Không có cách nào để dự báo tác động cuối cùng của virus Corona, chỉ chắc chắn là COVID-19 sẽ thay đổi chiến lược đường cung trong tương lai theo những cách mà chúng ta không thể ngờ. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là chuẩn bị cho trường hợp khủng hoảng khác ở quy mô này trong tương lai.
Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã làm theo lời tuyên bố của Tim Cook, CEO hãng Apple: “Lập kho chứa là sai căn bản”. Thay vì đầu tư kho lưu hàng dự trữ, những những công ty này phụ thuộc vào chuỗi cung ứng just-in-time – hàng hóa được chuyển đến ngay khi lô hàng trước vừa được bán đi.
Nhưng COVID-19 đã phơi bày những điểm bất lợi của chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ sau vài tháng bùng phát khiến các doanh nghiệp cân nhắc lại giá trị bất hủ “vừa đúng, vừa đủ”.
Ngày 23.1.2020, Vũ Hán là thành phố đầu tiên bị đặt dưới lệnh phong tỏa, nhanh chóng sau đó là nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc.
Vào tháng Hai, hoạt động sản xuất tại tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc phải tạm ngưng do chủng virus Corona mới bùng phát. Vào thời điểm đó, tưởng như COVID-19 sắp được ngăn chặn tại Trung Quốc, nhưng không ngờ lại diễn tiến thành đại dịch toàn cầu. Tính đến cuối tháng Ba, có gần 800.000 ca nhiễm tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nhà nghiên cứu và chính phủ không rõ liệu virus sẽ lan rộng tới mức nào, cũng không thể dự đoán khi nào dịch kết thúc. Điều này khiến việc tiên lượng tác động của đại dịch đối với chuỗi cung ứng toàn cầu là không thể.
Nhưng có một điều chắc chắn: tác động lần này sẽ hoàn toàn khác biệt. Điều đầu tiên và rõ ràng nhất: các công ty sẽ rút khỏi Trung Quốc, bắt đầu từ Apple, Microsoft và Google.
Với vai trò là công xưởng của thế giới, các doanh nghiệp ngoài Trung Quốc lo ngại rằng việc sản xuất bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của họ: sản phẩm làm ra không đủ hoặc không thể vận chuyển đến các đầu cảng Trung Quốc.
“Đột nhiên, toàn bộ các chuỗi cung ứng đều dễ tổn thương vì có quá nhiều mắt xích thuộc về Trung Quốc trong chuỗi cung ứng phụ thuộc lẫn nhau vì linh kiện và vật liệu”, Rosemary Coates, chủ tịch Blue Silk Consulting, hãng tư vấn chuyên về quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu nói về điều này “Chỉ thiếu đi một cái van nhỏ xíu được làm ở Trung Quốc cũng đủ để gián đoạn sản xuất động cơ của các sản phẩm điện máy nguồn gốc Mỹ. Tương tự đối với những vật liệu hiếm cho sản xuất nam châm và thiết bị điện tử”.
Một ví dụ khác về mức độ phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc: Nếu COVID-19 lan rộng khắp nước Mỹ, chúng ta có thể thiếu đi các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng để chống lại dịch bệnh, vì phần lớn số đó được sản xuất tại Hồ Bắc. (Hồ Bắc cũng cung cấp 80% hoạt chất chính cho nhà sản xuất thuốc generic lớn nhất thế giới tại Ấn Độ.) Trong khi hoạt động sản xuất đã trở lại ở Trung Quốc, hoạt động kinh doanh và vận chuyển ở quốc gia này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức bình thường.
Không thể nào dự đoán tình hình cho vài tháng sắp tới, vì ngày nào nơi nào trên thế giới cũng có các ca nhiễm mới. Y tế toàn cầu chịu một cú hích mạnh. Nền kinh tế thế giới cũng vậy, từ nhân viên nhiễm bệnh đến tình hình giảm việc làm, khiến hàng hóa của Trung Quốc tắc nghẽn tại vô số nút giao thông quan trọng.
Giờ đây, khi Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, với các ca nhiễm mới chủ yếu là người nhập cảnh thì virus Corona đã lây lan mạnh ở Châu Âu, Mỹ và các khu vực Châu Á khác. Các nhà máy ở Trung Quốc đã khởi động sản xuất trở lại như trước, khiến rủi ro nghẽn cung rất rõ ràng, do các hạn chế đi lại và kiểm soát dịch bệnh lúc này lại ảnh hưởng đến việc nhận hàng các thị trường tiêu thụ ngoài Trung Quốc.
Mặt khác, dịch bệnh tác động xấu đối với niềm tin của người tiêu dùng, khiến nhu cầu mua sắm sụt giảm. Nếu tình hình này kéo dài, doanh thu của các nhà bán lẻ năm 2020 sẽ thiệt hại nặng nề vì nghỉ hè và tựu trường là mùa cao điểm. Việc không thể dự đoán nhu cầu khiến toàn bộ chuỗi cung ứng vô cùng bất định.
Tuy vậy, dự đoán tầm trung và dài hạn có rõ ràng hơn một chút, vì chúng sẽ tiếp tục xu hướng từ trước COVID-19. Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục đối lập. Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chuyển sang xuất khẩu sản phẩm do chính mình làm ra, trong khi các công ty Mỹ đẩy nhanh hơn việc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đưa sang Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Xu hướng này đi kèm các khó khăn như gia tăng thuế, chi phí và các rào cản đặt ra cho công ty nước ngoài ở Trung Quốc, khiến đã đến lúc để xem xét đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Một vài doanh nghiệp chợt nhận ra rằng thoát khỏi phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc giúp giảm chi phí và cho phép các doanh nghiệp mở rộng quy mô dễ dàng hơn. Việt Nam và Mexico là những điểm đến ưa thích cho việc chuyển đổi địa điểm sản xuất.
Nhưng cơ hội chín muồi không có nghĩa là việc đa dạng hóa sẽ dễ dàng. Việc chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất ra khỏi Trung Quốc tốn kém và đòi hỏi một cam kết đáng kể về lực lượng lao động và thời gian. Trong một số trường hợp, phải mất nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động tương đương với những gì Trung Quốc cung cấp.
Vì Trung Quốc có đầy đủ cơ sở hạ tầng sản xuất mà nhiều nền kinh tế đang phát triển còn thiếu, các công ty rời đi có thể phải xây dựng lại những cơ sở hạ tầng đó - ví dụ như nhà máy, nhà ở công nhân và cách thức vận chuyển - trước khi có thể bắt đầu sản xuất. Và ngay cả nếu bỏ qua việc xây dựng lại hạ tầng thì việc chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc vẫn cần cả một chặng đường dài để chấm dứt những hợp đồng sản xuất đang thực hiện dở, chưa kể những hệ luỵ về sở hữu trí tuệ hay đầu tư.
Giá trị kinh tế tối ưu của mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu just-in-time đã bộc lộ nhược điểm trong bối cảnh khủng hoảng: vừa đủ, vừa kịp thời có thể là quá thiếu và quá trễ. Từ bài học này, các doanh nghiệp, dù chưa thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc, đã bắt đầu xem xét lại toàn bộ chuỗi cung ứng, tìm kiếm nguồn cung thay thế dự phòng lưu kho và cân nhắc nhà sản xuất địa phương.
Trong một đại dịch, cơ sở hạ tầng vật chất vẫn còn nguyên vẹn. Các hệ thống đều ổn, chỉ đơn giản là thiếu người vận hành. Có một mối lo ngại rằng về lâu dài lực lượng nhân công có thể là điều dịch bệnh tước đi đối với những công ty tập trung vào lợi nhuận. Vì quá nhiều người nhiễm bệnh không thể đi làm ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty có thể xem con người là mắt xích yếu nhất trong chuỗi cung ứng. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng các nhà máy vận hành hoàn toàn tự động bằng robot thay vì con người. Nếu giá thành của các nhà máy tự động giảm xuống trong tương lai, các công ty có thể coi khủng hoảng virus Corona năm 2020 như một bài học rằng lực lượng nhân công là gánh nặng của tương lai, chứ không phải là thế mạnh.
Tạp chí Nhà Quản Lý