Các doanh nghiệp tư nhân với sự phát triển linh hoạt và mạnh mẽ trong những năm gần đây đã ngày càng khẳng định tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Tạp chí Nhà Quản Lý lựa chọn và điểm lại những hoạt động kinh doanh nổi bật của 10 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam để lại dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2018.
Đúng như câu slogan của Vingroup, gần như mỗi năm trôi qua Vingroup lại “khởi nghiệp” ở một lĩnh vực mới. Bắt đầu bằng dự án nghỉ dưỡng năm sao mang thương hiệu Vinpearl tại Nha Trang vào năm 2003, sau 18 năm phát triển Vingroup hiện là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam với một hệ sinh thái gần như khép kín gồm tám mảng kinh doanh: bất động sản, du lịch - vui chơi giải trí, bán lẻ, công nghiệp, y tế, giáo dục, nông nghiệp và công nghệ.Ngoài các thương vụ mua lại các dự án bất động sản, năm 2018 Vingroup “đi tắt đón đầu” để gia nhập các ngành mới bằng cách sử dụng chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A). Tiêu biểu là thương vụ mua lại 100% cổ phần của General Motors Việt Nam với toàn bộ nhà máy, hệ thống phân phối và nhanh chóng cho ra đời hai dòng xe mang thương hiệu Vinfast chỉ trong vài tháng. Tương tự, Vingroup mua lại BQ, một thương hiệu điện thoại thông minh (smartphone) của Tây Ban Nha cùng hệ thống bán lẻ điện thoại Viễn Thông A để gia nhập cuộc đua sản xuất điện thoại thông minh với thương hiệu VSmart.
Cũng trong năm ngoái, Vingroup mở thêm trường đại học VinUni; gia nhập ngành dược phẩm dưới thương hiệu VinFa, hoạt động kinh doanh bao gồm nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Năm 2018, Vingroup mở rộng chuỗi siêu thị Vinmart thông qua việc mua lại hệ thống 23 siêu thị Fivimart. Năm 2019, Vingoup tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ thông qua việc mua lại 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go, qua đó tiếp tục củng cố vị thế chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam.Cũng trong năm 2018, Vinhomes, công ty con của tập đoàn Vingroup chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán và trở thành thương vụ IPO thành công nhất Việt Nam và châu Á với 1,4 tỉ USD từ giao dịch chuyển nhượng. Hiện Vingroup đang niêm yết ba công ty trên sàn chứng khoán với tổng giá trị vốn hoá thị trường là 28,1 tỉ USD, chiếm 16% quy mô thị trường chứng khoán tính tại thời điểm đầu tháng 2.2019.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam năm 2018, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vẫn tiếp tục là doanh nghiệp đứng đầu về sản lượng ô tô bán ra với 96.127 chiếc, chiếm 34,7% thị phần toàn thị trường. Thaco được thành lập vào năm 1997 tại thành phố Biên Hòa với hình thức kinh doanh chủ yếu là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về bán lại và cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa xe ô tô. Sau 22 năm hoạt động, Thaco là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp cả ba dòng xe: xe du lịch, xe tải và xe buýt với tỉ lệ nội địa hóa từ 20-60%. Thành công của Thaco không chỉ có ý nghĩa riêng đối với doanh nghiệp, mà còn là thành công của Chu Lai, địa phương nơi Thaco đặt khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô từ năm 2003. Giá trị sản xuất công nghiệp của Thaco tại Chu Lai đạt gần 42.000 tỉ đồng, tạo công việc cho gần 9.000 lao động và đóng góp 65-70% ngân sách tỉnh Quảng Nam với 15.521 tỉ đồng trong năm 2018.
Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt của Thaco trong việc định hướng phát triển trở thành tập đoàn đa ngành. Bên cạnh ngành chủ lực là cơ khí và ô tô, Thaco sẽ bước chân vào một số lĩnh vực mới như nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, logistics và thương mại dịch vụ. Sau khi mua lại 35% cổ phần của Công ty CP Nông Nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai năm ngoái, Thaco đã khởi công khu công nghiệp nông - lâm nghiệp cũng tại Chu Lai với vốn đầu tư 8.118 tỉ đồng vào tháng 3.2019. Năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ giảm từ 30% về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Định hướng đầu tư đa ngành của Thaco là một quyết định mang tính chiến lược thể hiện tầm nhìn của người cầm đầu.
Techcombank được thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ ban đầu 20 tỉ đồng với 16 cán bộ nhân viên làm việc tại một trụ sở kiêm phòng giao dịch tại Hà Nội. Năm 2018, Techcombank kỷ niệm 25 năm thành lập bằng một loạt các cột mốc rực rỡ. Mở màn với khoản đầu tư hơn 8.400 tỉ đồng của Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Warburg Pincus vào Techcombank sau khi HSBC thoái vốn đầu tư khỏi ngân hàng này. Tiếp theo, Techcombank hoàn thành việc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào tháng 6.2018 và đánh dấu thương vụ niêm yết có giá trị cao nhất tính đến thời điểm hiện tại với giá trị vốn hóa khi niêm yết đạt khoảng 6,6 tỉ USD. Cũng trong năm 2018, Techcombank tăng vốn điều lệ lên 34.966 tỉ đồng và trở thành ngân hàng có quy mô vốn điều lệ cao nhất khối cổ phần. Tổng kết năm 2018, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 10.661 tỉ đồng, tăng 32,7% so với năm 2017 và đưa Techcombank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên gia nhập “Câu lạc bộ 10 nghìn tỉ”. Techcombank cũng được Tạp chí Euromoney ghi nhận là “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2018”.
Một loạt các tin vui dồn dập là kết quả của nhiều năm liên tiếp Techcombank nỗ lực tiên phong trong lĩnh vực số hoá dịch vụ tài chính và sản phẩm ngân hàng khi tập trung đầu tư, phát triển, tự động hóa các dịch vụ ngân hàng điện tử. Ngoài ra, năm 2018 Techcombank cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn tất chuyển đổi hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS 9. Đây là một bước tiến lớn giúp Techcombank quản lý rủi ro tốt hơn, tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2019, Techcombank đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.750 tỉ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2018 và vẫn kiên trì với tầm nhìn trở thành ngân hàng số một Việt Nam.
Có tới 98% hộ gia đình sử dụng ít nhất một sản phẩm của Masan theo báo cáo của Kantar Worldpannel - một con số ấn tượng để nói lên sự thành công của Masan trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Khởi điểm từ một công ty kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng châu Á tại thị trường Đông Âu được thành lập năm 1996. Năm 2002, sản phẩm nước tương Chin-su chính thức có mặt tại các siêu thị nội địa và một loạt các thương hiệu tiếp theo như Nam Ngư, Tam Thái Tử,… đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của đa số các bà nội trợ.
Hiện nay, Masan đang thống lĩnh thị trường nước chấm với 67% thị phần nước tương, 66% thị phần nước mắm và 71% thị phần tương ớt tương ớt; và nắm giữ vị trí thứ hai trong ngành mì ăn liền. Cùng với chiến lược liên tục tung ra sản phẩm mới, vào tháng 2.2018 Masan đã khởi công tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam, đặt kỳ vọng động lực tăng trưởng cho năm tiếp theo vào chuỗi giá trị thịt theo với quy mô thị trường khoảng 10,2 tỉ USD mỗi năm. Cũng trong năm ngoái, Masan mua lại 49% cổ phần của Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo – H.C.Starck với giá trị 29,1 triệu USD. Thương vụ này đã đưa Masan trở thành nhà cung cấp sản phẩm vonfram ở quy mô toàn cầu. Masan hiện đang nắm giữ 36% thị phần vonfram toàn cầu (không tính Trung Quốc) và dự kiến nâng tỉ lệ thị phần lên 50% trong những năm sắp tới.
Tổng kết năm 2018, Masan đạt 38.188 tỉ đồng doanh thu và đóng góp 6.100 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Là một trong những công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam với 29 nhà máy hoạt động, Masan góp phần tạo việc làm và đóng góp phát triển tại 18 tỉnh thành.
Luật sư Trịnh Văn Quyết bước vào con đường kinh doanh năm 2001 khi cùng với hai cộng sự thành lập CTCP Việt Nam Trade Corp, hoạt động về tư vấn tài chính, tư vấn luật và thương mại.Năm 2010, tập đoàn FLC được hình thành với ba mảng hoạt động kinh doanh chính là đầu tư tài chính, bất động sản và khai khoáng. Đến nay, FLC là một thương hiệu lớn với các dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư lên đến gần 180.000 tỉ đồng. Ngoài ra, FLC mở rộng kinh doanh sang một số lĩnh vực mới như nước giải khát, vàng bạc đá quý, nông nghiệp, vận tải hàng không và bệnh viện. Trong đó, đáng chú ý nhất gần đây là việc góp mặt vào phi đội “những chú chim sắt” với chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào đầu năm nay của thương hiệu Bamboo Airways. Đầu tư vào ngành hàng không là chiến lược phát triển lâu dài nhằm khai thác triệt để tiềm năng du lịch, đặc biệt là các địa phương có dự án của FLC. Với “combo” vé máy bay - khách sạn, FLC tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt ở cả hai ngành du lịch và hàng không.
Không còn là tập đoàn với phần lớn lợi nhuận đến từ mảng phân phối và bán lẻ như năm 2017, FPT hiện chỉ tập trung phát triển ba mảng chính là công nghệ, viễn thông và giáo dục đào tạo sau khi giảm tỉ lệ sở hữu tại FPT Retail và FPT Trading xuống dưới 50%. Tổng kết năm 2018, doanh thu của FPT đạt 23.214 tỉ đồng, trong đó khối công nghệ đóng góp 57,7%.
Năm 2018, FPT mua lại 90% cổ phần của công ty tư vấn Mỹ Intellinet, với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ và đẩy mạnh mảng tư vấn ra thị trường quốc tế. Cũng trong năm ngoái, FPT ký kết hợp đồng lớn nhất trong lịch sử tập đoàn trị giá 115 triệu USD với tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu - innogy SE. Nắm bắt được nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp, FPT tập trung vào số hóa các quy trình, nghiệp vụ nội bộ công ty và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. FPT đưa ra kế hoạch chuyển đổi số cho tập đoàn và kỳ vọng năm 2019 sẽ là năm bản lề cho sự thay đổi mang tính chất đột phá của tập đoàn. Năm 2018 cũng đánh dấu bước tiến lớn của FPT khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI.
Đầu năm 2019, FPT chứng kiến công cuộc chuyển giao thế hệ đầu tiên sau 31 năm phát triển khi vị trí tổng giám đốc của ông Bùi Quang Ngọc được bàn giao cho ông Nguyễn Văn Khoa.
Năm 2019, FPT đặt kỳ vọng doanh thu khối công nghệ đạt 15.450 tỉ đồng và 1.933 tỉ đồng lợi nhuận. Khối công nghệ sẽ tiếp tục dẫn dắt với đóng góp hơn 43% vào lợi nhuận.
Năm 2018 chứng kiến thị trường chứng khoán rung lắc mạnh ở cả hai sàn. Chỉ số VN-Index sau khi thiết lập mức đỉnh kỷ lục 1.211 điểm vào hồi tháng 4 năm ngoái đã chốt phiên giao dịch cuối năm với 893 điểm, giảm 9,32% so với năm 2017. Đi ngược với đà sụt giảm của thị trường, công ty chứng khoán SSI vẫn tổng kết năm 2018 với điểm sáng tăng trưởng. Tổng doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của SSI ghi nhận lần lượt là 3.997 tỉ đồng và 1.623 tỉ đồng, tăng lần lượt 31% và 15,5% so với năm 2017.
Từ một công ty chứng khoán tư nhân duy nhất và nhỏ nhất thành lập năm 1999, SSI vươn lên trở thành công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam sau gần hai thập niên. Vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại của SSI ghi nhận là 5.100 tỉ đồng, tăng hơn 800 lần so với thời điểm mới thành lập.
Hiện tại, SSI là công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai trong khu vực ASEAN dựa trên các tiêu chí về vốn hóa, tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận. Năm 2018, SSI ghi nhận sự thành công ở tất cả các mảng: giữ vững vị trí số một về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lần thứ năm liên tiếp; mảng kinh doanh nguồn vốn của SSI cũng có một năm ấn tượng với tổng tài sản lần đầu tiên chạm mốc một tỉ USD; mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư cũng dẫn đầu thị trường với các giải thưởng Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam do Tạp chí Euromoney và The Asset bầu chọn; hoạt động Quản lý quỹ và Đầu tư cũng có một năm thuận buồm xuôi gió với tổng tài sản quản lý đạt 5.573 tỉ đồng và tổng giá trị danh mục đạt 3.514 tỉ đồng.
Sau khi cổ phần hóa vào năm 2003, Vinamilk được đánh giá là một điển hình thành công của cổ phần hoá và giữ vững được thương hiệu của người Việt với tổng tài sản đạt mức 37.366 tỉ đồng vào cuối năm 2018. Vinamilk hiện đứng đầu thị trường với gần 60% thị phần.
Năm 2018 là một năm khó khăn riêng của ngành sữa khi xu hướng sử dụng sữa có nguồn gốc thực vật thay thế sữa động vật và sữa bò tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sữa động vật chững lại đặc biệt ở các đô thị lớn.
Mặc dù đã kịp tung ra dòng sản phẩm sữa thực vật và chú trọng phát triển sang dòng sữa cao cấp và các chế phẩm từ sữa, sản xuất sữa A2 đầu tiên tại Việt Nam, nhưng Vinamilk cũng phải chứng kiến một năm kinh doanh không có nhiều đột phá khi tăng trưởng doanh thu chỉ ở mức 3% đạt 52.629 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 0,7% so với năm 2017. Năm 2018, Vinamilk cũng chủ động tìm kiếm thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á khi mua lại 51% cổ phần tại Công ty Lao-Jagro. Đây là công ty thứ hai của Vinamilk tại khu vực, nối tiếp nhà máy sữa ở Campuchia khánh thành năm 2016.
Năm 2019, Vinamilk kỳ vọng doanh thu tăng trưởng khoảng 6% và không dưới 56.000 tỉ đồng và tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu không thấp hơn 20%. Vinamilk gần đây liên tục thực hiện các thương vụ M&A, làm động lực tăng trưởng cho công ty sữa lớn nhất Việt Nam này, trong bối cảnh ngành sữa chứng kiến cạnh tranh khốc liệt. Sau các thương vụ mua cổ phần công ty đường Khánh Hòa và dừa Á Châu, Vinamilk đang thương thảo mua lại cổ phần công ty GTNFoods, chủ sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu. Vinamilk dự tính chi hơn 1.500 tỉ đồng để mua 46,68% GTNFoods nhằm gia tăng tỉ lệ sở hữu lên mức 49%.
Trở về nước kinh doanh sau một thời gian dài hoạt động tại Ukraine, năm 2007 ông Lê Viết Lam chọn Đà Nẵng và thành lập tập đoàn Sun Group để thử thách các tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Với những công trình đẳng cấp mang đậm dấu ấn của Sun Group quanh thành phố, Đà Nẵng ngoạn mục trở thành thành phố du lịch thu hút du khách nội địa lẫn quốc tế. Quần thể du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Sunworld Bà Nà Hills mang đậm phong cách châu Âu với hệ thống cáp treo Suối Mơ - Bà Nà là công trình tạo tiếng vang đầu tiên khởi công năm 2007. Tiếp nối là một loạt các khách sạn cao cấp nhằm phục vụ nhu cầu khách du lịch ngày càng gia tăng. Thành công với Đà Nẵng, Sun Group tiếp tục khai phá du lịch tại các địa điểm với địa hình hoang sơ nhưng phức tạp như tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan, hệ thống cáp treo vượt biển tại Hạ Long, dự án cáp treo vượt biển dài nhất thế giới ở Phú Quốc…
Khác với Vingroup chuyển đổi sang hoạt động đa ngành, sau 12 năm phát triển Sun Group vẫn kiên định phát triển bốn mảng chính bao gồm: du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản và đầu tư hạ tầng. Một vài năm gần đây, Sun Group phát triển mạnh mảng đầu tư hạ tầng, với các dự án về cầu cảng. Cuối năm 2018, Sun Group khánh thành và đưa vào khai thác Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn sau ba năm xây dựng với tổng chi phí đầu tư 7.500 tỉ đồng. Đây là dự án sân bay xây mới đầu tiên kể từ sau năm 1975 và cũng là dự án sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với dự án cảng tàu và đường cao tốc cũng tại Vân Đồn, Sun Group hứa hẹn tạo sự khác biệt cho Quảng Ninh như đã thành công với Đà Nẵng.
Năm 2018, Thủy sản Vĩnh Hoàn xác lập kỷ lục về lợi nhuận cao nhất trong lịch sử ngành thủy sản Việt Nam với 1.442 tỉ đồng, “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT công ty chính thức đẩy “vua tôm” Minh Phú xuống vị trí thứ hai về lợi nhuận. Doanh thu cả năm 2018 của Vĩnh Hoàn đạt 9.323 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước đó, nhưng lợi nhuận gấp 2,4 lần. Dù thiếu hụt trầm trọng về cá giống và cá nguyên liệu dẫn đến lượng hàng ít, Vĩnh Hoàn đã điều chỉnh tập trung vào phân khúc cao và trung cấp với mức giá bán tốt hơn.
Bà Trương Thị Lệ Khanh sáng lập doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hoàn tại tỉnh Đồng Tháp, chuyên về nuôi và chế biến các sản phẩm cá tra đông lạnh năm 1997. Sau 22 năm hoạt động, Vĩnh Hoàn hiện đang giữ vị trí đầu ngành cá trá Việt Nam với 15% thị phần, chủ yếu hướng tới xuất khẩu. Mỹ là thị trường lớn nhất của Vĩnh Hoàn với 68% sản lượng xuất khẩu, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với tỉ trọng 11%. Cá tra là một trong những loài thủy sản nuôi được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Với 22 năm trong nghề, Vĩnh Hoàn tự tin nhìn nhận các rào cản kỹ thuật chính là một trong những điểm mạnh khác biệt và lợi thế cạnh tranh của công ty. Năm 2019, thị trường xuất khẩu vào Mỹ vẫn rộng cửa khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được đánh giá là một cơ hội cho cá tra Việt Nam. Vĩnh Hoàn cũng đã có kế hoạch gia tăng nguyên liệu để chuẩn bị cho một năm 2019 bùng nổ.
Bài viết: Nhà Quản Lý
Ảnh: Quân Shotgun
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - Sếu đầu đàn