Cuối năm 2019, siêu ứng dụng Grab công bố hợp tác với công ty viễn thông Singtel nhằm xin giấy phép cho ngân hàng số tại Singapore. Thông qua liên minh này, Grab và Singtel muốn xin giấy phép hoạt động ngân hàng số toàn diện (digital full bank license) từ Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS). Nếu được chấp thuận, giấy phép này giúp ngân hàng số có thể thực hiện các chức năng cơ bản của ngân hàng bán lẻ gồm cho vay và gửi tiết kiệm, đồng thời thực hiện các sản phẩm đầu tư. “Bước tiếp theo trong kế hoạch của Grab sẽ là mô hình ngân hàng số, đặt khách hàng vào trung tâm, với nhiều dịch vụ ngân hàng và tài chính hơn nữa”, ông Reuben Lai, giám đốc cấp cao của Grab Financial Group cho biết qua thông cáo báo chí.
Từ một startup về ứng dụng gọi xe tại Malaysia năm 2012, Grab liên tục mở rộng hoạt động đến các dịch vụ từ logistics đến tài chính. Grab hiện là công ty duy nhất có giấy phép cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến tại sáu quốc gia lớn ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines, theo tuyên bố của ông Reuben Lai trong một thông báo đầu năm 2019. Năm 2016, Grab cho ra mắt ví điện tử GrabPay và ba năm sau đó, thành lập Grab.
Financial Group – đơn vị phụ trách mảng kinh doanh dịch vụ tài chính như ví điện tử, dịch vụ cho vay, bảo hiểm cho tài xế, đối tác… Singtel hiện là công ty viễn thông lớn nhất Singapore, có cổ đông chính là Temasek – một quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore. Nhà mạng này hiện phục vụ 700 triệu khách hàng di động, tại 21 quốc gia trên thế giới.
Dữ liệu viễn thông có thể hỗ trợ đắc lực cho các công ty fintech cũng như hoạt động ngân hàng nói chung, như đánh giá điểm tín dụng khách hàng, giúp đưa ra những khoản vay phù hợp, đồng thời rút ngắn thời gian cho các hoạt động giấy tờ và tốn chi phí khác như định danh khách hàng (KYC),… “Sự kết hợp giữa khả năng kỹ thuật số và công nghệ tài chính của cả hai công ty trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ hứa hẹn sẽ khiến cuộc chơi thay đổi thực sự”, Kuan Moon Yuen CEO và Giám đốc mảng tiêu dùng kỹ thuật số của Tập đoàn tại Singtel Singapore kỳ vọng.
Báo cáo “Kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2019” (e-Conomy SEA 2019) của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, chỉ mới có khoảng 1/4 trong tổng số 400 triệu người trưởng thành tại khu vực Đông Nam Á được tiếp xúc đầy đủ các dịch vụ tài chính - ngân hàng như tín dụng, đầu tư và bảo hiểm. Tỉ lệ người có tài khoản ngân hàng tại khu vực Đông Nam Á thấp do những nguyên nhân như cơ sở hạ tầng kết nối kém khiến chi phí để có một khách hàng của một ngân hàng cao.
Ngoài ra, khu vực này còn thiếu các hình thức đăng ký công cộng, hệ thống định danh khách hàng và thông tin tín dụng đáng tin cậy – chính là những yếu tố đầu vào quan trọng của các tổ chức tài chính, theo nhận định từ báo cáo. Ngân hàng số là một bước tiến mới so với ngân hàng truyền thống. Các hoạt động của ngân hàng với khách hàng thực hiện thông qua nền tảng trực tuyến, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch tại mọi thời điểm. Hoạt động ngân hàng thường do Chính phủ kiểm soát và đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe.
Tháng 8.2019, MAS chính thức ra mắt cơ chế sandbox – cho phép các công ty có thể thử nghiệm những công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính trước khi đưa ra những quy định pháp lý phù hợp. Trong nỗ lực tự do hoá lĩnh vực tài chính, MAS dự kiến sẽ công bố danh sách các tổ chức được cấp phép ngân hàng số vào tháng 6 năm nay, bao gồm hai giấy phép ngân hàng số toàn diện (digital full bank license) và ba giấy phép cho ngân hàng số bán buôn (wholesale bank license) chuyên phục vụ cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Khi Grab và Singtel bắt tay thực hiện ngân hàng số, người dùng sẽ được hưởng lợi từ hệ sinh thái trọn gói. Việc cung cấp các dịch vụ khép kín sẽ giúp trải nghiệm khách hàng trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, MAS chỉ giới hạn có năm giấy phép được cấp, do đó thị trường lo ngại đến tình trạng độc quyền.
Theo chuyên gia fintech Nguyễn Hải Nam, bước đi này của Grab là một bước tiến mới từ
ngành viễn thông 1.0 (cốt lõi viễn thông và các ngành liên quan) lên
thành viễn thông 2.0 (mở rộng sang lĩnh vực tài chính). Hiện nay, các nhà mạng viễn thông
có xu hướng phát triển mobile money (tiền di động) chứ không chỉ dừng
lại ở dịch vụ viễn thông. Với một nền tảng siêu ứng dụng như
Grab thì tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng. Hỗ trợ tài
chính từ ngân hàng số cũng là một cách thu hút và đẩy mạnh các hoạt động
qua nền tảng siêu ứng dụng của mình.
Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á dự báo sẽ đạt khoảng 110 tỉ USD vào năm 2025. Điều này hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để chiếm được miếng bánh hấp dẫn này, các bên tham gia phải có những yếu tố then chốt gồm dữ liệu, công nghệ, vốn và pháp lý (giấy phép). Không chỉ Grab và Singtel, mà các tổ chức fintech khác cũng đang trong cuộc đua xin giấy phép ngân hàng số như Ant Financial của Tập đoàn Alibaba, Razer, iFast, Beyond, Xiaomi. Ngân hàng số là cuộc chơi lớn, khuôn khổ của nhóm ngành, cụ thể là fintech.
Do đó, các bên tham gia xin giấy phép rất đa dạng từ thương mại điện tử (SEA), trò chơi trực tuyến (Razer), chứ không giới hạn ở công ty viễn thông (telco) hay siêu ứng dụng (Grab). MAS cũng yêu cầu vốn điều lệ của ngân hàng số lên tới 1,5 tỉ đô la Singapore và do công dân Singapore quản lý. Do đó, điều này khiến các công ty phải hợp tác với nhau. Việc hợp tác hướng đến khai thác nguồn lực các bên và tối ưu hóa lợi ích. Trong ngành ngân hàng số, dữ liệu về người dùng rất quan trọng, hàm chứa thông tin trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó, dữ liệu là một yếu tố cạnh tranh lớn. Theo ông Nam, một số bên đang có chiến lược dùng công nghệ của bên thứ ba nếu còn giấy phép.