Làn nước biển lạnh đưa tôi khỏi trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Thức dậy sớm trước khi mặt trời mọc không phải thói quen của tôi, đặc biệt là khi phải trèo xuống một vách đá với chiếc máy ảnh chụp dưới nước quý giá. Tôi bắt đầu bơi ra khơi từ bờ vịnh nhỏ có tên Ao Thian Og ở Koh Tao, một điểm lặn nổi tiếng ở Vịnh Thái Lan. Rạn san hô Staghorn đã chết sau hiện tượng tẩy trắng san hô trên diện rộng vào năm 1998 bao phủ dưới đáy của toàn bộ vịnh, giống như cánh đồng xương cốt đang phân hủy. Không có nhiều cá quanh rạn san hô xuống cấp của Ao Thian Og. Dưới ánh sáng mờ lấp lánh chiếu qua mặt nước, tôi lặng lẽ chờ đợi trong khoảng không màu xanh lam, quan sát xung quanh trước khi một nhóm gồm nhiều cái bóng lớn từ từ tiến đến. Trong vòng vài phút, bốn con cá mập vây đen trưởng thành (Carcharhinus melanopterus) hiện ra trước mắt tôi dưới ánh sáng bình minh.
Cá mập vây đen trưởng thành có thể đạt chiều dài 1,8 mét và có lẽ là loài cá mập thường gặp nhất ở vùng biển Thái Lan do môi trường sống gần bờ của chúng. Nhóm cá mập tiến lại gần hơn, nhưng vẫn giữ khoảng cách với tôi, một kẻ xa lạ trong vương quốc của chúng. Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị đe dọa bởi sự xuất hiện của chúng, trái lại, có vẻ như chúng cảnh giác khi thấy tôi ở trong khu vực kiếm ăn của mình. Khoảng cách quá xa để tôi chụp được một tấm hình đẹp với ống kính mắt cá. Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài vài phút trước khi bầy cá mập bơi dọc theo rạn san hô rồi biến mất vào đại dương. Tôi bám theo chúng quanh vịnh suốt buổi sáng, nhưng không thể có được một tấm hình hài lòng ở cự ly gần. Và tôi mất cả tuần như vậy. Chụp hình cá mập trong môi trường sống tự nhiên ở Thái Lan không hề dễ, vì phần lớn chúng đã biến mất khỏi vùng biển và cảnh giác với con người với lý do chính đáng.
Từ những năm 1970, cá mập bị gán cho hình ảnh của loài ăn thịt người tham lam, gieo rắc nỗi sợ hãi về những kẻ săn mồi nơi đáy biển trên toàn thế giới cho đến ngày nay. Trong thực tế, tai nạn giữa con người và cá mập không xảy ra thường xuyên, với trung bình 82 trường hợp mỗi năm trong năm năm qua. Các trường hợp tử vong thậm chí còn hiếm hơn với ít hơn 10 trường hợp mỗi năm tính trên toàn thế giới, theo International Shark Attack Files (ISAF). Chỉ có ba loài cá mập cỡ lớn góp phần vào hầu hết các tai nạn nghiêm trọng: cá mập Bull (Carcharhinus leucas), cá mập Tiger (Galeocerdo cuvier) và cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias). Cá mập Bull và cá mập Tiger có sống ở vùng biển Thái Lan nhưng cực kỳ hiếm gặp. Trong suốt một thập kỷ lặn khắp vùng biển Thái Lan, số lần tôi bắt gặp những con cá mập lớn này chỉ đếm trên một bàn tay. Trên thực tế, không có báo cáo về bất kỳ trường hợp nào nhìn thấy cá mập Tiger hoặc cá mập Bull xung quanh các điểm lặn ở Thái Lan trong năm năm qua.
Du khách chụp ảnh với hình một con cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias) tại Bảo tàng Trick Eye, Phuket, Thái Lan. Mặc dù nhận thức về vấn đề cá mập đã tăng lên trong xã hội, quan điểm cũ vẫn còn.
“Tôi chưa từng nhìn thấy nhiều cá mập đến vậy trong đời!”, Mette Schiønning, đồng sự của tôi từ Đan Mạch, thốt lên với đôi mắt rưng rưng khi bước vào điểm đánh bắt cá lớn ở tỉnh Ranong. “Thế này thực ra chưa là gì. Tôi đã thấy có lẽ nhiều gấp đôi hồi năm ngoái”, tôi nói với cô ấy khi nhớ lại ngày đầu tiên thực hiện khảo sát thị trường tại khu vực này trong năm 2012. Tôi đã ghi lại hình ảnh nhiều loài cá mập trước đây tôi chưa từng thấy ở biển Thái Lan: cá mập hóa thạch, cá mập đầu búa, cá mập nhám đuôi dài, và nhiều loài khác. Trong suốt nhiều năm, số lượng và sự đa dạng của số cá mập bị đánh bắt dường như liên tục giảm, khiến tôi tự hỏi: điều gì đã xảy ra ở các vùng biển trong hai năm qua?
Theo một nghiên cứu của Worm và cộng sự năm 2013, trong suốt hai thập kỷ qua, ước tính 100 triệu con cá mập thiệt mạng hằng năm do đánh bắt. Số lượng của nhiều loài giảm nghiêm trọng trên khắp các đại dương trên thế giới, chủ yếu do cả đánh bắt có chủ đích và ngẫu nhiên, trong đó một số loài phải đối mặt với sụt giảm trên 90% số lượng. Trong một số trường hợp cực đoan, tình trạng tuyệt chủng cục bộ của các loài dễ tổn thương cũng đã được ghi nhận, chẳng hạn như loài cá mập thiên thần Common (Squatina squatina) đang bị đe dọa nghiêm trọng đã bị tuyệt chủng ở một số vùng biển châu Âu. Do những nguy cơ mà loài cá mập đang phải đối mặt hiện nay trong các đại dương trên thế giới, không ngạc nhiên khi chúng được đánh giá là một trong những nhóm có xương sống bị đe dọa nhất với nguy cơ tuyệt chủng cao đáng kể (Dulvy và cộng sự năm 2014).
“Hầu như không còn cá mập ở vùng biển Thái Lan. Hầu hết các mẻ lưới anh thấy gần đây được đánh bắt bởi những người đánh cá từ vùng biển Myanmar hoặc Ấn Độ,” một người buôn cá trung niên trả lời câu hỏi của tôi về tình trạng đánh bắt. “Số lượng đã giảm từ lâu, và chắc chắn chúng sẽ biến mất trong tương lai, vì chúng không thể sinh sản kịp với tỉ lệ đánh bắt này”. Ông tiếp tục chia sẻ những hiểu biết từ nhiều thập niên kinh nghiệm của mình tại bãi đánh bắt cá này. Tại bờ biển Thái Lan, số lượng cá mập sụt giảm được ghi nhận từ những năm 1960 với sự ra đời của đánh bắt thương mại, trong đó cá mập và cá đuối nằm trong những nhóm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất (Pauly & Chuenpagdee, 2003). Trong thập niên vừa qua, tình hình có vẻ đặc biệt ảm đạm với sự sụt giảm đáng báo động của khoảng 90% sản lượng đánh bắt được báo cáo trong các số liệu thống kê của Cục Thủy sản Thái Lan.
“Có phải những con cá mập con đó đều bị tàu đánh cá bắt không?” tôi đã hỏi trong khi chỉ về phía đám cá mập đầu búa Scalloped (Sphyrna lewini) nằm chết trên sàn bê tông đầy ruồi bâu. “Đúng, gần đây không có nhiều cá mập lớn. Hầu hết là cá nhỏ như anh đang thấy,” ông trả lời. Những con cá mập đầu búa đó có chiều dài trung bình 40cm và, theo ước tính trực quan của tôi, tất cả đều có những vết sẹo rốn rõ ràng cho thấy chúng là cá mới sinh. Không chỉ cá trưởng thành bị đánh bắt, cá mập đầu búa Scalloped mới sinh cũng đang bị đe dọa. Loài này bị suy giảm số lượng lớn nhất từ các đại dương, và cũng được nhóm chuyên gia cá mập IUCN đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng.
Cá mập nói chung phát triển chậm và sống lâu, phải mất nhiều năm để đạt đến độ chín giao phối và sinh sản ít hơn so với hầu hết các loài cá khác. Ngoài ra, nhiều loài có thời gian mang thai dài, vì vậy việc đánh bắt cá trưởng thành có thể ảnh hưởng lớn đến việc sinh sôi của quần thể. Những đặc tính này làm cho việc quản lý hoạt động đánh bắt cá mập rất khó khăn, đặc biệt là đối với các quốc gia có chiến lược quản lý nghề cá được thiết kế cho các sinh vật biển phát triển nhanh.
Trong căn phòng trắng sạch sẽ được chiếu sáng rực rỡ bởi đèn huỳnh quang, xô và lọ chứa cá được bảo quản đặt ở khắp mọi nơi. Tiến sĩ Will White mở những chiếc xô chứa đầy cá mập có hình dạng và kích cỡ khác nhau, mùi cồn nồng nặc xộc lên mũi tôi. Nhìn quanh căn phòng, tôi sững sờ trước số lượng mẫu vật khổng lồ được thu thập tại cơ quan này, Trung tâm cá quốc gia Úc nằm ở Hobart, Tasmania, nơi lưu giữ hơn 100.000 mẫu cá của hơn 3.000 loài. Tiến sĩ White là nhà ngư học tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối Thịnh vượng chung và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phân loại bộ cá nhám, môn khoa học xác định, đặt tên và phân loại cá mập, cá đuối và cá chimaera. Ông đã tham gia mô tả hơn 60 loài cá mập và cá đuối mới. “Đây là nền tảng của khoa học đời sống, tuy nhiên vẫn còn nhiều mảnh ghép còn thiếu”, ông nói.
Hiện tại, có hơn 500 loài cá mập được mô tả một cách khoa học, với những loài mới được phát hiện mỗi năm. Trong thập niên qua, Tiến sĩ White đã phát hiện ra nhiều loài cá mập mới từ Đông Nam Á. “Điều quan trọng trước tiên là phải phân biệt các loài khác nhau để cho phép chúng ta tìm hiểu về các khía cạnh sinh học và cấu trúc dân số của chúng, điều này giúp cải thiện các chiến lược quản lý và hành động bảo tồn”.
Trong thực tế, hầu hết các loài cá mập được đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hầu như không nhận được bất kỳ sự chú ý nào hoặc thậm chí được công chúng biết đến, chẳng hạn như cá mập Pondicherry (Carcharhinus hemiodon) hoặc cá mập sông (Glyphis), được nhóm chuyên gia cá mập IUCN đánh giá là bị đe doạ nghiêm trọng. Càng nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận, những nỗ lực để bảo tồn các quần thể còn lại của chúng càng hiệu quả.
Với mức giá cao đôi khi lên đến 700 USD mỗi kg đối với vây khô (theo báo cáo từ WildAid), cá mập là mục tiêu đánh bắt rộng rãi trên khắp các đại dương trên thế giới. Trên thực tế, buôn bán vây được khẳng định là tác nhân chính gây diệt vong cho cá mập, với ước tính 73 triệu con cá mập bị giết mỗi năm để lấy vây, theo một nghiên cứu của Worm và cộng sự năm 2013. Hành vi lấy vây cá mập đã bị dư luận bỏ qua cho đến vài thập kỷ qua. Gần đây, các video về việc ngư dân cắt vây cá mập sống trước khi ném xác chúng xuống nước đã nâng cao nhận thức của công chúng và khiến một số người phải suy nghĩ lại về tục lệ này.
Tihn Intapichet, chú rể trẻ 26 tuổi trong một gia đình người Thái gốc Hoa, nói với tôi, “Tôi nghĩ hành vi này nên chấm dứt. Tôi cho rằng lấy vây là tàn ác, và hầu như không có bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào. Đó chỉ là niềm tin lỗi thời”. Anh đã chọn bỏ súp vi cá mập khỏi thực đơn đám cưới của mình. “Ban đầu, tôi không nghĩ gì nhiều về nó hơn là một món súp. Nhưng sau khi nhận thức được những gì đang xảy ra với cá mập, tôi quyết định không bao giờ ăn nó nữa. Và khi tôi giải thích điều này với gia đình, không có ai phản đối”.
Trong thập niên vừa qua, phong trào chống tiêu thụ vây cá mập đã phát triển khá mạnh trên toàn thế giới, kể cả ở Trung Quốc. Ngày càng có nhiều chiến dịch chống lại món ăn này, đáng chú ý là tiếng nói của ngôi sao bóng rổ Trung Quốc Yao Ming, đại diện cho WildAid. Một số hãng hàng không lớn đã ngừng vận chuyển vây cá ra nước ngoài, các chuỗi khách sạn lớn đã đưa món ăn này ra khỏi thực đơn và thậm chí chính phủ Trung Quốc đã cấm phục vụ vây cá mập trong các bữa tiệc trọng thể của họ.
“Trước đây, anh có thể thấy vây cá mập được phơi khô trên đường phố, nhưng lâu rồi tôi không còn thấy cảnh đó”, Apple Chui, một người bạn của tôi hiện đang làm giảng viên tại Đại học Hong Kong, trả lời sau khi tôi hỏi về tình hình nơi cô sinh ra. “Tôi nghĩ đó là vì các thế hệ sau này quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề môi trường, vì vậy tôi nghĩ anh không cần mất thời gian bay đến đây để chụp hình về vấn đề này”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thái Lan đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu vây cá mập hàng đầu (bao gồm cả tái xuất), chiếm vị trí hàng đầu trong giai đoạn 2007 đến 2011, theo báo cáo của FAO (Dent & Clark, 2017), mặc dù không hề có ngành thủy sản thương mại đối với cá mập. Thay vào đó, hầu hết cá mập bị đánh bắt trong ngành thủy sản Thái Lan đều do vô tình lọt lưới.
Bao vây bởi hàng đống mẻ lưới tại điểm đánh bắt Ranong trong thời điểm đấu giá bận rộn, tôi nhìn chằm chằm vào một con cá mập Bull đang mang thai dài ba mét nằm trên sàn bê tông với máu chảy ra từ miệng. “Những người bảo thủ sẽ không hiểu quan điểm của tôi; có lẽ họ chưa bao giờ bước chân đến nơi này”, một người buôn vây cá mập trung niên bày tỏ sự thất vọng của mình trong khi các công nhân của ông ta kéo những con cá mập lên chiếc xe bán tải cũ. Trước đây, ông là một thợ cơ khí, nhưng vì lý do nào đó chuyển sang công việc kinh doanh này trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. “Chúng tôi sử dụng toàn bộ cơ thể của những con cá mập ở đây! Chúng tôi không cắt vây và ném xác xuống biển. Mọi chuyện không giống như cách nó được thể hiện trong các video”, ông nói thêm.
Ở Thái Lan, cá mập được chế biến và bán trên thị trường như nhiều sản phẩm phổ biến khác, chẳng hạn như cá muối và chả cá. Gan chúng được chiết xuất làm dầu và hydrocarbon để dùng trong các ngành công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm. Hàm được làm sạch thịt và sấy khô, sau đó bày bán trong các cửa hàng lưu niệm xung quanh các điểm du lịch bên bờ biển. Sụn đôi khi được chế biến thành các sản phẩm chức năng vì quan niệm sai lầm rằng cá mập không bị ung thư, một ý tưởng đã được chứng minh là sai lầm. Các cơ quan nội tạng còn lại được bán với giá rẻ để chế biến thành bột cá, nguồn protein chính cho ngành nuôi trồng thủy sản và gia cầm. Đối với cá mập con, cột đốt sống của chúng được sấy khô và bán làm đồ ăn nhẹ cho thú cưng. “Anh có thấy chúng ta có thể tận dụng cơ thể của một con cá mập như thế nào không? Đó là cách chúng tôi tận dụng tối đa nguồn lực của mình. Đó không phải là một tội ác”, người đàn ông buôn vây cá mập tiếp tục.
“Còn rất ít thông tin khoa học về cá mập ở vùng biển Thái Lan, vì chúng không phải là loài có tính thương mại quan trọng”, theo Tiến sĩ James True, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu về Đa dạng Sinh học Thái Lan và giám sát viên nghiên cứu của tôi tại Đại học Prince of Songkla. Trong 20 năm qua, các ngành công nghiệp đánh bắt cá khổng lồ ở vùng biển Thái Lan dường như đã vượt quá xa tỉ lệ sinh sôi, thể hiện qua sự suy giảm lớn số lượng cá mập trong ngành thủy sản Thái Lan. “Không có nhiều loài cá mập có thể chịu được các hoạt động đánh bắt cá quy mô lớn. Vì hầu hết cá mập đánh bắt trong ngành thủy sản Thái Lan hiện nay được lấy từ vùng biển của các quốc gia láng giềng, nên số lượng của chúng dường như đã giảm nghiêm trọng ở vùng biển Thái Lan như các ngư dân nói với anh”. Dự báo cho thấy nếu tốc độ khai thác không thay đổi, có khả năng nhiều quần thể cá mập sẽ tiếp tục giảm và cuối cùng có thể tuyệt chủng.
Mặc cho thực tế là chỉ có một vài phân tích chi tiết về vai trò của cá mập với tư cách là những kẻ săn mồi bậc cao chiếm vị trí hàng đầu trong chuỗi thức ăn, chúng được coi là một thành phần quan trọng đối với một cộng đồng đại dương khỏe mạnh. Với lịch sử tiến hóa hơn 350 triệu năm với vai trò là loài săn mồi bậc cao, nhiều khả năng cá mập và họ elasmobranch của chúng là một động lực tiến hóa, ảnh hưởng đến cộng đồng đại dương từ thời cổ đại (Heithaus và cộng sự năm 2010). Thông qua việc săn mồi, cá mập tạo ra sự kiểm soát từ trên xuống đối với các loài là mồi của chúng, trực tiếp điều chỉnh sự phong phú và ảnh hưởng đến hành vi của con mồi, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng đại dương (Ferretti và cộng sự năm 2010; Heupel và cộng sự năm 2014).
Mặc cho thực tế là chỉ có một vài phân tích chi tiết về vai trò của cá mập với tư cách là những kẻ săn mồi bậc cao chiếm vị trí hàng đầu trong chuỗi thức ăn, chúng được coi là một thành phần quan trọng đối với một cộng đồng đại dương khỏe mạnh. Với lịch sử tiến hóa hơn 350 triệu năm với vai trò là loài săn mồi bậc cao, nhiều khả năng cá mập và họ elasmobranch của chúng là một động lực tiến hóa, ảnh hưởng đến cộng đồng đại dương từ thời cổ đại (Heithaus và cộng sự năm 2010). Thông qua việc săn mồi, cá mập tạo ra sự kiểm soát từ trên xuống đối với các loài là mồi của chúng, trực tiếp điều chỉnh sự phong phú và ảnh hưởng đến hành vi của con mồi, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng đại dương (Ferretti và cộng sự năm 2010; Heupel và cộng sự năm 2014).
Theo một số nghiên cứu, việc loại bỏ cá mập, đặc biệt là các loài săn mồi lớn, có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cấu trúc cộng đồng của hệ sinh thái biển, do đó có thể gây ra các tác động kinh tế và sinh thái lâu dài. Tuy nhiên, do sự phức tạp của tương tác dinh dưỡng trong mạng lưới thức ăn dưới biển, rất khó để định lượng ảnh hưởng mà sự biến mất của cá mập sẽ gây ra. May mắn thay, ngày càng có nhiều người biết đến vai trò sinh thái của cá mập trong hệ sinh thái biển. Nỗi sợ hãi từ quá khứ có thể vẫn còn kéo dài, nhưng nó liên tục được thay thế bằng một sự hiểu biết tốt hơn.
Ngoài ra, đã có sự gia tăng nhanh chóng trong ngành du lịch sinh thái, có thể là tin tốt hơn đối với loài cá mập. Theo một nghiên cứu tại Palau của Vienna và cộng sự năm 2011, một con cá mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchos) có khả năng tạo ra 1,9 triệu USD trong cả cuộc đời nó cho ngành du lịch của Palau, một quốc gia nổi tiếng với ngành lặn cùng cá mập, trong khi cùng một con cá mập ước tính chỉ tạo ra 108 USD cho ngành công nghiệp đánh cá. Như thể hiện qua các con số, giá trị kinh tế của cá mập đối với du lịch lớn hơn nhiều so với thủy sản, thúc đẩy sự khuyến khích ngày càng tăng để bảo tồn chúng. Điều này được thể hiện qua lệnh cấm đánh bắt cá mập ở các quốc gia như Palau, Maldives và Bahamas, với lợi ích kinh tế lần lượt là 18 triệu USD, 38,6 triệu USD và 113,8 triệu USD từ du lịch liên quan đến cá mập (Haas, Fedler & Brooks, 2017; Martin và cộng sự năm 2006; Vianna và cộng sự năm 2011).
Một thợ lặn tình nguyện hạ chiếc giỏ chứa một con cá mập tre vằn (Chiloscyllium punctatum) xuống biển của tỉnh Chon, Thái Lan.
Trong một trung tâm thương mại sang trọng ở trung tâm thành phố Bangkok, ánh sáng lờ mờ xuyên qua đường hầm bao kính acrylic của một khu thủy cung. Những tia sáng làm tôi nhớ đến những buổi sáng đuổi theo cá mập lúc bình minh. Đối với tôi, chuyển động duyên dáng và bản tính thận trọng của chúng khác xa với những gì người ta vẫn nghĩ về loài sát thủ dưới đáy sâu. Tôi nhìn chúng như những sinh vật tuyệt vời có vai trò quan trọng trong vương quốc đại dương. Trong suốt 11 năm làm việc trên biển của tôi, những con cá mập luôn để tôi (kẻ xâm nhập) được yên, trong khi giống loài của tôi đã làm suy giảm quần thể của chúng và phá hủy nhà của chúng. Trong số những tiếng động đinh tai trong thủy cung, du khách cả trẻ và già đứng ngỡ ngàng trước sinh vật biển đầy màu sắc và kỳ lạ trong bể acrylic. Tôi không thể không nghĩ rằng con người chúng ta chỉ là một giống loài nhỏ bé đứng trên đỉnh của chặng đường tiến hóa mà điểm khởi đầu là đại dương.
Những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay chỉ đơn giản là đốt cháy ngôi nhà lâu đời nhất của chính mình, ngôi nhà nơi mọi sự sống trên Trái đất bắt đầu. Một con cá mập Tiger lớn (Carcharias taurus) từ từ bơi qua tôi từ phía kia bể kính. Tôi chưa từng gặp chúng dưới nước, nhưng tôi biết rằng khuôn mặt đáng sợ trái ngược hoàn toàn với bản chất ngoan ngoãn của chúng. Loài cá mập đặc biệt này không đến từ vùng biển Thái Lan mà được nhập từ Úc. Đột nhiên, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên phía sau khiến tôi phải quay lại ngay lập tức. “Cá mập không thích ăn thịt người đâu con à”, một bà mẹ trẻ nói với con trai mình. Câu nói ấy khiến tôi mỉm cười. Mất quá nhiều thời gian để loài cá mập được nhìn nhận đúng bản chất: loài săn mồi góp phần quan trọng vào hệ sinh thái biển, không phải kẻ ăn thịt vô tâm mà con người sợ hãi từ lâu. Tôi bước ra khỏi bể cá, hồi tưởng lại những ngày đẹp đẽ khi ở dưới biển, chờ chúng bơi qua mình.
Một con cá mập Tiger lớn (Carcharias taurus) từ từ bơi qua tôi từ phía kia bể kính. Tôi chưa từng gặp chúng dưới nước, nhưng tôi biết rằng khuôn mặt đáng sợ trái ngược hoàn toàn với bản chất ngoan ngoãn của chúng. Loài cá mập đặc biệt này không đến từ vùng biển Thái Lan mà được nhập từ Úc. Đột nhiên, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên phía sau khiến tôi phải quay lại ngay lập tức. “Cá mập không thích ăn thịt người đâu con à”, một bà mẹ trẻ nói với con trai mình. Câu nói ấy khiến tôi mỉm cười. Mất quá nhiều thời gian để loài cá mập được nhìn nhận đúng bản chất: loài săn mồi góp phần quan trọng vào hệ sinh thái biển, không phải kẻ ăn thịt vô tâm mà con người sợ hãi từ lâu. Tôi bước ra khỏi bể cá, hồi tưởng lại những ngày đẹp đẽ khi ở dưới biển, chờ chúng bơi qua mình.
Sirachai Arunrugstichai là nhà nghiên cứu đa dạng sinh học, về sau trở thành phóng viên ảnh. Sirachai chuyên chụp hình và viết phóng sự về sinh thái vùng biển sâu, từng được trao giải thưởng của Liên Hiệp Quốc, National Geographic cùng nhiều giải thưởng quốc tế và Thái Lan. Bài viết trên đây do anh thực hiện cho tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Thái Lan và đồng ý cho tạp chí Nhà Quản Lý dịch và đăng tải phiên bản tiếng Việt.
Tạp chí Nhà Quản Lý số 03 - Những kẻ săn mồi bị đe dọa
Ảnh: Sirachai Arunrugstichai