Holmes bằng cách nào đó luôn tuyển dụng được những kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu của thung lũng Silicon. Nhưng cuối cùng, phần lớn đều tự ra đi hoặc buộc phải ra đi mà gần như không bao giờ có một thông báo hay giải thích nào với toàn thể công ty. Xuyên suốt 24 chương của cuốn sách, Holmes được miêu tả và kể lại là một lãnh đạo o bế thông tin và tìm mọi cách, thậm chí là thủ đoạn để gạt tất cả những ai cản cô đạt được lý tưởng và tầm nhìn mạo hiểm của mình.
Năm 2016, CMS – cơ quan quản lý các chương trình chăm sóc và hỗ trợ y tế của Mỹ ra quyết định kết luận Theranos đã không tuân thủ các yêu cầu chứng nhận và tiêu chuẩn vận hành phòng thí nghiệm, gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe và sự an toàn của bệnh nhân sử dụng thiết bị xét nghiệm máu mà công ty này sản xuất. Cũng trong năm này, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) tiến hành điều tra Theranos vì hành vi lừa dối các nhà đầu tư và các quan chức chính phủ về công nghệ xét nghiệm máu. Nửa đầu năm 2018, SEC chính thức cáo buộc Theranos và Elizabeth Holmes tội lừa đảo. Kể từ tháng 9.2018, Theranos đóng cửa vĩnh viễn.
Tác giả Carreyrou đã khéo léo dẫn dắt người đọc qua những mốc thời gian quan trọng của Theranos trong hơn một thập kỷ theo từng chương. Nhưng Bad Blood không chỉ đơn thuần điểm các sự kiện, mà thay vào đó là gắn sự kiện với từng nhân vật có vị trí then chốt trong toàn bộ câu chuyện về sự phát triển và lụi tàn của Theranos.
Bad Blood không phải một cuốn sách giải trí, nhưng nó hấp dẫn người đọc từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc nhờ lối viết ghi chép tả thực đầy chất báo chí của Carreyrou. Bad Blood là phiên bản dài hơn của một chuỗi phóng sự điều tra, đem lại cho độc giả thông tin đa chiều và đi sâu vào những bí mật đã đánh lừa cả những nhà đầu tư lão luyện của thung lũng Silicon - cái nôi công nghệ hàng đầu thế giới và cả các nhà làm luật Mỹ - một trong những quốc gia có nền hành pháp chặt chẽ bậc nhất đối với ngành y tế
Theo như Bill Gates thì toàn bộ câu chuyện được kể đôi khi khiến người đọc cảm thấy lố bịch vì những điểm quá thật. Nhưng cũng vì thế mà Hollywood đang lên kế hoạch đưa Theranos lên màn ảnh bằng một bộ phim do nữ diễn viên Jenifer Lawrence thủ vai chính.
Bài viết: Hà Lê - Thiết kế: Ngân Vũ