AI là chìa khóa giúp các nhà khoa học tăng tốc quá trình nghiên cứu, và nó cũng đang tự nghiên cứu như một nhà khoa học.
Ngày 19.2.2019 vừa qua là một ngày đặc biệt của Tân Tiểu Manh, lần đầu tiên cô đảm nhận công việc phát thanh viên tại Tân Hoa Xã. Cũng như tất cả những phát thanh viên trước đây của đài, công việc của Tiểu Manh là dẫn các bản tin trên sóng truyền hình một cách chuẩn mực nhất có thể từ giọng nói đến ngôn ngữ hình thể. Chỉ khác một điều, Tiểu Manh có thể làm việc 24 tiếng một ngày không ngừng nghỉ và… không được trả lương cho công việc này. Tiểu Manh là nữ phát thanh viên ảo đầu tiên trên thế giới, được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI).
Bước ngoặt đầu tiên đánh dấu cho sự phát triển mang tính chất bùng nổ của AI có thể được nhắc đến vào năm 2016, khi AlphaGo, một sản phẩm AI của Google đã đánh bại Lee Sedol - kỳ thủ cờ vây số một thế giới tại thời điểm đó với tỉ số 4-1. Khác với cờ vua (AI đã đánh bại con người ở môn thể thao trí tuệ này vào năm 1997), cờ vây có số khả năng xảy ra là 10761 hơn cả số 1090 số proton trong vũ trụ mà các nhà vật lý đã ước tính. Cờ vây là trò chơi trí tuệ cuối cùng mà con người đã bị đánh bại bởi chính trí tuệ của loài người. Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, Tập đoàn Tesla ra mắt OpenAI tại sự kiện eSport lớn nhất toàn cầu DOTA2 The International, và OpenAI đã dễ dàng bắt nạt huyền thoại Dota Dendi trong vòng vỏn vẹn 20 phút. Điều này thực sự gây sốc cho toàn bộ tín đồ thể thao điện tử trên toàn thế giới. Bởi không thiên về trí tuệ như cờ vây với con số khả năng được ước tính, Dota2 là trò chơi gần như phụ thuộc vào cảm tính, kỹ năng và sức mạnh sáng tạo của người chơi.
Sau năm năm ấp ủ và nghiên cứu, đầu năm 2018, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon đã mở cửa hàng bán lẻ Amazon Go đầu tiên với ba tiêu chí: không nhân viên thu ngân, không máy tính tiền và không quầy thanh toán. Tất cả những việc mà khách hàng cần là bước vào cửa hàng quẹt mã khách hàng, sau đó chọn món đồ mình cần và bước ra khỏi quầy. Mọi thủ tục thanh toán đều đã được thực hiện một cách hoàn toàn tự động với độ chính xác gần như tuyệt đối. Để làm được điều này, Amazon Go được gắn hàng trăm camera trên trần nhà, theo dõi mọi cử động của người mua và ghi nhớ những thứ họ đặt vào giỏ hàng. Hệ thống trí tuệ nhân tạo của Amazon đủ sức mạnh để phân biệt khách hàng với nhau cũng như phân loại từng nhãn mác sản phẩm bỏ vào giỏ để tính tiền. Sai sót quy trình do con người được hạn chế ở mức thấp nhất và chi phí con người cũng đang dần được loại bỏ. Amazon tham vọng xây dựng 3.000 cửa hàng như vậy trước năm 2021. Nếu điều này thành hiện thực, công ty này cùng với công nghệ AI mà họ đang nắm giữ, sẽ thay đổi hoàn toàn khái niệm về quy trình thanh toán trong bán lẻ, khi mà những hàng dài khách hàng kiên nhẫn chờ thanh toán sẽ chỉ còn là quá khứ.
Y dược là một trong những ngành ứng dụng AI thành công và rực rỡ nhất. Ứng dụng mới nhất hiện nay của AI vào chẩn đoán ung thư mang đến niềm hy vọng lớn cho các bệnh nhân K. Với thế mạnh về xử lý hình ảnh, AI của Google có thể đưa ra những chẩn đoán chuẩn xác hơn cả các bác sĩ khi đọc phim MSCT hoặc MRI để phân biệt khối u lành tính hay ác tính với độ chính xác 99%, ngay cả với những di căn cực kỳ nhỏ mà mắt người bỏ qua. BioMind, AI được phát triển bởi trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo cho bệnh rối loạn thần kinh tại bệnh viện Thiên Đàm Bắc Kinh, Trung Quốc có tỉ lệ chẩn đoán các khối u não chính xác lên đến 87%, nhiều hơn đáng kể so với con số 66% của nhóm bác sĩ. Bên cạnh thành tựu ở lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, AI còn có thể khoanh vùng tế bào ung thư một cách chuẩn xác, nhờ đó giảm thiểu xâm lấn và tổn thương ở các vùng không có tế bào ung thư.
Thành lập năm 2012, Atomwise, công ty bào chế thuốc của Mỹ đã huy động được hơn 51 triệu USD vốn đầu tư để phát triển công nghệ rút ngắn quá trình khám phá ra các loại thuốc mới. Chìa khóa của công ty này chính là ứng dụng deep learning, một công nghệ được phát triển từ máy học (machine learning), bùng nổ từ năm 2010 và trở thành xương sống của trong những hệ thống trí tuệ nhân tạo hiện nay. Phần mềm phân tích mô phỏng các phân tử của Atomwise giúp giảm thời gian tổng hợp và kiểm tra các hợp chất của các nhà nghiên cứu xuống 100 lần. Với mạng nơ-ron tích chập (convolutional neural network), mạng lưới AtomNet đang thử nghiệm từ 10 đến 20 triệu hợp chất mỗi ngày để tự đưa ra loại thuốc tốt hơn. Bảy năm về trước, công nghệ mà Atomwise đang nắm giữ chỉ có trong phim viễn tưởng. Còn hiện tại, Atomwise đang thực hiện một số lượng lớn các dự án và khách hàng của họ gồm 4 trong số 10 công ty dược phẩm lớn nhất của Mỹ như Merck, Monsanto, hơn 40 viện nghiên cứu lớn (Harvard, Duke, Stanford, Baylor College...) và các công ty công nghệ sinh học khác.
AI chính là chìa khóa, giúp những nhà khoa học tăng tốc trong quá trình nghiên cứu và nó cũng đang tự nghiên cứu như một nhà khoa học với cái cách mà Atomwise đang làm.
Trong cuộc đua về phát triển AI, không thể vắng mặt các tên tuổi đình đám trong làng công nghệ như Tesla, Uber, Google, Apple hay Nvidia. Các “ông lớn công nghệ” đang tham gia vào phát triển hệ thống xe lái tự động toàn phần. Tưởng tượng ở một thời điểm tương lai không xa, danh từ “người lái xe” cũng cần được định nghĩa lại. Họ không còn để tay trên vô-lăng, không cần quan sát trái phải trước sau, cũng không cần phải thử độ cồn khi tham gia giao thông. “Chiếc xe sẽ tìm thấy bạn ở bãi đỗ xe, đón bạn và đưa bạn đến đích mà bạn không cần bất cứ hành động nào”, Elon Musk, Chủ tịch Tập đoàn Tesla, người nổi tiếng với biệt danh “gã điên trong làng công nghệ” khẳng định chắc nịch trong buổi phỏng vấn với ARK Invest.
Tương lai không còn xa, theo kế hoạch của Tesla, điều đó sẽ trở thành hiện thực vào năm 2020. Một khi hệ thống này hoàn thiện hơn, cũng chính là lúc hàng triệu tài xế trên thế giới bắt đầu phải lo lắng.
Nổi tiếng với hệ thống chấm điểm công dân bằng AI, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ về ngôi vị dẫn đầu trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Với sự hỗ trợ của chính phủ, số lượng các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Trung Quốc chiếm tỉ lệ 1/3 trên toàn cầu năm 2017, lớn hơn con số được báo cáo tại Mỹ. Để đảm bảo cho sự phát triển vượt bậc đó, những công nhân của Trung Quốc đang tạo nên một nguồn nguyên liệu đặc thù cho AI, đó là dữ liệu và công việc của họ được gọi là tagger (người gắn nhãn).
AI không thể thông minh nếu không có dữ liệu. Tưởng tượng rằng AI là một đứa trẻ non nớt, rồi dần dần, nó được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn và rồi trở thành một người lớn thông minh. Đó là cách mà AlphaGo được học qua hàng triệu trận đánh cờ vây; cách mà OpenAI quan sát qua mỗi game dota2 thi đấu; hay Amazon Go nhìn qua thanh socola hàng nghìn lần với nghìn góc độ khác nhau, để khi người mua bước ra khỏi cửa hàng, hệ thống sẽ tự nhận biết và thanh toán. Nắm bắt được nhu cầu “khát” dữ liệu của AI, các công ty gắn mác cho dữ liệu bắt đầu mọc lên như nấm tại các khu vực nông thôn, hẻo lánh của Trung Quốc, nơi giá cả lao động và chi phí thuê văn phòng ở mức rẻ mạt. Đơn cử có thể nói đến công ty Ruijin Technology, được thành lập vào tháng 3.2018, sau tám tháng hoạt động, công ty có khoảng 300 tagger và đến đầu năm 2019, con số này đã là 1.000 người.
Mặc dù con số này không phải quá lớn, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, phát triển AI đang tạo công ăn việc làm cho một số địa phương. Thất nghiệp ở một số ngành nghề là điều tất yếu sẽ diễn ra một khi AI hoàn thiện hơn, nhưng đi kèm với nó là sự chuyển dịch lao động và di dân.
Năm 1992, bộ truyện tranh nổi tiếng toàn thế giới Doraemon của Fujiko Fujio xuất bản tập truyện dài Bí mật mê cung Buriki, kể về một hành tinh khác mà loài người phụ thuộc hoàn toàn vào những cỗ máy thông minh, kể cả suy nghĩ. Rồi đến một ngày robot Napogistor với trí thông minh khổng lồ đã từ chối phục tùng loài người và giành quyền thống lĩnh. Và còn rất nhiều bộ phim khoa học giả tưởng khác, khắc họa nỗi sợ hãi của con người đối với những cỗ máy mang tên AI như phim Kẻ hủy diệt sản xuất năm 1984, hay Ex Machina năm 2015.
Bên lề những thước phim, trí tuệ nhân tạo đang chạm đến giới hạn của loài người và vượt xa hơn thế. AI len lỏi vào cuộc sống, giúp đỡ và thậm chí thay thế con người trong những công việc hàng ngày. Tháng 3.2014, tin tức ngắn về một trận động đất được thuật toán Quakebot tự động viết ra và đưa lên mạng. Năm 2016, cuốn tiểu thuyết The Day A Computer Writes A Novel (tạm dịch: Ngày máy tính viết tiểu thuyết) được viết ra bởi AI đã vượt qua được vòng loại của một giải thưởng văn học quốc gia tại Nhật Bản. Và rất có thể những bài báo như thế này sẽ được viết ra bởi AI trong một tương lai không xa.
Bách Lam