Nằm ngay trung tâm lục địa Đông Nam Á, giáp Malaysia, Campuchia, Myanmar và Lào, dễ dàng tiếp cận với sông Mekong và bờ biển dọc theo Vịnh Thái Lan và biển Andaman, vị trí địa lý của Thái Lan mang đến những cơ hội logistics mà ít quốc gia ASEAN nào có thể cạnh tranh được.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia láng giềng với những nền kinh tế đang phát triển lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới, còn đảm bảo chắc chắn tăng trưởng cho thị phần logistics khu vực của Thái Lan.
Thái Lan cũng là một trong những quốc gia hàng đầu Đông Nam Á trong lĩnh vực logistics. Nước này được xếp thứ 35 trong số 160 quốc gia trong Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới và xếp thứ ba trong số các nước ASEAN. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy quốc gia này đang cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu.
Trung tâm logistics
Mặc dù còn nhiều việc phải làm, Thái Lan hiện đang tích cực thực hiện các kế hoạch thay đổi toàn diện cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia nhằm tăng tính cạnh tranh toàn cầu. Một phần trong nỗ lực này là việc chính phủ vừa thông qua kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mới (2015-2022), kêu gọi đầu tư ít nhất 75 tỉ USD nhằm tân trang cơ sở hạ tầng quốc gia, bao gồm các dự án sau:
- Đường sắt: Nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt và toàn bộ hệ thống vận tải hàng hóa quốc gia; xây dựng các làn đôi trên sáu tuyến đường chính mở rộng từ trung tâm đến đến các vùng biên giới đất liền.
- Mạng lưới đường bộ: Phát triển mạng lưới đường bốn làn liên kết các vùng kinh tế và biên giới trọng điểm; xây dựng đường cao tốc mới nhằm giảm thiểu thời gian vận chuyển; phát triển hạ tầng dọc theo các tuyến đường chính như bãi container và hệ thống xử lý đa phương thức.
- Giao thông công cộng ở Bangkok và vùng lân cận: Mở rộng hệ thống đường sắt và đường sắt đô thị; nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn của hệ thống xe buýt công cộng và nâng cao tiêu chuẩn môi trường.
- Tăng cường năng lực vận tải hàng hải: Cải thiện cảng biển trên cả vùng vịnh Thái Lan và biển Andaman để có thể xử lý khối lượng hàng hóa lớn hơn.
- Mở rộng vận tải hàng không: Nâng cấp các sân bay trên cả nước giúp tăng tải trọng vận tải, đồng thời tăng hiệu quả vận tải hàng không. Kêu gọi để thành lập một khu vực hàng không chuyên phục vụ công nghiệp.
Sự phát triển logistics của khu vực ASEAN
Dịch vụ logistics ở hầu hết các nước ASEAN vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và ở một số nơi còn khá phân tán và không thể cạnh tranh quốc tế như yêu cầu. Một dự án xây dựng hạ tầng đường sắt cao cấp gần đây ở Campuchia bị cắt giảm vì các vấn đề quản trị và tiến độ xây dựng làm ảnh hưởng xấu đến thời gian quay vòng vốn cho các dự án giao thông mới. Đây là ví dụ điển hình về khoảng cách giữa tầm nhìn kết nối được Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thúc đẩy và việc thực hiện các cam kết thực tế của các quốc gia thành viên.
Tăng trưởng thương mại xuyên biên giới
Theo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thương mại Siam, việc giảm thuế đối với hàng hóa giao dịch giữa các nước ASEAN giúp tăng tỉ trọng thương mại biên giới và thương mại quá cảnh trung bình 7% mỗi năm trong năm năm qua. Tăng tỉ trọng thương mại cũng đi kèm với sự gia tăng đầu tư tương ứng để duy trì lợi thế về chi phí, nguyên liệu và lao động.
Chẳng hạn, các nhà kinh doanh phụ thuộc nhiều vào lao động, như các nhà sản xuất quần áo và giày dép, dự kiến thành lập các nhà máy mới ở các nước có chi phí lao động rẻ hơn như Myanmar, Lào và Campuchia.
Bây giờ khi AEC đã chính thức thành lập, nhu cầu về nguyên liệu thô, hàng hóa và lao động dự kiến bắt đầu tăng đáng kể, thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ logistics để quản lý hàng hóa và dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Theo AEC, các hạn chế trong quy định về lao động, nguyên liệu thô, tiếp cận thị trường sẽ được giảm đi đáng kể hoặc loại bỏ hoàn toàn. Do đó, các tỉnh biên giới ở phía bắc, đông bắc và đông Thái Lan được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại xuyên biên giới trong những năm tới.
Tương lai
Vận tải đường bộ luôn là phương thức logistics chính trong nhiều thập kỷ, không chỉ đối với vận tải nội địa mà còn đối với vận tải xuyên biên giới. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới do các nước còn phải tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường bộ và do sự đánh đổi giữa chi phí và thời gian giao hàng. Vì vậy, nhu cầu về xe tải hạng nặng và các phương tiện vận tải thương mại khác sẽ tiếp tục tăng.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra với các công ty logistics địa phương với đội xe nhỏ hơn? Để tồn tại trên thị trường, họ cần phải kết nối chiến lược phát triển của mình với các doanh nghiệp khu vực hoặc toàn cầu. Ví dụ, công ty dịch vụ logistics có thể trở thành đơn vị kinh doanh thuê ngoài của một công ty logistic toàn cầu, tích hợp vào một hệ thống lớn hơn để cung cấp năng lực vận tải cho các chuyến hàng đi và về trong vùng.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt khi AEC trên đà đẩy nhanh kế hoạch, các công ty logistics nhỏ có thể chọn không làm gì cả, để rồi chấp nhận bị mua lại hoặc đẩy văng khỏi thị trường.
Bài viết nằm trong chuyên đề "Từ TP.HCM đến Đông Nam Á"