Ngày 23 tháng 11 năm 2019, cuộc thi “Ý tưởng Quy hoạch phát triển Khu đô thị Sáng tạo Tương tác cao phía Đông TPHCM” đã tìm được chủ nhân giải nhất là nhóm tác giả đến từ Sasaki (trụ sở chính tại Mỹ) và enCity (trụ sở chính tại Singapore).
Với những tâm huyết lâu năm với thành phố và ba tháng của cuộc thi để thể hiện, đội Sasaki - enCity đã mang đến đề xuất quy hoạch dựa với ý tưởng xây dựng Khu đô thị phía Đông TPHCM mang tính chất: kết nối để tạo cơ hội mới (be connected), hệ sinh thái sáng tạo ở mọi nơi (be ubiquitous), toàn cầu hoá đậm chất địa phương (be glocal) và thích ứng để bền vững (be resilient). Dựa trên các phân tích kỹ lưỡng về điều kiện hiện trạng và tính khả thi, nhóm tư vấn đưa ra sáu trọng điểm sáng tạo để ưu tiên triển khai: Trung tâm công nghệ tài chính Thủ Thiêm, Trung tâm công nghệ giáo dục - ĐH Quốc gia, Trung tâm sản xuất tự động - Khu công nghệ cao TPHCM, Trung tâm thể thao và chăm sóc sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa, Đô thị tương lai - Dự án tái thiết cảng Trường Thọ.
Sasaki - enCity gợi ý TPHCM có thể tiếp cận theo hướng tạo một "phòng thí nghiệm đô thị" (urban living lab), nơi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Tại đây, công nghệ và nguyên mẫu mới có thể được triển khai trước công chúng và thử nghiệm sớm trong quá trình phát triển. Thành phố mới ở phía Đông bao trùm ba quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) sẽ phát triển dựa trên mô hình hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp, nhà nước và xã hội.
Tạp chí Nhà Quản Lý có cuộc trao đổi với bà Vương Phan Liên Trang, Phó giám đốc enCity văn phòng Việt Nam bên lề lễ trao giải diễn ra cuối tuần qua.
Khu đô thị phía Đông TPHCM có điểm nào khác biệt so với các khu đô thị thông minh khác trên thế giới, thưa bà?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Mỗi chính quyền, mỗi thành phố khi nghiên cứu, triển khai đã tìm ra đặc trưng của khu vực rồi nỗ lực quy hoạch, quản lý và phát triển trên cơ sở phát huy những đặc trưng đó một cách hiệu quả nhất.
Khu phía Đông TPHCM có điểm nổi bật đầu tiên là diện tích rất lớn. Nhiều khu đô thị thông minh, đô thị sáng tạo nổi tiếng trên thế giới chỉ dưới vài trăm hecta như Brainport (Hà Lan), One North (Singapore), 22@ Barcelona (Tây Ban Nha), Kendall Square (Cambridge, Mỹ), nhưng Khu đô thị sáng tạo ở TPHCM đã được lựa chọn có diện tích lên đến 22.000 héc-ta. Đây là tiềm năng lớn để phát triển và cũng là thách thức lớn cho các nhà quy hoạch và chính sách khi phải xác định bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào.
Đặc trưng tiếp theo của TPHCM chính là sự sáng tạo vốn đã có trong lịch sử của thành phố và hệ sinh thái sáng tạo là ở mọi nơi. Ngay những quy hoạch đầu tiên cho Sài Gòn không phải do người Pháp mà do chính người Sài Gòn, ông Trần Văn Học, thiết kế từ thế kỷ 18. Có ý kiến chia sẻ đã đưa ra ví dụ về khu đô thị thông minh trên thế giới giới hạn mức thu nhập của người dân tối thiểu bao nhiêu để có thể vào sống ở trong đó. TPHCM không xây dựng trên những nguyên tắc như vậy. Chúng tôi cho rằng ai cũng có quyền được sống ở một khu đô thị mới sáng tạo và nhân văn. Sự sáng tạo không giới hạn chỉ trong những nơi mà người ta thường nghĩ đến như trường đại học, khu công nghệ đã tồn tại, mà sự sáng tạo có thể đến từ những căn nhà phố, những vỉa hè, từ mọi nơi trong thành phố.
Vì vậy khi chọn các trọng điểm sáng tạo và đề xuất việc triển khai xây dựng thí điểm, chúng tôi cũng không giới hạn chỉ trong những khu vực đã được định danh hay được nhà nước giao phó chức năng quản lý, chức năng sử dụng đất là giáo dục, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Việc ai có thể sống được trong đô thị mới sẽ do thị trường quyết định, việc giới hạn mức thu nhập cũng vậy, thưa bà?
Nói chính xác hơn là nhiều yếu tố quyết định, chứ không chỉ thị trường. Đó là lý do chúng ta xây dựng chính sách, cơ chế và quy hoạch.
Trên quan điểm của bà, khu đô thị phía Đông TPHCM có thuận lợi gì trong việc phát triển mô hình đô thị thông minh?
Ngoài lợi thế về lịch sử sáng tạo vốn có của thành phố nói chung, khu phía Đông có những tiềm năng về mặt hạ tầng. Tuy giao thông đường bộ bị phân mảnh nhưng khu vực này có giao thông công cộng là dự án đang được ưu tiên đầu tư như tuyến số Metro số 1 và tuyến M2. Giao thông công cộng là huyết mạch cho một thành phố đáng sống, đem lại sự hiệu quả và năng động của thành phố.
Bản đồ quy hoạch Khu đô thị phía Đông TP.HCM (Nguồn ảnh: Sở Kiến trúc và Quy hoạch TP.HCM)
Khu phía Đông có hệ sinh thái tự nhiên phong phú cũng là điểm thuận lợi đáng chú ý, có thể tận dụng khai thác cảnh quan không gian mặt nước trong đời sống đô thị, phát triển du lịch và bảo vệ hệ sinh thái. Thay vì cho rằng việc ngập lụt là khó khăn và bế tắc, chúng ta cũng có thể coi đây là một phòng thí nghiệm sống (urban living lab) để ứng dụng xây dựng thông minh và thử nghiệm các giải pháp thích ứng để phát triển bền vững, hình thành nên một Trung tâm công nghệ sinh thái (ecotech hub). Việc thử nghiệm ở đây không có nghĩa là mang kinh tế - xã hội và đời sống hàng ngày của người dân ra thử nghiệm tùy tiện; mà là nghiên cứu, tạo ra những điều kiện phù hợp, thuận lợi và khoa học nhất để thành phố tự thân phát triển và tiến hóa trên những nền tảng kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên của chính nó.
Một thế mạnh nữa là việc ở đây đã có sẵn các cụm đổi mới sáng tạo như Khu tài chính Thủ Thiêm, Trường Đại học Quốc gia, Khu công nghệ cao… Khu Thảo Điền (quận 2) tuy trước đây chưa được quy hoạch là khu đổi mới sáng tạo nhưng đã rất hấp dẫn và nổi tiếng trong giới khởi nghiệp khi có rất nhiều công ty tin học, kiến trúc, nghệ thuật... tụ hội.
Không chỉ những lợi thế trước mắt, chúng tôi cho rằng có rất nhiều tiềm năng và chân giá trị còn tiềm ẩn ở mảnh đất này – mà trong tương lai có thể trở thành một phần của hệ sinh thái sáng tạo. Và tất nhiên, khu vực này cũng có những điểm yếu cần khắc phục, nhiều thách thức phải vượt qua. Sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của thành phố HCM hiện nay đối với khu vực sẽ là một yếu tố quan trọng, cũng như sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp để kiến tạo nên một đô thị sáng tạo của tương lai.
Lợi thế quan trọng nhất cho việc hiện thực hóa Khu đô thị sáng tạo chính là tầm nhìn chiến lược mới đây của thành phố khi đề xuất sẽ thí điểm mô hình chính quyền đô thị, quận 2, 9, Thủ Đức được tổ chức lại theo hướng thành lập "thành phố thuộc TP HCM", vì vậy sẽ có cơ chế đặc thù và cơ quan chịu trách nhiệm rõ ràng cho việc triển khai.
Theo bà điểm khác biệt nhất trong ý tưởng thành phố thông minh của bài thi vừa đạt giải nhất của đơn vị là gì?
Tôi thấy đề xuất chiến lược nhất và cũng đã được Ban giám khảo đánh giá cao là bổ sung các trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, Đông - Tây tăng tính kết nối, trong đó có tuyến đường quan trọng từ Phạm Văn Đồng, qua Thanh Đa, Trường Thọ, Rạch Chiếc, nối sang phía Đông đi Đồng Nai, cũng như phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng (transit-oriented development), sử dụng giải pháp giao thông công cộng dựa trên nhu cầu (on-demand transit) thông qua giải pháp công nghệ.
Bên cạnh đó, trước khi đi vào các thiết kế, các khu vực chi tiết, nhóm đã đề xuất khung phát triển chung cho toàn khu vực để đảm bảo tính liên kết vùng và tầm nhìn lâu dài. Cũng không chỉ dừng lại ở các giải pháp quy hoạch và thiết kế, nhóm tư vấn còn đưa ra các chính sách, chiến lược thực hiện với bộ công cụ cụ thể, trong đó có công cụ để tối ưu sự tham gia của người dân cũng dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến và dễ sử dụng.
Theo đề án của Sasaki và enCity, thành phố HCM sẽ phải chi khoảng bao nhiêu tiền để biến ý tưởng thành hiện thực?
Trong phạm vi của cuộc thi ý tưởng quy hoạch, các phương án chưa có những con số tính toán cụ thể như vậy. Tôi có một số suy nghĩ ban đầu như sau:
- Thứ nhất, chi phí lớn nhất sẽ dành cho hạ tầng. Ở đây không chỉ là hạ tầng cho một đô thị sáng tạo mà chính là hạ tầng cơ bản cần thiết để vận hành được một đô thị hiệu quả nói chung.
- Thứ hai, Nhà nước sẽ cần đầu tư lớn cho một quỹ dành cho các hoạt động nghiên cứu. Doanh nghiệp cũng có thể đóng góp vào quỹ này nhưng nhà nước vẫn phải đóng vai trò then chốt.
- Thứ ba, cần hiểu là đây là đại dự án gồm nhiều dự án thành phần, nhiều hạng mục, nhiều phạm vi... nên cần có cách tiếp cận từng bước.
Chúng tôi hy vọng được tiếp tục làm việc với thành phố một cách lâu dài để có thể cụ thể hoá thêm các nghiên cứu và triển khai thực hiện.
Những khó khăn nào có thể gặp phải khi triển khai xây dựng khu HIID theo đề án của Sasaki và enCity? Phương án giải quyết của công ty là gì?
Đối với nhà tư vấn, theo kinh nghiệm làm việc của chúng tôi, một trong các khó khăn trong công tác quy hoạch ở Việt Nam là giải quyết các vấn đề pháp lý, nhất là khi đưa ra một mô hình mới, cách vận hành mới, lại nằm trên nhiều địa giới hành chính. Cần có cơ chế và bộ máy quản lý cho riêng Khu đô thị phía Đông để chịu trách nhiệm chung cho sự thành công của việc thành hình Khu đô thị sáng tạo nơi đây. Bộ máy đó sẽ song hành cùng các đơn vị tư vấn ngay từ những bước đầu. Chúng tôi hi vọng sẽ sớm có các thực hiện thí điểm với nhiều linh hoạt dựa trên cơ sở trao đổi các cơ quan hữu quan.
Xin cảm ơn bà.
Minh Thư (thực hiện)