Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2008, đại đa số các chính phủ đều phải theo đuổi chính sách tài khoá chủ động, mở rộng nhằm chống đỡ các tác động tiêu cực. Việc tăng chi ngân sách một phần nhằm cứu trợ những mất mát nặng nề trong hệ thống tài chính, tránh sụp đổ liên hoàn, một phần nhằm kích thích, hỗ trợ lấy lại tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn thị trường khủng hoảng niềm tin. Kết quả là thâm hụt ngân sách và nợ công đã tăng lên ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, những nước nhỏ, đang phát triển, hứng chịu nhiều tổn thương hơn trong nền kinh tế toàn cầu, cảm thấy khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, hai nhà kinh tế học người Thụy Điển, Dag Detter và Stefan Folster, đã công bố một công trình táo bạo và đề xuất những cải cách mạnh mẽ trong khu vực kinh tế nhà nước của các quốc gia, thông qua cuốn sách “Quản lý hiệu quả tài sản công”.
Lập luận chính của hai tác giả là chính quyền nào, từ những nước có nền kinh tế phát triển nhất cho tới những nước mới từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hoá, cũng đều đang nắm giữ những tài sản khổng lồ dưới dạng tài sản công hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Ước tính cho thấy, tổng giá trị tài sản này có thể lên tới hàng trăm nghìn tỉ USD, một quy mô khổng lồ nhưng hiếm khi được nhìn nhận đầy đủ.
Vì lý do đó, nếu các chính phủ biết quản lý hiệu quả hơn các tài sản này, dù chỉ tăng hiệu suất lên một chút thôi, cũng có thể gia tăng sự thịnh vượng đáng kể cho người dân. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khối tài sản khổng lồ nhưng tiềm ẩn này, hai tác giả dùng lối chơi chữ, khi đặt tên cho cuốn sách của mình là The Public Wealth of Nations (tên tiếng Việt: Quản lý tài sản công) khiến độc giả liên tưởng tới sự bổ sung cho tác phẩm quan trọng bậc nhất trong kinh tế học là The Wealth of the Nations (Của cải của các dân tộc) của Adam Smith năm 1776.
Dag Detter là chuyên gia tư vấn đầu tư, từng làm Chủ tịch của Stattum, công ty chủ quản thuộc Chính phủ Thụy Điển. Ông có kinh nghiệm dày dặn tại các nước châu Á như Trung Quốc, Singapore và Malaysia. Nhờ thế, ông có nhiều điều kiện để đối chiếu, so sánh cách điều hành khu vực kinh tế nhà nước Bắc Âu và các nền kinh tế thành công ở Đông Nam Á. Tiến sĩ Stefan Folster là Giám đốc điều hành Viện cải cách tại Stockholm, đồng thời là Phó giáo sư Kinh tế tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển. Ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cải cách doanh nghiệp tại nước này.
Quan điểm chính của cuốn sách có thể được tóm tắt như sau:
Thứ nhất, chính phủ các nước, dù trong những nền kinh tế thị trường phát triển nhất và có khu vực tư nhân chi phối mạnh mẽ nhất như Mỹ thì vẫn phải nắm giữ những tài sản thương mại khổng lồ. Do đó, tiến trình tư nhân hoá hay cổ phần hoá tự nó sẽ không giải quyết hết được vấn đề hiệu quả của sử dụng tài sản, cần có biện pháp thích hợp để quản lý hiệu quả các tài sản công mang tính thương mại, có thể sinh lời.
Thứ hai, ngay cả trong quá trình tư nhân hoá hay cổ phần hoá, thì việc quản lý tốt hơn các tài sản thương mại công cũng giúp tăng giá trị của các tài sản ấy khi đến lượt nó được tư nhân hoá hay cổ phần hoá. Điều này giúp hỗ trợ đắc lực cho việc tăng nguồn thu chính phủ, giúp giảm gánh nặng về nợ cho chính phủ.
Xem xét lịch sử trong vòng 100 năm gần đây, các tác giả cố gắng đúc kết một mô hình quản lý tài sản công một cách hiệu quả. Đề xuất được đưa ra là tách toàn bộ các tài sản công này khỏi các bộ chủ quản, đưa vào một quỹ tập trung (quỹ của cải quốc gia - NWF). Quỹ này vận hành như một công ty chủ quản (holding company) hoạt động theo luật doanh nghiệp, tự chịu trách nhiệm và chịu sự cạnh tranh của thị trường.
Các tác giả tin rằng tách việc quản lý các tài sản sinh lời khỏi hệ thống hành chính giúp tăng tính chuyên nghiệp trong quản trị công ty, cải thiện hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các bộ chủ quản hay các chính trị gia. Thêm vào đó, các tác giả nhấn mạnh rằng việc tập trung nguồn lực như vậy cho phép hiệu ứng lợi thế nhờ quy mô xuất hiện, và quỹ của cải quốc gia cùng các công ty thành viên/liên kết trong hệ thống có thể trả những mức lương cao cho đội ngũ quản lý, qua đó có thể cạnh tranh với khu vực tư nhân trong việc thu hút nhân tài và tạo động lực làm việc, nhờ đó duy trì chất lượng quản trị một cách bền vững.
Với những thể chế có tính phân cấp phức tạp hơn, các tác giả khuyến nghị có thể hình thành các quỹ tài sản khu vực ở cấp độ vùng (bang/tỉnh), hoặc các quỹ tài sản đô thị đối với chính quyền các thành phố. Đây có thể là một gợi ý cho việc thực hiện thử nghiệm ở một trong những đô thị lớn của Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng. Mục đích của các quỹ này là tập trung tất cả các tài sản sinh lời thuộc chính quyền, bao gồm cả các bất động sản mang tính thương mại, nhằm điều hành minh bạch, hiệu quả hơn nữa các kinh nghiệm phong phú, ý tưởng thú vị và công cụ hữu ích cho đọc giả. Mặc dù thực trạng kinh tế - xã hội của Việt Nam còn đòi hỏi phải xây dựng thêm nhiều điều kiện đồng bộ để tiến tới thống kê và quản lý minh bạch, hiệu quả hệ thống tài sản công, nhưng chúng ta tin rằng việc học hỏi, tìm kiếm những mô hình mới sẽ giúp thay đổi tư duy, kiến tạo nhiều giải pháp có thể áp dụng vào thực tiễn.
Cuốn sách này được nhóm dịch thuật của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, trong khuôn khổ Chương trình “Mỗi năm một cuốn sách” (One Book One Year - OBOY). Chương trình này chọn lọc những tác phẩm có giá trị học thuật cao, có giá trị tham khảo hữu dụng trong bối cảnh Việt Nam và có khả năng vận dụng vào quá trình hoạch định chính sách.
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả Tạp chí Nhà Quản Lý tác phẩm này!
Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC THÀNH
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)