Thế kỷ của châu Á đã đến. Ngày nay, khu vực này chiếm 42% GDP toàn cầu; và dự kiến còn tăng lên hơn 50% vào năm 2040. Thị phần tiêu thụ toàn cầu của châu Á tăng từ 23% năm 2000 lên 28% vào năm 2017 và có thể tăng lên gần 40% vào năm 2040. Các doanh nghiệp châu Á hiện chiếm 43% trong số 5.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, đóng góp 19 nghìn tỉ USD doanh thu vào nền kinh tế thế giới mỗi năm.
Trong thế kỷ qua, các doanh nghiệp ở châu Á đã mở ra một kỷ nguyên phát triển thịnh vượng chưa từng thấy: các nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc và cải thiện mức sống của hàng trăm triệu người, góp phần tăng trưởng ổn định về việc làm và thu nhập, cũng như đem lại lợi ích cho người tiêu dùng với sản phẩm giá thành hợp lý, dễ tiếp cận và cạnh tranh. Chính những lợi ích này, ngược lại, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế liên tục tại các quốc gia này trong ít nhất trong 20 năm. Nghiên cứu năm 2018 của McKinsey đã chỉ ra rằng, kế hoạch của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao đã thúc đẩy các quốc gia châu Á đạt được thành tựu này./p>
Tuy nhiên, thành tựu tăng trưởng vượt trội này có phải là sự đánh đổi bằng bất cứ giá nào hay không? Để giải mã sự tăng trưởng này, các nhà phân tích của McKinsey phân chia giá trị đóng góp theo ngành và theo quốc gia của G5000, tức 5.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, cũng như mổ xẻ các chiến lược thắng lợi của các doanh nghiệp châu Á. Từ những phân tích đó, nguyên nhân và bản chất của sự tăng trưởng châu Á được nhận định bao gồm sáu điểm chính dưới đây.
1. Châu Á là điểm đến của mỗi 1 trong 2 USD đầu tư mới trong thập kỷ qua; 43% trong số 5.000 doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu thế giới đặt trụ sở ở đây.
Châu Á đã đón nhận một làn sóng vốn đầu tư khổng lồ trong 10 năm qua, tổng mức đầu tư đã tăng gấp ba lần. Hơn một nửa vốn đầu tư mới trong giai đoạn này đổ vào các doanh nghiệp nguồn gốc ở châu Á, một phần ba vào Trung Quốc. Chính khoản đầu tư này đã giúp nhiều doanh nghiệp châu Á mở rộng nhanh chóng.
Chỉ trong vòng 10 năm, tỉ lệ các doanh nghiệp châu Á trong nhóm G5000 đã tăng từ 6% lên mức 43% hiện nay. Đó là tỉ lệ lớn nhất của bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Tỉ lệ này có thể đại diện cho bức tranh lớn hơn của các doanh nghiệp trên thế giới. Bên cạnh đó, châu Á là khu vực duy nhất trên thế giới có tỉ lệ này tăng lên trong 10 năm qua. Chẳng hạn, tỉ lệ các doanh nghiệp trong G5000 của Bắc Mỹ đã giảm 4% và Châu Âu giảm 2%.
Tỉ lệ nổi trội chỉ là một phần, nhưng tốc độ tăng mới là điều đáng ngạc nhiên nhất, đặc biệt trong bối cảnh tiêu chuẩn gia nhập vào câu lạc bộ cao cấp này liên tục tăng trong thập kỷ qua. Để gia nhập nhóm này năm 2019, một doanh nghiệp phải có doanh thu 1,3 tỉ USD, gấp đôi mức doanh thu yêu cầu của 10 năm trước. Rõ ràng, đã có sự chuyển dịch các hoạt động kinh doanh từ các nền kinh tế tiên tiến và hướng tới một số nền kinh tế mới nổi đang phát triển vượt trội.
2. Nguồn vốn ào ạt không mang đến lợi nhuận kinh tế cao hơn; châu Á chiếm một nửa suy giảm lợi nhuận kinh tế toàn cầu
Các doanh nghiệp châu Á đang tăng quy mô nhanh chóng khi nguồn vốn tràn vào, nhưng đã không thể triển khai nguồn vốn này để chuyển thành “lợi nhuận kinh tế” (economic profit - tức lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi trừ chi phí vốn). Các doanh nghiệp châu Á cũng kém hơn các khu vực khác về mức hoàn vốn trung bình.
Năm 2005-2007, G5000 đã tạo ra 726 tỉ USD lợi nhuận kinh tế. Nhưng chỉ 10 năm sau, họ đã báo cáo thiệt hại kinh tế trị giá 34 tỉ USD, một bước ngoặt đáng kinh ngạc, nhất là khi tính đến môi trường chính sách tiền tệ lãi suất thấp và nới lỏng trên toàn cầu. Làm thế nào và ở nơi nào mà giá trị bị mất đi? Câu trả lời, phần lớn, là ở Châu Á và Châu Âu.
Doanh nghiệp châu Á đã biến lợi nhuận kinh tế 152 tỉ USD thành thiệt hại kinh tế là 207 tỉ USD trong giai đoạn này, chiếm gần một nửa suy giảm lợi nhuận kinh tế toàn cầu trong khoảng thời gian từ 2005-2007 đến 2015-2017. Ngược lại, phần lớn các doanh nghiệp Bắc Mỹ có thể duy trì lợi nhuận kinh tế của họ, đạt tổng cộng 245 tỉ USD, gần bằng 276 tỉ USD 10 năm trước.
3. Sự thâm dụng vốn trên thế giới chiếm 90% giá trị sụt giảm khả năng hoàn vốn - điều đang làm giảm lợi nhuận kinh tế, đặc biệt ở Châu Á.
Nguồn vốn ồ ạt vào Châu Á và sự suy giảm lợi nhuận kinh tế ở châu lục này có mối liên kết khó lý giải. Lợi nhuận kinh tế giảm phản ánh khả năng hoàn vốn, thể hiện thông qua Hệ số thu nhập trên tổng vốn đầu tư - ROIC) thấp. Phần lớn sự suy giảm khả năng hoàn vốn (lên đến 87%), có thể được quy cho cường độ sử dụng vốn (capital intensity), phần còn lại là do giảm tỉ suất lợi nhuận (margin). Trên toàn thế giới, hiện cần nhiều vốn hơn để tạo ra cùng một mức doanh thu, do đó lợi nhuận tạo ra được ít hơn.
Trên toàn cầu, ROIC đã giảm 3,2% từ 11% trong giai đoạn 2005-2007 xuống còn 7,8% trong giai đoạn 2015-2017. Trong khoảng thời gian đó, vốn đầu tư tăng gần gấp đôi tốc độ tăng doanh thu, đẩy cường độ sử dụng vốn (tính bằng tổng vốn đã đầu tư chia cho doanh thu) tăng từ 0,8 lên 1,1%. Điều này có nghĩa là: giả sử bạn cần 0,80 USD vốn đầu tư để kiếm được 1 USD doanh thu thời điểm 10 năm trước thì nay, bạn cần gần 1,10 USD vốn đầu tư để kiếm được 1 USD doanh thu đó. Tại Châu Á, ROIC giảm 2,7% từ 9,7% xuống còn 7,0% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm về khả năng hoàn vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí còn đáng chú ý hơn: 4,6%. Đối với các doanh nghiệp châu Á khác, ROIC giảm 1,7%.
Bên cạnh đó, cường độ sử dụng vốn tăng đáng kể, hàm ý sự tăng trưởng của vốn đã vượt xa sự tăng trưởng của doanh thu. Cường độ sử dụng vốn tăng từ 1,0% lên 1,3% ở Trung Quốc và 0,7-0,9% ở phần còn lại của châu Á. Từ đó dẫn đến xu hướng lợi nhuận đi xuống trong bức tranh toàn cầu, trong đó, Trung Quốc đóng góp mức sụt giảm mạnh 2,1% về tỉ suất lợi nhuận từ 11,1 đến 9,0%; còn tỉ suất lợi nhuận ở các nước châu Á còn lại tăng không đáng kể 0,5% (từ 8,8 lên 9,3%).
Sự kết hợp giữa việc gia tăng tăng cường độ sử dụng vốn và giảm tỉ suất lợi nhuận đã đưa ra một lời giải thích rõ ràng cho khả năng hoàn vốn suy giảm và lợi nhuận kinh tế bị phá huỷ. Nhưng để hiểu nguyên nhân gốc rễ, chúng ta cần xem xét sâu về cách thức triển khai nguồn vốn ở các ngành nghề và khu vực kinh tế, để tìm ra giá trị mất đi nằm ở đâu?
Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey
Cao Dung (Biên dịch)
Tiếp tục đón đọc phần 2 "Thế kỷ châu Á và nghịch lý nguồn vốn", vào ngày 9.2.2020