"Sẽ luôn có các tòa nhà trống và những con người làm việc tự do hoặc tìm cách khởi nghiệp trong các giai đoạn kinh tế khủng hoảng. Tôi biết cách để kết hợp hai thứ này lại với nhau”, Adam Neumann từng giải thích cho sự ra đời và thành công của WeWork trong mô hình không gian làm việc chung, hay văn phòng chia sẻ (coworking space). Thực ra, không phải đến WeWork người ta mới biết về Neumann. Tháng 5.2008, Neumann cùng với Miguel McKelvey thành lập Green Desk, không gian làm việc chung thân thiện với môi trường từ một nhà kho trong khu Brooklyn, New York. Chỉ một năm sau, khi mở rộng mô hình cho thuê và đạt được thành công nhất định, họ đã bán Green Desk cho đối tác và khởi sự WeWork tại khu SoHo ở Hạ Manhattan vào năm 2010.
Những ngày tươi đẹp về sự định danh “We” (chúng ta, chúng tôi), Neumann đã diễn giải một cách đầy hình tượng: “Thập niên 1990 và 2000 là thời đại của ‘I’ (tôi, cái tôi). Chúng ta có iPhone, iPod - thứ gì cũng về ‘tôi’ cả. Thế rồi chúng đi tới đâu? Đó là một cuộc suy thoái tồi tệ. Thập niên kế tiếp là thời đại của ‘We’, nơi mà sự cộng tác sẽ là tương lai của đổi mới sáng tạo”. Trong thời đoạn WeWork trở thành “công ty cho thuê không gian làm việc tăng trưởng nhanh nhất New York”, rồi “nhanh nhất nước Mỹ”, giới phân tích đã nhìn nhận rằng năm 2008 là năm bắt đầu một cuộc cách mạng do Neumann khởi xướng. Ban đầu, không gian WeWork ở New York thu hút nhiều tên tuổi nổi bật trong giới khởi nghiệp, như Reddit, Fitocracy, HackHands,… Tháng 4. 2011, WeWork Labs đầu tiên được khai trương tại SoHo. Không chỉ cung cấp không gian làm việc chung, WeWork Labs có chức năng như những vườn ươm khởi nghiệp, nơi tạo ra sự tương tác, kết nối giữa các thành viên có ý tưởng kinh doanh chưa hoàn thiện.
Đây chính là giai đoạn khởi đầu rực rỡ khi những không gian làm việc chung liên tục được mở rộng, và như một hệ quả, các nhà đầu tư lớn không ngừng rót tiền. Giữa năm 2014, trong danh sách đầu tư vào WeWork có những tên tuổi như J.P. Morgan Chase & Co, Goldman Sachs Group, Benchmark, Wellington Management. Tháng 2.2015, khi Tạp chí Forbes thực hiện bài viết Bên trong sự phát triển thần tốc của WeWork, công ty này đã có 51 không gian làm việc chung tại Mỹ, châu Âu và Israel - quê hương của Neumann, tăng gấp đôi so với năm trước và Neumann không giấu diếm tham vọng phủ khắp trên tất cả các châu lục, trừ Nam Cực, vào năm 2017.
Năm 2016, khi liệt WeWork vào danh sách những công ty đổi mới hàng đầu, Tạp chí Fast Company viết: “Cho rằng WeWork chẳng qua chỉ là một mô hình chia sẻ không gian làm việc thì cũng giống như nói rằng Starbucks chỉ là một quán cà phê”. Vậy khác biệt là gì? Đó chính là những giá trị mà WeWork mang lại, hoặc hứa hẹn mang lại, cho những ai sử dụng không gian làm việc chung. Không chỉ là các ưu đãi về bảo hiểm y tế, về cơm hộp bento vào buổi trưa, mà còn, như giải thích của chính Adam Neumann, rằng khi đến đây “bạn sẽ không còn là một công ty nhỏ đơn lẻ. Bạn sẽ là cấu phần của một nhóm lớn gồm những người luôn có cảm giác như đang là một phần của một điều gì đó”.
Dù “cảm giác” ấy mang màu sắc của một “cộng đồng tưởng tượng” như khái niệm của Benedict Anderson hay thực tế có một sự kết nối đầy sức mạnh, thì riêng cái “cảm giác” mình trở nên mạnh mẽ cũng đã đóng vai trò như một tác nhân tâm lý tích cực, bên cạnh các kết nối vật lý xuất phát từ không gian làm việc chung, giữa những người khởi nghiệp đầy tài năng và tham vọng, và thậm chí với cả những tập đoàn lớn. Bởi vì, theo thời gian, đến với WeWork không chỉ là “những người làm việc tự do” đang “tìm cách khởi nghiệp”, mà còn là những tên tuổi như Red Bull, J.-Crew, PepsiCo…
Tháng 3.2016, WeWork được định giá 16 tỉ USD sau khi gọi vốn thành công 430 triệu USD từ Legend Holdings và Hony Capital. Sự phát triển ngoạn mục của WeWork tiếp diễn, khi công ty được định giá 20 tỉ USD sau đợt gọi vốn vào tháng 7.2017 và sự tham gia của nhà đầu tư khổng lồ “SoftBank”.
Theo Bloomberg, cho đến trước khi tung ra gói giải cứu, “SoftBank” đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào WeWork. Vào tháng 1.2019, phân tích của Sanford Bernstein cho thấy SoftBank có thể thu về 7 tỉ USD lợi nhuận trên sổ sách nếu mức định giá 47 tỉ USD của WeWork được duy trì.
Bóng đêm phủ xuống không chờ tới khi WeWork nộp hồ sơ IPO và sau đó phải hoãn IPO hồi tháng 9.2019 thì các mảng tối của công ty mới lộ diện. Từ năm 2016, Tạp chí Fortune đã xếp WeWork vào nhóm những công ty không nên đặt cược vào. “Các nhà đầu tư đánh giá WeWork, một doanh nghiệp đầy tham vọng trong lĩnh vực cho thuê lại văn phòng, giống như một công ty phần mềm. Để duy trì được mức định giá 10 tỉ USD, WeWork phải thực hiện nhiệm vụ đầy mệt mỏi để tăng trưởng như một công ty phần mềm - nhưng ở đây họ phải đầu tư vào con người, dựa vào các khoản thuê dài hạn và nội thất văn phòng”.
Những rủi ro tiềm ẩn và vài lời cảnh báo rời rạc luôn bị chìm lấp giữa ngồn ngộn thông tin về gọi vốn, về giá trị công ty, về những thống kê và các xếp hạng lấp lánh. Đến khi kế hoạch IPO khởi động, hồ sơ được nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), mảng tối của bức tranh từng một thời rực rỡ bắt đầu hiển lộ một cách ngoạn mục. Báo cáo tài chính được công bố vào tháng 8.2019 cho thấy trong nửa đầu năm nay, WeWork lỗ 900 triệu USD. Đến giữa tháng 11.2019, WeWork chia sẻ thông tin công ty lỗ 1,25 tỉ USD (không điều chỉnh) trong quý III, tăng hơn 150% so với khoản lỗ 497 triệu USD, dù đạt doanh thu 934 triệu USD, gần gấp đôi con số 482 triệu USD cùng kỳ năm trước. Dù các chỉ số về doanh thu, về số lượng thành viên gia nhập các không gian làm việc chung liên tục tăng, thì các thông số về khả năng tạo ra lợi nhuận vẫn hết sức mờ mịt.
Tuy nhiên sự thật là WeWork không phải là một công ty công nghệ, như họ thường nhấn mạnh khi quảng bá. George Schultze, nhà sáng lập công ty quản lý tài sản Schultze Asset Management nhận xét: “Vấn đề thực sự của WeWork đó là toàn bộ mô hình kinh doanh bị rạn nứt trong khi đang sử dụng những đòn bẩy quá mức. Thật ra, chẳng có gì đặc biệt về việc họ làm – cung cấp không gian văn phòng chia sẻ cho các khách thuê ngắn hạn”.
Xét về bản chất, WeWork là một công ty cho thuê văn phòng – một nhà trung gian đúng nghĩa, với một vài khác biệt không đáng kể với các công ty cùng lĩnh vực. Mô hình kinh doanh của một nhà trung gian trong trường hợp của WeWork đó là thuê các không gian làm việc của chủ bất động sản rồi sau đó cho khách hàng của mình thuê lại. Do đó, “sức khỏe” của WeWork phụ thuộc rất lớn và các khoản thuê dài hạn. Ở đây có một số vấn đề: trong khi các hợp đồng thuê bất động sản của WeWork là dài hạn, thì họ thường cho thuê lại theo các hợp đồng ngắn hạn. Thêm vào đó, lượng khách hàng càng tăng đòi hỏi WeWork càng phải thuê thêm nhiều bất động sản, nghĩa là chi phí tăng thêm. Đây là điểm khác biệt giữa một công ty cho thuê văn phòng với một công ty phần mềm: công ty phần mềm sản xuất ra một sản phẩm và bán cho nhiều khách hàng với chi phí gần như không tăng thêm, hoặc tăng thêm rất ít. Do đó, biên lợi nhuận của một công ty trung gian trong ngành cho thuê văn phòng khác hoàn toàn một công ty công nghệ.
“Việc có phần lớn các khách hàng là công ty công nghệ, không khiến bạn trở thành công ty công nghệ. Việc sử dụng công nghệ để vận hành, cũng không khiến cho bạn trở thành công ty công nghệ”, chuyên gia công nghệ Christian Owens rút ra bài học sau sự kiện WeWork.
Song song với khó khăn của WeWork, nhiều vấn đề liên quan tới cách hành xử và lối sống của Adam Neumann cũng bắt đầu được phơi bày. Business Insider cho biết Neumann từng nói với các nhân viên rằng gia đình ông ta sẽ điều hành WeWork trong 100 năm, thậm chí 300 năm, rằng cháu, chắt của ông ta sẽ tiếp bước. Việc Neumann đăng ký thương hiệu We rồi sau đó bán lại cho WeWork với giá 5,6 triệu USD, để thành lập công ty mẹ The We Company hồi đầu năm 2019, cũng bị phê phán. Tờ Wall Street Journal còn đưa nhiều chi tiết cho thấy những suy nghĩ điên rồ của Neumann, chẳng hạn như ước muốn trường sinh bất tử, trở thành người đầu tiên sở hữu ngàn tỉ USD, mở rộng WeWork lên sao Hỏa, trở thành thủ tướng Israel hoặc làm “tổng thống thế giới”. Wall Street Journal còn cho biết Neumann từng tổ chức tiệc hút cần sa trên chuyến bay riêng từ Mỹ sang Israel.
Trước khi hồ sơ IPO của WeWork được nộp, Neumann đã bán khoảng 700 triệu USD cổ phần. Sau khi WeWork buộc phải hoãn việc IPO hồi tháng 9.2019 (ban đầu dự kiến sẽ huy động được 3,5 tỉ USD), Softbank đã phải bơm thêm tiền, bao gồm 1,7 tỉ USD để “mua lại” việc Neumann sẽ rời vị trí CEO và cắt đứt hầu hết quan hệ với WeWork. Trong cơn khủng hoảng, chiếc máy bay Gulfstream G650 của WeWork mà Neumann và gia đình sử dụng để bay khắp thế giới cũng đã được rao bán với giá 60 triệu USD. Nhiều báo cáo cho rằng WeWork sẽ cắt giảm khoảng 4.000 việc làm trong thời gian tới, như một phần của nỗ lực tái cấu trúc.
Có những thời điểm được định giá tới 70 tỉ USD, rồi 47 tỉ USD, đến sau khi phải hoãn IPO hồi tháng 9, WeWork “rớt giá” xuống còn 8 tỉ USD. Trong khi theo tính toán của Sanford Bernstein, định giá WeWork cần đạt 25 tỉ USD thì SoftBank mới có thể kiếm lời từ khoản đầu tư gốc của mình.
Nam Anh
Bài viết được trích từ Báo cáo đặc biệt "Bài học từ cú ngã của kỳ lân" - Xem thêm tại đây >>>
Đón đọc bài viết tiếp theo: "Bê bối WeWork và nguy cơ mang tính hệ thống"