Dưới đây là phần tiếp theo của bài viết "Thế kỷ châu Á và nghịch lý nguồn vốn".
4. Ba yếu tố chính giải thích cho sự suy giảm khả năng sinh lời trên toàn cầu trong thập kỷ qua
Có ba yếu tố chủ yếu lý giải nguyên nhân lợi nhuận kinh tế giảm đi trong 10 năm qua: (1) Tính chu kỳ của lợi nhuận trong ngành năng lượng và nguyên liệu; (2) Châu Âu kém hiệu quả trong lĩnh vực tài chính và (3) Trung Quốc phân bổ vốn vào các ngành không đem lại lợi nhuận.
Chỉ trong 10 năm qua, ngành năng lượng và nguyên liệu – từ vị thế là nhân tố đóng góp đáng kể vào lợi nhuận kinh tế - giờ đây trở thành nhân tố gây thua lỗ
Trong giai đoạn 2005-2007, năng lượng và nguyên liệu là một nguồn lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp. Nhưng 10 năm sau, khi giá dầu và giá hàng hóa giảm, lĩnh vực này làm sụt giảm 500 tỉ USD lợi nhuận kinh tế. Đây không phải câu chuyện của riêng Châu Á, mà cả Châu Âu và Bắc Mỹ, mỗi khu vực này đều đóng góp khoảng một phần ba giá trị suy giảm lợi nhuận kinh tế toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu.
Điều này một phần do tính chu kỳ tự nhiên ở các thị trường này. Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân khác: Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch tăng năng suất các ngành năng lượng và nguyên liệu để tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế bùng nổ của mình. Vào thời kỳ đỉnh cao (2006-2012), tỉ lệ chi tiêu vốn trung bình của Trung Quốc trong GDP cho lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu gấp năm lần so với giai đoạn 2000-2005. Khoản đầu tư này một lần nữa lại tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2015. Ngược lại, giá dầu thế giới trung bình là 110 USD/thùng trong giai đoạn 2011-2014, đã giảm hơn một nửa vào cuối năm 2015. Điều này khiến những người chơi khác trong ngành năng lượng vô cùng khó khăn để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Vốn đầu tư cao cùng với doanh thu thấp hơn đã dẫn đến tình trạng đặc biệt thâm dụng vốn.
Lĩnh vực tài chính của Châu Âu chiếm phần lớn trong mức sụt giảm lợi nhuận của châu lục này
Hơn một thập kỷ kể từ cuộc suy thoái năm 2008, nhiều ngân hàng của Châu Âu đã nỗ lực khắc phục tình hình để khôi phục sức khỏe tài chính tổng thể ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, các dịch vụ tài chính tại châu Âu vẫn đang phá hủy giá trị - ăn mòn 83% khả năng sinh lời. Ngược lại, các doanh nghiệp dịch vụ tài chính Trung Quốc lại tạo ra lợi nhuận kinh tế tích cực.
Trung Quốc đã phân bổ nguồn vốn đáng kể vào các ngành làm giảm lợi nhuận
Trên khắp thế giới, phân bổ vốn đã trôi dạt vào các lĩnh vực mang lại lợi nhuận thấp hơn. Hiện tượng này đặc biệt đáng chú ý ở Trung Quốc. Trong 10 năm qua, gần 10 nghìn tỉ USD tiền vốn đã được đầu tư vào Trung Quốc, và 80% số vốn đó đã được chuyển đến các ngành nghề tạo ra doanh thu dưới mức chi phí vốn. Các ngành dịch vụ nội địa (tiện ích, viễn thông, giao thông và bất động sản - xây dựng) chiếm tỉ lệ đầu tư cao nhất ở mức 45%, tiếp theo là hàng hóa thâm dụng vốn (máy móc, ô tô, hóa chất và linh kiện chế tạo) chiếm 19%, cuối cùng là năng lượng - nguyên liệu ở mức 16%. Các nước châu Á ngoài Trung Quốc hoạt động khá hơn với khoảng 68% vốn được đầu tư vào các ngành có doanh thu thấp hơn chi phí vốn.
Phân tích cho thấy ở Trung Quốc, 57% lợi nhuận kinh tế mất đi vào các ngành dịch vụ nội địa, 41% vào năng lượng – nguyên liệu và 29% vào các ngành hàng hóa thâm dụng vốn. Mặc dù doanh thu của phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ nội địa đều giảm sút trong giai đoạn 2014-2017, vốn đầu tư lại tăng thêm 1,7 nghìn tỉ USD. Điều này đã đẩy thâm dụng vốn lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2017.
Tại sao lại như vậy? Câu trả lời một phần nằm kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một phần vốn đáng kể đang đầu tư vào các dự án rất lớn vẫn chưa hoàn vốn.
5. Tuy nhiên rải rác khắp Châu Á, vẫn có các quốc gia có những ngành nghề tạo ra lợi nhuận xuất sắc.
Bức tranh suy giảm lợi nhuận kinh tế toàn cầu không đồng nghĩa với sự tiêu cực trên toàn cục diện. Đằng sau các con số trung bình, một số doanh nghiệp ở một số ngành nghề đang hoạt động rất tốt. Ví dụ:
• Các ngành hàng hóa thâm dụng vốn của Nhật Bản tạo ra giá trị cao nhất ở Châu Á với hiệu suất tương đương với các doanh nghiệp tương tự ở Bắc Mỹ và Châu Âu.
• Dịch vụ tài chính có lợi nhuận cao ở Trung Quốc và Úc.
• Các ngành định hướng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tạo ra lợi nhuận lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đang cải thiện trở thành một nguồn tạo ra giá trị ở Ấn Độ.
• Ngành năng lượng và nguyên liệu của Đông Nam Á tạo ra giá trị đáng kể mặc dù ngành này nhìn chung hoạt động kém hiệu quả trên toàn cầu.
Các quốc gia có lợi thế cạnh tranh trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản và Hàn Quốc, dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, Trung Quốc có một loạt các doanh nghiệp internet mới và năng động, Ấn Độ thu được phần lớn lợi nhuận kinh tế từ các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin.
6. Cơ hội: Châu Á có thể khai mở 440 tỉ USD lợi nhuận kinh tế từ hai đòn bẩy chính: vực dậy các doanh nghiệp gặp khó khăn và thúc đẩy các doanh nghiệp tiềm năng.
Theo lý thuyết “đường cong sức mạnh” (power curve) về lợi nhuận kinh tế của McKinsey, các doanh nghiệp châu Á được chia thành ba nhóm để phân tích cơ hội phát triển, bao gồm:
• Terrific 200 (200 doanh nghiệp đang hoạt động tốt) có giá trị lợi nhuận kinh tế cao nhất trong khu vực và chiếm một phần tư lợi nhuận kinh tế toàn cầu trong G5000;
• Troubled 200 (200 doanh nghiệp đang gặp khó khăn) với lợi nhuận kinh tế thấp nhất và chiếm tới một phần ba tổng giảm lợi nhuận kinh tế toàn cầu;
• Nhóm các doanh nghiệp khác hoạt động ở mức trung bình, không tạo ra nhưng cũng không làm giảm lợi nhuận kinh tế toàn cầu.
Cũng theo lý thuyết này, để đảo ngược sự suy giảm lợi nhuận kinh tế toàn cầu, cần phải vực dậy nhóm Troubled 200, giữ vững nhóm Terrific 200, và khai mở tiềm năng của khoảng 250 doanh nghiệp khác ở nhóm trung bình. Làm được như vậy, châu Á sẽ không chỉ là khu vực có nhiều đại diện nhất trong G5000, mà còn là khu vực kinh tế tạo ra nhiều lợi nhuận nhất.
Tóm lại, châu Á là khu vực kinh tế sôi nổi nhất trong thập kỷ qua. Tuy vậy, khi đi sâu vào chi tiết, nếu chỉ nhìn vào quy mô và sự hiện diện toàn cầu thì không thể vẽ nên một bức tranh đầy đủ. Với sự phổ biến các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc, thâm dụng về vốn nhưng không nhất thiết tạo ra lợi nhuận kinh tế; thì điều này sẽ dấn đến sự phát triển không bền vững trong dài hạn.
Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey
Cao Dung (Biên dịch)