Một khái niệm quy hoạch đô thị hữu dụng trong tình hình dân cư đô thị tăng nhanh cả về tỉ lệ và số lượng
Khu đô thị Times City, được xây dựng từ năm 2011 với tổng diện tích sàn trên 2 triệu m2, là nơi Vingroup tổ chức một hệ sinh thái tương đối đầy đủ, từ trường học VinSchool, bệnh viện Vinmec, siêu thị Vinmart, khu vui chơi thuỷ cung,… cùng các doanh nghiệp khác như các chuỗi nhà hàng, giải trí, rạp chiếu phim…
Tập trung hàng chục nghìn cư dân trên diện tích hơn 360 nghìn m2 đất dự án, Times City là địa chỉ lựa chọn của các chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, cà phê, cửa hàng tiện lợi… Thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks, dù thường ưu tiên xuất hiện tại khu trung tâm, nay cũng đã mở cửa hàng tại Times City, khu đô thị nằm phía Đông thành phố Hà Nội. Các cửa hàng tại Times City được bố trí tại các tầng hầm, nơi kết nối các toà nhà, thuận tiện cho cư dân đi bộ. Ngoài ra, các cửa hàng trên mặt đất (tầng 1) thuận tiện cho việc mua sắm khi di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô trên các trục đường nội bộ.
Mật độ dân cư đông đúc khiến lượng khách ra vào các chuỗi cửa hàng, nhà hàng tương đối nhộn nhịp. Đặc biệt vào các dịp cuối tuần, khi các gia đình ở ngoài khu đô thị vào Times City để vui chơi, mua sắm, với các dịch vụ riêng biệt như thuỷ cung, nhạc nước,…lượng khách đến các cửa hàng trong khu đô thị càng thêm đông đảo. Tại rạp chiếu phim duy nhất của khu đô thị, lượng khách đến xem phim vẫn đông đúc ngay cả các suất chiếu nửa đêm, chủ yếu là cư dân trong khu đô thị.
Số liệu mới nhất từ cuộc điều tra dân số 2019 cho biết, tỉ lệ đô thị hoá Việt Nam hiện nay đạt 34,4%, tương đương hơn 33 triệu người đang sống tại các khu đô thị. Trong 10 năm, tỉ lệ này đã tăng 4,8 điểm phần trăm.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, 50,3% dân số châu Á đang sinh sống tại các khu đô thị, tương đương số dân 2,3 tỉ người. Tỉ lệ này năm 2000 chỉ là 37,4%, tương đương 1,4 tỉ người. Tăng lên cả về tỉ lệ lẫn quy mô cư dân đô thị đang đặt châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng trước những thách thức mới.
Trong bài viết “Xem lại khái niệm thành phố nén” (2010), Tiến sĩ Nicola Dempsey (đại học Sheffield) đã đưa ra một khái niệm tương đối đầy đủ về một thành phố nén. Theo Dempsey, thành phố nén là một khái niệm quy hoạch và thiết kế đô thị, với mật độ dân cư tương đối cao sử dụng đất đa chức năng. Ngoài ra, một số lượng lớn cư dân cung cấp các cơ hội để giao tiếp xã hội cũng như cảm giác an toàn ở những khu vực công cộng nhờ tăng khả năng giám sát tự nhiên của cộng đồng cư dân. Bà cho rằng, thành phố nén là loại hình định cư đô thị bền vững hơn so với đô thị vệ tinh vì nó ít phụ thuộc vào xe hơi, đòi hỏi cung cấp cơ sở hạ tầng ít hơn (và rẻ hơn trên đầu người).
Tuy nhiên, không phải cứ hễ tổ chức một thành phố với mật độ cư dân đông đúc đều được xếp vào thành phố nén. Hiểu đúng hơn, thành phố nén là một cách tiếp cận trong quy hoạch đô thị theo hướng hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn các nguồn lực. Thông thường, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mật độ cư dân đủ đông đúc, mặc dù không có một con số tiêu chuẩn nào. Người ta thường có một hình dung dễ hiểu nhất cho các thành phố nén là cách thức nén thành phố theo chiều dọc, trong các khối nhà cao tầng, thay vì phân tán các khu dân cư trên một diện tích rộng.
Những nền móng tư tưởng đầu tiên cho khái niệm thành phố nén thực sự gắn với tên tuổi nhà phê bình Jane Jacobs với cuốn sách xuất bản năm 1961: Cái chết và sự sống tại các thành phố nước Mỹ. Cuốn sách đã làm thay đổi những suy nghĩ lối mòn từ trước đó về quy hoạch đô thị. Bà ủng hộ tính đa dạng của một cộng đồng cư dân, và cho rằng đó là hình thức hoàn hảo của một đô thị, nơi người nghèo, những cộng đồng nhỏ có tiếng nói, không bị lép vế… Bà ủng hộ những con phố đi bộ trong thành phố, những vỉa hè được sử dụng hiệu quả trong việc giao tiếp, kết nối con người với nhau… Một vỉa hè lành mạnh, theo Jacobs, là một vỉa hè nơi đó những con người xa lạ sẽ tự động nhìn vào nhau, bảo vệ nhau, chứ không phải là nơi cần sự có mặt của cảnh sát. Tất cả những ý tưởng đó, đều dẫn đến một kết quả: thành phố phải nén lại, phải tăng mật độ, đảm bảo sự đa dạng tự nhiên của cộng đồng.
Một thành phố nén với định nghĩa như vậy, cần có đầy đủ cơ sở hạ tầng, bao gồm bệnh viện, trường học, khu vui chơi, mua sắm, giải trí,... thậm chí cả công việc. Với thiết kế nén, thành phố sẽ ưu tiên việc đi bộ và xe đạp, di chuyển trong nội bộ thành phố. Vai trò của vỉa hè, vì vậy, rất được chú trọng. Xây dựng các toà nhà cao tầng với sức chứa lớn cũng góp phần giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích đất trồng cây xanh và tạo cảnh quan công cộng.
Trong chưa đầy nửa thế kỷ, dân số thế giới đã tăng gấp đôi, từ mức 3,8 tỉ người năm 1971 lên 7,7 tỉ người năm 2019. Áp lực tăng dân số, đặc biệt tại các nước đang phát triển - cùng với tốc độ đô thị hoá mau chóng, khiến tỉ lệ cư dân đô thị ngày càng tăng - các đô thị phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong vận hành: ô nhiễm môi trường, không gian chung bị thu hẹp, diện tích cây xanh sụt giảm, tắc đường,…
Năm 2010, trong Triển lãm kiến trúc quốc tế tổ chức tại Venice (Ý), mô hình đô thị “1000 Singapores” đã được trình bày, giới thiệu hướng thiết kế thành phố nén của quốc gia phồn thịnh nhất Đông Nam Á.
Ý tưởng này cho rằng, nếu mô hình thành phố nén được nhân ra 1000 lần trên khắp thế giới, sẽ giúp giữ gìn lại khoảng 99,5% cảnh quan thiên nhiên. Là thành phố nổi tiếng với các toà nhà chọc trời, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, Singapore vẫn duy trì khoảng một nửa diện tích được phủ xanh. Từ sân bay vào trung tâm thành phố, Singapore như một khu rừng. Mọi chuyện đột ngột thay đổi khi người ta nhìn thấy những toà nhà cao tầng đầu tiên. Singapore tổ chức đô thị theo hướng gần gũi nhất với thiên nhiên, trồng rất nhiều cây ở ngay các khu cao ốc. Khi đứng ở một tầng bất kỳ trong các toà nhà, đôi khi người ta vẫn lẫn lộn là mình đang ở mặt đất, do các loại cây được trồng dày đặc, có khi là các loại cây lớn, lâu năm.
Tổ chức đô thị theo hướng nén là một lựa chọn của Singapore, đất nước có diện tích chỉ trên 720 km2, tương đương một phần ba thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại mật độ dân số Singapore đã đạt trên 8.300 người/km2. Tập trung dân cư tại trung tâm thành phố, dành phần lớn khu ngoại ô cho rừng, người dân Singapore hầu như không phải đi lại quá xa để đến nơi làm việc, tìm nhà hàng ăn uống, hay đến trung tâm mua sắm, đi khám chữa bệnh….
Ngoài Singapore, một đại diện khác từ châu Á là Hong Kong cũng đang tổ chức quy hoạch theo hướng nén. Hong Kong là một trong ba thành phố trên thế giới (cùng với New York và Tokyo) được mệnh danh là thành phố chiều thẳng đứng với mật độ dày đặc những toà nhà chọc trời. Mật độ dân cư tại Hongkong hiện nay ở vào khoảng 6.300 người/km2.
Tổ chức đô thị dày đặc kiểu Hong Kong, một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, giúp thành phố duy trì được hệ thống giao thông thoáng đãng. Giao thông công cộng tại Hong Kong chiếm khoảng 90%, đưa thành phố này thành nơi có tỉ lệ giao thông công cộng lớn nhất thế giới. Ngoài các phương tiện phổ biến như taxi, xe buýt, phà, hệ thống giao thông công cộng của Hong Kong còn có các loại tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, đường sắt… Hệ thống này giúp người dân dễ dàng ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, thay vì sở hữu riêng mình những chiếc xe ô tô cá nhân.
Khác với Singapore hay Hong Kong, hầu hết các thành phố hiện tại, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam, đang được tổ chức theo một xu hướng không nhất quán, là khu đô thị ngổn ngang với các điều kiện hạ tầng cơ bản thiếu đồng bộ, do đó vận hành thiếu hiệu quả. Thói quen ở nhà ống, là loại nhà với chiều rộng mặt đường tương đối hẹp, diện tích được kéo sâu vào phía trong, phù hợp với mô hình buôn bán nhỏ tại các khu đô thị kiểu cũ, với hình thức vận chuyển chủ yếu bằng xe máy. Tuy nhiên, sức ép dân cư không cho phép mô hình nhà ở dạng ống, cũng như hình thức vận chuyển bằng xe máy tồn tại lâu dài thêm nữa. Cấu trúc đô thị thay vì trải rộng ra, đã được sắp xếp theo hướng “chồng lên nhau” - là khởi điểm của các khu nhà cao tầng, khu chung cư, khu đô thị hiện đại.
Bài viết: Minh Thư
Ảnh: Quân Shotgun